Lễ Mình và Máu Chúa Ki-Tô

Tin mừng Ga 6,51-58:

51Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống đ.”

52Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói : “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?” 53Đức Giê-su nói với họ : “Thật, tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người e, các ông không có sự sống nơi mình. 54Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, 55vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. 56Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. 57Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. 58Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”

Suy niệm:

Nếu bạn đặt mình vào hàng ngũ những người không có đức tin, thì bạn sẽ thấy những lời của Chúa Giê-su nói hôm nay thật kinh khủng! “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” Đây quả là một sự ác dã man, giết người, ăn thịt người và uống máu người. Nếu ai tự sát hại mình như thế thì thật là một kẻ điên rồ. Nhóm người Do Thái hôm nay cũng không thể tránh khỏi những cuộc tranh luận sôi nổi về lời nói của Đức Giê-su. Vậy điều mà Đức Giê-su tuyên bố hôm nay ám chỉ điều gì và nên hiểu như thế nào?

Nếu ai đã từng xem những bộ phim kiếm hiệp của Tàu, thì ít nhiều hiểu được hành vi “cắt máu ăn thề”. Người ta thường lấy máu của mình hoà vào chén rượu cùng nhau uống để diễn tả một giao ước kết nối huynh đệ. Họ thề hứa sống chết giữ nghĩa huynh đệ với nhau, ai bội thề sẽ bị “trời chu đất diệt.” Quả vậy, máu gắn liền với một điều gì đó quý giá và linh thiêng của con người, thường được các nghĩa hiệp dùng để lập kết ước.

Trong Cựu Ước, máu biểu trưng cho sự linh thánh của sự sống do Thiên Chúa ban. “Các ngươi không được ăn thịt với mạng sống của nó, tức là máu. … Ta sẽ đòi mỗi người phải đền mạng sống của người anh em mình. Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa (St 9,4-6).” Khi nói đến máu tức là ta nói đến mạng sống. Một người hết máu thì không thể có sự sống được. Cũng vậy, ai trao ban máu thì cũng đồng nghĩa với trao ban sự sống. Người Do Thái xưa có một cảm thức rất mạnh về việc thờ phượng và máu. Những con vật được dùng để sát tế làm lễ phẩm dâng Thiên Chúa là những con được chọn kỹ lưỡng, những con đực, béo tốt và còn tơ (Lv 1). Khi sát tế, máu của chúng được rảy trước lều tạm và đổ dưới chân bàn thờ dâng tiến Chúa để làm của lễ đền tội hay xá tội (Lv 4-5). Cũng chính là máu ấy, người Do Thái bôi lên cửa làm dấu chỉ trong biến cố Xuất hành (Xh 12), Chúa nhìn thấy và Ngài vượt qua để con cái Is-ra-el không bị lấy đi mạng sống. Máu là dấu chỉ của sự sống.

Bên cạnh đó, người Do Thái còn xem hai phần của thân thể con người là thịt và máu, chứ không hiểu là linh hồn và thân xác như chúng ta ngày nay. Do đó, khi nói đến thịt và máu là nói đến toàn vẹn con người, và khi trao cho ai thịt và máu tức là trao cả sự sống và trao trọn vẹn mạng sống mình cho người đó.

Nhìn đến những ý nghĩa này, ta phần nào tiếp cận được những ngụ ý trong lời mà Chúa Giê-su tuyên bố hôm nay. “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây… ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời.” Ngài chính là chiên vượt qua của Thiên Chúa, được sát tế như một của lễ đẹp lòng Chúa để đền bù tội lỗi và để xoá tội cho nhân loại. Ngài là Con Chiên của mọi con chiên, là Hy Lễ của mọi hy lễ và là Giao Ước của mọi giao ước. Máu Ngài chảy ra để ký một giao ước vĩnh cửu với Thiên Chúa, máu ấy tuôn trào chính sự sống thần linh của Ngài cho con người. Không ai có thể nhận được sự sống (sẽ được cứu) nếu không để cho máu của Ngài tưới gội trên mình. Nghĩa là ai muốn có sự sống [thần linh] của Ngài thì buộc phải ăn thịt và uống máu của Ngài.

Vậy Mình và Máu Thánh được tuyên xưng trên bàn thờ dưới hình bánh và rượu có thật là Mình Máu thật của Ngài hay chỉ là biểu tượng; ta rước Mình Máu thật hay chỉ là rước biểu tượng? Trước lúc hiệp lễ, Hội thánh mời gọi ta tuyên xưng đức tin của mình khi đáp lời: “Đây là mầu nhiệm đức tin.” Nếu không có đức tin thì việc lãnh nhận Mình và Máu Thánh trở nên vô nghĩa. Giáo hội cho ta biết rằng, việc cử hành Bí Tích Thánh Thể vừa là hình ảnh, vừa là sự tưởng nhớ và vừa là hiện tại hoá cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su. Do đó, bánh và rượu sau khi truyền phép đã trở nên Mình và Máu Thánh thật sự của Chúa Ki-tô một cách bản thể, hiệu quả có được nhờ lời thánh hiến của Chúa Giê-su mà linh mục đã lập lại. Mặc dù ta vẫn nhìn thấy có hình ảnh bánh và rượu, nên ta cần đón nhận trong đức tin, vì đó là mầu nhiệm vượt quá sức hiểu của con người.

Mỗi lần tham dự thánh lễ và rước Thánh Thể là ta đang rước (ăn) chính Mình và Máu Thánh Chúa Giê-su. Ngài đang trao ban sự sống của Ngài, trao ban toàn bộ mạng sống của Ngài cho chúng ta, để ta nhờ Ngài mà được sống. Chính vì thế, mỗi chúng ta, khi tham dự thánh lễ, hãy chuẩn bị mình cho xứng đáng và hãy năng rước Mình và Máu Thánh của Ngài. Vì đây là Ơn Huệ của mọi ơn huệ mà người tín hữu được Chúa ban tặng cách nhưng không, do sáng kiến và tình thương bao la của Ngài dành cho ta. Ngoài Ngài ra ta không thể tìm thấy một sự sống ở nơi nào khác. Tôn kính Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô là ta tôn kính chính mầu nhiệm tình yêu của Ngài dành cho nhân loại.

Minh Cao, S.J.

 

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 24-11-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 24/11/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Một tầm nhìn …

Manna: Vậy ông là vua sao? (Chúa Nhật 34 TN – B Lễ Chúa Kitô Vua – Ga 18,33b-37)

https://phutcaunguyen.net/pcnapp/audio/CN34TNB_GA18_33_37.mp3   Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. 33b Khi ấy, quan Phi-la-tô …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *