Cầu nguyện cho những người đang khổ đau

cau-nguyenCó ai khổ như tôi không? Trời ơi, ai có thấu! Đó là những lời thường thốt ra ngoài miệng hoặc gặm nhấm tâm hồn người đang đau khổ. Khi buồn khi khổ, thời gian là những chuỗi dường như vô tận. Người ta muốn thoát ra mà không biết cách nào và khi nào có thể. Thế mà, người Kitô hữu lại đi tôn thờ một Đấng bị treo trên thập giá. Thế mà, Hội Thánh lại đi suy tôn Thánh giá. Hình như có cái gì đó sai sai ở đây!

Có những người đang đau khổ vì chiến tranh loạn lạc. Họ phải rời bỏ quê hương, đơn giản vì nếu không thì sẽ chết. Họ phải bỏ lại đằng sau tất cả những gì là truyền thống, gia đình, người thân. Họ sống trong tình trạng người còn người mất, trong một tương lai vô định.

Có những người đang đau khổ vì chưa có đủ nước uống, cơm ăn, áo mặc; vì bệnh tật, vì không được học hành. Họ sống cùng cực trong cuộc đời chật vật với kế sinh nhai.

Có những người đang đau khổ vì bị gạt ra bên lề xã hội, vì bị người thân coi như người dưng nước lã, vì bị tổn thương đến độ không dám tin ai.

Có những người đang đau khổ vì dù có tất cả của cải tài năng mà lại sống trong tình trạng trống rỗng mất hết ý nghĩa.

Có những người đang đau khổ mà không biết mình đang đau khổ. Đó là những kẻ khủng bố, tự hào về những chiến tích giết người và phá huỷ.

Lại có những con người sẵn lòng chịu khổ để toả cho đời hương thơm dịu ngọt. Họ kín múc sức mạnh từ nơi Thầy Giêsu chí thánh. Thay vì tự gặm nhấm nỗi đau, thay vì lây lất với câu hỏi: ai làm cho tôi đau khổ; thì họ tìm thấy lời đáp cho một lời mời: tôi có thể giúp ai bớt khổ. Khi không lấy mình là tâm điểm cuộc sống, khi bắt đầu biết nhìn người và biết thương người, người ta có một lối khác để thấy nỗi đau.

Giêsu vào đời vì tình yêu mến và đón nhận những đau khổ của phận người. Suy cho kỹ, hiếm có ai khổ bằng Giêsu. Ngẫm cho sâu, khó có ai vui như Giêsu. Có lẽ Giêsu là người hùng lý tưởng mà người ta kỳ vọng! Khi thấy Thầy Giêsu nổi tiếng trong lời nói và việc làm, người ta từng nghĩ như thế. Ít ai chú ý rằng, Giêsu ấy đã sống âm thầm suốt 30 năm. Ít có ai muốn nghe Thầy nói về cuộc khổ nạn. Lại càng ít người nhớ được rằng, Thầy đã nói về sự phục sinh và Thầy sẽ phục sinh. Chẳng thế, mà đến chân thập giá, người ta đều chạy trốn.

Nhiều người vào đời với tình yêu mến, nhưng tình yêu ấy rất bé nhỏ và mong manh. Người Việt thường nói, quá tam ba bận. Phêrô thì hỏi Thầy: phải tha đến mấy lần, đến 7 lần không. Phêrô không thể hiểu được cái kiểu tha đến 70 lần 7 của Thầy. Trên đường vác thập giá, người ta thì chạy trốn, có mấy chị em đạo đức vẫn đi theo Thầy, họ khóc thương cho một người Thầy đáng kính mà lại bị xử bất công. Cũng vì tình thương mến ấy, mà các chị em đi viếng mộ Thầy, để thăm xác của người Thầy đã khuất. Nhưng trong tình người, dường như cái chết là chấm dứt tất cả. Chẳng thế, mà hai môn đệ Emmau đã trở về quê sau khi Thầy của họ chết. Vì với họ, thế là hết. Bao nhiêu lý tưởng và kỳ vọng vào người Thầy này đã tiêu tan. Giờ chẳng còn gì.

Tình yêu mến của Giêsu không dừng lại ở cái chết, mà vượt qua cái chết để tới phục sinh. Tình yêu ấy hoá giải khổ đau thành niềm vui tinh tuyền. Cái khó chấp nhận lại là then chốt, đó là đón nhận Thập giá như là Thánh giá. Người ta mãi đau khổ vì người ta muốn nhanh hạnh phúc. Làm ăn chân chính thì lâu giàu, làm ăn bất chính thì giàu nhanh mà chết cũng nhanh. Ăn chơi thì nhanh vui mà khổ thì không ai đỡ được.

Đứng dưới chân Thập giá, Gioan đã giải nghĩa được thập giá nhờ ngắm nhìn Thầy, nhờ lời Thầy đã nói, nhờ những kỷ niệm sống cùng Thầy. Mẹ Maria đã đứng vững trong niềm hy vọng lớn lao cho dù dường như là chẳng còn gì hy vọng.  

Con đường Giêsu khó hiểu và khó sống, vì người được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít, người theo đến cùng lại càng ít hơn. Cái khó nằm nơi con người chứ không nơi Thiên Chúa. Ngày nay, nhiều người thích đọc lướt, xem qua, nghe thử, trải nghiệm cho biết… Phong cách ấy là một phần của cuộc sống tươi đẹp, nhưng nếu phong cách ấy bao trùm toàn bộ cuộc sống, thì sẽ chẳng còn chỗ dành cho tha nhân và Thiên Chúa, vì tình thân với Giêsu và tình người có giá trị vô lượng chứ không hề là kiểu xã giao thoáng qua.

Lạy Chúa, Chúa thấu biết sự cùng khổ của con. Xin đồng hành cùng con, xin ban cho con sức mạnh, để con thấy cuộc đời này không chỉ toàn đau khổ mà còn có nhiều niềm vui, để con đồng cam cộng khổ với anh chị em con, để con sống niềm vui phục sinh của Chúa ngay trong những thử thách khổ đau của cuộc đời.

Tứ Quyết SJ

Kiểm tra tương tự

Kinh nghiệm tôn giáo đích thực | Suy niệm Chúa Nhật Tuần XXII – Mùa Thường Niên

Các bạn thân mến! Tôn giáo là một trong những yếu tố thiết yếu trong …

GIÊSU, TẤM BÁNH HẰNG SỐNG | Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật 19 Thường Niên B

Trong đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu xác định căn tính và …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *