Mẹ Maria, Mẹ của lòng cậy trông

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Một trong những trình thuật ngắn gọn trong Tin Mừng thứ tư nhắc đến dung mạo Mẹ Maria là biến cố Mẹ đứng bên Chúa Giê-su ở dưới cây Thánh Giá. Chúng ta cùng đọc lại trình thuật ngắn gọn này với tâm tình chiêm ngắm nét đẹp của Mẹ Maria, Mẹ của lòng cậy trông.

25 Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la.

26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”27 Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19,25-27).

Trong bài Tin Mừng thánh, sử Gioan đã phác hoạ một khung cảnh rất đẹp dưới chân Thánh Giá. “Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, cùng người môn đệ Chúa Giê-su là Gioan”. Khung cảnh thật đẹp này nói cho chúng ta điều gì?

  • Là một gia đình quây quần bên Thánh Giá.

Trong khung cảnh thật đẹp này, rất trìu mến Chúa Giê-su cúi xuống với Mẹ và thánh Gioan, trao gởi thánh Gioan là đại diện của con cái Chúa cho Mẹ Maria: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Chúa cũng trao gởi Mẹ Maria cho thánh Gioan là đại diện của con cái Chúa: “Đây là mẹ của anh”.

Dưới sự chứng kiến của các phụ nữ đứng ở đó, Đức Maria và Gioan đã lắng nghe Lời Chúa Giê-su nói với trọn vẹn trái tim của mình. Cả hai quay qua nhau, đón nhận lấy nhau trong một tương quan mới. Đó là dấu hiệu diễn tả một gia đình mới của niềm tin vào Thiên Chúa.

Cha Timothy Radcliffe, dòng Đa-minh đã nhìn thấy ý nghĩa thiêng liêng về gia đình trong bối cảnh ở dưới chân Thánh Giá và đã chia sẻ: “Chúng ta, những Ki-tô hữu, cần phải nhận ra rằng, gia đình của chúng ta được sinh ra ở dưới chân Thánh Giá và không có ai bị loại bỏ cả. Chúng ta là anh chị em của nhau…Trong Đức Ki-tô chúng ta thực sự là những người có họ máu mủ với nhau. Chúng ta chia sẻ cùng một dòng máu, dòng máu của Thánh Giá. Chúng ta chỉ có thể xưng hô với nhau là ‘anh em’ và là ‘chị em’.

Thật vậy, trong cuộc sống hôm nay, tất cả các tín hữu hiệp nhất với nhau làm thành một gia đình trong Thần Khí. Họ là cha mẹ, là con cái và là anh chị em của nhau. Ở dưới chân Thánh Giá và nhờ vào Thánh Giá mà một gia đình mới của Chúa Giê-su đã được hình thành. Ở dưới chân Thánh Giá, Mẹ Maria đã trở thành Mẹ của Giáo Hội, Mẹ của gia đình chúng ta. Trong gia đình của Mẹ và với con Mẹ là Chúa Giê-su, tất cả chúng ta đang hiện diện nơi đây, người bên trái tôi, bên phải tôi, phía trước tôi và phía sau tôi là anh chị em của tôi. Chúng ta quay nhìn nhau để nhận biết trong ý thức, chúng ta là anh chị em của nhau và chúng ta có cùng một dòng máu. Dòng máu Thánh Giá Chúa Giê-su.

Như thế, qua hành động của Chúa Giê-su, Giáo Hội đã khám phá đôi chút về mầu nhiệm đời sống Ki-tô hữu. Người tín hữu là thành viên của một gia đình thiêng liêng. Cũng như một đứa trẻ cần có cha có mẹ để phát triển bình thường, thì người tín hữu cũng cần có Đức Maria và Cha trên trời.

  • Mẹ đứng dưới cây Thánh Giá với lời xin vâng, để chia sẻ sự đau khổ của con mình và để đưa lại sứ điệp hy vọng cho mọi người.

Là gia đình với dòng máu niềm tin đứng dưới Thánh Giá, chúng ta cùng hướng nhìn Mẹ Maria đang đứng đó.

Mẹ đang nhìn người con duy nhất của mình, bị những người ác nhân kết án tử và đóng đinh trên Thánh Giá, tâm trạng của mẹ tràn ngập nỗi đau buồn: run rẩy, đau xót về những gì Mẹ đã chứng kiến trên con đường khổ nạn của con.

“Mẹ đứng đó khi hoàng hôn tím màu,

Mẹ đứng đó, tâm hồn tê tái sầu,

hiệp thông cùng con dấu yêu,

vì thương nhân loại bao khốn cùng”.

Đứng dưới cây Thánh Giá, Mẹ đau khổ tột cùng. Nhưng điều đặc biệt là, dù trong đau khổ Mẹ hiện diện dưới Thánh Giá, nhưng Mẹ không rũ rượi, Mẹ không ngã gục, Mẹ không nằm bẹp dưới đất khóc nức nở, mà mẹ “đứng”.

Thế “Đứng” của Mẹ là một tư thế rất kiên vững của lời “xin vâng” ngày xưa và thế “đứng” của Mẹ cũng diễn tả tâm hồn của Mẹ muốn chia sẻ và hiệp thông, với chính con Mẹ đang đau đớn trên Thánh Giá. Mẹ đã đứng ở đó, đã đau đớn chịu khổ cực với Con Một của mình, Mẹ quyết tâm chia sẻ trọn vẹn sứ mạng và hy lễ cứu độ của Con Mẹ là Chúa Giê-su. Mẹ muốn tham dự vào tận đáy sâu thẳm những thống khổ mà Chúa Giê-su chịu. Mẹ không khước từ lưỡi gươm cụ già Si-mê-on ngày xưa tiên báo cho Mẹ: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35b). Mẹ luôn nói lời xin vâng với Thiên Chúa, cụ thể trong chương trình huyền nhiệm của Chúa Cha dành cho Chúa Ki-tô.

Thế “đứng” của Mẹ dưới cây Thánh Giá còn diễn tả tinh thần hy vọng sắt son của Mẹ. Thật là thiếu xót, nếu chỉ dừng lại ở sự khổ đau của Mẹ tại Thánh Giá, bởi vì từ Thánh Giá Chúa, từ chính trong khổ đau và cái chết của Chúa luôn có tia sáng hy vọng đang âm ỉ cháy. Trên Núi Sọ, Ðức Maria không chỉ là ‘Mẹ sầu bi’ mà còn là Người Mẹ cậy trông, Mater spei.

Thánh Phaolô khẳng định về Abraham trong thử thách: đó là ‘Tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông’ (Rm 4,18). Lời tuyên bố này áp dụng cho Ðức Maria dưới chân Thánh Giá lại càng đúng hơn: tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông vào Thiên Chúa giàu lòng xót thương và luôn trung tín.

Đức cố Hồng Y Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận, Đấng Đáng Kính, đã diễn tả thật đẹp về Mẹ trong Đường Hy vọng: “Dưới chân thánh giá, con thấy Mẹ Maria đạt đến mức độ anh hùng của mọi nhân đức: hiền lành, khiêm nhượng, thinh lặng, nhẫn nại, tin tưởng, cậy trông, yêu mến.

Mẹ nghèo trơ trọi vì mất cả con ruột là Giêsu, Thiên Chúa làm người.

Mẹ mến Chúa đến hiến dâng cả mạng sống mình và máu Con để cứu chuộc nhân loại.

Mẹ chết tử đạo vì không được chết theo con.

Mẹ tin cậy vững vàng trước điều thiên hạ cho là thất bại sụp đổ hoàn toàn” (ĐHV 945).

Một lần nữa, chúng ta hãy nhìn về Mẹ Maria đứng bên Thánh Giá, tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông. Hơn nữa là người con của Mẹ, chúng ta ý thức luôn kêu cầu Người dưới danh hiệu“Mẹ cậy trông”. Nếu lúc này ta đang gặp thử thách, muốn thất vọng buông xuôi, thì hãy lấy lại bình tĩnh bằng cách lập lại cho chính mình lời kinh Trông Cậy.

Lời kinh này người Công Giáo Việt Nam chúng ta đọc mỗi ngày, như là lời kinh cuối cùng để kết thúc giờ cầu nguyện gia đình và cũng là lời kinh thường được đọc vào cuối Thánh Lễ.

Kinh Trông Cậy, tiếng La-tinh là “Sub Tuum Praesidium”, là kinh cầu với Đức Maria cổ nhất, và được tìm thấy vào thế kỷ thứ ba trên một tờ giấy Papyrus thuộc bên Ai-cập.

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ đồng trinh, hiển vinh sáng láng. Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời. (Chúng con xin trú ẩn dưới sự che chở của Đức Mẹ rất thánh, Mẹ Chúa Trời).

Sub tuum praesidium confugimus, Sancta Dei Genetrix.

Unter deinen Schutz und Schirm fliehen wir, o heilige Gottesgebärerin.

Mở đầu lời kinh với hai từ “chúng con” diễn tả tinh thần gia đình, cộng đoàn hiệp thông trong cầu nguyện. Như thế lời kinh Trông Cậy là lời kinh của Hội Thánh, của tập thể, của một đoàn con hướng về Mẹ. Điều này rất tương hợp với hình ảnh của các phụ nữ, cùng thánh Gioan và Mẹ Maria đứng dưới chân Thánh Giá.

Là dân Chúa trên đường lữ hành, chúng ta hiện diện nơi đây, đặc biệt với sự hiện diện của Mẹ. Điều đó làm nên một mái gia đình cho những người con cái như chúng ta, những người có cùng dòng máu Thánh Giá, dòng máu niềm tin. Vì thế, chúng ta được phép coi ngôi nhà từ mẫu này là mái nhà của chúng ta, là nơi chúng ta tìm thấy sự tươi vui, an ủi, bảo vệ và nương náu.

Là đại gia đình Công Giáo người Việt Nam ở Đức, chúng ta cầu xin Mẹ Maria, Mẹ Lavang, quan thầy của chúng ta: Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời. Trông cậy là điều cần thiết cho cuộc sống làm người. Thật vậy, chúng ta cần hy vọng để sống như cần oxy để thở. Nhìn vào cuộc sống thực tế với những vấn đề khó khăn nan giải, với những khổ đau bất hạnh, ơn trông cậy luôn khẩn thiết, đến nỗi chỉ nguyên nghe nói đến trông cậy và hy vọng là người ta đứng thẳng dậy.

Trong lời kinh chúng ta đọc, chúng ta trông cậy vào Mẹ, Đấng luôn có chỗ dựa cho chúng ta, Đấng luôn sẵn sàng che chở chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng: “Người Kitô hữu, ngay từ đầu, đã hiểu rằng trong những lúc khó khăn và thử thách, chúng ta phải dựa vào Mẹ”, chúng ta phải kêu xin Mẹ là Đấng chúng ta cậy trông. Các Tổ Phụ trong đức tin đã dạy rằng trong những thời khắc hỗn loạn, chúng ta phải chạy đến dưới áo Mẹ Thiên Chúa. Khi những người bị bách hại và những ai trong cơn quẫn bách tìm nương náu nơi người phụ nữ cao trọng này.

Mẹ bảo vệ đức tin, giữ gìn các mối quan hệ, cứu giúp chúng ta trong những lúc phong ba bão táp và gìn giữ chúng ta khỏi mọi tà ác. Nhà nào có Đức Mẹ, ma quỷ không vào. Nơi nào có Đức Mẹ xáo trộn không chiếm được thế thượng phong, nỗi sợ hãi không thắng thế…

Các ý tưởng hay công nghệ sẽ không đem lại cho chúng ta bình an và hy vọng, nhưng chính là khuôn mặt của Mẹ, với đôi tay dịu dàng vuốt ve cuộc sống, với lớp áo chở che chúng ta. Chúng ta hãy học cách tìm nương náu, chạy đến cùng Mẹ mỗi ngày”.

Hơn nữa, chúng ta trông cậy vào Mẹ rất thánh. Mẹ rất thánh, bởi vì Mẹ đã nói lời xin vâng trong vâng phục và phó thác, trong sự công chính đón nhận và thực thi Thánh Ý Chúa. Mẹ rất thánh, bởi vì Mẹ là người được chúc phúc, vì được Thiên Chúa ở cùng, vì Mẹ đã lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa (x.Lc 11,28).

Chúng ta trông cậy vào Mẹ là Mẹ Đức Chúa Trời. Đó là sự khôn ngoan của chúng ta những người con đơn hèn, vì chúng ta biết rằng Chúa Giê-su con Mẹ sẽ luôn lắng nghe lời Mẹ cầu bầu và ban ơn lành cho chúng ta. Câu truyện ở Ca-na vẫn luôn sống động trong cuộc sống thường ngày. Nếu chúng ta thực tâm kêu cầu Đức Mẹ Chúa Trời, thì “tiệc cưới” cuộc đời chúng ta sẽ không bao giờ thiếu rượu tình yêu, rượu của lòng thương xót.

Lạy Mẹ, xin cho phép chúng con luôn được phép dựa vào Mẹ, trông cậy nơi Mẹ, xin dạy chúng con biết sống hy vọng như Mẹ: Dù ở trong tuyệt vọng nhưng vẫn một niềm cậy trông (Rm 4,18).

Xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn.

Nostras deprecationes ne despicias in necessitatibus nostris,

Verschmähe nicht unser Gebet in unseren Nöten

Với thiên chức làm mẹ, không phụ nữ nào từ chối người con của mình đang rơi vào những cơn gian nan thiếu thốn, đang bệnh hoạn và đau đớn. Có một người mẹ Việt đã không ngồi yên đó chỉ để khổ đau và thương hại đứa con bị suy thận. Người mẹ Việt này đã nhanh chóng xin bác sĩ cho phép bà hiến một quả thận của mình cho chính người con trai yêu dấu. Hành động thanh cao này của người mẹ Việt đã diễn tả sống động tình mẫu tử thật cao quý biết bao.

Đó là tình mẫu tử của con người, còn tình mẫu tử của Đức Maria dành cho chúng ta còn cao quý chừng nào. Mẹ không bao giờ chê bỏ lời cầu bầu của chúng ta. Ngược lại Mẹ luôn đoái nhìn và Mẹ lắng nghe bằng trái tim tất cả những lời chúng ta kêu cầu.

Thật vậy, “khi chúng ta cầu xin Mẹ, Mẹ sẽ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta. Có một tước hiệu của Đức Mẹ rất hay trong tiếng Hy Lạp, đó là “Grigorusa”, nghĩa là “Mẹ vội vã cầu bầu”. Tính từ “vội vã” là tính từ được thánh Luca sử dụng trong Tin Mừng để nói Đức Maria đã lên đường đi thăm bà Elizabeth như thế nào: nhanh chóng, tức khắc! Mẹ nhanh chóng cầu bầu, không chút chậm trễ, Mẹ lập tức nói với Chúa Giêsu về nhu cầu cụ thể của những người đó: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3), không còn gì nữa!” (ĐTC. Phanxico).

Nhìn lại những gì Đức Mẹ Maria đã và đang thực hiện cho con cái của Mẹ, chúng ta sẽ nhận ra rằng Mẹ không bao giờ chê bỏ chúng ta, Mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta, đặc biệt khi chúng ta rơi vào những thử thách, gian nan và thiếu thốn.

Thiết nghĩ, chúng ta nên dành thời gian để “đọc lại” và khám phá những dấu ấn tình mẫu tử của Mẹ trong cuộc đời chúng ta. Một trong những gian nan nhất mà con người chúng ta phải trải, là khi chúng ta rơi vào “lưới của sự dữ”, khi chúng ta bị sự dữ làm chủ đời mình. Trong hoàn cảnh khó khăn vượt quá sức người này, chúng ta cầu nguyện với Mẹ Maria, Đức Nữ Đồng Trinh.

Đức Nữ đồng trinh, hiển vinh sáng láng. Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

sed a periculis cunctis libera nos semper, Virgo gloriosa et benedicta. Amen. 

sondern erlöse uns jederzeit von allen Gefahren,
o du glorwürdige und gebenedeite Jungfrau. Amen
.

Lời cầu xin này tương hợp với lời cầu xin trong kinh Lạy Cha: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Thật vậy, Chúa biết chúng ta cần được bảo vệ như thế nào trước sự dữ, trước những cám dỗ và mánh lới của chúng, trước những nguy hiểm vây quanh chúng ta. “Vì thế, vào khoảnh khắc tột cùng, trên thập tự giá, Người nói với người môn đệ yêu dấu, và với tất cả các môn đệ: “Này là Mẹ con!” (Ga 19,27). Chúa ban cho chúng ta người Mẹ. Chúa biết chúng ta cần Mẹ như một người lữ hành cần được giải khát, như một em bé cần được cưu mang trong vòng tay mẹ. Nguy hiểm biết báo cho đức tin, khi chúng ta sống mà không có Mẹ, không được bảo vệ, khi chúng ta để mình bị cuốn hút bởi cuộc sống như những chiếc lá cuốn theo chiều gió. Chúa biết và khuyến khích chúng ta chào đón Mẹ. Đó không phải là thứ vẽ vời thêm về mặt tinh thần, nhưng là một nhu cầu của cuộc sống. Tình yêu không phải là những vần thơ, nhưng là biết làm thế nào để sống” (ĐTC. Phanxico).

Hơn nữa, “công đồng Vatican II dạy rằng Đức Maria là “dấu chỉ hy vọng chắc chắn và sự an ủi cho dân lữ hành của Thiên Chúa” (Tông hiến Lumen Gentium – Ánh Sáng Muôn Dân, VIII, V). Đó là một dấu chỉ, một dấu chỉ Thiên Chúa đã đặt để cho chúng ta.

Nếu chúng ta không theo dấu chỉ đó, chúng ta lạc lối. Bởi vì có một “biển chỉ đường” của đời sống tâm linh, mà chúng ta phải theo. Nó chỉ cho chúng ta, những người “vẫn còn lang thang giữa chập chùng những hiểm nguy và gian nan”, thấy Mẹ, là Đấng đã đạt đến mục tiêu. Còn ai hay hơn Mẹ để đi cùng chúng ta trên cuộc hành trình? Chúng ta còn đang chờ đợi điều gì? Như môn đệ dưới cây thập tự chào đón Mẹ, “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19:27), chúng ta cũng vậy, từ ngôi nhà từ mẫu này chúng ta hãy rước Đức Maria về nhà chúng ta, trong trái tim chúng ta, trong cuộc sống của chúng ta” (ĐTC. Phanxico).

Cuối cùng, trong ngày lễ mừng kính Mẹ Maria, Mẹ Hội Thánh, chúng ta ý thức rằng: “Mẹ yêu con cái mình, bảo vệ chúng, và thế giới của chúng. Hãy tiếp rước Mẹ hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta, để Mẹ hiện diện thường xuyên trong gia đình của chúng ta, trong thiên đường an toàn của chúng ta. Hãy ủy thác cho Mẹ mỗi ngày. Chúng ta hãy kêu cầu Mẹ trong mọi lúc âu lo. Và đừng quên quay lại để cám ơn Mẹ” (ĐTC. Phanxico).

Mong sao, trong hành trình cuộc sống, mỗi ngày chúng ta đều hướng về Mẹ rất thánh, Đấng sinh ra Thiên Chúa, để xin Mẹ cho chúng ta được cậy trông vào Mẹ, được Mẹ đoái nhìn và cầu bầu cho chúng ta, khi chúng ta ở trong gian nan thử thách, và chính Mẹ sẽ giúp chúng ta vượt thắng được sự dữ đầy mưu mô hiểm độc đang vây quanh chúng ta.

Kết thúc, chúng ta cùng cầu nguyện với Mẹ Maria qua lời trong bài hát Mit Dir Maria singen wir.

Lạy Mẹ Maria,

Mẹ biết rõ những giòng nước mắt,

Mẹ biết rõ Thánh Giá và khổ đau.

Mẹ biết rõ những gì uốn cong và xoay chuyển cuộc đời chúng con.

Vâng, Mẹ đã tôn vinh Đấng sẵn sàng giải thoát chúng con.

Mẹ biết rõ là cuối cùng cuộc sống sẽ toàn thắng.

Ôi Ánh Sáng Mẹ chiếu toả xuyên suốt qua đêm đen,

nhịp điệu cuộc sống vẫn tiếp tục tấu lên.

Đấng làm cho cuộc sống chúng con hân hoan và tràn đầy,

Đấng ấy đang đến.

Ngài làm cho bài ca tán dương của Mẹ tràn ngập ánh hào quang.

Ôi Maria, chúng con tin rằng,

Ngày hy vọng đang đến,

Ngày hy vọng giải thoát chúng con.

Chúng con cậy trông và tín thác cuộc đời trong đôi tay trìu mến của Mẹ. Amen.

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Một bình luận

  1. Giuse Nguyễn Dương Linh

    Chào Cha, cám ơn Cha đã chia sẻ một bài viết rất hay về Đức Maria. Con có một thắc mắc muốn hỏi Cha về kinh Trông Cậy. Câu thứ hai của kinh Trông Cậy: “Xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn”. Nhưng con cũng nghe một vài nơi đọc là: “Xin chở che chớ bỏ lời …”
    Vậy con muốn hỏi trường hợp đó, đọc như thế nào mới là đúng bản văn: “chớ chê chớ bỏ” hay “chở che chớ bỏ”. Và các ngôn ngữ khác như Latinh và Hy Lạp, thì từ ngữ gốc sẽ như thế nào?
    Con là Chủng sinh, con xin chân thành cám ơn Cha. Mong nhận được hồi đáp của Cha.
    Gs. Linh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *