Có thể nói, người lệ thuộc là người mất tự do: làm chủ vận mệnh đời mình. Cũng có thể là do sự áp đặt của xã hội, gia đình hay các mối tương quan khác, hoặc là do chính khuynh hướng nội tại trong họ. Dù thế nào đi nữa, một khi không còn tự do để sáng tạo đời mình, họ sẽ đi tìm giá trị và căn tính của mình nơi tha nhân. Nói cách khác, họ là những người sống “quên mình” đến mức có nguy cơ đánh mất chính mình. Theo các nhà tâm lý, tình trạng lệ thuộc này là một thứ ngục tù tâm lý mà chủ thể phải tự mình phát huy ý thức bản thân và tìm phương giải thoát.
MÔ TẢ
Trước tiên, họ được biết đến như người ba phải, luôn bị điều khiển bởi những trào lưu của thời đại, rằng: “Ai sao tôi vậy, ai làm bậy tôi làm theo !” Vì không có lập trường sống nên dễ nghe theo những lời đề nghị của người khác mà bản thân không có khả năng phân biệt hay-dở hoặc tốt-xấu hay đúng-sai. Có một câu chuyện thú vị mô tả về mẫu người này:
Hai cha con nọ dắt một chú lừa ra chợ. Người cha ngồi trên lưng lừa, còn đứa con thì đi bộ. Trên đường, có người nói: “ Thật quá đáng ! Gã to con thì ngồi trên lưng lừa, còn thằng bé thì phải đi bộ !” Nghe thế, người cha nhảy xuống và để cho người con ngồi trên lưng lừa. Lát sau lại có người bảo: “Thật quá đáng ! Ông già thì đi bộ, còn thằng nhãi con lại ngồi trên lưng lừa !” Nghe qua, cả hai cha con đành ngồi trên lưng lừa. Đi đoạn lại có kẻ bảo: “Thật tàn ác ! Cả hai người mà lại ngồi trên lưng con lừa bé xíu !” Thế là hai cha con nhảy xuống khỏi lưng lừa và cùng nhau đi bộ. Thế mà thiên hạ lại chẳng yên, có kẻ bảo: “Thật ngốc nghếch ! Có lừa mà không biết cỡi, sao cứ phải đi bộ !” Rốt cuộc cả hai cha con cùng khiêng con lừa, và họ không bao giờ dắt chú lừa đi đến chợ được.
Câu chuyện tiếu lâm nhưng lại phản ánh thực trạng mẫu người lệ thuộc, họ quá lệ thuộc vào miệng của người đời đến nỗi không thể hoàn thành sứ mạng và mục đích của mình.
Nếu như kẻ ba phải không rõ ràng ý hướng thì người bối rối lại không dám đưa ra một quyết định. Họ là những người không rõ lập trường sống, dường như không có một linh đạo nào hướng dẫn họ, thế nên, khi gặp sự cố, họ như kẻ đứng giữa ngã ba đường, không đưa ra một quyết định nào trừ khi có người khác mạnh miệng thúc ép họ hành động hoặc họ lấy quyết định theo cảm tính: thích ai về phe đấy. Họ dễ dàng hùa theo số đông mà hành động. Với tâm thức duy xã hội, họ đánh mất tính độc đáo và riêng biệt. Đối với họ, xấu đều hơn tốt lõi, và chẳng có gì bền vững mà không được số đông nhìn nhận. Sự lệ thuộc mù quáng này dần dà có thể khiến họ mất hẳn định hướng và cùng đích cuộc sống.
Chúng ta biết rằng ở trong tình trạng lệ thuộc có nghĩa là người ta không còn biết cảm xúc của mình ra sao, thực sự mình mong muốn và khát khao điều gì. Nhà tâm lý học John Bradshaw đã chia sẻ về kinh nghiệm gặp gỡ khi tiếp xúc mẫu người này. Pervilia nghe bạn trai cô kể về những căng thẳng trong công việc của anh. Đêm đó về nhà, cô không thể ngủ được bởi nỗi bồn chồn, bứt rứt về những rắc rối của bạn trai. Cô cảm nhận được cảm xúc của anh ấy còn rõ hơn cảm xúc của chính cô.
Chúng ta cần phân biệt rõ đây không phải là một sự đồng cảm đáng trân trọng, trái lại, nó là một trạng thái rối loạn nào đó mà chủ thể đánh mất quyền kiểm soát bản thân.
Tác giả chia sẻ một trường hợp khác. Biscayne luôn cảm thấy có vấn đề với cân nặng của bà vợ. Ông hạn chế hầu hết các mối giao lưu xã hội bởi vì ông cảm thấy rất xấu hổ khi bạn bè nhìn thấy vợ ông.Biscayne không nhận ra ranh giới tâm lý để phân biệt được đâu là thuộc về mình, đâu là thuộc về bà vợ. Có thể nói, ông là một người không có ý thức về một cái tôi cá nhân độc lập. Ông tin rằng danh dự của mình phụ thuộc vào cân nặng của người vợ.
Chúng ta cũng dễ dàng nhận ra mẫu người này trong việc họ đánh giá những thực tại xung quanh. Họ tự cho mình thuộc giới đẳng cấp, và chạy theo những gì xã hội đề cao như xe khủng, vào các khách sạn nhiều sao, kết thân với người cùng đẳng cấp…Đối với những người không có điều kiện vật chất, thì họ lao vào cuộc sống như con thiêu thân để chứng tỏ cho mọi người thấy đảng cấp của họ. Họ có thể dùng những thứ bên ngoài ấy mà khẳng định cái tôi của mình trong tính độc đáo và riêng biệt.
Nhìn chung, tất cả những hạng người vừa kể trên đều lấy những thứ bên ngoài nhằm khẳng định chính mình. Trong khi đó, họ quên mất những giá trị tinh thần làm cho cuộc sống họ thêm ý nghĩa và trưởng thành.
Nếu xét đến tầm ảnh hưởng của họ trong công việc, họ là những người hết sức năng nổ và nhiệt tình đến mức làm thay cho người khác mà không biết mệt mỏi. Thoạt nhìn, chúng ta tưởng rằng họ sống rất bác ái nhưng kỳ thực họ thường đau khổ vì thiếu lòng tự trọng và cảm thấy mình không đáng yêu, từ đó, họ quyết lấy việc giúp đỡ người khác như bằng chứng biểu hiện sự tốt lành trước mắt thiên hạ. Thật vậy, người lệ thuộc muốn người khác nghĩ tốt về mình, bởi vì họ mang mặc cảm về một hình ảnh bản thân nghèo nàn và tiêu cực. Trong thâm tâm, họ nghĩ rằng người ta không thể làm cách nào khác để lấp đầy sự nghèo hèn bản thân ngoài việc làm cụ thể. Từ ý nghĩ lệch lạc ấy, họ lao vào công việc như thể cuộc sống không còn gì ý nghĩa hơn là hoạt động. Họ trở thành kẻ duy hoạt động đến mức sẵn sàng làm thay cho người khác với một ước muốn nhỏ nhoi: được người khác nhìn nhận bản thân tôi có giá trị.
Có một hình thức biểu hiện khác của người lệ thuộc mà chúng ta ít chú trọng, đó là “kẻ nịnh thần”. Vì mang thân phận “con tắc kè” nên mỗi thời nó mặc một hình dáng khác nhau. Họ là kẻ vô dụng và bất tài, đúng hơn, hắn cũng có tài, ấy là tài lanh và tài nịnh. Tài lanh: không làm được việc gì mà việc gì cũng xen vào chỉ vì tôi là trợ tá đắc lực của bề trên. Tài nịnh: trước mặt người cầm quyền thì xoa tay cúi thấp, bẩm báo mọi việc, tường trình mọi sự…nhưng nạt nộ cấp dưới. Người đời thường gọi họ là “kẻ nịnh trên nạt dưới” hay “kẻ đội trên đạp dưới”. Tóm lại, họ là người phá rối tập thể và làm trì trệ bước tiến cộng đoàn. Xét cho cùng, họ là những người không bước đi bằng chính đôi chân của mình. Mọi hành động của họ tố cáo họ là kẻ thiếu lòng tự trọng.
CHUYỂN HƯỚNG TÍCH CỰC
Có thể nói, tính cách lệ thuộc của mẫu người này hầu như trở thành một khuynh hướng chính định hình nhân cách của họ, vì thế, thật khó khăn khi đề ra một hướng khắc phục cụ thể ! Nhưng dù sao, chúng ta có thể dựa vào những cách thức mô tả trên để đề ra một vài điểm chính, nhờ đó, người lệ thuộc có thể áp dụng và nhờ nỗ lực bản thân mà họ chuyển hướng tích cực.
Trước tiên, người này cần tạo một không gian cô tịch, nghĩa là tạm thời buông bỏ mọi công việc để có thể trở về với lòng mình. Ban đầu, đây là một thách đố dành cho họ, vì họ đã quen hoạt động và lấy việc làm như cách khẳng định bản thân. Giờ đây, ngưng mọi việc, họ dễ dàng cảm nhận sự trống rỗng và vô nghĩa của cuộc đời. Nhưng nếu vượt qua được bước đầu khó khăn này, họ sẽ khả dĩ xác định lại bậc thang giá trị; trong đó, đời sống nội tâm là yếu tố quyết định chứ không phải tinh thần duy hoạt động. Họ sẽ nhận ra rằng hành động liên tục chỉ là cách lấp đầy khoảng trống nội tâm. Dần dà, họ sẽ phát huy ý thức tình trạng của mình mà chủ động hơn trong mọi tình huống; không còn để cho cảm tính chỉ phối quá mức và bỏ mặc cho những cung bậc cảm xúc điều khiển con người hành động thất thường.
Kế đến, chúng ta cần nhấn mạnh đến sự hiểu biết về lòng tự trọng. Có hai cách đánh giá giúp hình thành lòng tự trọng: ngoại tại và nội tại. Người lệ thuộc vì quá thiên về yếu tố bên ngoài, họ dễ dàng bị tác động bởi lời khen, tiếng chê của người đời khiến họ mất đi tính tự chủ và tinh thần độc lập. Trong khi đó, họ lại mất hẳn sự tự tin vào những gì mình đang có đến nỗi luôn mang hình ảnh bản thân thật nghèo nàn. Đã đến lúc, họ cần phải tập sống tự tin bằng cách chu toàn những nhiệm vụ hằng ngày trong vị thế của mình tại gia đình, tập thể và xã hội. Chẳng hạn, một khi họ đã chu toàn trách vụ với tư cách người chồng trong gia đình, chính người vợ sẽ hỗ trợ với họ giúp họ có thể chu toàn trách vụ một người cha gia đình…Đó là một sự lệ thuộc tích cực giúp đương sự sống yêu thương và trưởng thành từng ngày. Có thế, họ bước đi trên chính đôi chân của mình và dù có thất bại, cũng không làm tổn thương lòng tự trọng của họ vì họ đáng trân trọng khi sống đúng với con người thật của mình. Thật vậy, có những người dù thành công đến đâu nếu không sống đúng thực lực của bản thân thì không đáng được người khác tôn trọng. Lòng tự trọng hệ tại ở việc bản thân nỗ lực xây dựng nhân cách của mình bằng chính tư chất, tài năng (nội tại) và sự tương xứng tầm mức ảnh hưởng trên người khác (ngoại tại).
Còn một yếu tố quan trọng mà chúng ta chưa bàn đến, có thể nói chúng là nền tảng cho hiện hữu của con người: căn tính của tôi (tôi là ai). Điều này chúng ta cần nại đến giải pháp đức tin, nghĩa là hiện hữu của ta lệ thuộc vào Đức Kitô. Nếu có một sự lệ thuộc được Giáo hội đề nghị thì đây là sự lệ thuộc hoàn toàn chính đáng vì Đức Kitô đã cứu chuộc ta, vì thế ta tùy thuộc vào Người. Nói như thánh Augustinô: chúng ta không chỉ nên giống Đức Kitô mà còn nên như Người. Bởi đó, chúng ta có lý do để tồn tại và lệ thuộc vào Người. Có thể nói, chính khi đặt Chúa làm trung tâm đời sống, người lệ thuộc cảm nhận sự an toàn khi ở bên Chúa mặc cho người đời lôi kéo tôi.
EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist.
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)