Bảo vệ Đức tin Công giáo trên Vương quốc Anh: Các Thánh & Chân phước Dòng Tên tại Anh (1)

Giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt, S.J. :

Thánh Augustinô Canterbury - “Tông đồ của Anh quốc”

Dân tộc Anh được nghe giảng Tin Mừng lần đầu vào khoảng cuối thế kỷ I hay đầu thế kỷ II, nhưng số người theo đạo còn thưa thớt. Năm 597, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả phái một đoàn truyền giáo do thánh Augustinô Canterbury dẫn đầu 40 tu sĩ dòng Biển Đức đến nước Anh. Đến thế kỷ VII, toàn thể dân chúng nước Anh đã gia nhập Hội Thánh. Cho đến thời vua Henry VIII, Giáo Hội Anh được tiếng là ngoan đạo và trung thành với Tòa Thánh.

Phần 1: Cuộc ly khai & Dòng Tên nhập cuộc

Phần 2: Thánh Robert Southwell và thánh Nicolas Owen

Phần 3:  Thời Nội Chiến và Cộng Hòa (1640-1660)

Phần 4: Các vị tử đạo năm 1678-1679

***

Phần 1: Cuộc ly khai & Dòng Tên nhập cuộc

Cuộc ly khai     

Mọi sự khởi đầu với vua Henry VIII, sinh năm 1491, lên ngôi năm 1509, qua đời năm 1547. Chỉ mấy tháng sau khi lên ngôi, nhà vua xin phép chuẩn của Tòa Thánh để kết hôn với công chúa Catherine người Tây Ban Nha, vì công chúa này từng kết hôn với anh của nhà vua, nhưng lúc ấy người anh đã qua đời và không có con. Ngay từ đầu đã có người nghĩ là cuộc hôn nhân ấy không hợp pháp vì nhà vua kết hôn với chị dâu. Kết quả của cuộc hôn nhân này là 3 hoàng tử và 1 công chúa. Tiếc là 3 hoàng tử đều chết sớm, chỉ còn lại công chúa Mary, người sau này sẽ là nữ hoàng Mary I.

Sau cuộc hôn nhân 18 năm, vua Henry VIII ngỏ ý muốn kết hôn với Anne Boleyn. Nhà vua lấy cớ là hôn nhân năm 1509 không hợp pháp và xin Tòa Thánh xử tiêu hôn. Không chờ kết luận của Tòa Thánh, nhà vua kết hôn với Anne Boleyn năm 1532. Năm 1533, Tổng Giám Mục Cranmer của Canterbury tuyên bố hôn nhân với Catherine năm 1509 là bất hợp pháp nên không thành sự. Năm 1534, Tòa Thánh trả lời là hôn nhân ấy hợp pháp và thành sự, không thể hủy bỏ được. Năm 1535, nhà vua ban hành Luật về Quyền Tối Thượng, theo đó vua nước Anh có quyền tối thượng trong Giáo Hội Anh: mọi quyền trên Giáo Hội Anh vốn thuộc Đức Giáo Hoàng nay thuộc quyền của vua hay nữ hoàng nước Anh. Ngay sau đó, nhà vua bổ nhiệm Thomas Cromwell làm tổng đại diện, với đầy đủ quyền hành trong mọi việc liên hệ đến Giáo Hội nước Anh. Vì không chấp nhận Quyền Tối Thượng của Giáo Hội Anh chuyển từ Đức Giáo Hoàng sang nhà vua, hai nhân vật thế giá hàng đầu trong nước là thánh giám mục Gioan Fisher của giáo phận Rochester và thánh Tôma More, thủ tướng, bị xử tử ngay trong năm 1535. Cuộc ly khai thực sự khởi đầu.

Thực ra đó chỉ là giọt nước làm tràn ly nước đã đầy. Người Anh sống trên một hòn đảo nên ít giao tiếp với thế giới bên ngoài. Họ chỉ biết có vua, mọi sự đều nhất nhất theo vua.[1] Ngay từ thời vua Henry II (1133-1189), nhà vua đã muốn có toàn quyền trong nước, cả trên thường dân cũng như trên hàng giáo sĩ, cả về dân sự cũng như về tôn giáo. Năm 1164, nhà vua ban hành 14 đạo luật giảm thiểu quyền của Tòa Thánh: tòa án triều đình giải quyết mọi việc trong nước, kể cả về tôn giáo. Thánh Tôma Becket, Tổng Giám Mục Canterbury, vì phản đối nhà vua nên bị giết ngay trong nhà thờ Chính Tòa năm 1170. Chính vua Henry VIII cũng có khuynh hướng ấy: ông muốn tiếp tục điều vua Henry II chưa thực hiện được mấy trăm năm trước, chỉ là theo từng bước chậm hơn. Liên tiếp 7 đạo luật được ban hành trước năm 1535, hạn chế đặc quyền của hàng giáo sĩ, báo hiệu nhà vua muốn được toàn quyền cả về tôn giáo trên thần dân. Hơn nữa, khuynh hướng chung của các triều đình Châu Âu vào thế kỷ XVI là muốn dành lấy quyền tuyệt đối trong nước, loại trừ quyền của Tòa Thánh.

Sau khi vua Henry VIII qua đời năm 1547, con của Anne Boleyn là Edward lên nối ngôi (1547-1553). Vì nhà vua còn nhỏ, nên mọi quyền hành về tôn giáo đều nằm trong tay Tổng Giám Mục Cranmer. Năm 1562, quyển Sách Kinh Nguyện (Prayer Book) được phát hành thay thế Sách Kinh Thần Vụ và Sách Lễ Rôma. Năm 1566, quyển Sách Kinh Nguyện mới thay thế quyển cũ: bỏ hết các lễ nghi đặc trưng Công Giáo, nghiêng hẳn về kinh lễ của người Tin Lành. Một tác phẩm nữa của Cranmer là soạn thảo bản 42 Điều Khoản Tôn Giáo, sau đó được rút lại thành 39, cho đến nay vẫn được coi là bản Tuyên Tín của Anh Giáo. Cuộc cải tổ đã cơ bản thực sự hoàn tất.

Sau khi vua Edward qua đời, con của Catherine là công chúa Mary lên nối ngôi (1553-1558). Nữ hoàng tái lập Giáo Hội Công Giáo như trước khi ly khai, hủy bỏ toàn bộ các luật liên hệ. Thủ lãnh tinh thần của cuộc ly khai là Cranmer bị xử tử, và sau đó là nhiều nhân vật ly khai khác. Bà kết hôn với ông hoàng Felipe của Tây Ban Nha. Những việc làm của nữ hoàng không giúp được cho Giáo Hội Công Giáo bao nhiêu, nhưng gây lo sợ và chống đối mạnh mẽ từ phía những người ly khai. Thời cơ thuận tiện đến với họ khi nữ hoàng qua đời.

Con gái của Boleyn là Elizabeth lên nối ngôi (1558-1603): trong 45 trên ngai vàng, người phụ nữ độc thân này đã đưa cuộc ly khai đến chỗ dứt khoát. Bà hủy bỏ toàn bộ những luật lệ liên hệ đến tôn giáo do Mary I ban hành, tái lập những điều đã được thiết lập do vua Henry VIII và vua Edward VI. Ngoài luật về Quyền Tối Thượng đã có, bà ban hành Luật về Nhất Thể: mọi người phải theo cùng một nghi thức trong phụng tự, tức là phải từ bỏ hoàn toàn Giáo Hội Công Giáo và theo Giáo Hội Anh Giáo. Hậu quả của các quyết định này là Giáo Hội ở Anh trở thành như một ngành trong chính phủ, hoàn toàn nhằm mục tiêu chính trị, đứng đầu là một quan chức được nữ hoàng bổ nhiệm. Chính nữ hoàng cho biết bà “điều hợp hàng tư tế”. Mọi người bị buộc phải tuyên thệ tuân hành các luật do nữ hoàng ban hành, ai từ chối bị kết tội phản quốc và hình phạt là tử hình. Đa số hàng giáo sĩ cũng như dân chúng ngoan ngoãn chấp hành.

Thật ra luôn luôn có những người bên ngoài thinh lặng nhưng bên trong vẫn trung thành với Hội Thánh Công Giáo. Trước nguy cơ Giáo Hội Công Giáo bị chính quyền tiêu diệt, một số người nghĩ đến việc phục hồi Giáo Hội Công Giáo, đứng đầu là William Allen[2]. Một chủng viện được mở tại Douai[3], để đào tạo linh mục và gửi về nước. Năm 1568, chủng viện Douai bắt đầu hoạt động. Năm 1570, Đức Giáo Hoàng Piô V ban hành sắc lệnh ra vạ tuyệt thông và truất phế Elizabeth: tín hữu Công Giáo không bị buộc phải tuân phục nữ hoàng. Đáp lại, nữ hoàng kết tội tất cả các linh mục Công Giáo là phản quốc và ai tham dự phụng tự Công Giáo là bất trung. Tình hình căng thẳng lên đến tột độ. Trong 4 tháng, từ ngày 22.7 đến ngày 27.11 năm 1588, có 21 linh mục triều và 12 giáo dân (một nữ) bị xử tử vì đức tin Công Giáo. Các cuộc bách hại diễn ra liên tục.

Tổng số chứng nhân chịu chết vì đức tin Công Giáo thời Elizabeth I là 189 gồm 128 linh mục, 61 giáo dân (3 nữ). Đó là chưa kể 32 tu sĩ dòng Phanxcicô bị bỏ chết đói trong tù. Bất chấp việc bị đe dọa trực tiếp đến tính mạng, vô số giáo dân vẫn kiên vững và hàng ngũ giáo sĩ Công Giáo vẫn gia tăng. Tính đến cuối thế kỷ XVI, Giáo Hội Công Giáo tại Anh có 366 linh mục gồm 50 linh mục dòng Thánh Mẫu sống sót, 300 linh mục xuất thân từ chủng viện Douai và 16 Giêsu hữu.

 Dòng Tên nhập cuộc

William Allen, người quyết tâm làm mọi sự để tái lập Giáo Hội Công Giáo tại Anh, người đã lập chủng viện đào tạo linh mục người Anh tại Douai và Rôma, đã gặp hai Giêsu hữu là thánh Edmunđô Campion ở Douai và đặc biệt gặp cha Robert Persons[4] ở Rôma. Ngay lập tức Allen và Persons tâm đầu ý hợp về kế hoạch phục hồi Giáo Hội Công Giáo ở Anh. Một phần trong kế hoạch ấy là sự hợp tác của Dòng Tên. Năm 1579, cha Bề Trên Cả Mercurian quyết định tham gia kế hoạch bảo vệ đức tin ở nước Anh. Năm 1580 hai linh mục là Persons và Campion cùng với tu huynh Ralph Emerson, cả 3 cùng là người Anh, về nước, mở đầu một “chiến dịch” tông đồ vừa lâu dài, quyết liệt, vừa khó khăn, vinh quang.

            Trước đó, Dòng đã có hai người tiên phong.

Tháng 6.1573, cha Thomas Woodhouse mở màn cho hàng loạt anh em Dòng Tên dâng mạng sống để làm chứng cho đức tin Công Giáo. Vốn là một linh mục triều, ngài bị bắt giam năm 1561, đang khi cử hành thánh lễ. Trong tù 12 năm, vì những người coi tù khá dễ dãi, nên ngài có thể cử hành thánh lễ ngay trong trại giam, gặp gỡ người thân và giúp nhiều người trở về với Hội Thánh Công Giáo. Hơn nữa, ngài còn viết một bài kêu gọi mọi người trung thành với Hội Thánh Công Giáo, buộc vào một hòn đá, khi thấy có ai đi ngang qua thì ném qua cửa sổ cho người ấy. Khoảng năm 1572, ngài gửi thư cho cha giám tỉnh Dòng Tên ở Pháp để xin vào Dòng. Khi nhận được thư chấp thuận, ngày 19.11.1572, ngài liều lĩnh viết thư cho William Cecil, đề nghị viên quan đại thần thân tín này của Elizabeth khuyên nữ hoàng tùng phục Đức Thánh Cha. Thay vì nghe theo ngài, Cecil đưa ngài ra tòa. Ngài luôn luôn phủ nhận quyền của tòa án đời xét xử việc đạo. Dù vậy, ngài bị kết án tử hình và bị xử tử ngày 16.6.1573, ở tuổi 38. Ngài là linh mục thứ hai và là Giêsu hữu tiên khởi chịu tử đạo ở Anh thời cải cách.[5]

Cảnh Lm. John Nelson, S.J. tử đạo

Vị tử đạo thứ hai của Dòng Tên là cha John Nelson. Mặc dù nữ hoàng Elizabeth cấm đạo rất ngặt và tung thám tử khắp nơi, ngài luôn mạnh dạn nhận mình là người Công Giáo. Ngài đau lòng thấy nhiều người bỏ Hội Thánh Công Giáo vì sợ. Ngài cho là cần phải đổ máu mới phục hồi đức tin trên nước Anh được. Năm 1573, ở tuổi 38, ngài đến học tại Học viện Douai. Hai em ngài là Martin và Thomas cũng lần lượt theo gương vào năm 1574 và 1575. Năm 1576, ngài thụ phong linh mục và cuối năm thì về nước cùng với 4 linh mục khác. Ngài chỉ có một năm để dâng lễ lén lút ở các gia đình. Ngài bị nghi là linh mục và bị bắt cuối năm 1577. Trước các quan chức, ngài từ chối nhìn nhận quyền tối thượng của nữ hoàng đối với Giáo Hội ở Anh. Trong lúc ở tù, ngài viết thư cho Dòng Tên ở Pháp xin được nhận vào Dòng. Ngài bị đưa ra tòa và bị kết án tử hình. Ngài bị xử tử ngày 2.3.1578. Trước khi chết, ngài còn kêu gọi mọi người trung thành với Hội Thánh Công Giáo, cùng đọc kinh Tin Kính, kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng bằng tiếng Latinh với những người Công Giáo có mặt.[6]

Cuộc tử đạo của 2 người tiên phong có thể nói là lời tiên báo cho những gì đang chờ đợi nhóm 3 anh em được gửi về Anh năm 1580 cũng như các anh em khác sẽ đến sau nữa.

Thánh Edmund Campion là vị tử đạo nổi tiếng nhất trong thời cải cách ở Anh.[7] Khi được chỉ định tham gia đoàn Giêsu hữu đầu tiên về Anh, ngài cùng với 2 anh em đến Saint-Omer ở Pháp để chuẩn bị về nước. Cha Persons là bề trên vượt biển Manche ngày 18.4, sau đó 9 ngày đến lượt cha Campion và thầy Emerson. Giả dạng là Ông Edmonds, người buôn bán kim hoàn, vừa lên bờ ở Dover, ngài bị bắt nhưng rồi được tha, vì cảnh sát muốn bắt một linh mục khác.

Trước hết ngài đến Luân Đôn, ở trong gia đình Gilbert người Công Giáo. Lúc ấy có một người Công Giáo tên là Thomas Pounde đang bị giam ở nhà tù Marshalsea. Ông này và các bạn tù sợ bị kết tội phản quốc, nên ngỏ ý xin các linh mục soạn một bản văn trình bày ý định và hoạt động của các ngài ở Anh, để khi cần đến thì cho quan tòa xem. Chỉ trong 30 phút, cha Campion soạn xong. Bản này về sau nổi tiếng với tên gọi là “Trò ba hoa của Campion”[8] theo cách nói của nhà cầm quyền. Nhận được bản văn, ông Pounde đọc và chuyển đến cho các bạn tù. Người ta chép tay, trao cho những người đến thăm trại giam Marshalsea, rồi cứ thế đi khắp nước: ở đâu người ta cũng biết ngài đã về nước và bàn tán về ngài.

Ngài hoạt động tông đồ nay đây mai đó, ở mỗi gia đình 1 hay 2 ngày. Thường ngài đến vào ban ngày, buổi chiều và tối giảng và giải tội, sáng sớm dâng lễ, rồi lại sang nhà khác. Ngài viết cho cha Bề Trên Cả: “Chắc con không thoát được tay những kẻ rối đạo: họ có trăm mắt ngàn lưỡi, trăm trinh sát ngàn mưu kế. Bên ngoài con phải thay đổi lúc thế này, khi thế khác, đến chính con nhìn mình trong gương cũng thấy lạ. Thỉnh thoảng con lại đọc được tin mình đã bị bắt. Đi đâu con cũng nghe tin đồn như vậy.”

Giữa năm 1581, ngài trở lại Luân Đôn để phổ biến tập “Mười Lý Do”[9], trong đó ngài trình bày cho giới trí thức 10 lý do cho thấy Anh Giáo sai và Công Giáo là Hội Thánh thật. Chừng 400 bản in được đặt trên ghế nhà nguyện St Mary của đại học Oxford đã gây chấn động ở Luân Đôn. Đây là một hành vi táo bạo và bị coi là thách thức nhà cầm quyền, đặc biệt vì ngài từng rất nổi tiếng ở đại học Oxford và vì ngài cho biết sẵn sàng tranh luận với các nhà thần học của nữ hoàng.

Vào tháng 7, ngài tiếp tục di chuyển như thường lệ. Trên đường đi Norfolk, ngài ghé gia đình Yate ở Bershire, và sáng hôm sau lại lên đường. Các gia đình hàng xóm xin ngài ở lại để giúp họ. Ngài định ở lại đó 2 ngày, chiều Chúa Nhật lại tiếp tục hành trình. Chừng 50 người nghe giảng và dự lễ. Một mật vụ tên là George Eliot cũng có mặt. Sau thánh lễ, cảnh sát đến tìm ngài, nhưng không bắt được. Đêm đến, ngài tiếp tục giảng và lính ùa vào lục soát lại: lần này  ngài bị bắt cùng với 2 linh mục khác. Cả 3 bị đưa đến nhà giam Tháp Luân Đôn. Ngài bị trói đặt ngồi trên một con ngựa kèm theo một bảng viết chữ: ‘CAMPION, TÊN GIÊSU HỮU PHIẾN LOẠN’ .

Mấy ngày sau, cha Campion được đưa đến lâu đài Leicester gặp nữ hoàng. Ngài được yêu cầu bỏ Công Giáo theo Anh Giáo và được hứa cho quyền cao chức trọng nhất trong Anh Giáo, nhưng ngài thẳng thắn từ chối: ngài nhìn nhận Elizabeth là nữ hoàng và sẵn sàng phục tùng trong lãnh vực đời. Ngài được đưa về lại trại giam và bị tra tấn 3 lần. Dư luận có lúc đồn là ngài đã ‘thú tội’, đã được bổ nhiệm làm giám mục Anh Giáo…

Được đưa đến gặp các nhà trí thức 4 lần để tranh luận, ngài cương quyết bênh vực giáo lý Công Giáo. Người ta không cho ngài thời giờ để chuẩn bị hay sách vở để tham khảo, nhưng ngài vẫn đưa ra những luận cứ không bài bác được. Các nhà thần học của triều đình chỉ bắt lỗi được một điều là ngài trích dẫn Tertuliano không chính xác. Ngày 14.11.1581, ngài được đưa đến Điện Westminster cùng với 7 linh mục khác để được nghe cáo trạng. Khi phải giơ tay thề, ngài không giơ lên được, vì đã bị tra tấn. Một linh mục khác giúp ngài giơ tay lên và nhận ra các ngón tay ngài đã mất hết móng. Khi nghe bản án treo cổ và phân thây, ngài cùng với các linh mục khác đồng thanh hát bài “Chúng Con Ca Ngợi Chúa là Thượng Đế”[10].

Ngày 1.12, ngài bị xử tử treo cổ tại Luân Đôn. Sau khi chết, ngài bị buộc vào 2 con ngựa và cho chúng chạy ngược chiều để xé xác. Trước đó, ngài tuyên bố: “Tôi là người Công Giáo và là linh mục. Tôi đã sống với đức tin Công Giáo, tôi sẽ chết với đức tin Công Giáo. Nếu quý vị cho Công Giáo là phản quốc thì đúng là tôi có tội. Nhưng thực ra tôi không hề phản quốc. Có Thiên Chúa xét xử tôi.”

Trong số những người chứng kiến cuộc tử đạo của cha Campion, có một thanh niên 23 tuổi tên là Henry Walpole. Sinh ra trong một gia đình Công Giáo, gắn bó với đức tin Công Giáo, nhưng người thanh niên ấy vẫn băn khoăn giữa Công Giáo và Anh Giáo đâu là chân lý. Đã tham dự cuộc tranh luận thần học giữa cha Campion với các nhà thần học của triều đình, Henry cũng muốn chứng kiến cuộc tử đạo của ngài. Khi người ta xẻ xác vị tử đạo làm tư và ném vào nước sôi, một giọt máu của vị tử đạo đã bắn vào áo Henry. Người thanh niên này cho rằng đó là tiếng Chúa mời gọi mình tiếp bước vị tử đạo. Quyết định làm linh mục, năm 1582, Henry sang Reims theo học tại Học viện Anh Quốc, rồi đến Rôma năm 1583 và gia nhập Dòng Tên năm 1584. Năm 1588, Henry thụ phong linh mục tại Paris và năm 1593 về lại Anh. Năm 1595, ngài bị bắt và bị kết án tử hình.[11]

Cùng chịu tử đạo với cha Campion, ngoài cha Sherwin là linh mục triều, còn có cha Alexander Briant, Dòng Tên, mới 25 tuổi.[12]

Năm 1579 ngài trở về hoạt động tông đồ tại quê hương. Năm 1580, ngài đến Luân Đôn thăm cha Robert Persons vừa là thầy cũ ở Oxford vừa vì cha ấy đã giúp thân phụ của ngài trở về với Công Giáo. Ngày 28.4, cảnh sát đến nơi trú ẩn của cha Persons, nhưng cha này lúc ấy đang vắng mặt, nên không bắt được. Họ lùng sục và tìm được cha Briant.

Người ta ném ngài vào nhà tù Counter: trong 6 ngày, ngài không được họ cho ăn gì, chỉ cho uống một chút nước, để yêu cầu ngài khai báo những điều họ muốn biết về cha Persons. Ngày 5.5, ngài bị đưa đến Tháp Luân Đôn để thẩm vấn. Vì không chịu trả lời, ngài bị tra tấn dã man. Kế đến ngài bị bỏ trong ngục tối 8 ngày, rồi lại bị tra tấn. Trong một lá thư ngài cho biết khi bị tra tấn, ngài hứa khi được tha sẽ gia nhập Dòng Tên, nhưng rồi không hy vọng được tha, ngài xin được nhận vào Dòng ngay. Được thư này, Dòng Tên đã đồng ý nhận ngài vào Dòng tức khắc. Ngày 21.11.1581, hôm sau ngày cha Campion bị tuyên án, ngài cùng với 6 linh mục khác cũng bị xét xử tại Điện Westminster. Ngài cầm trong tay một Thánh Giá nhỏ bằng gỗ chính ngài đã làm và trong lúc tòa tiến hành xét xử, ngài thường nhìn Thánh Giá trong tay. Một viên chức giật lấy Thánh Giá, ngài nói: “Ông có thể giật Thánh Giá khỏi tay tôi, nhưng không thể giật khỏi tim tôi. Tôi sẽ chết cho Người, như Người đã chết cho tôi.”

Ngài bị buộc tội đã thề sẽ giết chết nữ hoàng lúc ở Rôma và Reims, mặc dù ngài chưa đến Rôma bao giờ, và thời điểm người ta cho là ngài đã thề ở Reims thì ngài không ở đó. Dù vậy, ngài bị kết án tử hình về tội phản quốc. Sau khi cha Campion rồi cha Sherwin bị treo cổ, ngài cũng bị xử tử như hai vị ấy. Trước khi chết, ngài công khai tuyên xưng đức tin Công Giáo, và bày tỏ vui mừng vì Chúa cho được cùng chịu tử đạo với cha Campion và cha Sherwin.

Xin mời đón đọc phần tiếp theo vào kỳ sau.

[1] Có tác giả người Anh nói giả như vua nước Anh theo đạo Phật thì toàn dân cũng bỏ Công Giáo theo vua.

[2] Sinh 1532 tại Rossall, Lancashire, Anh. Năm 1556 đang làm hiệu trưởng St Mary Hall của đại học Oxford,  nữ hoàng Elizabeth buộc tuyên thệ nhìn nhận quyền tối thượng. Năm 1561 sang Bỉ học thần học và viết các bài tranh biện. Năm 1562 về Anh, lén lút gặp những người không chịu tham dự lễ nghi Anh Giáo, bênh vực những người bị chiếm đoạt đất. Xác tín: người Anh không thuận tình theo Anh Giáo, chỉ vì bị bắt buộc. Đa số sẵn sàng quay về với Giáo Hội. Anh giáo chỉ là nhất thời. Vì bị lộ nên năm 1565 rời nước Anh trở lại Bỉ thụ phong linh mục và dạy thần học. 1567 đến Rôma lần đầu: muốn thành lập một trường đào tạo linh mục dành cho học sinh người Anh. Lúc ấy xứ Flanders thuộc Tây Ban Nha bao gồm cả Bỉ và một phần lãnh thổ phía Bắc nước Pháp cạnh biển Manche. Các địa điểm Douai, Watten và Saint-Omer ở miền bắc nước Pháp ngày nay. Được các bạn giúp đỡ, 1568 thuê nhà ở Douai, nơi đã có Đại Học Douai thuộc quyền bảo trợ của vua Felipe II nước Tây Ban Nha: mở Học Viện Anh Quốc. Tại đây, gặp nhiều người xa quê, người nổi tiếng nhất là thánh E. Campion. Học viện này chuyên đào tạo các linh mục sẽ được gửi về làm việc tông đồ ở Anh, thường được gọi là “Các linh mục chủng viện”. Trong số các linh mục này, sẽ có 160 người chịu tử đạo. Mỗi khi được tin có một vị tử đạo, học viện tổ chức lễ hát tạ ơn trọng thể. Khi số chủng sinh đã lên đến 120, Đức Giáo Hoàng gọi ngài về Rôma để mở một trường tương tự ở đó. Năm 1575 ngài thành lập Học Viện Anh Quốc tại Rôma. Dòng Tên giúp học viện này. Ngài về lại Douai tháng 7.1576. Năm 1578, học viện Douai phải chuyển đến Reims dưới sự bảo trợ của một nhà quý tộc. Học viện này xuất bản một bản dịch Thánh Kinh bằng tiếng Anh, phần Tân Ước ra mắt năm 1582, phần Cựu Ước năm 1609, 2 năm trước khi bản dịch King James ra đời. Ngoài ra, còn phát hành nhiều bản văn phản biện không thể xuất bản ở Anh. Năm 1570 lại được gọi về Rôma dàn xếp những xích mích giữa các sinh viên người Anh và người xứ Wales tại Học viện Anh Quốc. Dịp này, ngài được bổ nhiệm làm thành viên Ủy Ban Giáo Hoàng duyệt lại bản dịch Thánh Kinh bằng tiếng Latinh quen gọi là bản Phổ Thông. Năm 1577 gặp Parsons: bị thuyết phục. Thu xếp giao cho Dòng Tên Học Viện Anh Quốc ở Rôma và khởi sự hoạt động của Dòng Tên tại Anh năm 1580 Parsons và Campion về nước, ít lâu sau Campion tử đạo, Parsons thoát được ra nước ngoài. Xin được Đức Giáo Hoàng Piô V ban hành trọng sắc Regnans in excelsis (1570) truất phế nữ hoàng Elizabeth: người Công Giáo không buộc thần phục. Lợi bất cập hại! Trở về Reims, theo các sáng kiến và đề nghị của Parsons: năm 1585 đến Rôma vận động can thiệp quân sự ở Anh. 1587 được đặt làm hồng y, một phần để lãnh đạo người Công Giáo ở Anh lật đổ Elizabeth. Xin vua Felipe II của Tây Ban Nha can thiệp để lật đổ Elizabeth. Năm 1588, dưới quyền công tước xứ Medina, Hạm đội Tây Ban Nha đến biển Manche. Trong khi chờ quân để tấn công nước Anh thì bị quân Anh tấn công trước. Thất bại hoàn toàn. 6 năm cuối đời, coi thư viện Tòa Thánh. Qua đời Rôma 16.10.1594.

[3] Miền bắc nước Pháp hiện nay.

[4] Sau này được gọi là Parsons.

[5] Ngài được phong chân phước năm 1886.

[6] Ngài được phong chân phước năm 1886.

[7] Ngài sinh năm 1540 tại Luân Đôn. Cha mẹ ngài bỏ Hội Thánh Công Giáo theo Anh Giáo và giáo dục ngài theo Anh Giáo. Ở trường học, ngài rất nổi nang. Năm 1553, mới 13 tuổi, ngài đọc diễn văn chào mừng nữ hoàng Mary I đến Luân Đôn lên ngôi. Năm 1566, lúc 26 tuổi và là giảng viên, ngài đọc diễn văn chào mừng nữ hoàng Elizabeth đến trăm đại học Oxford. Trước đó năm 1564 khi lãnh bằng tốt nghiệp, gần chắc là ngài đã tuyên thệ nhận quyền tối thượng của nữ hoàng. Năm 1568, ngài thụ phong phó tế trong Anh Giáo. Càng học ngài càng thấy Giáo Hội Công Giáo là Hội Thánh thật. Năm 1569 ngài sang Ailen để được sống như người Công Giáo, nhưng ở đó bầu khí chống Công Giáo cũng không kém ở Anh. Năm 1571 ngài về lại Anh rồi sang Douai học làm linh mục Công Giáo. Khi được tin ngài rời nước Anh, quan đại thần William Cecil, người quyền thế nhất trong nước, đã nói: “Thật đáng tiếc, vì đó là một trong những viên kim cương của nước Anh.” Sau khi tốt nghiệp, ngài đến Rôma xin vào Dòng Tên. Sau kỳ tập, ngài dạy học ở Praha, thụ phong linh mục và nổi tiếng là nhà giảng thuyết hùng biện.

[8] Campion’s Brag.

[9] Rationes Decem.

[10] Te Deum.

[11] Cùng với cha Campion và trong nhóm 40 thánh tử đạo nước Anh, ngài được phong thánh năm 1970.

[12] Ngài sinh khoảng năm 1556 tại Sommerset, nước Anh. Không đồng ý với những quyết định của nữ hoàng Elizabeth về tôn giáo, năm 1577 ngài sang Học viện Anh Quốc ở Douai trở về Công Giáo và tiếp tục học thần học. Năm 1578 ngài thụ phong linh mục.

Kiểm tra tương tự

Thánh Ambrôsiô và bí quyết chinh phục lòng người

  Nếu bạn muốn thuyết phục ai đó bằng lời nói của mình, hãy đến …

3 vị thánh cộng tác với Dòng Tên – Những chứng nhân Đức Tin tại Bắc Mỹ

  Trong sứ vụ truyền giáo tại Bắc Mỹ thế kỷ XVII, các nhà truyền …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *