“Đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét”

Có nói quá sự thật không khi ta cho rằng, việc xét đoán là sở thích chung của con người thuộc mọi thời đại? Điều rất thường tình của con người là «xấu che, tốt khoe». Điều này phần nào cho thấy, khuynh hướng xét đoán, phê phán ẩn hiện trong não trạng con người, đến nỗi người ta quên đi sự tồn tại của nó, trong khi người ta vẫn xét đoán nhau hằng ngày. Xét đoán biểu lộ bằng nhiều hình thức: Thái độ, cử chỉ, lời nói, suy nghĩ … Tại sao người ta thích xét đoán nhau? Phải chăng xét đoán là yếu tố không thể thiếu trong bản chất con người? Là KiTô hữu, ta phải sống thế nào cho đúng?

Liên hệ thực tế, có không ít người thích nghe, thích đọc, thích bàn đến những đổ vỡ, những tai nạn thảm khốc, những cuộc chiến tranh đẫm máu, những pha bạo lực khủng bố chết chóc … Khi bật Tivi hoặc khi cầm một tờ báo, có người vội vã tìm những trang «tin nóng», những mục tin bất thường. Trong khi đó, những bài học đạo đức, những gương tốt, việc tốt bị xếp xó lãng quên. Tại sao nhiều người lại có sở thích kỳ quặc như vậy? Phải chăng có nguyên nhân nào đó? Và nó có liên quan gì đến vấn đề xét đoán hay không?

Không phải mọi xét đoán đều sai hoặc đều đúng. Đúng hay sai còn tùy thuộc vào từng đối tượng, hoàn cảnh; Tùy thuộc vào yếu tố chủ quan hay khách quan … Nhưng nói gì chăng nữa, việc con người xét đoán lẫn nhau, thông thường xuất phát từ những lý do tiêu cực.

Nhìn từ gốc độ xã hội. Khoa học kỹ thuật phát triển, trí tuệ con người tiến bộ, tư duy con người càng lúc càng sâu sắc; Đời sống vật chất càng lúc càng tiện nghi, văn minh. Nhưng trái ngược với những tiến bộ xã hội, con người đánh mất niềm tin vào nhau. Thậm chí, có người không còn tin vào chính bản thân. Lối sống hoài nghi len lõi vào từng ngõ ngách xã hội. Nó khiến người ta chẳng những không tin nhau, mà còn tìm mọi cách để triệt tiêu nhau. Chủ nghĩa cá nhân hằn sâu trong não trạng con người, khiến nhiều người luôn sống trong tư thế xét đoán người khác, như một kiểu đấu tranh phòng vệ, hầu mưu cầu tồn tại cho bản thân. Có khi người ta xét đoán nhau vì mục đích thực dụng, trục lợi, vì cơm áo gạo tiền, vì quyền lợi danh vọng … Nhìn chung, cuộc sống xã hội luôn biến động, làm nảy sinh những loại người lấy xét đoán để tạo ra mâu thuẫn, hầu họ dễ dàng phê phán, đập phá, chống đối, cai trị. Để xét đoán người khác cách trơn tru, ta phải thực sự là người hoàn hảo. Xét đoán đi liền với kiêu ngạo, thích đạp đổ, phá hủy do lòng đố kỵ. Có người dùng việc xét đoán người khác để thổi phồng bản thân, để tiêu khiển, để trả thù đời. Với những đối tượng này, xét đoán không nhằm mục đích xây dựng, giúp nhau tiến bộ; ngược lại, người ta xét đoán để cùng nắm tay nhau lao xuống vực thẳm thất bại và chết chóc.

Bên cạnh những người bị thời cuộc chi phối, còn có những người mắc chứng bệnh bất mãn kinh niên. Đối tượng này không bao giờ hài lòng với bất cứ ai, hay bất cứ việc gì. Điều gì họ cũng có thể phê phán, chống đối. Trong đầu họ lúc nào cũng luôn có sẵn ý tưởng thượng đội hạ đạp, miệng lưỡi bãi bôi, khen – chê giả dối. Với tuýp người này, chỉ họ là đúng nhất trong mọi sự, còn những việc khác, cũng như mọi người xung quanh đều sai lầm. Chính khi tự tôn bản thân là hoàn hảo, họ cũng tự ban cho họ thẩm quyền kết án người khác, lấy người khác làm đề tài tựa «Miếng trầu là đầu câu truyện», nhằm mục đích kiếm điểm với người quyền thế, lấy lòng những người mà họ đang muốn lợi dụng.

Nhìn từ chiều kích tâm lý. Việc xét đoán thường tùy thuộc vào tình cảm cá nhân, vào từng hoàn cảnh và đối tượng rất cụ thể. Đồng thời, nó cũng tùy thuộc vào quyền lợi và khả năng hiểu biết ở mỗi con người.

Trong môi trường đời sống cộng đoàn, thường có những người thích đề cao bản thân, họ chủ trương xét đoán anh chị em nhằm thổi phồng, đánh bóng uy tín của họ. Họ cho bản thân có quyền, có trình độ hiểu biết hơn người khác; có khi họ xét đoán anh chị em nhằm so sánh mình trổi vượt hơn anh chị em về mặt đạo đức, trình độ chuyên môn, khả năng thực hiện các công việc. Nhìn chung khi xét đoán người khác, họ muốn xác định bản thân họ hoàn hảo và có đủ tư cách trong mọi lĩnh vực. Cũng có khi vì mặc cảm thua kém, muốn che dấu những khuyết điểm bản thân, họ dùng lối xét đoán người khác để khỏa lấp. Xét đoán anh chị em phần nào giúp họ khỏa lấp những mặc cảm tội lỗi, giúp họ bớt mặc cảm thua kém, bớt chán nản; đồng thời, việc xét đoán giúp họ gia tăng những nghi ngờ và không ngừng nghĩ xấu về người khác.

Nhìn từ gốc độ tâm lý ta thấy, có không ít người luôn có lòng thù oán, dễ bị kích động, dễ tự ái, dễ giận hờn. Những yếu tố này, khiến họ xét đoán anh em một cách không mệt mỏi.

Bên cạnh gốc độ xã hội và tâm lý, ta cùng nhau cảm nghiệm khía cạnh bản chất con người; đồng thời, giúp nhau sống đúng căn tính là KiTô hữu.

Con người vốn có lý trí và tình cảm, nên lời khen tiếng chê và tình trạng xét đoán nhau là chuyện thường tình nơi con người thuộc mọi thời đại. Nói một cách nào đó, xét đoán không hẳn là xấu, nếu ta xét đoán anh chị em với ý hướng ngay lành, giúp người khác lẫn bản thân nên tốt, xây dựng cuộc sống lành mạnh. Ca dao Việt Nam có câu:

«Lời nói không mất tiền mua.

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau».

Lời khuyên này nhắc nhở ta ý tứ trong lời ăn tiếng nói khi giao tiếp. Làm «vừa lòng nhau» không chỉ là làm cho nhau vui, mà còn giúp nhau cải thiện, điều chỉnh cuộc sống nên tốt. Vì vậy, xét đoán nhằm mục đích giúp nhau nên tốt đòi hỏi chúng ta phải lấy lương tâm thiện chí, lòng thành để giúp nhau. Có trường hợp ta không xét đoán người khác, với chủ trương «im lặng là vàng»; nhưng có những trường hợp ta cần chủ trương «nói là kim cương», nghĩa là ta nói lên sự thật, để giúp nhau sống đúng phẩm giá và đúng căn tính KiTô hữu.

Việc xét đoán diễn ra trong mọi hoàn cảnh, trong mọi không gian và thời gian. Dễ thấy nhất là trong các đời sống cộng đoàn. Dù việc xét đoán diễn ra nơi nào chăng nữa, thì cũng có nguyên nhân tương tự nhau, đó là tình trạng kiêu ngạođố kỵ. Diễn tiến của những cuộc xét đoán đôi khi rất âm thầm nhưng khốc liệt. Chẳng hạn, để xét đoán người khác một cách minh nhiên, ta khéo léo tranh thủ tìm sự ủng hộ của mọi người, bằng cách dàn dựng cho ta vẻ bề ngoài có trách nhiệm xây dựng, giúp nhau nên Thánh … Nhưng thực chất, ta xét đoán nhằm mục đích tẩy chay, hạ bệ, loại trừ anh chị em, để bản thân được nổi trội, hầu che đậy những nhược điểm, những giới hạn năng lực bản thân. Những kiểu xét đoán tiêu cực như vậy sẽ lèo lái con người loại trừ nhau cách tàn nhẫn.

Có khi vì mục đích che đậy tội lỗi của mình, ta tìm cách kết tội anh chị em. Một khi nạn nhân bị rơi vào tầm nhắm của nhiều người, tự nhiên nhiều người sẽ nhìn nạn nhân ấy bằng một cái nhìn định kiến, thiếu thiện cảm; thậm chí còn bị khinh khi, xem thường. Lúc ấy ta nghiễm nhiên xét đoán anh chị em mình cách công khai; và ta ngầm chứng minh cho mọi người rằng ta rất đạo đức, có tư cách đỉnh đạt, có nhiều kinh nghiệm, có dư khả năng để trở thành những đấng bậc đạo cao đức cả. Lòng kiêu ngạo được bọc một lớp áo khiêm tốn, để rồi «một sự khiêm tốn bắng bốn lần tự cao». Bởi lẽ, khi ta xét đoán anh chị em bằng những lời nói tinh vi hoa ngữ là ta gián tiếp khen mình có đầu óc hơn người. Lòng kiêu ngạo ủng hộ cho những sai trái tội lỗi của bản thân; nó xúi ta sống «bản năng tư vệ» bằng cách âm thầm tìm mưu gian chước độc để tấn công anh chị em trước. Những lúc như vậy ta biện minh: «Mình không thương mình, Trời chu Đất diệt»; hoặc «Thương kẻ thù là tự mình tàn nhẫn với chính mình»; v.v…

Xét đoán gây ra nhiều tai hại, nó tạo ra sự bất công, dệt nên nhiều dối trá. Chẳng hạn trong đời sống cộng đoàn mọi người đều bình đẳng. Nhưng không may, ai đó bị ta xét đoán, bị ta dồn vào tầm nhìn định kiến của nhiều người, lúc ấy nạn nhân rất khổ tâm. Vẫn biết rằng «cây ngay không sợ chết đứng», ta không làm gì có lỗi, thì ta chẳng có gì phải sợ. Nhưng trong thực tế, nếu ta bị anh chị em cố tình loại trừ, thì ta rất khó sống. Bởi vì «cây ngay sẽ bị chết khi bị đốn». Tác hại ghê gớm của xét đoán là khiến cho nhiều sự thật bị bóp méo, bị đánh tráo bởi sự khéo léo, xảo quyệt của lòng đố kỵ. Thay vì ta lấy Lời Chúa, lấy Luật Lệ, nội quy để giúp anh chị em cùng thành công với mình, thì ta lại dùng những mánh khóe, những thủ thuật tinh vi để xét đoán anh chị em, nhằm thực hiện những điều xấu. Cuộc sống có không ít người «nắng bề nào che bề đó», «ăn theo thuở ở theo thời». Họ sẵn sàng bán rẻ lương tâm, bán đứng anh em để nghiêng theo chiều hướng có lợi cho họ. Do vậy, họ sẵn sàng xét đoán anh chị em một cách không thương xót, miễn sao họ tồn tại.

Là KiTô hữu, chúng ta cảm nghiệm thế nào về việc xét đoán? Nhiều khi ta xét đoán anh chị em cách dễ dàng, nhưng bản thân ta có nhiều khuyết điểm mà ta lại không nhận ra. Chúa Giêsu nói «Thấy cái rác trong mắt anh em, nhưng không thấy cái xà trong mắt mình». (Matthêu 7, 4)

Thật ra từ rất lâu đời, các Bậc Hiền Nhân luôn khuyên dạy con người sống ngay lành, lấy lời hay ý đẹp mà giúp nhau nên tốt:

«Giữ miệng lưỡi đừng nói lời gièm pha.

Nói chùng nói lén là gây hậu quả.

Ăn gian nói dối giết hại linh hồn».

(Kn 1, 11).

Khi xét đoán anh chị em, không ít thì nhiều, luôn có trong đó những thêu dệt dối trá, chụp mũ, kết tội với những nhận định rất chủ quan. Chúa Giêsu nói: «Có nói có, không nói không. Thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra». (Matthêu 5, 37). Đồng thời, Kinh Thánh có câu: «Anh em đừng nói xấu nhau. Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán lề luật». (Gc 4, 11). Là một KiTô hữu chúng ta luôn ý thức rằng: «Con người phải chịu hậu quả lời mình nói». (Cn 18, 20).

Nói chung, xét đoán người khác rất dễ, nhưng ta nghĩ gì khi bản thân ta bị xét đoán? Khi xét đoán anh chị em, ta có cho rằng ta đang xét đoán chính mình? Ai trong chúng ta cũng biết: Duy chỉ Thiên Chúa mới có quyền phán xét con người. Ta là ai mà dám tước quyền Thiên Chúa để phán xét anh em mình? Người KiTô hữu luôn khắc ghi Khuôn Vàng Thước Ngọc mà Chúa Giêsu đã dạy: «Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta như vậy». (Matthêu 7, 12).

«Lạy Thiên Chúa là Cha và là Chúa Tể đời con.

Xin đừng để mặc con chiều theo sở thích của môi miệng.

Đừng để nó làm con vấp ngã». (Hc 23, 1).

F.X. TRẦN VĂN HÒA.

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *