[Hạnh các Thánh]: 29-04 Thánh Catherine Siena 

Thánh Catherine Siena
Tiến Sĩ Hội Thánh
(1347-1380)

Thánh Catarina, tên thật là Catarina Benincasa sinh ngày 25 tháng 3 năm 1347 tại Siena, Tuscany, Ý Đại Lợi và là người con út trong gia đình 23 người con. Ngay từ khi bảy tuổi, cô đã dâng hiến tâm hồn cho Ðức Kitô. Nơi cô sinh trưởng rất gần San Domenico, trung tâm truyền giáo của Dòng Ða Minh, và khi lớn lên cô bày tỏ ý muốn đi tu, nhưng gia đình lại muốn cô kết hôn. Ðể nói lên ý chí quyết liệt của mình, cô đã cắt tóc và sau cùng, với sự đồng ý của cha mẹ, Catarina gia nhập tổ chức Mantellate, là hội phụ nữ có liên hệ đến Dòng Ða Minh, họ mặc áo dòng nhưng sống ở nhà, phục vụ người nghèo và người đau yếu.

Cô sống ẩn dật trong một căn phòng nhỏ tại gia đình ở Siena. Trong vòng hai năm liên tiếp cô không bao giờ rời phòng, trừ khi đi xem lễ và xưng tội, và cũng không nói chuyện với một ai ngoại trừ cha giải tội. Trong thời gian này, Catarina tập luyện tinh thần qua lối sống khắc khổ.

Sau đó, cô tự phá vỡ đời sống cô độc và bắt đầu hăng say chia sẻ công việc trong nhà, săn sóc người bệnh và giúp đỡ người nghèo. Tuy nhiên cô vẫn dành thời giờ trong thinh lặng và chiêm niệm.

Dần dà, người ta nhận thấy dường như Thánh Catarina đọc được tâm hồn của họ và dân chúng thuộc đủ mọi thành phần – giầu và nghèo, tu sĩ và giáo dân, thợ thuyền và lính tráng – bắt đầu tuốn đến với ngài để được khuyên bảo. Từ đó một tổ chức tông đồ giáo dân được thành hình. Các lá thư của ngài, hầu hết là các lời khuyên bảo tinh thần và khuyến khích các người mến mộ, ngày càng được công chúng đón nhận.

Vì sự hòa đồng với người đời một cách không sợ sệt cũng như lời nói bộc trực và uy quyền của một người hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, Thánh Catarina đã bị dị nghị và dèm pha. Nhưng mọi điều cáo buộc ngài đã bị bác bỏ trong Tổng Công Hội Dòng Ða Minh năm 1374.

Ngài có ảnh hưởng rất lớn vì sự thánh thiện hiển nhiên, cũng như vì ảnh hưởng sâu đậm đối với Đức Giáo Hoàng. Ngài làm việc không mệt mỏi cho cuộc thập tự chinh chống với người Thổ Nhĩ Kỳ và cho sự hòa giải giữa thành phố Florence và Đức Giáo Hoàng. Bà đã làm một công việc hết sức nguy hiểm là tìm cách giảng hòa các lãnh chúa và các đô thị thù nghịch và nhất là thúc giục Đức Giáo Hoàng ở Avignon dời đô về Roma.

Tất cả công việc ngài thi hành đều được thúc đẩy bởi ngọn lửa tình yêu. Cuộc sống của ngài luôn ẩn náu trong những vết thương của Chúa Kitô bị đóng đinh. Ngài cảm nhận trong thâm sâu của con tim và trong đức tin của ngài, những thảm họa của Giáo Hội và của xã hội ngài đang sống, vẫn còn tiếp tục đóng đinh Chúa Kitô.

Thánh Catarina đã phải trả giá và nhiều đến chừng nào! Ngài đã làm trung gian để đem lại hòa bình giữa các đô thị và giữa các phe nhóm thù nghịch. Hai lần ngài đến gặp Đức Giáo Hoàng Gregory XI ở Avignon như  là ngôn sứ của Chúa Kitô. Vì lòng yêu mến Giáo Hội ngài không hề lui bước trước mọi gian nan, ngài  làm cho các Hồng Y và Giám mục phải nể phục và ngài đã thúc đẩy được Đức Giáo Hoàng Gregory XI đời đô về lại Roma.

Ngài thành công trong việc thuyết phục Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XI trở về Rôma, nhưng không bao lâu đức giáo hoàng từ trần và Ðức Urbanô VI lên ngôi. Khi cuộc Ðại Ly Giáo bùng nổ, Ðức Urbanô VI mời Thánh Catarina đến Rôma, vì đức giáo hoàng cần sự hỗ trợ của ngài. Năm 1378, ngài đến Rôma và thường xuyên viết thư gửi các nhà lãnh đạo quốc gia và Giáo Hội để bảo vệ cho quyền giáo hoàng của Ðức Urbanô VI. Hàng ngày, ngài đi bộ đến Ðền Thánh Phêrô và cầu nguyện cho sự hiệp nhất.

Một vài tuần trước khi chết, ngài đang cầu nguyện trước một bức khảm ở Ðền Thánh Phêrô, ngài trông thấy con thuyền của Thánh Phêrô như rời khỏi bức khảm và đậu trên vai của ngài. Con thuyền xô ngài ngã quỵ và người ta phải khiêng ngài về nhà. Ngài hầu như bất toại cho đến khi từ trần ngày 29 tháng 4  năm 1380, lúc ấy mới ba mươi ba tuổi.

Kiểm tra tương tự

Chương trình LỜI CHÚA LÀ HỒN SỐNG

  Nếu Bạn say mê Lời Chúa, Nếu bạn thật tâm muốn để Lời Chúa …

Cái chết

  Nghĩa tử là nghĩa tận. Cái chết chấm hết mọi thứ. Chết là xong… …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *