Nhiều năm qua, đã có nhiều tác phẩm viết về cha Alexandre de Rhodes (quen gọi là cha Đắc Lộ) bằng tiếng Việt, Pháp, Anh từ nhiều bối cảnh khác nhau. Năm nay có thêm một công trình rất quý báu bằng tiếng Đức. Tác giả là linh mục Klaus Schatz SJ. Cha nguyên là giáo sư sử học về Giáo Hội tại phân khoa thần học Sankt Georgen của Dòng Tên tại Frankfurt. Tác phẩm đã được dịch giả Phạm Hồng Lam dịch sang tiếng Việt tại Nhà xuất bản Phương Đông.
Mới đây, trong dịp Giáng Sinh, cha Klaus Schatz có ghé thăm cộng đoàn Dòng Tên tại Roma, nơi chúng tôi đang ở. Được biết tôi là người Việt, cha rất vui mừng nói về cuốn sách cha mới hoàn thành. Cha còn tặng cho tôi cuốn sách ấy đã xuất bản bằng tiếng Việt. Niềm vui không chỉ là nhận được món quà rất ý nghĩa, không chỉ là được chính tác giả ấy trao tặng, mà niềm vui còn được nhân lên sau khi tôi dành giờ đọc tác phẩm này. Cảm nhận đầu tiên là về đặc tính Công Giáo, đặc tính phổ quát của đức tin, của Tin Mừng Chúa Giêsu. Giữa những thăng trầm của thời cuộc về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, đức tin ấy, những con người mang đức tin ấy vẫn tiếp tục tỏa sáng, cho dù họ thuộc ngôn ngữ, văn hóa, quốc tịch nào.
Chúng ta dành chút thời gian tìm cách trở về cội nguồn của ngôn ngữ mẹ đẻ, của tiếng Việt, của chữ quốc ngữ, loại chữ dùng để ký âm tiếng Việt, trở về văn hóa Việt và đức tin cha ông thời kỳ đầu. Cuộc trở về cội nguồn có nhiều cách tiếp cận. Cách trở về lần này, chúng ta thực hiện qua lăng kính của những nhà truyền giáo châu Âu, và qua cách tiếp cận của một tu sỹ Dòng Tên đồng thời là giáo sư sử học người Đức thời hiện tại. Từng câu chuyện, từng diễn tiến đều xoay quanh một nhân vật rất nổi tiếng là Cha Đắc Lộ.
Chúng tôi sẽ tạm lược bỏ những ngày tháng, tên tuổi và những giải thích quá chi tiết mang tính chuyên môn của sử học, để tập trung nhiều hơn vào diễn tiến câu chuyện. Còn ai muốn thực sự đọc đầy đủ cuốn sách, thì có thể tìm mua cuốn sách có tựa đề: Hoa Trái ở Phương Đông. Cầu nguyện với lịch sử đời mình, với lịch sử dân tộc, với lịch sử chữ quốc ngữ, đó cùng là một lối cầu nguyện quan trọng để có thể thấy Chúa luôn đồng hành với ta trên từng bước đường đời giữa những vui buồn sóng gió phong ba.
…
Năm 1615 là mốc quan trọng cho đề tài này. Vì đó là năm Dòng Tên bắt đầu truyền giáo trên đất Việt, thời đó gọi tên là Cochinchina hay còn gọi là Vương quốc phía Nam. Năm trước đó, việc truyền giáo ở Nhật Bản vốn được coi là có triển vọng nhất, lại kết thúc phũ phàng do các nhà truyền giáo bị trục xuất và bị theo dõi gắt gao. Suốt một phần tư thế kỷ sau đó, có những lúc lóe sáng mầm hy vọng, nhưng rồi lại nhanh chóng tiêu tan. Sự đổ vỡ của công cuộc truyền giáo ở Nhật Bản tạo điều kiện cho khởi đầu mới ở Việt Nam. Chính cha Đắc Lộ vào cuối năm 1614 đã gửi thư cho cha Tổng Quyền Acquaviva thỉnh nguyện được đi truyền giáo sau thời gian hoàn tất nhà tập.
Cho tới lúc này, Dòng Tên đã vượt qua giai đoạn dò dẫm về chủ trương thích ứng trong truyền giáo và họ đã có được khuôn khổ vững chắc đầu tiên. Khuôn khổ này được áp dụng tại Paraguay trong những khu định cư của người thổ dân, được áp dụng tại Trung Hoa qua cha Matteo Ricci, và được áp dụng ở Mandurai Ấn Độ qua cha Roberto de Nobili. Lịch sử 75 năm truyền giáo cho dân ngoại từ ngày lập Dòng cho tới lúc ấy của Dòng Tên có thể được tóm tắt như sau:
Đối với Dòng Tên, là một Dòng hoàn toàn vâng lời Đức Giáo Hoàng, để Ngài có thể sai các thành viên của Dòng đi tới các người Thổ Nhĩ Kỳ, tới các người ngoại giáo hoặc với bất kỳ người lạc giáo nào. Nhắc tới Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là nhắc tới người Hồi giáo. Giờ đây, việc truyền giáo cho các dân tộc ngoài Kitô giáo, không phải chỉ là một trong các công tác có thể làm, nhưng đó là mục tiêu trung tâm của Dòng. Vậy mà, sáng kiến để Dòng Tên đi truyền giáo bên kia đại dương lại không xuất phát từ vị sáng lập Dòng là Thánh Inhaxio Loyola, cũng không xuất phát từ Đức Giáo Hoàng, mà lại xuất phát từ lời thỉnh cầu của vua Bồ Đào Nha là Gioan III. Năm 1540 ông vua này đã thỉnh cầu các tu sĩ Dòng Tên đi truyền giáo.
Đó là vì phạm vi và khuôn khổ định chế của việc truyền giáo hải ngoại thuộc quyền bảo trợ truyền giáo của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Hai nước này phân chia thế giới và chịu trách nhiệm việc truyền giáo, dựa theo sắc chỉ Inter Cetera năm 1493 của Đức Giáo Hoàng Alexandro VI. Nhiều sắc chỉ khác nhau của Giáo Hoàng đã trao cho các hoàng đế Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha không những trách nhiệm truyền giáo mà cả những quyền hạn rộng rãi.
Trước hết về tài chính, họ phải trả chi phí cho việc truyền giáo và cho toàn bộ tổ chức Giáo hội. Ngoài ra, họ còn phải lo việc phái đi và chuyên chở các nhà truyền giáo trên tàu thuyền của mình. Bù lại, họ có những quyền hạn còn vượt trên cả Giáo hội, điều này thường thấy nơi các đế chế tập quyền ở châu Âu thời đó thường có. Họ không chỉ có quyền cho phép nhà truyền giáo nào được nhập cảnh, mà còn có quyền chỉ định Giám mục, quyền thành lập giáo phận và xác định ranh giới của giáo phận. Đương nhiên những điều này phải được Roma chấp thuận.
Nhìn theo quan điểm của Giáo hội về sau này, ta dễ dàng đánh giá tiêu cực chế độ bảo trợ, vì coi đó là một hình thức lẫn lộn thần quyền và thế quyền. Nhưng nhìn như vậy là chưa thích hợp và chưa hợp thời. Vì công bằng mà nói, vào thế kỷ XVI không có hình thức nào khác thay thế. Một tình trạng đặc biệt khác nữa, là liên minh nhân sự giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha không hề làm suy giảm sự cạnh tranh thù nghịch giữa hai quốc gia này, mà còn tạo cho Giáo hội nhiều sự chồng chéo hơn. Thêm vào đó là những cạnh tranh mâu thuẫn về phương pháp truyền giáo giữa các tu sĩ Dòng Tên với các tu sĩ dòng khất thực, những tranh chấp quốc gia giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, sự cạnh tranh giữa chế độ Bảo Hộ và Thánh Bộ Truyền Giáo. Những rắc rối ấy đã biến cuộc tranh cãi về lễ nghi, thành một cuộn chỉ rối không gỡ nổi.
Sau đây là Audio để nghe:
Phần tiếp theo: Truyền giáo trên đất Nhật (2)
Lược trích: Tứ Quyết SJ
Hoa Trái ở Phương Đông, Tác giả: Klaus Schatz, S.J.,
Người dịch: Phạm Hồng Lam, NXB Phương Đông, 2017.
Lần đầu tiên truy cập vào trang web này để tìm hiểu nguồn gốc chữ quốc ngũ ngày nay. Xin chân chân thành cảm ơn quản trị viên trang web và những bài viết rất hay về nguồn gốc chữ quốc ngũ . Qua đây mình được biết khá rỏ về ngài Alexandre de Rhodes ( Cha Đắc Lộ ) . Xin chân thành cảm ơn quý vị !