Viết cho vị ân sư

Chiều những ngày cuối tháng 5 năm 2019…

Tôi trở về thăm ngôi trường cấp ba ngày xưa.

Hàng phượng vỹ trong sân trường đã nở những bông hoa đầu tiên. Những chú ve sầu thi nhau hòa tấu khúc ca đầu hè. Tôi tản bộ một vòng quanh sân trường. Sau khi đã ghé thăm những nơi chốn kỉ niệm, tôi ngồi xuống chiếc ghế đá dưới gốc phượng già vẫn đứng sừng sững bao năm nay. Chợt thấy cả một trời thương nhớ ùa về. Tôi bắt đầu nhớ từng chiếc ghế đá, gốc phượng, lớp học, nhớ cả các bạn nữ sinh trong tà áo dài. Những kỉ niệm hồn nhiên tuổi học trò, về thầy cô, bạn bè, trường lớp diễn ra trước mắt như một đoạn phim quay chậm. Đoạn phim đang chiếu cảnh về ngày xưa, về tuổi học trò, về một thời vụng dại từ những lần nô đùa chạy giỡn trong sân trường, cho đến hình ảnh những người lái đò đã chở biết bao thế học trò sang sông. Bỗng nhiên đoạn phim dừng lại nơi người cô kính yêu của tôi. Người đã truyền lửa cho tôi để tôi có được thành công như ngày hôm nay.

Cô tên Phan Thị Hóa. Cô dạy tôi môn Văn. Ngày đầu tiên bước vào lớp, cô đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong tôi. Tuổi cô trạc tuổi mẹ tôi, khoảng độ năm mươi tuổi. Nhưng ngày ấy cô lúc nào cũng mặc áo dài nên trông cô rất trẻ. Dáng người cô nhỏ nhắn. Cô khác hẳn với những thầy cô khác. Bất kể trời mưa hay nắng, cô vẫn xuất hiện với chiếc áo dài thướt tha. Cô bảo trước khi cô vào Đại học sư phạm Vinh, cô đã đi bộ đội bốn năm. Khi vào Đại học, được mặc áo dài, cô rất thích, vì khi đi bộ đội cô chẳng biết áo dài là gì. Nó như một chiếc máy quay kỉ niệm, mỗi lần mặc áo dài cô lại nhớ đến thời cô còn là sinh viên Đại học sư phạm. Có thể, với các bạn đồng trang lứa của tôi, cô chỉ là một người bình thường như bao người khác. Nhưng đối với tôi cô là một người rất đặc biệt và là một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh tuổi học trò của tôi. Ngoài vai trò là một người cô dạy kiến thức, cô còn như là người mẹ hiền dạy tôi biết bao bài học hay trong cuộc sống. Nơi cô, tôi học được nhiều điều mới mẻ, hay và bổ ích mà có lẽ đi suốt quãng đời còn lại tôi cũng không thể có được. Những tiết học của cô thật sinh động và hấp dẫn. Ngoài việc trình bày lý thuyết về các tác giả, tác phẩm, ngữ pháp khô cứng, cô đã lồng vào trong tiết học những giá trị nhân văn sâu sắc có thể áp dụng vào cuộc sống. Cô cũng tập cho chúng tôi viết những đoạn văn ngắn từ năm đến mười hàng về những chủ đề chúng tôi thích. Vì thế, chúng tôi được thỏa sức viết mà không bị bó buộc ở những bài viết đã có sẵn trong sách văn mẫu. Từ năm mười hàng chúng tôi đã có thể viết lên được một trang, hai trang…Từ đó, tôi bắt đầu thích viết lách.

Ngày 20 tháng 11 năm 2012, tôi có dịp đến thăm nhà cô. Căn nhà cấp 4 đã phủ màu rêu phong. Cô sống một mình. Chồng cô mất đã lâu. Các con cô đều đi học ở thành phố. Một mình cô bươn chải với cuộc sống để nuôi hai cô con gái ăn học nên người. Đối với tôi cô quả thật phi thường. Cô vừa là một nhà giáo nhiệt huyết với nghề, vừa là người mẹ mẫu mực. Một người phụ nữ vừa có tâm, lại vừa có tầm. Khi bước vào nhà, đập vào mắt tôi là những tấm bằng khen được treo trên tường: bằng khen vì sự nghiệp giáo dục, chiến sĩ thi đua, và một tấm bằng gì đó đã cũ nên tôi không đọc được, có hình cô trong bộ đồ quân nhân.

Tôi còn nhớ một kỉ niệm với cô. Hôm ấy, lớp tôi có tiết của cô. Cô có việc đột xuất, nên thông báo cho cả lớp được nghỉ. Thời học sinh khi được nghỉ tiết thì có niềm vui nào bằng. Thế là cả lớp vỗ tay reo mừng. Cô vẫn đứng trước cửa lớp. Những tiếng hoan hô nhỏ dần rồi tắt hẳn. Nhìn sâu trong khóe mắt cô, có một chút buồn, thất vọng và ngân ngấn nước. Tất cả chúng tôi cảm thấy có lỗi với cô. Vậy mà cô không một lời trách mắng. Sự im lặng của cô chính là lời nhắc nhở chúng tôi. Hôm sau, lớp trưởng đại diện cả lớp đến xin lỗi cô. Nụ cười của cô lại tươi nở trên môi. Cô nói: “Nếu lúc đó cô la rầy tụi em, thì tưởng nghĩ với cái tuổi cứng đầu của tụi em, liệu tụi em có nghe lọt tai những lời cô nói lúc đó không?”. Tất cả chúng tôi đều cúi đầu tỏ ra đã biết lỗi.

Tôi không biết ai đã ví thầy cô như những người lái đò ngày đêm cần mẫn trên chuyến đò tri thức, còn lũ học trò chúng tôi là những lữ khách sang sông, hết lớp khách này lại đến lượt khách khác rời bến sông nhưng người lái đò vẫn sớm chiều đứng đợi. Cô đã hun đúc trong tôi lòng yêu mến nghệ thuật, văn chương và thơ ca. Tôi có thể viết ra những dòng này, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của bản thân còn có sự động viên, khích lệ của cô. Cho đến bây giờ, sau 6 năm rời mái trường, thỉnh thoảng tôi vẫn gửi những bài viết nhờ cô sửa giúp. Cô luôn vui vẻ và khuyến khích tôi tiếp tục viết lách. Cô bảo: “Em dạo này viết chắc tay hơn nhiều rồi đấy!”

Suốt quãng thời gian cấp 3, cô là người đưa đò quen thuộc của tôi. Vậy mà từ khi cầm bút, tôi chưa viết được bài nào về cô cả. Trên đây là những dòng hồi ức, những cảm nghĩ của tôi về người cô kính yêu. Tôi không lấy lời kể từ người khác để thêm vào lời văn của mình, đây là những tình cảm chân thật tự đáy lòng tôi. Tôi sợ khi phóng tác, bài viết sẽ lạc mất cái chân thật. Nhớ ngày nào còn dưới mái trường thân yêu, với những kỉ niệm vui buồn, những hờn giận ngây thơ của tuổi học trò, vậy mà thời gian đã thấm thoát trôi qua. Giờ đây tôi đã chập chững bước đi trên con đường mang tên “cuộc sống” của chính mình. Chặng đường ấy sẽ không xanh tươi, đẹp đẽ như vậy nếu không có công ơn của cô.

Đăng Vũ – ĐCV Sao Biển

Gửi người cô kính yêu, 20/11/2019

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Để trẻ em được là trẻ em lâu hơn

Ngày càng có nhiều phụ huynh cam kết không cho con mình sử dụng điện …

Hướng dẫn trẻ nhỏ khám phá sức mạnh chữa lành từ lòng thương xót và lời nguyện chuyển cầu

Tôi biết một người mẹ có hai con trai nhỏ thường xuyên cãi nhau. Một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *