Sống đạo trong Chính thống giáo
Sự khác biệt về văn hóa, cộng thêm niềm ác cảm gây nên từ một số va chạm, đã khiến cho Kytô-giáo đông tây ngày thêm xa cách, từ ly thân cho đến ly dị chính thức vào năm 1054.
Phải chờ hằng chục thế kỷ sau, một cố gắng hàn gắn mới xuất hiện, bắt đầu với Tin Lành, rồi Chính thống giáo, cuối cùng với Công giáo nhờ đức Gioan XXIII. Thế nhưng để tất cả trở lại được như xưa, thì còn rất rất nhiều cố gắng phải thực hiện. Nhất là một phép lạ lớn từ phía Chúa Thánh Thần, Ngài là nguyên lý của Hiệp nhất !
Phải chăng vì hồi đầu Kytô-giáo đã không có một tổ chức chặt chẽ, nên dễ chia rẽ ? Hay trái lại, vì do quá thiên về cơ chế, khiến tính huyền nhiệm (mystic) bị lu mờ, nên KTG hết được coi là một gia đình thiêng liêng, huyền thân Chúa Kytô ? Quả thật, sự hiệp nhất của chúng ta không đặt nền trên cái phàm trần của cơ chế, cho bằng trên cái siêu nhiên của một Phép rửa và một Bánh, một Chúa Thánh Thần và sự khăng khít Ba Ngôi, như Thầy chí thánh đã tiết lộ trong cầu nguyện :
« Xin cho chúng nên một với nhau, như Cha Con ta là một với nhau. » (Ga.17.11)
« . . .để cả chúng nữa cũng nên một với nhau như Cha Con chúng ta. » (c.21)
Mà thật thế, vào thời nguy khốn nhất của bách đạo, dù chưa vững một tổ chức thống nhất, đông tây vẫn vững trong một niềm tin chung. Để rồi liền sau thời ấy, dù với tổ chức còn sơ sài, khiến thờ tự dễ trăm hoa đua nở, chúng ta vẫn là một gia đình đầm ấm, mà dây ràng buộc là đức Ái Chúa Kytô. Sự hiệp thông sâu xa ấy khiến các ngày lễ và những cách mừng lễ truyền trao sang cho nhau. Và cũng truyền trao sang cho nhau rất nhanh cách sống đạo bề sâu là lối tu hoang mạc. Vâng, đời sống tu ẩn đã bắt đầu ở các hoang mạc phương đông như Thébạde (Ai cập), Sina, Syri, Athos (Hy lạp), để từ đó tràn sang Tây Âu, khởi sự bên Pháp với thánh Martin, bên Ý với thánh Biển đức ở vùng Monte Cassino.
Chính từ mấy chốn tu ẩn của phương Đông nói trên mà hình thành dần một lối sống là Hêsukhia (hésychasme, an định). Khi Đông Tây phân ly nhau, tại phương Đông ấy, Hêsukhia sẽ phát triển dần thành một linh đạo đặc biệt, Hêsukhya , nó sẽ hoàn tất sự định hình của mình ở miền núi Athos, để từ đó lan rộng sang các vùng Slave và Đông Âu, phổ cập tới cả các tín đồ ở đó nữa. Người ta có thể nói rằng Hêsukhia là đường lối sống đạo của chung Chính thống giáo, và nó cũng « chính thống » như chính Chính thống giáo khi mà nó quy hết về truyền thống các giáo phụ[1]. Đây cũng là lúc mà Công giáo (KTG Tây Âu) chẳng còn biết gì về cách sống của người anh em song sinh này. Cố nhiên là vẫn có một hai tia sáng lọt sang Tây, nghĩa là ít nhiều ảnh hưởng, nhưng lẻ tẻ và cá biệt.
Mãi tới gần đây, nhất là từ sau Vatican II, mới có những tiếp xúc và những chuyên gia dốc sức nghiên cứu. Đây cũng là lúc mà, cùng với vẻ đẹp hoành tráng của nghi lễ Byzantin nó thể hiện tính thần thánh của thế giới siêu nhiên, người Công giáo cũng phát hiện sự sâu xa của diễn đạt nghệ thuật và tính độc đáo của sống đạo Chính thống giáo.
Về nghệ thuật, thì đây là những bức ảnh tuyệt vời được gọi bằng tên « icône ». Icône là ảnh Chúa, ảnh Đức Mẹ và các thánh, nhưng không như họa sỹ Tây Âu cốt vẽ sao cho đẹp, và sử dụng những con người dung tục ngồi làm mẫu để vẽ, họa sỹ Chính thống giáo cho rằng vẽ ảnh thì phải từ trong lòng vẽ ra, nghĩa là cầu nguyện mà vẽ. Lại để cho người xem cũng xem bằng tâm hồn và xem trong cầu nguyện nữa, một đằng thì họa sỹ ghi thêm vào ảnh một tư tưởng thiêng liêng, đằng khác cố làm nổi hiện bề sâu của chân dung thánh bằng chính vật liệu và cách vẽ của mình,
Vật liệu ấy là gỗ để khô lâu năm, mặt gỗ được khoét lõm xuống và mài nhẵn thành một diện tích chìm, cái bề chìm nó nói lên chân dung bên trong của nhân vật đã được « Thiên Chúa- hóa ». Trên bề mặt chìm ấy, người ta sẽ dán một vuông lụa, rồi bồi thêm tám lớp keo da (da súc vật) (giống như làm sơn mài bên ta vậy). Lớp keo trên cùng sẽ được xâm kim « để ánh sáng Thiên Chúa lọt qua », được phác họa bằng bút chì, rồi khắc những đường nét chính trước khi dát một lớp vàng thật mỏng, để ánh sáng siêu nhiên từ ảnh phát chiếu. Sau cùng, các lớp sơn màu mới được phết lên, lớp đậm và tối bên dưới, lớp trên sẽ càng ngày càng sáng nhạt, nhờ đó ảnh vừa có chiều sâu, vừa nói lên việc con người từ trong bóng tối được Thiên Chúa gọi ra, về phía ánh sáng của Ngài.
Một bức ảnh công phu và có bề sâu như thế, cố nhiên phải do các đan sỹ tạo ra từ trong chiêm niệm của các ngài, để rồi nhìn vào đấy, người ta cũng phải cầu nguyện để có thể hiểu và từ từ thấm lấy. Chính vì thế, đây là loại ảnh có một không hai trên thế gian. Và cũng chính vì thế, người Tây phương không gọi nó là imago, image, ảnh, mà giữ nguyên tiếng Icône để phân biệt với mọi loại ảnh khác. Chứ thực ra Icone, chữ Hy lạp Eikon, cũng chỉ có nghĩa là ảnh thôi.
Diễn đạt nghệ thuật đã như thế, đời sống thiêng liêng hẳn cũng phải có gì đặc biệt. Truớc hết, sống đạo phương đông không phân tán, vì Chính thống giáo trọng truyền thống, và đây là truyền thống cha ông trong đạo, tức truyền thống các giáo phụ, cả trong niềm tin lẫn thể hiện niềm tin. Và do đó ý nghĩa của tiếng Chính thống giáo (Orthodoxe).
Sống đạo truyền thống Chính thống giáo có tên là Hêsukhia (hésychasme, an định). Gọi là An định có lẽ vì xuất xứ ban đầu của nó là hoang mạc của đời sống tu ẩn trong chiêm ngưỡng và nguyện cầu. Sau khi đã tiến hóa, ngoài việc niệm tên Giêsu ra (có gì giống niệm Phật hiệu trong Phật giáo Tịnh độ tông), nó còn đeo theo A-patheia, bất thụ cảm (có gì giống Thoát tục trong Ấn giáo và Phật giáo), và cuối cùng, đưa vào vai trò của tim, nhịp thở và tư thế (có gì giống Yoga của Ấn độ, cố nhiên là với những biến chế).
Chính vì thế, nên Công giáo Á đông không thể không tìm hiểu con đường vừa đơn giản vừa rất đông phương này, xem có gì có thể ứng dụng vào trong cách « giữ đạo » của chúng ta.
Lịch sử con đường Định an
Hêsukhia hay An định, dưới hình thức sơ nguyên của nó bên Ai cập vào thế kỷ IV-V, đã được trình bày trong Trình thuật về viện phụ Philémon (Philémon sống vào thế kỷ V-VI) với nội dung là Lời cầu Chúa Giêsu trong sự an định của tâm hồn, lời cầu ấy là :
–Ôi Chúa Giêsu Con Thiên Chúa, xin thương xót!
Cũng vào thời kỳ đó, Diadoque vùng Photicé nhấn vào tầm quan trọng của việc niệm tên Giêsu và nhớ Thiên Chúa thường hằng. Riêng vai trò của trái tim và thân xác trong nguyện cầu, thì Macaire vùng Ai cập có nhắc đến.
Trước Macaire, nhân vật quan trọng nhất của con đường Hêsukhia, Evagre miền Pont (thế kỷ IV), với học thức uyên thâm và kinh nghiệm phong phú, đã trình bầy và thang bậc hóa đời sống thiêng liêng một cách cặn kẽ, giúp cho Hêsukhia xuất hiện đúng như một con đường đầy đủ, với tất cả chiều cao và bề sâu của nó. Học thuyết Evagre rồi sẽ được Cassien thành Marseille trình bày lại cho phương Tây nhiều thế kỷ sau.
*
Thật ra, Hêsukhia với nội dung hoàn chỉnh như ta thấy ngày nay đã được tìm thấy ở vùng núi Athos (Hy lạp) , ở đó các đan sỹ từ nhiều thế hệ đã công phu gom góp và nghiên cứu những tác phẩm tu đức của Ai cập, Sina và Syri, những tác phẩm này từng đã giúp canh tân đời sống thiêng liêng của Ai cập, rồi sau đó từ Athos tỏa phát, khiến cho KTG Hy lạp, vùng Slave và Đông Âu tồn tại được giữa bao thăng trầm trong một lịch sử dài lâu, bắt đầu với những cuộc đánh phá và xâm chiếm của các đoàn quân Hồi giáo, rồi tiếp nối sau đó bởi nhiều cuộc bách đạo đẫm máu khác.
Tại các đan viện vùng Athos này, các bản thảo tu đức của giáo phụ được thu gom sẽ được tập hợp sau này thành bộ sách Filokalia (Mỹ Ái, Yêu cái đẹp) nổi tiếng. Filokalia Hy ngữ rồi sẽ được dịch sang nhiều thứ tiếng ; và một vài sưu bản khác cùng nội dung và tầm cỡ, cũng được in ra nhưng dưới nhan đề khác, tất cả giúp phổ biến con đường tới toàn thể Chính thống giáo để cải hóa nó về mặt thiêng liêng. Vai trò của trái tim, hơi thở và tư thế đã được trình bày rõ trong bộ sách này cũng như trong các tiểu luận, như Phương pháp giúp cầu nguyện và tập trung.
Vì với Chính thống giáo, Hêsukhia quan trọng đến thế, nên viết về nó có nhiều sách, trong đó có Lời cầu Giêsu và Những truyện kể của người hành hương Nga[2].
*
Vào những thập niên gần đây, nếu Công giáo đã học ở Tin Lành để biết tập trung hơn vào Kinh Thánh, thì chúng ta cũng học ở anh em Chính thống để biết quan tâm hơn đến giáo phụ. Thật ra thì từ lâu, tuy chưa có tiếp xúc chính thức, ít nhiều tu đức phương đông vẫn thẩm thấu sang Tây. Bằng chứng là việc đọc kinh (Lạy Cha, Kính mừng,v.v.) theo nhịp thở đã được thánh Ignace quận Loyola dậy làm trong Ba cách cầu nguyện ở phần cuối sách Linh thao.
Chính thức giới thiệu con đường tu đức phương đông với phương tây, công đầu hẳn thuộc Cassien thành Marseille. Ông đã viết về học thuyết giáo phụ, nhất là của Evagre miền Pont. Không những giới thiệu học thuyết Evagre, Cassien còn biến chế học thuyết đó để ứng dụng cho KTG La mã. Theo Evagre, sống đạo từ dưới lên phải bắt đầu với Pratikê (thực hành) để thanh tẩy trái tim bằng cầu nguyện và chống cám dỗ[3], mà đích nhắm là Apatheia. Tiếp đó, người ta đi vào Fusikê (thiên nhiên, thụ tạo), nghĩa là từ trong thụ tạo mà chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Bước cuối cùng sẽ là Theo-logia) : chiêm ngắm Thiên Chúa trực tiếp, và đây là Thiên Chúa ở bề sâu Ba ngôi của Ngài. Giai đoạn 2 : từ thụ tạo đi lên, Cassien sẽ thay thế bằng Lectio divina (thần độc) : từ Lời Chúa đi lên, Lời Chúa ấy không đọc bằng óc, mà đọc bằng tim.[4]
Cũng vào thời ấy, Bernard vùng Clairvaux (1090-1153) ca tụng việc niệm tên Giêsu trong Bài giảng về sách Diễm ca. Bernard đã kết hợp linh đạo Hy lạp với linh đạo Augustin để bắt đầu cho một dòng huyền nhiệm nửa trí tính nửa cảm tính.
Thế nhưng xem ra ảnh hưởng phương đông rõ nhất phải được tìm nơi thánh Gioan Thánh giá (1542-1591). Ông không chống lại suy niệm (phát minh của phương tây) nó vận dụng cả suy tư và tưởng tượng để kích gợi tâm tình. Nhưng ông cho rằng suy niệm chỉ là cửa ngõ để đi vào một lối ngõ tăm tối nó dẫn tới hiệp nhất (cũng là huyền nghiệm, via unitiva). Vậy để tới đích, suy niệm một thời gian rồi, phải rời bỏ lý trí và tưởng tượng để « ở trong tăm tối » nơi mà Thiên Chúa sẽ đến gặp gỡ hồn[5]. Sự tối tăm cùng với con đường tiêu cực và thụ động này, Gioan nói lên rất rõ khi ông minh họa bằng hình vẽ cùng với nhiều ghi chú, và đây là đường lên núi Carmel với sáu cột mốc « Hư vô hóa », hư vô ngay cả trên đỉnh: không cảm, không biết, không thích, muốn, không có gì, cũng chẳng hiện hữu (chẳng còn cái Tôi) luôn.
Quả là từ lâu, tu đức Chính thống giáo đã len lách vào phương Tây, và ngày nay thì ảnh hưởng càng ngày càng mạnh. Chính vì thế, chúng ta cần tìm hiểu về Hêsukhia rõ hơn và chi tiết hơn.
Hêsukhia và Filokalia
Đường thiêng liêng truyền thống của Chính thống giáo là Hêsukhia, Định an, và giáo huấn mà nó dựa vào là Filo-kalia, Mỹ-ái. Vậy thực sự là gì An định và Mỹ-ái ?
Theo Evagre miền Pont, người tự coi chỉ là đệ tử của các sư phụ Ai cập, thì khổ hạnh và nguyện cầu là phương cách chính để trở về với sự lành thánh nguyên thủy. Quả khổ hạnh là con đường đưa đến trong sạch và tự chủ cho bất cứ một tu đức học nào. Còn cầu nguyện trong KTG vừa là trợ thủ cho thanh luyện, vừa đưa lòng ta gần lại với Thiên Chúa. Với Hêsukhia, đây không phải cầu nguyện từng lúc, mà cầu nguyện liên tục, để cũng có thể nhớ Chúa liên tục luôn.
Trong Chính thống giáo, được coi là An-định-sỹ (hésychaste) những tu sỹ sống ẩn trong thanh vắng và cầu nguyện thường hằng như trên, và đây là điều mà Gioan Climaque cũng xác định trong sách Cái thang (bắc lên Trời). Do đó theo ông và những bậc thầy hồi đầu, Hêsukhia không ở trong tầm với của phần đông đan sỹ, mà của một số nhỏ nhà tu đã trưởng thành thiêng liêng, cảm nhận được sự ngọt ngào của Chúa, nhờ đó có thể được tách riêng để ẩn tu trong thanh vắng[6].
Như vậy, dù từ lâu rất đông dân chúng và tu nhân thường cũng sống Hêsukhia, nhưng rõ ràng xuất xứ của Hêsukhia là các hoang mạc của Ai cập, Sinạ và Syri, cùng với các tĩnh am của vùng núi Athos. Và nhờ vậy chúng ta hiểu rằng Định an là lối sống an tĩnh trong cầu nguyện bên ngoài với nội tâm an định bên trong như thành quả của lối sống đó. Có điều sau một cuộc tiến hóa dài lâu, Hêsukhia đã đeo thêm những thành tố mới và trở nên một con đường thiêng liêng riêng biệt. Con đường ấy, cùng với kỹ thuật của nó rồi sẽ được những ẩn sỹ bậc thầy trình bầy lại trong những thủ bản từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIV. Những đan viện lớn rộng của Athos đã có công thu tập dần hay sao chép lại những thủ bản này, từ đó sau này làm nên những sưu bản khác nhau, trong đó đáng kể nhất là bộ Filokalia bằng tiếng Hy lạp và bộ Dobrotoliubie bằng tiếng Slave. Kể từ khi Mỹ-ái được in ra và dịch sang nhiều thứ tiếng, thì phong trào Định an cũng lớn mạnh lên gấp bội.
Niệm tên Giêsu
Ngay từ trong Cựu ước, tên Thiên Chúa đã được vô cùng sùng kính. Thánh vịnh 101 long trọng tiên báo : « Các dân sẽ thờ lậy tên Chúa » (c.16), và con cháu của đầy tớ Chúa « sẽ truyền bá tên Chúa ở Sion » (c.22). Uy phong của tên Yaveh rồi đây trong Tân ước sẽ được chuyển sang cho tên Giêsu-Kytô :
– « Dưới gầm trời này, được ban tặng cho loài người, [ngoài tên Giêsu-Kytô], không có tên nào khác cần cho sự cứu độ của chúng ta. » (Tđcv. 4.12)
– « Thiên Chúa đã đưa Ngài lên và ban cho Ngài cái tên vượt mọi tên, để nghe tên Giêsu, mọi đầu gối phải uốn xuống [quỳ], dù trên Trời, trên mặt đất hay dưới mặt đất (âm phủ), và mọi miệng tuyên xưng : Giêsu-Kytô là Chúa. . .» (Php.2.9-11)
Tên Giêsu sau đó sẽ được KTG từ đông sang tây hết lòng kính ngưỡng để khi gặp tai ương thì kêu lên, khi giúp người hấp hối thì gào vào tai họ, kêu hay gào hoặc tên Giêsu, hoặc Giêsu-Maria-Giuse. Nhưng có lẽ tên Giêsu được niệm nhiều nhất là trong Chính thống giáo, niệm luôn mồm và có cả một kỹ thuật để niệm.
Lời niệm đầy đủ nhất là : Ôi Chúa Giêsu-Kytô, Con Thiên Chúa, xin thương xót. Thay vì Xin thương xót suông, có thể thêm : Xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Câu niệm đó, theo Déseille[7], có lẽ có nguồn gốc bên Ai cập. Nó vừa hướng chúng ta về Chúa trong sùng bái và tin tưởng, vừa khiến chúng ta nhìn lại mình trong khiêm hạ và ăn năn. Nên đây là một cầu nguyện chính cống KTG. Giống mà lại khác với niệm Phật trongTịnh độ tông, mà ở đây mục đích chỉ là tán dương : Nam mô A di đà Phật[8]. Câu niệm đã ngắn nói trên, theo Macaire thành Ephêsa, còn có thể rút thật ngắn, thành : , Xin Chúa thương xót.
Truyền sang Hy lạp, câu đơn niệm ấy trong Hy ngữ chính là Kyrie eleison quen thuộc đối với chúng ta. Vâng, có lẽ phổ biến sang Tây Âu chính là câu niệm bằng tiếng Hy lạp này. Để rồi trong Công giáo nó sẽ được dùng trong thánh lễ và kinh cầu : Kurie eleison, Xin Chúa thương xót (tiếng Việt thêm : chúng con)[9]. Riêng Khriste eleison, Xin (tiếng Việt thêm : Chúa) Kytô thương xót (tiếng Việt thêm : chúng con), thì do Grégoire Đại giáo hoàng thêm vào (nói cho đúng ra, tách từ Kurie Iêsou Khriste eleison) năm 598.
Sở dĩ lời nguyện hay niệm này vắn tắt đến thế, là để dễ đọc liên tục (cả trong khi làm việc mà không cần tập trung), đọc cả bằng miệng lẫn tâm, hay chỉ bằng tâm thôi.
Để lời kinh khỏi thành máy móc và nhàm chán, các bậc thầy dậy phải đọc chậm và đưa tâm tình vào, nhờ đó sau một thời gian khi đã quen, lời kinh tự nó cứ nổi lên và chảy xuôi êm trong tim, như Calliste nói : « . . .một dòng nước vọt lên, nó lao xao chảy trong tim như một suối nguồn vĩnh cửu ». Cả người giáo dân , tác giả Những truyện kể của người hành hương Nga cũng có cùng một kinh nghiệm sau khi đã tập vừa đọc trong nhịp thở, vừa chú ý đến trái tim mình :
– « Trong vòng ba tuần sau, tôi cảm thấy nhói ở tim, rồi một cảm giác ấm áp dễ chịu, cảm nhận an ủi và an bình. » (truyện thứ hai)
Vai trò của xác thân và của bất cảm thụ
Không biết từ bao giờ, tim, nhịp thở và tư thế thân xác đã xâm nhập Chính thống giáo trong cầu nguyện. Chỉ biết rằng, vào thế kỷ XIII, chúng đã được Nicéphore ẩn sỹ diễn tả trong sách Luận về sự tiết độ và gìn giữ trái tim của ông. Tư thế nói đến ở đây chỉ là ngồi suông. Ngồi cho tĩnh đã, rồi sẽ đưa thần (tinh thần) theo hơi thở qua mũi xuống tim, để ở tim nó sinh ra một niềm an lạc khó tả. Hãy giữ thần ở lại tim bao nhiêu có thể (hẳn là trong khi nín thở), trong khi kêu lên trong lòng mình: « Ôi Chúa Giêsu-Kytô Con Thiên Chúa, xin xót thương ». Cũng khi ấy, theo Grégoire Palamas, « hãy tập trung ánh mắt vào ngực hay rốn như điểm tựa của nó ».[10]
Theo Régamey trong góp ý ở cuối sách La voie du silence của P-R. Déchanet, thì tư thế dùng trong niệm tên Giêsu chỉ là đứng, ngồi trên ghế (. . .Người hành hương Nga xác định : ghế thấp) hay cúi mình, phục lạy (métanies). Theo vài ba sách khác,thì sau khi ngồi, hãy nhìn vào rốn, rồi lấy ý đưa thần ngược về trái tim, hay đưa thần từ đầu xuống tim, đưa luôn cả trí nhập vô tim nữa.
Vì những yếu tố nói trên khác lạ hoàn toàn với truyền thống Do thái-Âu châu, nên để người ta dễ chấp nhận, một số bậc thầy tu đức đã cố phủ nhận ảnh hưởng ngoại giáo, coi đây chỉ là cách đưa thân xác vào góp sức với chiêm nguyện, khi mà xác cũng được chia sẻ vinh quang với hồn trong cõi phúc mai sau.
Về Apatheia cũng vậy, tuy vẫn dịch Bất cảm thụ đấy, mà họ cố giải thích đây chỉ là thanh tẩy con tim hay « sự trong sạch của trái tim ». Nghĩa là một loại trừ cảm tính có chọn lựa, để chỉ giữ lại những tâm tình tốt đẹp, thiêng liêng thôi.
Thế nhưng đã Bất thụ cảm, thì phải là trong thái độ của vô cảm, tức « nước đổ lá khoai » đối với cảm giác và tình cảm nói chung (nói cách khác : không thiết tha, vương bận với bất cứ gì, đúng như thái độ và trạng thái Thoát tục, a-kâma, của Ấn giáo và Phật giáo) chứ. Mà thực ra, đích nhắn trước mắt của Thoát tục Ấn giáo và Phật giáo (thực ra A-kâma chỉ là Vô-dục, tức không ham muốn) cũng là « chống cám dỗ » đối với những ham muốn trần tục, nhất là khi Thoát tục Phật giáo luôn đi đôi với một tình cảm là hiếu sinh, A-himsâ, khiến đức Phật được tôn vinh là đấng từ bi vô lượng. Trong khi ấy, thì trong Công giáo,những bậc thầy tu đức lớn như Gioan Thánh giá cũng cho rằng Giác và Cảm nói chung đều không tốt cho con đường thiêng liêng đỉnh cao, tức huyền nghiệm, hay Tình yêu hoàn thành theo Augustin, Hiệp-đạo theo Giả-Denys thuộc Aéropage. Cho nên theo ông, sau khi một thời gian đã ở trong con đường tình cảm sâu xa và cao quý rồi, phải đi vào đêm tối của vô cảm mới có thể đạt tới một thứ cảm khác lạ và hoàn toàn do Chúa .
Quả thật, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, đã có một ảnh hưởng lớn từ Đông Á và Nam Á đến KTG phương đông. Và đây là điều tức (điều hòa nhịp thở), vận tức (hít sâu, rồi nín để đưa tên Giêsu vào giữa tim). . . Đây cũng là kỹ thuật của Yoga, của Thiền. Thuộc kỹ thuật Yoga nữa, là định thần vào rốn, rồi từ rốn lấy ý đưa ngược vào giữa bông sen (cũng là cakra, luân xa) trái tim ấy. Rốn, đúng ra là huyệt đan điền liền dưới rốn, theo quan điểm triết lý phương đông, ứng với trung tâm của trời đất[11], nên là chỗ tốt nhất để tập trung lực đạo (nâdi). Còn siêu thoát (tương đương với Bất thụ cảm) đối với buồn vui, nóng lạnh, v.v., thì theo Yoga[12], là cốt để tâm định cho trí đi vào cõi bao la. Đi vào bao la cũng là mở rộng lòng ra bằng đức hiếu sinh, tức tình thương phổ cập đến mọi chúng sinh, và điều này được tìm thấy cả trong một số tác phẩm Chính thống giáo , khi mà Do thái giáo và Kytô-giáo nói chung chỉ hướng về chúng nhân thôi. Để làm chứng, xin hãy đọc đoạn văn sau đây của thánh Isaac người Syri :
– « Tóm lại, thế nào là sự trong sạch [của trái tim] ? Đó là lòng thương xót của trái tim đối với tất cả thiên nhiên . . . Là ngọn lửa nó cháy lên trong tim hướng về mọi thụ tạo : loài người, loài chim, loài bốn chân, loài quỷ, tất cả những gì hiện hữu. Khi tưởng nghĩ đến chúng, nhìn đến chúng, con người cảm thấy lệ tràn hai mắt bởi lòng trắc ẩn mãnh liệt nó bóp nghẹn con tim. Con tim của anh mềm lại và không thể chịu đựng, khi nghe thấy, nhìn thấy một đau khổ dù nhỏ nhất của một thụ tạo thôi. Bởi thế, lời cầu của anh, có kèm theo khóc lóc không ngưng tỏa rộng đến cả những vật không trí khôn lẫn những người chống lại chân lý hay làm hại anh, để xin cho tất cả được sinh tồn hay được thanh tẩy. Anh cũng cầu cho cả loài bò sát, với một lòng xót thương bao la, vô bến bờ nó nảy sinh trong tim anh, giống như nơi Thiên Chúa. »[13]
Sở dĩ ngay từ sớm, đường lối tu đức và tu luyện của Ấn giáo và Phật giáo đã có thể tác động đến KTG Hy lạp và phương đông nói chung, là vì trước đó rất nhiều thế kỷ, giữa Địa trung hải và Thái bình dương đã có nhiều giao lưu rồi. Quả thế, ngay từ thế kỷ IV TCN, các đoàn quân Hy lạp của Alexandre đại đế đã vượt sông Indus tiến vào Ấn độ, và cũng vào thời đó, các thương thuyền Ả rập đã cập bờ cả ở Ấn độ lẫn Trung quốc. Bằng chứng lịch sử rõ nhất là, năm 226, một thương gia Địa trung hải đã xuống tàu ở quận Giao chỉ để được thái thú sai người dẫn sang triều kiến vua Đông Ngô. Và cũng theo cùng con đường qua Giao chỉ sang Tàu, các sứ giả của hoàng đế La mã Marc-Aurèle đã tới nơi năm 166[14]. Còn thành quả của giao lưu, đó là bộ truyện danh tiếng 1001 đêm, được thu góp trong du hành, kể cả ở Ba tư và Ấn độ, bởi các thương gia vùng Trung đông ấy. Và đó cũng là sự phổ cập việc thờ cúng các thần ánh sáng Ba tư, bên Ấn trong lễ hội tháng 10, bên Âu châu trong lễ hội thần Mặt trời vào 25 tháng 12 dương lịch hiện nay, mà KTG đã thay thế bằng lễ Noel ngay từ rất sớm.
Với chúng ta hôm nay : thực hành niệm tên Giêsu
Lời nguyện tắt giúp dễ niệm thường hằng trong Chính thống giáo là Kurie Iêsou Khriste eleison, nó có thể được rút gọn hơn nữa thành Kurie Iêsou eleison. Chúng ta có thể thêm con để thành : Ôi Chúa Giêsu/ xin thương xót con.
Vậy khi đi lại, ta có thể hai bước một nhịp thở nhẹ và ngắn, và chia câu ấy thành bốn phần để đọc theo bốn nhịp. Nếu hít vô là 1, thở ra là 2, thì có thể đọc trong lòng đều đều như sau :
Ôi Chúa/ Giêsu/ xin tương/ xót con/
2 1 2 1
(có thể thêm 🙂 là kẻ/ tội lỗi/
2 1
Trong khi ấy, hãy chú ý vào tim, và khi đến tên Giêsu, thì hít hơi sâu hơn một tí, như để cho tim ấm lên với tên cực thánh đó. Nếu đang làm việc gì đều đều mà không phải tập trung, như cuốc đất chả hạn, thì cứ cuốc xuống một nhịp thở, nhấc lên một nhịp thở. Còn với những công việc khác không cần tập trung mấy, thì chỉ việc thở điều hòa, hay không nghĩ đến thở cũng được, rồi để cho lời niệm khi đã quen cứ việc xuôi êm mà chảy.
Trong trường hợp có một lúc nào đó không bận việc, hãy ngồi kiết già hay bán kiết[15], thở cho sâu và dài hơn, sau khi hít vào hãy nín giữ mấy giây rồi mới thở ra. Khi hít vào và nín như thế, hãy đọc trong lòng : Ôi Chúa Giêsu/ rồi vừa thở ra vừa đọc : Xin thương xót con/
Nên nhớ, vấn đề quan trọng không phải là đọc, mà đưa ý và tâm tình vô lời đọc một cách nhẹ nhàng và trong tinh thần vừa siêu thoát vừa sùng bái.
[1] Xin nhớ, thời đại giáo phụ chấm dứt vào thế kỷ VII theo bên Tây, còn theo bên Đông thì gần như nó kéo dài vô tận, khi mà người ta kể là giáo phụ cả những bậc thầy sống ở thể kỷ XX.
[2] Đã được một bác sỹ Canada gốc Việt dịch sang Việt ngữ và in ra.
[3] Trong sách Lâu đài, thánh Tiên sa Avila cũng xếp việc thanh luyện và tu đức vào giai đoạn Thực hành, để chuẩn bị cho chiêm niệm, gnosis.
[4] Xx. Placide Deseille, La spiritualité orthodoxe et la Philokalie (tác phẩm này vừa dẫn nhập Filokalia, vừa làm thành một tuyển tập Filokalia theo từng chủ đề), nhà xuất bản Albin Michel : bộ Spiritualités vivantes, Paris, 1997.
[5] Leo núi Carmel , ph.II, ch. 12-13.
[6] Cái thang, 4.130 ; 26.153 ; 27.13-14 .
[7] op.c., tr.203-204.
[8] Vinh danh (nâmo) Vô-lượng (a-mita) Phật (Buddha). Nên nhớ, Tịnh độ tông nghiêng về sùng bái và tin tưởng, giống với KTG chúng ta.
[9] Theo sách Theo, thì nó xuất hiện trong kinh cầu ngay từ trước thế kỷ IV, và trước nữa, thì nó được dùng trong thờ tự ngoại giáo và ở triều đình.
[10] Biện hộ của các thánh định an.
[11] Xx. Radhakrishnan, Indian philosophy II, tr. 355.
[12] Kinh Yoga (Yoga-sutra) 2.47-48 và bản Chú giải Yoga (Yoga-bhâsya của Vyâsa).
[13] Những bài giảng, bài 74. Xx. Déseille, op.c., tr.216.
[14] Xx. Hoàng sĩ Quý, Gốc Đông nam á của phong tục, tín ngưỡng Việt nam, báo cáo khoa học đọc tại hội nghị Dân tộc học Hà nội 1979 (mà một phần được trích và tóm tắt đăng trong tạp chí Dân tộc học tập III năm 1980).
[15] Xx. Thần học thiêng liêng I, tr. 233-234.