Đức Thánh Cha Phanxicô: “Ai cũng kinh nghiệm thấy những hoài nghi trong đức tin của mình.”
Ai cũng đã từng đôi lần kinh nghiệm được những hoài nghi về đức tin – “Tôi có kinh nghiệm đó” nhiều lần, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ – nhưng những hoài nghi như thế có thể là “dấu hiệu cho thấy chúng ta muốn biết Chúa nhiều hơn và sâu hơn.”
“Chúng ta không cần phải sợ những thắc mắc và hoài nghi, vì chúng là khởi đầu và là bước tiến sâu hơn của con đường hiểu biết; ai không đặt câu hỏi thì không thể tiến triển trong hiểu biết hay trong đức tin.“ Đức Thánh Cha đã phát biểu như thế vào ngày 23 tháng 11 tại buổi yết kiến chung hàng tuần.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng mặc dù Năm Lòng Thương Xót đã khép lại, ngài vẫn muốn buổi yết kiến chung của ngài phản tỉnh về những việc làm của lòng thương xót, về mặt thể lý cũng như tinh thần.
Khi được dự báo trời sẽ mưa, khoảng 10.000 khách hành hương và du khách đã được Vatican chuyển vào trong hội trường.
Với giọng nói hơi khàn khàn, Đức Thánh Cha đã tập trung vào các hoạt động tinh thần của lòng thương xót qua việc “tư vấn cho kẻ nghi ngờ” và “hướng dẫn những người mê muội.” Ngài nói rằng đây không có nghĩa là sự xúc phạm mà đơn giản chỉ là mô tả về một người không biết một điều gì đó.
Hãy gọi việc thiếu sự tiếp cận với giáo dục là một “bất công nghiêm trọng,” Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu những người trong hội trường nổ một tràng pháo tay dành cho những nhà giáo và “danh sách dài các vị thánh, những người qua các thời đại đã đưa việc giáo dục đến những hoàn cảnh khó khăn nhất.”
Ngài nói: Giáo dục vừa là công việc phúc âm hóa, vừa là việc làm của lòng thương xót và công lý, vì nó công nhận phẩm giá của con người, chống phân biệt đối xử và chống lại nạn nghèo đói bằng cách chuẩn bị nghề nghiệp cho mọi người.
Hoạt động của lòng thương xót trong việc tư vấn cho những người hoài nghi liên quan đến việc cố gắng “làm dịu nỗi đau và thống khổ nảy sinh từ sợ hãi và lo âu, vốn là những hậu quả của sự nghi ngờ” về sự tốt đẹp của cuộc sống và về tình yêu Thiên Chúa.
“Tôi nghĩ ai đó sẽ hỏi tôi: ‘Thưa cha, con có nhiều mối hoài nghi về đức tin, con nên làm gì? Cha đã từng có những hoài nghi như thế?’” Đức Thánh Cha nói. “Cha có nhiều,” ngài trả lời, “có những lúc ai ai cũng đều có những hoài nghi.”
Ngài nói, chìa khóa ở đây là hãy xem những hoài nghi như một lời mời gọi đào sâu đức tin của một người, qua nghiên cứu hay qua việc tìm sự hướng dẫn từ các tín hữu khác.
“Để làm điều này, cần phải lắng nghe Lời Chúa và hiểu những gì Lời ấy dạy chúng ta,” ngài chia sẻ. “Nhưng đồng thời, một con đường quan trọng không kém là sống đức tin nhiều bao nhiêu có thể.”
Khi chúng ta nhận thấy đức tin chủ yếu là “một lý thuyết trừu tượng thì hoài nghi tăng lên” – ngài nói.
Đức Thánh Cha chia sẻ: Nhưng khi đức tin được sống và được diễn tả trong việc phục vụ tha nhân, “thì nhiều mối hoài nghi sẽ tan biến vì chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa và chân lý của Tin Mừng trong tình yêu, vốn không do công đức của chúng ta. Tình yêu ấy sống trong chúng ta và đó là điều chúng ta chia sẻ với anh chị em mình.”
Minh Vương, S.J. chuyển ngữ
Nguồn: America Magazine