Giáng sinh luôn là một thời khắc đặc biệt trong năm. Hình ảnh của Chúa Giêsu hài đồng nằm trong máng cỏ đem lại cho người ta cảm giác bình an.
Ngày xưa, khi Đức Maria sắp sinh, gia đình của Chúa hài đồng không được chủ nhà trọ tiếp đón. Họ không chào đón sự bình an Chúa hài đồng đem đến. Họ sợ bị làm phiền. Họ mong được thoải mái cho bản thân, còn người khác mặc kệ. Đằng sau sự xua đuổi đó dường như là nỗi sợ mất đi sự an toàn và tiện nghi, vì phải nhường chỗ cho một gia đình xa lạ.
Kinh Thánh kể rằng, khi hay tin có một vị vua mới ra đời, vua Herôđê mải lo cho ngôi báu nên sai quân lính đi lùng sục khắp nơi. Không thể tìm kiếm được hài nhi này, ông đã quyết định ra lệnh giết hết tất cả những em bé vừa mới chào đời. Nỗi sợ hãi hài nhi khiến ông phạm tội ác, giết chết những con người vô tội.
Trái ngược với hình ảnh tiêu cực ấy, hình ảnh của những mục đồng nghèo nàn, nhưng hạnh phúc khi đến gặp gỡ Chúa hài đồng, tìm thấy bình an của ngày Chúa ra đời:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm”
Người ta dường như chỉ có thể gặp Chúa khi thực sự có “thiện tâm”. Herode hay vị chủ nhà trọ không thấy Chúa, có lẽ bởi trong họ, sự ganh ghét, tị nạnh và ích kỷ đã làm cho họ mờ mắt. Không có “thiện tâm”, không nhận ra Chúa Hài Đồng. Không gặp được Chúa, không có sự bình an.
Đó là câu chuyện của ngày xưa mang ý nghĩa tôn giáo. Ngày nay, Lễ Giáng sinh không chỉ có ý nghĩa về mặt tôn giáo. Có vẻ như sau Tết Nguyên Đán, Giáng sinh là ngày lễ đem lại nhiều niềm vui cho nhiều người, là thời khắc người ta dễ dàng thấy được những mặt thiện của nhau. Vì lẽ đó, dù có giận hờn, bực tức ai đi chăng nữa, họ cũng khó tìm được một lý do hợp lý để không thể vui trong ngày Giáng Sinh.
Cứ độ cuối tháng 11, đầu tháng 12, khi các con đường giăng đèn đủ màu sắc, các xóm đạo nhộn nhịp làm hang đá, đường xá với các cửa hiệu trang trí sặc sỡ, các cửa hàng lủng lẳng những vật dụng trang trí Noel, phố xá thấp thoáng những ông già Noel đi giao quà… Giáng Sinh đã bắt đầu rộn ràng những bước đầu tiên. Những cánh thiệp được gửi đi mang Giáng sinh đến gần hơn với mọi người dù có đạo hay không có đạo. Những lời chúc quen thuộc, chứa đựng tấm lòng của người gửi gợi ấm tình thân, chia sẻ sự quan tâm dành cho nhau. Những bước đầu tiên Giáng sinh ấy cứ tiếp tục nối dài cho đến ngày lễ chính thức.
Đêm Giáng Sinh có lẽ là đỉnh điểm của niềm vui. Dù có tin hay không tin vào Chúa hài đồng, dù còn nhiều nỗi lo toan cho một cái Tết cận kề, có vẻ như không khí rộn ràng trong đêm thánh vô cùng ấy, khiến người ta không còn cảm thấy e dè, chán nản, nhưng rộng mở và đầy chia sẻ để đến với nhau. Những bữa ăn thấm đẫm niềm vui diễn ra ở nhiều nơi. Những buổi tiệc Réveillon là những kỷ niệm tình thân đáng nhớ của nhiều người. Vì vậy, sẽ không còn sự lạc lõng dù ở bất cứ đâu.
Nếu khi xưa, hình ảnh của mẹ Maria và thánh Giuse vẫn luôn bình an trong cuộc hành trình căng thẳng cùng đi với Chúa hài nhi, thì nay, người ta có lẽ cũng cảm nhận được sự bình an dù cuộc sống còn nhiều bon chen và nỗi vất vả, nhờ sự rộng mở để đến với nhau trong ngày Giáng sinh.
Thế nên, nếu ai để lòng chùn bước, hay để nỗi lo toan cuộc sống làm vơi đi sự bình an của Giáng sinh thì thật đáng tiếc. Bởi khi đó, có lẽ họ cũng như Herôđê hay chủ nhà trọ, thiếu đi “thiện tâm” để tìm thấy phúc lành bình an chăng?
Xin cho một Giáng sinh bình an!
Hải Thần