Tuần này, ngài nói về một diễn tả của lòng thương xót rất ý vị: kiên nhẫn chịu đựng người hay gây phiền toái.
Đức Thánh Cha: “Lập tức chúng ta nghĩ rằng: tôi phải chịu đựng những lời than vãn tầm phào, những lời nài nỉ hay ngạo mạn của người này bao lâu nữa?”
Ngài nhắc nhớ về sự kiên nhẫn của Thiên Chúa với Israel trong Cựu Ước và trong Tân Ước, ngài cũng gợi lại sự căng thẳng mà Chúa Ki-tô đã đón nhận từ bà mẹ của hai môn đệ Ngài.
Đức Thánh Cha: “Bà ấy nói với Ngài: ‘Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.’ Bà mẹ đang vận động hành lang cho các con của mình.”
Đức Thánh Cha đã nói rằng khi phải nhẫn nại với những người gây phiền toái, người ấy phải nhớ rằng bao nhiêu lần những người khác đã chịu đựng tính khí phiền toái của chính mình.
Ngài nói thêm rằng việc làm của lòng thương xót này là cơ hội để sửa kẻ sai xót và dạy người lỗi lầm hay không ý thức.
Đức Thánh Cha: “Việc giúp người khác tập trung vào những gì chính yếu là một sự giúp đỡ cấp thiết, đặc biệt những lúc giống như thời đại của chúng ta ngày nay, thời đại dường như đã đánh mất hướng đi và chạy theo những thỏa mãn nhất thời.”
Cuối bài giáo lý của mình, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Chúa nhật tới sẽ là Ngày Thế Giới về các quyền của Trẻ Em và Thanh Thiếu Niên. Ngài kêu gọi việc bảo vệ quyền lợi của các nhóm thiểu số, đặc biệt là bảo vệ họ khỏi những tổ chức nô lệ.
Minh Trị S.J.
Chuyển dịch từ Romereports.com