Dung mạo thiêng liêng của thánh Inhã

Dẫn nhập

Đời sống thiêng liêng vốn là một cuộc hành hương. Có lẽ đó cũng là lý do khiến thánh Inhã sử dụng danh xưng “vị khách hành hương” để nói về mình khi kể lại cuộc đời của ngài cho cha Camara. Đã là một cuộc hành hương thì luôn có những chặng đường khác nhau, đồng thời, người lữ khách phải có những thay đổi để thích ứng với mỗi chặng họ đi qua. Cũng vậy, dung mạo thiêng liêng của một tâm hồn ở mỗi giai đoạn khác nhau của hành trình thiêng liêng cũng có những nét dị biệt. Trong bài viết này tôi xin đề cập đến ba cột mốc quan trọng  đánh dấu sự thay đổi nơi dung mạo thiêng liêng của thánh Inhã qua các giai đoạn của cuộc đời.

1. Pamplona: người mù được sáng

Nếu như mỗi cuộc hành hương đều phải có điểm khởi đầu thì hành trình thiêng liêng cũng vậy. Một khi cất bước lên đường, người lữ khách phải bỏ lại tất cả những gì đã qua để hướng tới những điều mới mẻ và lý thú còn ở phía trước. Cũng thế, Inhã đã quyết tâm rời bỏ những năm tháng theo đuổi hư danh thế tục để bước vào cuộc hành hương tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng là nguyên lý và nền tảng cho cuộc đời của ngài.

Khi bắt đầu kể về cuộc đời mình, thánh Inhã tóm kết cuộc đời ngài cho đến năm 26 tuổi , nghĩa là tới khi ngài tham gia trận chiến giữa Tây Ban Nha và Pháp tại pháo đài Pamplona, là một cuộc đời của hư danh trần thế.  Điều này cũng được ngài minh chứng khi kể về những lần phẫu thuật cái chân bị gãy tại trận chiến tại Pamplona. Mặc dù chỉ mới bình phục sau ca phẫu thuật lần thứ nhất đầy khó khăn đến mức tưởng chừng như không qua nổi, nhưng ngài vẫn quyết chịu tử đạo một lần nữa để muốn có một đôi chân đẹp hơn, và để tiếp tục theo đuổi những dự phóng trước đây.  Chưa hết, khi dưỡng thương tại Loyola, ngài vẫn còn thích tiêu khiển bằng những sách phù phiếm và xảo trá. Còn về đời sống đức tin, Cha Polanco nói rằng: “Mặc dù rất gắn bó với đức tin nhưng Inhã không sống niềm tin đó và không giữ mình khỏi phạm tội, đặc biệt là cờ bạc, trai gái và sử dụng vũ khí.”  Cho đến lúc bị thương tại Pamplona, ngài vẫn chỉ như người phạm từ tội này sang tội khác, và không có dấu hiệu nào về một đời sống thiêng liêng sâu sắc cho dù là người Công giáo trên danh nghĩa. Chính Inhã cũng gián tiếp nói về đời sống đức tin non yếu của mình khi kể về việc lãnh nhận các bí tích là do người khác khuyên, hay việc đọc sách thiêng liêng là do người khác đem đến sách mà ông không yêu cầu, nghĩa là những yếu tố thiêng liêng chỉ đến từ ngoại tại.  Nói khác đi, Inhã như một người mù trong đời sống thiêng liêng.

Tuy nhiên, Thiên Chúa quả là một kiến trúc sư đại tài khi vẽ đường thẳng qua những đường cong; Ngài đã dùng những biến cố tưởng chừng như là tai họa theo cái nhìn tự nhiên để đem lại những điều kỳ diệu ngoại thường. Khẩu pháo tại Pamplona là dấu chấm hết cho một cuộc đời hư vinh, nhưng lại là điểm khởi đầu cho một cuộc sống mới khi Thiên Chúa mở mắt cho Inhã trong lúc dưỡng thương tại lâu đài Loyola. Chỉ nhờ hai cuốn sách “Cuộc đời Đức Kitô” và “hạnh các thánh” được người chị dâu đem tới , vốn không phải là sách mà Inhã yêu cầu, Inhã đã bắt đầu có những phản tỉnh về đời sống quá khứ và về những chuyển động của tâm hồn.  Đây cũng là bước đầu của kinh nghiệm phân định thần loại sau này ngài thủ đắc tại Manrêsa, và trưởng thành qua các giai đoạn của cuộc đời. Hơn thế nữa, Inhã còn ước muốn hành hương Giêrusalem, rồi sau khi trở về sẽ vào dòng khổ tu, và sống hãm mình đền tội như bất cứ một tâm hồn quảng đại nào cháy bỏng tình yêu mến Thiên Chúa ước ao thực hiện. Quả là một bước ngoặt thực sự quan trọng trong cuộc đời của Inhã, từ một con người không biết gì đến chuyện thiêng liêng, giờ đây Inhã chỉ nói những điều về Thiên Chúa để giúp ích cho người khác.  Đồng thời, ngài cũng “ghê tởm về tất cả cuộc sống quá khứ” nhờ một cuộc thăm viếng của Đức Mẹ và Chúa Giêsu Hài Đồng. Nếu như trước đây Inhã chỉ biết đến việc theo đuổi một tiểu thư thì giờ đây ngài cảm nhận một nghị lực lớn lao để phục vụ Chúa. Nếu như bầu trời và các tinh tú chẳng bao giờ đổi thay kể từ khi Inhã hiện hữu trên thế giới này, nhưng giờ đây ngài lại thấy an ủi khi nhìn ngắm chúng với cặp mắt thiêng liêng đã được “phẫu thuật”.  Điều đó cho thấy cặp mắt thiêng liêng của Inhã đã được khai sáng nhờ sự chữa lành của Chúa qua hai cuốn sách Inhã đọc tại Loyola.

Như thế, Pamplona được xem là nơi khởi phát một cuộc “phẫu thuật thiêng liêng” của Inhã hơn là một cuộc phẫu thuật thể lý. Từ một người mù tối, Inhã đã được Thiên Chúa chữa lành để thấy những điều thiêng liêng. Nếu dựa vào lý thuyết ba chặng đường của đời sống thiêng liêng , cùng với những đặc điểm đã được nói trên đây về đời sống thiêng liêng của Inhã khi dưỡng thương tại Loyola, thì lúc này Inhã  trở thành người mới bắt đầu bước vào đời sống thanh luyện (purgative life). Tuy nhiên, ý hướng và động lực thiêng liêng của Inhã cần phải được tẩy rửa khỏi mọi bất toàn trước khi trở nên một khí cụ sắc bén trong tay Chúa.

 

2. Manrêsa: Cậu học trò nhỏ

 

Nếu như Pamplona là điểm khởi của cuộc hành trình thiêng liêng của Inhã thì Manrêsa được xem như ngôi trường thiêng liêng của ngài. Chính nơi ngôi trường thiêng liêng này Thiên Chúa đã dạy Inhã như một cậu học trò nhỏ, và Thiên Chúa cũng thanh luyện những ý hướng còn vương mùi thế tục của ngài. Những bài học mà ngài học ở Manrêsa đánh dấu những chuyển biến hết sức quan trọng trong hành trình tiếp theo của cuộc hoán cải.

Bài học thứ nhất phải kể đến là cuộc thanh luyện về tình yêu quy kỷ, vốn là hệ quả của một hiệp sĩ tại Pamplona khi theo đuổi hư danh thế tục. Thật vậy, khi nhận ra giá trị cao quý của đời sống thiêng liêng,  Inhã muốn tự mình làm mọi sự để có thể đạt được một đời sống thánh thiện nhưng chẳng đem lại kết quả gì. Trên thực tế, những việc thiêng liêng mà ngài đã làm khởi đi từ Loyola chỉ nhằm mục đích là ganh đua với các thánh chứ chưa phải là vì lòng mến Chúa cách tinh tuyền. Chính Inhã cũng thừa nhận là mình chẳng hề suy xét gì đến động lực nội tâm và chẳng hiểu biết thế nào là đức khiêm nhường, bác ái và kiên nhẫn.  Chính vì một niềm tin còn non yếu và một tình yêu còn mang nặng tinh thần thế gian khiến ngài đi đến những hành động sai lầm. Trước tiên là việc có ý định giết người Môrô để bảo vệ cho danh dự của Đức Mẹ, rồi sau đó là sự lưỡng lự và đành để quyết định cho một con la.  Một hành động sai lầm khác được Inhã kể lại là một hành vi bác ái không có phân định khi cho một người nghèo y phục hiệp sĩ của mình, kết quả là anh ta bị xỉ vả vì bị cho là đã lấy cắp những y phục đó.

Đêm tối thiêng liêng còn chưa dừng lại ở đó, cái gì đến sẽ phải đến, sự bế tắc trong đời sống thiêng liêng lên đến cực độ trong thời gian Inhã lưu lại Manrêsa. Cho dù lên chương trình thiêng liêng cách tỉ mỉ , cùng với việc ăn chay, hãm mình đền tội, không để ý tới diện mạo bề ngoài, và ngay cả việc tìm những người thuần thiêng , cũng không giúp ngài vượt qua những cám dỗ. Thậm chí, có lúc ngài còn bị cám dỗ tự tử cho dù biết đó là tội trọng , và ngài đã phải thốt lên với Chúa là cho dù phải chạy theo một con chó để tìm ý thấy phương thuốc chữa trị thì ngài cũng sẵn sàng theo.  Tất cả những dấu hiệu trên đây đều là hệ quả tất yếu của cuộc thanh luyện một tâm hồn “cứng cỏi và lòng trí mê muội” , để nhờ đó, Thiên Chúa gột rửa linh hồn khỏi những tàn tích của lòng yêu mến mình và sửa trị những nết xấu, giúp cho linh hồn nhận ra sự nghèo nàn và túng thiếu của họ và nhận biết Thiên Chúa qua những sự vật khả giác.  Có lẽ sau khi thấy sự bất lực của mình thì Inhã mới nhận ra đời sống thiêng liêng phải được đặt trên nền tảng là chính Chúa chứ không phải chỉ ở nỗ lực của bản thân. Chính vì thế, sau khi rời Manrêsa để hành hương Giêrusalem, Inhã chỉ đặt sự tin tưởng, lòng quý mến và sự trông cậy vào một mình Thiên Chúa mà thôi với niềm xác tín là chỉ có Thiên Chúa mới là nơi trú ẩn.

Cùng với bài học về lòng yêu mến, Inhã còn được Chúa dạy dỗ về cách thức để phân định thần loại. Theo lời kể của Inhã, ngay khi dưỡng thương ở Loyla cũng như tại Manrêsa ngài chỉ cảm nhận được những an ủi và sầu khổ nhưng không phân biệt được đâu là tác động của Thiên Chúa, của thần lành hay thần dữ. Tuy nhiên, với nỗ lực tập luyện và với ơn Chúa soi sáng thì ngài đã đi đến một xác quyết là có kinh nghiệm chắc chắn về sự phân định các thần loại.   Những kinh nghiệm được Inhã kể ra để minh chứng cho bài học về phân định thần loại như: sự bối rối trong việc xưng tội, kiêng thịt, và về sự vật rất đẹp với vô số mắt  đã đem lại cho Inhã một sự an ủi giả tạo trong một thời gian dài. Mặc dầu vậy, kinh nghiệm này vẫn cần được trui rèn để có thể trở thành một khí cụ sẽ được Inhã sử dụng cho việc giúp đỡ các linh hồn qua Linh Thao.

Một bài học khác không những không thể bỏ qua mà nó còn làm nên kinh nghiệm nền tảng cho đời sống thiêng liêng của Inhã, đó là việc Thiên Chúa cho ngài thấu hiểu các Mầu nhiệm chính yếu của Kitô giáo.  Đây vốn là đặc điểm chính yếu của một linh hồn bước sang đời sống soi sáng (illuminative life), theo đó, họ không còn nhận biết thiên Chúa với những sự vật khả giác nhưng qua các Mầu nhiệm từ Nhập Thể tới Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh.  Xa hơn nữa, Inhã còn được Thiên Chúa cho thấu hiểu vô số điều thiêng liêng lẫn những điều liên quan đến đức tin và phong hóa trong lúc ngài ngồi nghỉ bên bờ sông Cardoner. Những gì mà Inhã nhận được nơi đây lớn lao đến mức ngài phải thừa nhận rằng tất cả những gì ngài nhận được từ Thiên Chúa và tất cả những kinh nghiệm khác ngài có được trong suốt cuộc đời, tính đến lúc Inhã kể về cuộc đời mình, cũng không thể bằng những gì ngài nhận được từ một lần duy nhất này.  Một sự kiện có thể đưa ra để minh họa cho sự hiểu biết mà Inhã đã kể lại, đó là khi ngài bị thẩm vấn tại tòa án Salamanca. Cho dù lúc này Inhã chưa học thần học nhưng ba vị tiến sĩ và một cử nhân cũng không thể tìm ra bất cứ một sai sót nào trong giáo thuyết của ngài liên quan đến Linh Thao, thần học và những điều khác nữa.

Xuyên suốt những bài học trên đây, có lẽ bài học lớn nhất mà Inhã học được tại Manrêsa chính là sự cộng tác giữa ân sủng và tự nhiên trong đời sống thiêng liêng. Thật vậy, ngài đã trải qua sự bất lực của bản thân cho dù sống kỷ luật trong đời sống thiêng liêng và thực hiện những việc hãm mình đền tội cùng những điều tương tự. Từ đó Inhã nhận ra rằng chỉ nơi Thiên Chúa mới ẩn chứa những kho tàng ân sủng, và con người chỉ cộng tác để những ân sủng đó sinh qua kết quả nơi đời sống thiêng liêng của mỗi người.  Chính vì thế, Manrêsa chính là ngôi trường đã tạo dáng cho dung mạo thiêng của cậu học trò Inhã. Giờ đây Inhã trở thành một con người hoàn toàn mới.  Đồng thời, những bài học tại đây cũng là hành trang cho hành trình kế tiếp: một phương pháp phân định thần loại, một cách thức để đào luyện bản thân và một con đường phục vụ Đức Kitô nơi Giáo hội của Người.

 

3. La Storta: người Tông Đồ của Chúa Kitô vác thập giá

Nói đến những cột mốc đánh dấu sự chuyển biến nơi dung mạo thiêng liêng của Inhã, người ta không thể nào lại không nhắc tới thị kiến La Storta, bởi đây không chỉ là thị kiến mang tính quyết định cho hành trình đào luyện thiêng liêng của Inhã nhưng còn mở ra một sứ mạng và làm nên người Tông Đồ của Chúa. Hay nói theo cách của Cha Andre Ravier là thị kiến ấy kết tinh cả định mệnh của một con người, của sứ mạng Thiên Chúa ủy thác cho con người ấy và cả công trình con người ấy thực hiện, và nó xác chuẩn cả một quá khứ đầy ân sủng.

Trước hết, thị kiến La Storta là sự phê chuẩn cho ước muốn phục vụ Chúa và giúp đỡ các linh hồn của Inhã, nhờ đó ngài trở thành một người tông đồ của Chúa. Thật vậy, kể từ ngày rời Manrêsa dường như Inhã đã quên dự định ban đầu khi hoán cải tại Loyola, đó là sau khi hành hương Giêrusalem sẽ vào dòng khổ tu, thay vào đó là một ý hướng phục vụ các linh hồn. Ý hướng phục vụ các linh hồn có thể đã nhen nhúm ngay từ khi còn dưỡng thương ở lâu đài Loyola, khi ấy ngài chỉ nói những điều thuộc về Thiên Chúa để mưu ích cho linh hồn của những người thân trong gia đình.  Ý hướng đó tiếp tục được nuôi dưỡng tại Manrêsa sau khi Inhã được Chúa dạy về kinh nghiệm phân định thần loại, ngài đã giúp đỡ một số linh hồn đến tìm gặp ngài trong những việc thiêng liêng.  Rồi khi hành hương đến Giêrusalem, ngài cũng có “dự định giúp đỡ các linh hồn”. Tuy nhiên, vì không được ở lại Giêrusalem như ước nguyện nên ngài nhận ra là ý Chúa không muốn. Đồng thời, sau khi phân định cũng như hỏi Chúa xem mình phải làm gì với câu hỏi: “quid agendum”? , ngài thấy nghiêng chiều hơn về việc học hành để giúp đỡ các linh hồn.  Mặc dầu vậy, Inhã vẫn chưa biết chính xác đó có phải là ý Chúa muốn hay không. Kể từ đó trở đi, Inhã luôn tự hỏi câu đó mỗi khi cánh cửa giúp đỡ các linh hồn bị khép lại, đơn cử là trường hợp ở Alcala  và Salamanca , và ngay cả khi nhóm bạn đã quyết định sẽ hành hương Giêrusalem.

Tuy nhiên, Thiên Chúa đã không thử thách Inhã hơn nữa, và Ngài đã dùng nhà nguyện nhỏ tại Larstorta để nói cho Inhã biết ý muốn của Ngài khi phán: “Ta muốn Con nhận người này làm kẻ phục vụ Con”, “Ta muốn con phục vụ chúng ta”, và “Ta sẽ phù hộ các con ở Rôma”.  Mặc dầu vậy, với những người không tin vào thị kiến cũng có quyền thắc mắc rằng kinh nghiệm đó có thực hay không? Hãy xem quả thì biết cây, kể từ khi Inhã nhận được thị kiến đó, một dòng tông đồ đầu tiên mang tên Giêsu dần được hình thành. Kết quả là sau 15 năm quản trị dòng, từ nhóm bạn ban đầu tiên với mười thành viên đã trở thành một dòng lớn mạnh với gần 1000 Giêsu hữu có mặt trên “khắp cùng trái đất”, cùng với đó là những sứ vụ ở nước ngoài, những trường đại học và những cơ sở bác ái xã hội.  Những hoa trái đó đủ nói lên tầm quan trọng của thị kiến La Storta trong việc phê chuẩn cho Inhã trở thành một người tông đồ của Chúa.

Thêm nữa, thị kiến La Storta còn xác chuẩn cho hành trình đào luyện thiêng và phương pháp phân định của Inhã kể từ khi được hoán cải tại Loyola. Có một điểm cần lưu lý là kể từ khi nhận được những thị kiến tại Manrêsa thì ngài không đề cập tới một thị kiến nào giống như vậy cho đến khi ngài làm việc tông đồ ở Vicenza.  Ở đây, ngài đã nhận được nhiều thị kiến thiêng liêng và nhiều sự an ủi hầu như thường xuyên giống như thời ở Manrêsa, rồi sau đó là thị kiến La Storta, thậm chí ngài còn khẳng định là được sự đảm bảo của Thiên Chúa rằng người bạn Bassano sẽ không chết. Điều đó chứng tỏ là Inhã đã rất trưởng thành trong việc phân định để biết đâu là ý Chúa. Chắc hẳn kinh nghiệm được Chúa xác chuẩn tại La Storta phải là một bước ngoặt mới trong hành trình thiêng liêng của Inhã, bởi từ đó trở đi ngài có thể tự mình tìm ý Chúa mà không cần đến một người hướng dẫn. Sự trưởng thành trong việc phân định được Inhã kể lại với những lần phải chọn lựa để đưa ra quyết định, manh nha từ khi còn ở Loyla và rồi sau đó la tại Manrêsa và hành trình tới Rôma.

Sự trưởng thành trong việc phân định phải là hệ quả của một sự kết hợp mật thiết với Chúa, vốn là bản chất của một đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa. Quả vậy, Cha Nadal nói rằng Inhã có thể nâng tâm hồn lên tới Chúa Ba Ngôi khi ngài nhìn ngắm một chiếc lá cam.  Đó là lý do khiến Cha Nadal đã dùng thuật ngữ “chiêm niệm trong hoạt động” để nói về đời sống cầu nguyện của người Giêsu hữu. Thực chất, thuật ngữ đó chẳng qua là cách nói khác của cụm từ được thánh Inhã sử dụng trong Hiến Pháp phần ba: “Tìm kiếm Thiên Chúa là Chúa chúng ta trong mọi sự”. Cụm từ này được Inhã giải thích cho học viên Antonio Brandão như sau: “Vì sự thật là Quyền Năng Thần Linh của Người ở nơi mọi sự ngang qua sự hiện diện, sức mạnh và yếu tính của Người” .Những dấu hiệu trên đây cũng là đặc nét của một tâm hồn đã đạt tới đời sống kết hiệp (unitive life), vốn là đỉnh cao của đời sống thiêng liêng, nghĩa là dễ dàng gặp gỡ Thiên Chúa mà không cần một trung gian nào.  Khi nói về điều này, Cha Camara thuật lại việc thánh Inhã nói là ngài có thể gặp gỡ Thiên Chúa ở mọi lúc và mọi nơi nếu ngài muốn.  Nếu đúng như vậy thì Inhã trở thành một nhà thần bí của thời đại ngay khi ở La Storta.

Qua những gì được nói trên đây, có thể thấy rằng nhờ việc xác chuẩn của Thiên Chúa nơi thị kiến La Storta, thánh Inhã đã trở thành một bậc thầy về việc phân định thần loại và là một nhà thần bí thực tiễn. Nghĩa là ngài không chỉ gặp gỡ Thiên Chúa trong giờ cầu nguyện mà thôi nhưng còn có thể thấy Người trong bất kỳ một sự vật, sự việc hay bất kỳ biến cố nào của đời sống. Đây chính là bước ngoặt cho nền linh đạo Kitô giáo và mở ra một con đường nên thánh mới cho các thế hệ tương lai, bởi cho đến thế kỷ thứ mười sáu thì khái niệm về thần bí hay chiêm niệm chỉ gắn liền với cầu nguyện, và dường như chỉ thích hợp với các dòng chiêm niệm vốn luôn gắn liền với hàng rào của đan viện.

Tóm lại, nếu Pamplona là điểm khởi cho cuộc hành hương, Manrêsa là mốc định hướng cho con đường thiêng liêng ấy thì La Storta chính là điểm tới của cuộc hành hương. Nhờ thị kiến La Storta, thánh Inhã đã trở thành một người tông đồ của Chúa, một bậc thầy trong việc phân định thần loại và trở thành một nhà thần bí. Đặc biệt hơn nữa, kinh nghiệm thiêng liêng của ngài còn đem lại cho những ai yêu mến và muốn phụng sự Chúa nơi Giáo hội của Người, chứ không phải là tách ra khỏi Giáo hội như trường hợp của Luther. Điều này được thể hiện nơi hoa trái của dòng chính là các vị thánh Tử đạo, những nhà truyền giáo vĩ đại, hay những nhà trí thức góp phần vào sự cải cách của Giáo hội sau này.

 

Kết luận

Mặc dù không có nhiều sử liệu về những năm cuối đời của thánh Inhã, nhưng qua những điểm mốc trên cây cũng đủ cho thấy một sự biến đổi đến lạ lùng nơi dung mạo thiêng thiêng của ngài. Từ một người mù tối về thiêng liêng, sau một hành trình đào luyện gian nan Inhã đã trở nên một con người có thể kết hợp mật thiết với Chúa ở mọi nơi và mọi lúc. Qua đó cũng có thể nhận thấy sự can thiệp của bàn tay Thiên Chúa trong cuộc đời của Inhã là thế nào, “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”( Lc 1:37). Đồng thời, qua dung mạo thiêng liêng của thánh Inhã người ta có thể hiểu được thế nào là sự cộng tác giữa tự nhiên và ân sủng trong đời sống thiêng liêng. Để nhờ đó, mỗi người có thể mở ra với ân sủng của Thiên Chúa qua các Bí tích, qua đời sống cầu nguyện cùng với các việc hy sinh bác ái để mỗi ngày lớn lên trong đời sống thiêng liêng, và trở nên khí cụ sắc bén trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa như thánh Inhã.

 

Đào Anh Tuấn, S.J.

 

Sách tham khảo

  1. Lane, George , S.J.. Linh đạo Kitô giáo: một phác họa lịch sử, translated by? Tam Hà: Nhà Tập dòng tên, 2014.

Aldama, Antonio M. de, S.J., An introductory commentary on the constitutions, translated by Aloysius J. Wen, S.J.,. Rome: St. Louis University, 1989.

Coleman, Gerald, S.J.. Walking with Inigo-A commentary on the autobiography of st.Ignatius. India: Anand Press, 2001.

  1. Ganss, George , S.J.. Ignatius of Loyola-The spiritual exercises and selected works, eds. Parmananda R. Divarkar, S.J.. Edward J. Malatesta, S.J., John W. Padberg, S.J., and Martine E. Palmer, S.J.. New York: Paulist Press, 1991.

Garrigou-Lagrange, Reginald , O.P.. Ba chặng đường của đời sống thiêng liêng. Tam Hà: Nhà tập Dòng Tên, 2014

Hiến Pháp Dòng Tên

Hoàng Văn, Đạt. S.J..  Dòng tên sử lược. Unknown.

Fleming, David L., S.J.. What is Ignatian Spirituality. Chicago: Loyola Press, 2008.

 

 

 

Kinh Thánh, Bản dịch của Nhóm CGKPV. Hà Nội: Tôn Giáo,2011.

Linh Thao, Bản dịch của cha Giuse Lê Quang Chủng S.J.. Thủ Đức, 2013.

Ravier, Andre, S.J.. Ignaca de Loyola fonde la Compagnie de Jésu, cited by Tập sinh khóa 2008-2010, Thánh Inhã-hành trình theo Chúa. Tam Hà: Nhà tập Dòng Tên, 2010.

Ravier, Andre, S.J.. Inhã-con người & sứ điệp. Unknown.

Tự Thuật của thánh Inhaxio Loyola, Bản dịch của cha Giuse Lê Quang Chủng S.J.. Tam Hà: Nhà tập Dòng Tên, 2013

 

Kiểm tra tương tự

Vọng chờ ai, đợi ai? | Suy tư Tin Mừng CN I mùa Vọng năm C

  Chúa Nhật Tuần I – Mùa Vọng năm C   Các bạn thân mến! …

Thầy Phó tế Giuse Lê Vĩnh Tự, S.J. – Ơn gọi trưởng thành từ những ước mơ tuổi thơ

Vào ngày 3/12/2024, tại Nhà thờ Giáo xứ Hiển Linh, Thủ Đức, Tổng Giáo phận …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *