Khao khát gặp gỡ Thiên Chúa

Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 30 TNB (Mc 10,46-52)

 

 

Cầu nguyện không phải là biểu hiện của sự bất lực, cũng không phải là chạy trốn khỏi thực tại. Nhiều người nghĩ rằng, cầu nguyện là để giải quyết việc mà ta không thể làm gì được nữa. Không! Cầu nguyện là mối tương quan thân tình giữa ta với Thiên Chúa, chứ không phải là thời gian để xin xỏ kiếm chác. Cầu nguyện là hành động diễn tả niềm tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa.

 

Cầu nguyện là mối tương quan thân tình giữa ta với Thiên Chúa, chứ không phải là thời gian để xin xỏ kiếm chác.

 

Lời cầu xin của anh mù Ba-ti-mê [1] là một mẫu gương về lời cầu nguyện và mối tương quan thân tình với Thiên Chúa [2]. Trên đường rời Giê-ri-khô tiến lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đã chữa lành cho người mù đang ăn xin bên vệ đường. Đây là phép lạ rất quan trọng và ẩn chứa nhiều ý nghĩa trước khi Ngài dự Lễ Vượt Qua ở Giê-ru-sa-lem. 

 

Ba-ti-mê mất thị lực, nhưng không mất giọng nói. Khi nghe tin Đức Giê-su sắp đi ngang qua, anh lớn tiếng kêu xin: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!” Khi thấy anh ta la hét nhiều lần, các môn đệ và đám đông cảm thấy khó chịu và quát nạt bảo anh im đi. Nhưng anh càng kêu to hơn: “Lạy Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!”  Giữa tiếng ồn ào của đám đông, Đức Giê-su nghe thấy lời cầu xin. Ngài liền dừng lại và cho gọi anh tới. Đức Giê-su không cảm thấy bị quấy rầy bởi giọng la hét của Ba-ti-mê. Thậm chí, Ngài còn thấy anh là người có đức tin mạnh mẽ và kiên trì gõ cửa trái tim Thiên Chúa. Mặc dù anh ta bị nhiều người ra sức ngăn cản và trách móc, nhưng anh vẫn kêu gào và tha thiết cầu xin.

 

Anh là người có đức tin mạnh mẽ và kiên trì gõ cửa trái tim Thiên Chúa. Mặc dù anh ta bị nhiều người ra sức ngăn cản và trách móc, nhưng anh vẫn kêu gào và tha thiết cầu xin.

 

Ba-ti-mê không dùng nhiều lời. Hành động của anh diễn tả lòng tin tưởng và phó thác mọi sự nơi Thiên Chúa. Anh không xin Đức Giê-su cho của bố thí, nhưng thưa với Ngài về sự mù lòa và nỗi đau khổ của mình. Nỗi đau day dứt ở trong tâm hồn khó chịu hơn cả sự mù lòa thể xác, nên anh kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Chắc chắn sự mù lòa chỉ là phần nổi của tảng băng chìm! Lòng anh đang bị những vết thương đau đớn: sự tủi nhục, cảm giác tội lỗi, bị mọi người khinh chê và bị bỏ rơi… Cho nên anh kêu gào lên Chúa bằng tất cả trái tim đau khổ của mình.

 

Nỗi đau day dứt ở trong tâm hồn khó chịu hơn cả sự mù lòa thể xác, nên anh kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa.

 

Đó là một lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa, là lời cầu nguyện mẫu cho mỗi người chúng ta. Mỗi người tự hỏi mình xem, tôi thường cầu nguyện thế nào? Lời cầu nguyện của tôi có bao gồm những vết thương, sự tủi nhục, những giấc mơ bị tan vỡ, những lỗi lầm và lòng thống hối ăn năn không? Tôi có nói với Chúa về những điều tôi đang phải đối diện không? Hay tôi chỉ cầu xin những điều trước mắt để thỏa mãn cho cái tôi ích kỷ của mình? Đối với một đức tin trưởng thành, lời cầu xin xuất phát từ trái tim không phải là cầu xin tiền tài danh vọng! Lời cầu xin của người có đức tin trưởng thành không giới hạn vào những nhu cầu nhất thời, nhưng là sự phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa.

 

Chúng ta hãy dành thời gian chiêm ngắm những hành động thể hiện đức tin của anh mù Ba-ti-mê: kiên trì, chân thành và cam đảm kêu xin Thiên Chúa. Anh kêu gào lên Chúa từ đáy lòng mình. Tuy việc anh kêu gào lớn tiếng, có vẻ không lịch sự cho lắm và khiến cho nhiều người khó chịu, nhưng anh đã cố gắng hết sức và làm tất cả để có được sự chú ý từ Đức Giê-su. Mặc dù, bị đám đông ngăn cản, họ bảo anh im đi, nhưng anh cứ tiếp tục gọi và gõ cửa! Lời cầu xin xuất phát từ trái tim đã chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa, Ngài gọi anh đến, chữa lành và nói với anh: “Hãy đi, lòng tin của anh đã cứu chữa anh!

 

Mặc dù, bị đám đông ngăn cản, họ bảo anh im đi, nhưng anh cứ tiếp tục gọi và gõ cửa! Lời cầu xin xuất phát từ trái tim đã chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa.

 

Có thể nói, đức tin là tin tưởng và kêu xin; còn sự vô tín là không hy vọng và muốn dập tắt tiếng kêu ấy. Đám đông vô tín đã lên tiếng bảo anh im đi. Họ không phải là những người có lòng tin. Một đức tin trưởng thành không chấp nhận lối sống im lặng, không chấp nhận sống trong tình trạng cay đắng mà không hiểu nguyên nhân. Chịu đựng một cách mù quáng và chấp nhận thích nghi với những điều sai trái, mà không chịu thay đổi, đó không phải là lối hành xử của đức tin trưởng thành.

 

Đức tin là tin tưởng và kêu xin; còn sự vô tín là không hy vọng và muốn dập tắt tiếng kêu ấy. Một đức tin trưởng thành không chấp nhận lối sống im lặng, không chấp nhận sống trong tình trạng cay đắng mà không hiểu nguyên nhân.

 

Đức tin là hy vọng cứu rỗi. Sự vô tín là đồng lõa với những áp bức và sống an phận, bằng lòng cứ để mọi sự như cũ, không dám thay đổi! Anh mù Ba-ti-mê là người có lòng tin. Anh kiên trì và không nghe theo sự quát nạt của đám đông. Anh tin tưởng, hy vọng và đã nhận được điều anh kêu xin.

 

Thiên Chúa luôn lắng nghe tiếng kêu xin của chúng ta. Nếu lời cầu xin đến từ tận đáy lòng, thì sẽ chạm đến tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta được mời gọi sống đức tin trưởng thành: luôn tin tưởng và thưa mọi sự với Ngài. Ngay cả khi chúng ta thấy mối tương quan của mình với Ngài chưa thực sự tốt đẹp. Cho dù, chúng ta chưa yêu Chúa nhất, thì Ngài vẫn yêu thương chúng ta. Trong bữa tiệc ly, Ngài đã hứa: Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Thiên Chúa luôn ở gần cánh cửa tâm hồn và chờ đợi ta mở cửa cho Ngài. 

 

Câu chuyện người mù ở Giê-ri-khô, không nhấn mạnh đến việc chữa lành, không tập trung vào niềm vui và sự ngạc nhiên về phép lạ ấy, nhưng thay vào đó, thánh Mác-cô muốn nhấn mạnh: đôi khi rất khó để đến với Đức Giê-su. Trong cuộc sống thường ngày, luôn xuất hiện nghìn lẻ một lý do chính đáng ngăn cản ta đến gặp gỡ Chúa và cầu xin Ngài những điều cần thiết. Nếu không tìm kiếm cơ hội và dành thời gian đến với Chúa, thì đến cuối cuộc đời, chúng ta vẫn cứ an phận sống bên lề đường, mà không chịu thay đổi. Còn nếu chúng ta thực sự khao khát gặp gỡ và tìm mọi cách để đến với Chúa, thì chắc chắn, chúng ta sống cuộc đời mới như anh mù Ba-ti-mê: đi theo và ở lại với Ngài.

 

Nếu không tìm kiếm cơ hội và dành thời gian đến với Chúa, thì đến cuối cuộc đời, chúng ta vẫn cứ an phận sống bên lề đường, mà không chịu thay đổi.

 

Câu chuyện về anh mù Ba-ti-mê ở Giê-ri-khô mở ra cho chúng ta nhiều điều suy ngẫm. Theo Tin Mừng thánh Mác-cô, sau khi phép lạ này diễn ra khoảng một tuần, Đức Giê-su sẽ vác thánh giá lên đồi Can-vê. Chắc chắn, anh mù Ba-ti-mê đã được sáng mắt sẽ chứng kiến tất cả những chuyện xảy ra với Đức Giê-su trong tuần thánh. Anh ấy sẽ suy nghĩ gì về Đức Giê-su, khi tuyên xưng Ngài là Con vua Đa-vít? Anh còn tin tưởng, hy vọng và bước theo Ngài nữa không? Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có dám vứt bỏ tấm áo choàng an toàn của mình để đi theo Đức Giê-su, hay chúng ta hài lòng chấp nhận với số phận của người mù, cả cuộc đời ngồi đợi bên lề đường?

 

Lm. Giuse Trần Văn Ngữ, S.J.

 

 

[1] Βαρτίμαιος (bartimaeus) phiên âm tiếng Việt là Ba-ti-mê. Tên gọi này hàm chứa ý nghĩa gì? Βαρ (bar) = son (người con trai); τίμαιος (timao) = honor, respect, restore (danh giá, tôn trọng, phục hồi). Ba-ti-mê có nghĩa là con trai của ông Ti-mê. Và tên gọi ấy hàm chứa nghĩa: người danh giá, người được tôn trọng, hay người được phục hồi.

[2] Tin Mừng Chúa Nhật 30 thường niên năm B: Người mù ở Giê-ri-khô (Mc 10,46-52)

Kiểm tra tương tự

Manna: Yêu tha nhân như chính mình (Chúa nhật 31 Thường niên Năm B – Mc 12,28b-34)

https://phutcaunguyen.net/pcnapp/audio/CN31TNB_MC12_28_34.mp3   Lời Chúa: (Mc 12,28b-34) 28 Có một người trong các kinh sư đã …

Lễ Các Đẳng Linh hồn có phải lễ buộc?

Mặc dù lễ Các Đẳng Linh Hồn (All Souls Day) không phải là ngày lễ …