Ad Majorem Dei Gloriam – Cho Vinh Danh Thiên Chúa Hơn
1. Nguồn gốc Hội Dòng
Thánh I-Nhã và các bạn đầu tiên |
Thiên Chúa, nguồn gốc của mọi điều thiện hảo, đã ban cho Giáo Hội một đặc sủng ngang qua một con người – thánh I-nhã Loyola – và một nhóm người, nhóm bạn đầu tiên cùng chí hướng của thánh I-nhã. Sau khi được ơn hoán cải ở tuổi 30, thánh I-nhã (Ignace de Loyola, 1491-1556) đã quyết tâm phục vụ Đức Kitô. Ngài đã có nhiều kinh nghiệm thiêng liêng đặc biệt mà sau này được đúc kết thành tập sách nhỏ Linh Thao.Trong thời gian học ở đại học Paris, I-nhã đã quy tụ được một nhóm bạn cùng chí hướng qua việc hướng dẫn Linh Thao cho từng người. Trong số đó, có thánh Phanxicô Xaviê và thánh Phêrô Favre.
Ngày 15.8.1534, nhóm bạn của I-nhã đã cam kết sống chung với nhau trong một cộng đoàn, khấn khó nghèo, làm việc tông đồ và đi hành hương Đất Thánh. Lúc đó, nhóm không có tên, không có luật, không ai có quyền trên ai. Họ chỉ liên kết với nhau vì chia sẻ cùng một lý tưởng tông đồ và sống tình bạn thiêng liêng. Năm 1537, cả nhóm đã tụ họp về Venezia để chuẩn bị đi hành hương Thánh Địa. Trong thời gian chờ đợi đi Đất Thánh, họ chia ra từng nhóm nhỏ đi phục vụ, dưới danh nghĩa là nhóm bạn đồng hành của Chúa Giêsu, gọi tắt là Đoàn Giêsu.
Do không thể đi Thánh Địa vì có chiến tranh, cả nhóm quyết định đi Roma vào cuối năm 1537 để đặt mình dưới sự hướng dẫn trực tiếp của vị thủ lãnh Giáo Hội hầu được sai đi bất cứ nơi đâu trên thế giới để phục vụ các linh hồn. Mùa Chay năm 1539, họ gặp nhau nhiều lần để cùng phân định hướng đi cho tương lai: hoặc mỗi người đi theo con đường của mình như đã được Đức Giáo Hoàng chỉ định, hoặc tự ràng buộc với nhau để trở thành một nhóm bạn vĩnh viễn. Cuối cùng, họ quyết định liên kết với nhau qua lời khấn vâng phục một người trong nhóm và trở thành một dòng tu để hỗ trợ nhau trong sứ mạng phục vụ Đức Kitô.
Ngày 27.9.1540, ĐGH Phaolô III chính thức công bố trọng sắc Regimini Militantis Ecclesiae phê chuẩn Đoàn Giêsu thành một dòng tu giáo sĩ trong Hội Thánh. Từ đó Đoàn Giêsu trở thành Dòng Chúa Giêsu (The Society of Jesus – ở Việt Nam quen gọi là Dòng Tên, vì muốn kính Tên cực trọng Giêsu). Mười thành viên trong dòng tu mới lập đều nhất trí bầu cha I-nhã làm Bề trên Tổng Quyền tiên khởi (1540-1556).
ĐTC Phaolô III phê chuẩn việc thành lập Dòng Chúa Giêsu
2. Tiểu sử vị sáng lập Dòng Tên – Thánh I-nhã, thành Loyola
Thánh I-nhã sinh năm 1491 tại lâu đài Loyola, tỉnh Guipuzcoa, miền Bắc Tây Ban Nha. Ngài thuộc gia đình quý tộc, được huấn luyện để trở thành hiệp sĩ. Năm 1521, ngài bị thương trong trận chiến tại Pamplona. Trong thời gian dưỡng thương, ngài được ơn hoán cải và quyết tâm noi gương các thánh phục vụ Đức Kitô. Sau đó, ngài đã đến Manresa tĩnh tâm một năm trước khi đi hành hương Thánh Địa Giêrusalem. Đây cũng là thời gian ngài được những kinh nghiệm thiêng liêng đặc biệt, nhờ đó ngài khởi sự soạn thảo tập sách nhỏ Linh Thao.
Chàng hiệp sĩ I-nhã bị thương trong trận Pamplona
Sau khi hành hương về, trong thời gian 1524-1527, khi học ở Barcelona và Acalá, ngài thường giúp người khác về đời sống thiêng liêng bằng chính kinh nghiệm của mình. Ngài đã từng bị bắt giam mấy lần và bị cấm giảng đạo, vì ngài chưa học đầy đủ. Năm 1528, ngài lên Paris học để mong được tiếp tục giúp các linh hồn. Tại Paris, I-nhã đã quy tụ được một nhóm bạn sinh viên cùng chí hướng qua việc hướng dẫn Linh Thao cho từng người. Ngày 15.8.1534, I-nhã cùng với các bạn trong nhóm đã khấn khó nghèo, đi hành hương Thánh Địa và phục vụ tha nhân sau khi hành hương. Ngày 24.06.1537, I-nhã được thụ phong linh mục cùng với năm người bạn khác, trong đó có thánh Phanxicô Xaviê.
Tháng 11.1537, trên đường từ Vicenza đến Rôma đặt mình dưới chân Đức Giáo Hoàng để được ngài sai đi, khi vào cầu nguyện trong một ngôi nhà nguyện nhỏ ở La Storta, thánh I-nhã đã được Chúa ban ơn soi sáng đặc biệt và mãnh liệt là “được Chúa Cha đặt với Chúa Con” để phục vụ Đức Kitô. Kinh nghiệm thiêng liêng này chính là nền tảng của đặc sủng Dòng Tên.
Năm 1539, sau nhiều lần cầu nguyện và phân định thiêng liêng chung, I-nhã và các bạn đi đến quyết định liên kết với nhau trở thành một dòng tu mang Tên Chúa Giêsu. Năm 1540, I-nhã được các bạn bầu làm Bề trên Tổng Quyền tiên khởi của Dòng. Từ năm 1541–1550, thánh I-nhã đã soạn thảo Hiến Chương của Dòng.
Thánh I-nhã đang viết Hiến Chương Dòng
Ngày 31.07.1556, thánh I-nhã qua đời tại Rôma, sau 15 năm làm Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên.
Ngày 12.03.1662, I-nhã được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV tuyên thánh cùng với Phanxicô Xaviê.
3. Lịch sử Hội Dòng:
+ Trên thế giới
Sau khi được chuẩn nhận để trở thành Dòng tu, các Giêsu hữu (tên gọi của tu sĩ Dòng Tên) đầu tiên đã hăng say phục vụ Giáo Hội trong khắp Châu Âu. Thánh Phanxicô Xaviê được sai đi truyền giáo tận Châu Á. Sau 16 năm, số tu sĩ đã tăng từ 10 lên 1000 người. Các Giêsu hữu dấn thân trong mọi lãnh vực để phục vụ: giáo dục, suy tư thần học, tham gia Công đồng Trentô, giúp Linh thao và giảng thuyết. Các Giêsu hữu cũng được sai đi khắp nơi trên thế giới để loan báo Tin Mừng: đến Châu Á (từ 1542), Châu Phi (1548), đến Nam Mỹ (1552), và Bắc Mỹ (1639). Một nét đặc biệt trong công cuộc loan báo Tin Mừng của các Giêsu hữu ở Châu Á đó là việc hội nhập văn hoá: ở Ấn Độ do Roberto de Nobili, ở Trung Hoa do Mateo Ricci, ở Việt Nam do Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ).
Các đại biểu Tổng Hội 36 tại Rôma năm 2016
Từ giữa thế kỷ XVII, Dòng Tên đã gặt hái nhiều thành quả trong sứ mạng phục vụ, nhưng cũng gặp nhiều chống đối. Sự chống đối đến từ các chính quyền ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, do mất quyền lợi từ các thuộc địa có các thừa sai Dòng Tên đến truyền giáo và nâng cao dân trí; ở các quốc gia theo trào lưu Tin Lành lúc bấy giờ; ở Châu Á do sự nghi kỵ các thừa sai. Năm 1773, trước sức ép nặng nề của các chính quyền ác cảm với Dòng Tên, ĐGH Clementê XIV ra đoản sắc Dominus ac Redemptor giải thể Dòng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hoàng đế nước Phổ Frederick II và nữ hoàng Nga Catherina I đã cho phép Dòng Tên tiếp tục hoạt động ở Phổ và Nga.
Ngày 07.08.1814, ĐGH Piô VII ra trọng sắc Sollicitudo omnium Ecclesiarum tái lập Dòng Tên. Dòng Tên bắt đầu hồi sinh, tiếp tục phục vụ trong các hoạt động giáo dục, truyền giáo và hướng dẫn thiêng liêng.
Đến ngày 1 tháng 1 năm 2020, tổng số tu sĩ Dòng Tên trên toàn thế giới là 15,306 tu sĩ, trong đó có 11,049 linh mục, 974 tu huynh, 2,585 học viên (ứng viên linh mục) và 698 tập sinh, phục vụ tại 122 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới trong 74 Tỉnh Dòng, 4 Miền Độc lập và 6 Miền Phụ thuộc và 1 Sứ vụ được phân bố theo 9 Vùng (Assistancy): Phi Châu, Nam Mỹ Latinh, Bắc Mỹ Latinh, Nam Á, Châu Á – Thái Bình Dương, Trung và Đông Âu, Nam Âu, Tây Âu và Hoa Kỳ. Với tổng số tu sĩ này, Dòng Tên là dòng nam có số tu sĩ đông nhất trong Giáo Hội. Các tu sĩ của Dòng có mặt trong hầu hết các hoạt động của Giáo Hội (suy tư thần học, giảng thuyết, mục vụ giới trẻ, giúp Linh thao, truyền giáo…) cũng như của xã hội (giáo dục, truyền thông, phục vụ người tị nạn và di dân,…) nhằm phục vụ và thăng tiến con người. Họ là các thần học gia, các vị linh hướng, giáo sư, kỹ sư, nhạc sĩ, nhân viên xã hội, tâm lý gia, bác sĩ, luật sư, nhà báo, nhà truyền giáo…
Đặc biệt, ngày 13 tháng 3 năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội và lịch sử Dòng, một tu sĩ Dòng Tên được bầu làm Giáo Hoàng với Tông hiệu là Phanxicô. Đó là Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio, S.J., người Argentina, Tổng Giám Mục Giáo Phận Buenos Aires.
Giáo dục (từ tiểu học – đại học)
Phụ trách Đài Thiên văn Vatican
Phục vụ tại Đài phát thanh – truyền hình Vatican
Xuất bản báo chí – tạp chí – sách…
+ Tại Việt Nam
Cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) – Nhà truyền giáo Dòng Tên có những đóng góp quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển chữ Quốc Ngữ
Tháng 01 năm 1615, ba Giêsu hữu đầu tiên đã đặt chân đến Cửa Hàn, Đà Nẵng thuộc Đàng Trong. Ngày lễ Thánh Giuse năm 1627, Cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) cùng với Cha Pedro Marquez đến Cửa Bạng (Thanh Hóa) gây dựng Hội Thánh Đàng Ngoài.
Trong thời gian 1615-1773, trên 155 tu sĩ của Dòng thuộc 20 quốc tịch (nhiều nhất là Bồ Đào Nha) đã đến loan Tin Mừng trên Đất Việt, cùng với 33 Giêsu hữu người Việt. Trong số đó, có 12 Giêsu hữu đã làm việc trong Thái Y Viện và Khâm Thiên Giám duới triều các Chúa Nguyễn.
Năm 1773, Dòng Tên bị giải thể trên toàn thế giới, và các Giêsu hữu ở Việt Nam cũng theo số phận chung với anh em mình trong toàn Giáo Hội.
Ngày 07.08.1814, ĐGH Piô VII ra trọng sắc Sollicitudo omnium Ecclesiarum tái lập Dòng Tên trên toàn giới. Mãi đến năm 1957, Dòng Tên mới trở lại Việt Nam. Tháng 12 năm 1956, cha Bề Trên Tổng Quyền đã yêu cầu các Giêsu hữu đã bị chính quyền Trung Hoa trục xuất (năm 1949) nhận trách nhiệm lập cơ sở mới phục vụ Giáo Hội tại Việt Nam. Tháng 4 năm 1957, cha Oñate và cha Georges Germain tới Sài Gòn để thực hiện chương trình này. Khi Dòng Tên trở lại Việt Nam, cộng đoàn đầu tiên đã được thành lập tại số 161 đường Yên Đỗ, Quận 3, Sàigòn. Đó là cộng đoàn thánh I-nhã, sau này là trung tâm Đắc Lộ. Sau gần hai thế kỷ vắng bóng trên đất Việt, các Giêsu hữu đã trở lại phục vụ Giáo Hội tại Việt Nam.
Trung tâm Đắc Lộ xưa
Từ 1957–1975, các Giêsu hữu – thuộc 14 quốc tịch khác nhau – đã phục vụ trong các sứ vụ: giảng dạy tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X tại Đà Lạt để đào tạo Linh mục cho Giáo Hội Việt Nam, giảng dạy tại các đại học, truyền thông xã hội, mục vụ cho sinh viên và giới trẻ.
Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt
Từ 1975–1990, hoàn cảnh đất nước đổi thay, như các anh chị em tu sĩ khác, Dòng Tên phải đối diện với những khó khăn và thách đố khi trung thành sống căn tính của mình. Trong thời gian này, các Giêsu hữu âm thầm hòa mình vào nhiều môi trường xã hội khác nhau để tiếp tục hiện diện và phục vụ Hội Thánh và con người trong bối cảnh mới của đất nước.
Từ 1991, Dòng Tên bắt đầu hồi sinh. Các hoạt động mục vụ của Dòng từ từ được định hình trở lại với các sinh hoạt: giúp Linh Thao, mục vụ giáo xứ, sinh viên và giới trẻ, truyền giáo… Ơn gọi mới của Dòng mỗi ngày một nhiều hơn. Ngày 14.07.2007, Miền Dòng Tên Việt Nam được chính thức nâng lên thành Tỉnh Dòng Tên Việt Nam, với bổn mạng là Thánh Phanxicô Xaviê.
Ngày 18.01.2014 Dòng Tên Việt Nam cử hành Năm Thánh kỷ niệm 400 năm Dòng Tên loan báo Tin Mừng trên Đất Việt. Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh được cử hành tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn do Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn chủ tế. Năm Thánh đặc biệt này nhằm kỷ niệm biến cố ba tu sĩ Dòng Tên gồm: linh mục Francesco Buzomi – người Ý, linh mục Diogo Carvalho – người Bồ Ðào Nha, và tu huynh António Dias – người Bồ Ðào Nha đặt đến vùng biển Cửa Hàn – Ðà Nẵng. Nhờ bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, các thừa sai Dòng Tên đã khám phá một cánh đồng truyền giáo bao la và phì nhiêu nơi vùng đất Con Rồng Cháu Tiên. Khởi đi từ biến cố này, Tin Mừng của Chúa Kitô đã dần dần được loan báo rộng rãi tại cả Ðàng Trong lẫn Ðàng Ngoài và đã đâm hoa kết trái phong phú.
Ngày 18.01.2015, Năm Thánh mừng 400 năm Dòng Tên đến loan báo Tin Mừng trên Ðất Việt đã chính thức khép lại với Thánh lễ đại triều tại giáo xứ Hiển Linh, Q. Thủ Ðức do Ðức cha Cosma Hoàng Văn Ðạt, S.J., Giám mục giáo phận Bắc Ninh, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam chủ tế. Ðồng tế với Ðức cha Cosma có: Ðức cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Tổng Giám mục Huế, phó Chủ tịch HÐGM Việt Nam; Ðức cha Giuse Ðặng Ðức Ngân, Giám mục giáo phận Lạng Sơn; Ðức cha Tôma Vũ Ðình Hiệu, Giám mục giáo phận Bùi Chu; Ðức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục giáo phận Phát Diệm; Ðức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục giáo phận Vinh; Ðức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục giáo phận Thanh Hóa; Ðức cha Mátthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục giáo phận Quy Nhơn; Ðức cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục giáo phận Ðà Lạt; Ðức cha Micae Hoàng Ðức Oanh, Giám mục giáo phận Kontum; Ðức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục giáo phận Phú Cường; Ðức cha Phêrô Trần Ðình Tứ, nguyên Giám mục giáo phận Phú Cường; Ðức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục giáo phận Cần Thơ; Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục giáo phận Mỹ Tho; Ðức cha Giuse Trần Xuân Tiếu, Giám mục giáo phận Long Xuyên; Ðức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục giáo phận Phan Thiết; cùng với hơn 120 linh mục và gần 3,000 tín hữu.
Ðặc biệt, trong Thánh lễ có sự hiện diện của cha Adolfo Nicolás, S.J., Bề trên Tổng quyền Dòng Tên; cha Daniel P. Huang, S.J. Phụ tá Bề trên Tổng quyền đặc trách Vùng Châu Á Thái Bình Dương; cha Antoine Kerhuel, S.J., Phụ tá Bề trên Tổng quyền đặc trách Vùng Tây Âu; cha John Dardis, S.J. Chủ tịch Dòng Tên Vùng Tây Âu; cha Mark T. Raper, S.J. Chủ tịch Dòng Tên Vùng Châu Á Thái Bình Dương và quý cha bề trên thượng cấp Dòng Tên Vùng Châu Á Thái Bình Dương gồm các tỉnh và miền Dòng: Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Australia, Trung Hoa, Singapore – Malaysia, Thái Lan, Micronesia, Campuchia.
Lễ Bế Mạc Năm Thánh kỷ niệm 400 năm Dòng Tên Loan Báo Tin Mừng trên Đất Việt (1615-2015)
Tính đến năm 2020, tỉnh Dòng Việt Nam có 272 tu sĩ, trong đó có 98 linh mục, 125 học viên, 16 tu huynh, và 36 tập sinh, phục vụ tại nhiều cộng đoàn khắp cả nước và các sứ vụ quốc tế tại hải ngoại.
Họp mặt Tỉnh Dòng năm 2021
4. Đặc sủng Hội Dòng:
Bước theo Chúa Giêsu vác thánh giá, trung thành với Giáo Hội và sẵn sàng để được vị đại diện của Người là Đức Giáo Hoàng sai đi đến bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì theo các giá trị Tin Mừng nhằm Tôn Vinh Thiên Chúa Hơn và giúp ích cho con người hôm nay hơn, theo tinh thần chiêm niệm trong hoạt động.
5. Linh đạo Hội Dòng:
Linh đạo Dòng Tên được đặt trên nền tảng linh đạo của Thánh I-nhã và Hiến Luật của Dòng. Dựa trên những kinh nghiệm thiêng liêng thần bí được đúc kết trong tập Linh Thao, sách Tự Thuật và Nhật Ký Thiêng Liêng, thánh I-nhã đã chia sẻ với Giáo Hội một linh đạo lấy Đức Giêsu Kitô làm trung tâm cho cuộc sống, với lòng ao ước được hiểu biết Chúa hơn, yêu mến Chúa hơn và bước theo sát Chúa hơn. Cùng bước theo Chúa Giêsu vác thánh giá để thi hành thánh ý của Chúa Cha, thánh I-nhã đã chia sẻ với mọi người cách thức thực hành việc phân định thiêng liêng để khám phá lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa dành cho mỗi người và quảng đại đáp lại lời mời gọi ấy trong từng giây phút của cuộc sống thường ngày.
Lối sống và cung cách hành xử của các Giêsu hữu thấm nhuần linh đạo của thánh I-nhã qua những kinh nghiệm thiêng liêng của Linh Thao, và được hướng dẫn bởi Hiến Luật của Dòng. Chính tình yêu cá vị đối với Thiên Chúa và cụ thể đối với Đức Giêsu Kitô – Ngôi Lời nhập thể – là nền tảng thúc đẩy từng Giêsu hữu khám phá sự hiện diện và lời mời gọi của Thiên Chúa trong mọi người và trong mọi hoàn cảnh, thúc đẩy từng Giêsu hữu cùng với Đức Kitô lao tác để làm tất cả mọi sự cho Vinh Danh Chúa Hơn trong phân định thiêng liêng, nhằm giúp đỡ các linh hồn qua các sứ vụ khác nhau.
Chính lòng khao khát muốn nên giống Đức Giêsu vác thập giá trong mọi sự và muốn cùng với Đức Giêsu Kitô lao tác đã làm cho các Giêsu hữu trở nên những người bạn trong Đức Kitô, và nối kết họ thành một thân thể tông đồ với đức vâng phục làm nền tảng – vâng phục Đức Giáo Hoàng, Bề Trên Tổng Quyền và các Bề Trên hợp pháp – với cùng một cảm thức với Giáo Hội để luôn tìm điều hơn (magis) cho Vinh Danh Chúa, để phục vụ Giáo Hội và mang ích lợi cho con người.
3 tân linh mục của Tỉnh Dòng năm 2020
6. Sứ mạng của Hội Dòng:
Phục vụ đức tin nối kết với thăng tiến công bình của Nước Thiên Chúa trong đối thoại với các nền văn hoá và các tôn giáo khác. Trong bối cảnh của một thế giới đang bị ảnh hưởng bởi trào lưu toàn cầu hóa, dẫn tới gia tăng những mâu thuẫn và xung đột, sứ mạng này được thực hiện ngang qua nhiều sứ vụ như giảng Linh Thao, tông đồ xã hội, mục vụ giới trẻ, suy tư và giảng dạy thần học, truyền thông… nhằm thiết lập những nhịp cầu hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau và với môi trường thiên nhiên.
* Bổn Mạng Tỉnh Dòng Việt Nam:
Thánh Phanxicô Xaviê – Kính ngày 03 tháng 12
Tập Viện Thánh Tâm – Tam Hà, Thủ Đức
Học Viện Thánh Giuse – Thủ Đức
7. Bề Trên đương nhiệm:
Cha Arturo Sosa, S.J.
Tổng Quyền Dòng Tên (2016 – nay)
—————
Cha Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, S.J.
Giám Tỉnh Việt Nam (2022 – nay)
8. Các hoạt động của Dòng Tên Việt Nam
– Giúp Linh Thao
– Suy tư và giảng dạy triết học & thần học
– Mục vụ giáo xứ
– Mục vụ sinh viên và di dân
– Truyền giáo
– Tông đồ xã hội
– Linh hướng chủng viện
– Truyền thông xã hội
– Các sứ mạng quốc tế
9. Liên lạc về ơn gọi:
Nếu bạn là những người nam, Công Giáo, tuổi từ 17, có sức khỏe tốt, ao ước phụng sự Chúa, phục vụ con người trong Giáo Hội Công Giáo, thuộc Dòng Tên,
a. Đã học hết lớp 12
– Sau khi được nhận vào sống cộng đoàn trong Nhà Ứng sinh Dòng Tên, bạn sẽ được khuyến khích ôn thi Đại học trong 1 năm
b. Đang học hoặc đã tốt nghiệp cao đẳng
– Thông thường, bạn sẽ được khuyến khích học liên thông lên đại học
c. Đang học ĐH hoặc đã tốt nghiệp
– Nếu là sinh viên, bạn có thể được nhận vào sống nội trú trong 1 cộng đoàn ứng sinh hoặc tìm hiểu Dòng theo diện ứng sinh ngoại trú.
– Nếu đã tốt nghiệp, bạn sẽ được nhận vào 1 cộng đoàn ứng sinh để trau dồi thêm khả năng tiếng Anh bên cạnh việc học các môn học của chương trình nhà ứng sinh.
(Đây chỉ là những điều kiện sơ khởi, bạn cần liên lạc để có một cuộc trao đổi, chia sẻ trực tiếp với linh mục phụ trách ơn gọi của nhà Dòng để được hướng dẫn cụ thể.)
Địa Chỉ: Nhà Ứng Sinh Dòng Tên Việt Nam
600 xa lộ Hà Nội, Phường An Phú, Quận 2
Tp. Hồ Chí Minh
Điện Thoại: 028.3 744 4766
- Người Phụ Trách Ơn Gọi: linh mục An-tôn Nguyễn Ngọc Triêm S.J.
- E-Mail: [email protected]
- Website: http://ungsinhdongten.net
10. Địa chỉ liên lạc
Xin liên lạc với chúng tôi qua địa chỉ sau
Trụ sở chính tại Việt Nam:
Địa Chỉ: 19 Đường số 5, Khu Phố 2, Phường Linh Trung, Thành Phố Thủ Đức, Thành Phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
- Điện thoại: (028) 3897-9197 – Fax: (028) 3720-3252
- Website: http://dongten.net/
- Email liên lạc với Văn Phòng Dòng Tên Việt Nam: [email protected]
- Email liên lạc với Ban Truyền Thông Dòng Tên Việt Nam: [email protected]
12. Hỗ trợ Quỹ Đào Tạo Ơn Gọi và các sứ vụ tông đồ
Văn Phòng Phát Triển
- Giám đốc: LM Giuse Đỗ Cao Bằng, SJ
- 171 Lý Chính Thắng, P 7, Q 3, TP.HCM
- Email: [email protected]
- Website: http://vpptsjvn.org/