Cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi trong khi Làm Dấu

Ngay khi bắt đầu làm Dấu Thánh Giá, là ta đã cử hành mầu nhiệm quan trọng nhất của Đức Tin Kitô giáo. Miệng ta tuyên xưng: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Đây là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Những cử chỉ vô cùng ý nghĩa: tay ta vẽ hình thánh giá, đưa lên trán, đặt trên ngực, và trên đôi vai. Có lẽ, chúng ta Làm Dấu Thánh Giá nhiều lần quá mà quên đi ý nghĩa. Dấu này là Dấu Thánh Giá, là mầu nhiệm Tình Yêu tự hiến trên thập giá của Chúa Giêsu Kitô. Dấu Thánh Giá lại được in trên chính bản thân tôi, như thế là chính tôi, cần tiếp tục cử hành mầu nhiệm này trong đời mình, như xưa Chúa Giêsu Kitô đã cử hành.

Thế nhưng, có một câu hỏi đặt ra: Tại sao trong khi miệng ta tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, mà cử chỉ lại cử hành mầu nhiệm Thập Giá? Tại sao hai mầu nhiệm này lại được cử hành đồng thời? Câu hỏi ấy quả là một hành trình cuộc đời.

Không biết là bạn có bao giờ tự đặt câu hỏi trên hay chưa? Còn tôi, đến năm 23 tuổi, lần đầu tiên trong đời, tôi tự thắc mắc như thế.

  1. Thời tuổi thơ…

Tôi vẫn còn nhớ hồi mình bé tí, có lẽ 3 tuổi, mỗi khi trước khi ngủ, là được Mẹ dạy cho tập Làm Dấu Thánh Giá. Mỗi khi đi qua nhà thờ, là cúi đầu chào Chúa và làm Dấu Thánh Giá. Mỗi khi đi qua bàn thờ, là phải ăn mặc tử tế và nghiêm trang. Khi nhìn thấy ảnh tượng Đức Mẹ, thì cúi đầu: Ạ Đức Bà. Với từng lời nói cử chỉ nhỏ nhặt ấy, mẹ từng bước dẫn tôi vào một thế giới khác, cùng song hành với thế giới này.

Vì là một trẻ thơ, tôi không hiểu được gì nhiều, nhưng những gì hiểu được thì in đậm không phai: đó là, có những nơi thánh thiêng. Đó là, có Chúa đang nhìn từng bước con đi. Đó là có Mẹ luôn che chở đỡ nâng con cái trên hành trình cuộc đời gian khó. Đó là có sức mạnh và bình an mà Chúa ban cho ở nơi sâu thẳm tâm hồn. Tất cả những kinh nghiệm ấy, không phải là kiểu trẻ con. Không, những kinh nghiệm ấy sống động trong tình yêu thương của bố mẹ anh chị em nơi gia đình, sống động ngay cả trong những lúc vui chơi một mình hoặc phải làm những điều mình không thích. Những kinh nghiệm đơn sơ ấy, vượt xa những gì mà ngày nay người ta quy gán cho điều gọi là tâm lý của tuổi thơ. Đúng, tuổi thơ có những nét tâm lý riêng, như đơn sơ, dễ thay đổi, lúc cười khi khóc… Nhưng tình thương mà cha mẹ dành cho một trẻ thơ, và trẻ thơ hiểu được, cảm nhận được, thì điều ấy vượt xa điều gọi là tâm lý. Cũng thế, tình yêu thương và tiếng thì thầm mà Thiên Chúa nói với trẻ thơ, là quà tặng của Ngài, chứ sao lại quy cho tâm lý! Thật đáng tiếc, vì hiện nay, nhiều bậc cha mẹ, từ kinh nghiệm tiêu cực của bản thân, lại đi cản ngăn bước đường Chúa đến với trẻ thơ. Các bậc cha mẹ ấy nại tới tự do, mà ngăn không cho trẻ thơ đón nhận bí tích Rửa Tội, ngăn không cho trẻ thơ cầu nguyện với Chúa, với Đức Mẹ và các Thánh. Thật là thiệt thòi vô cùng.

  1. Khi biết suy nghĩ…

Cuộc sống cứ thế trôi đi. Tôi thường cầu nguyện với các Thánh, với Đức Mẹ, rồi với Chúa Giêsu. Tuy có đọc kinh Lạy Cha rất nhiều lần, nhưng hồi đó, hiếm khi tôi cầu nguyện với Chúa Cha. Vì tôi chỉ nghĩ rằng, từ trên cao, Chúa Cha thấy hết moị sự đang diễn ra. Ngài đã tạo dựng nên tất cả vũ trụ, nhưng mà Ngài ở xa lắm. Có Chúa Giêsu thì gần gũi hơn, vì Ngài đã sống cùng mọi người. Ngài cùng ăn cùng uống với các môn đệ. Ngài giảng dạy rất tuyệt vời. Ngài còn hứa là sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Cầu nguyện với Ngài cũng tựa như việc trò chuyện giữa các môn đệ với Thầy mình vậy. Đã có lúc tôi tự nghĩ, hầu như mình chẳng khi nào nói chuyện với Chúa Cha, mà kỳ thực cũng chẳng biết nói gì, không biết là như thế Ngài có buồn không? Đọc Kinh Thánh Cựu Ước, tôi thấy Chúa Cha cũng có những lần giận lớn lắm. Nhưng được cái: Ngài giận, giận trong giây lát, còn thương thì thương suốt cuộc đời.

Kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần đến với tôi khá trễ. Thời đi học cấp 2, bắt đầu phải suy nghĩ đến các cuộc thi: học ở trường cũng như học ở nhà thờ. Trước mỗi lần ấy, cha mẹ và các thầy cô lại nhắc nhở rằng: Hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, để Ngài soi lòng mở trí cho được thi tốt. Có lúc, tôi còn lẩm bẩm: nếu mà không học, thì có mà cầu đằng Trời? Nhưng bình tĩnh lại, tôi thấy: cầu nguyện là cần thiết, và tôi thực sự cầu nguyện với Ngài. Rất nhiều lần, tôi đã nhận được ơn nâng đỡ. Không phải kỳ thi nào của tôi cũng có kết quả tốt, nhưng với những lần kết quả tốt, tôi biết rõ rằng: đó không phải chỉ là sức riêng của tôi, mà còn có ơn trợ lực rất quan trọng của Chúa Thánh Thần nữa. Hoặc giữa những lúc sợ hãi và nghi ngờ, tôi đã cần đến Ngài.

Bạn có thể nói như một triết gia đã nói rằng: Nếu như thế, thì Thiên Chúa chẳng qua là sản phẩm của những gì con người tưởng tượng ra, hoặc Thiên Chúa chỉ là phần bù đắp của những giới hạn và sợ hãi của con người? Cách nói này tỏ ra khá thuyết phục, nhưng kỳ thực thật là vô ơn. Có những hoa trái tốt lành chỉ có thể có nhờ tình yêu thương trong tương quan giữa con người với nhau, hoặc giữa con người với Thiên Chúa. Những hoa trái ấy không thể nảy sinh từ sự tưởng tượng của con người. Thánh Vịnh có câu: Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy. Bằng lý trí, con người có thể chối bỏ Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn có đó. Bằng lý trí, con người không thể tạo ra Thiên Chúa, mà chỉ có thể nhìn nhận Ngài hoặc từ chối Ngài. Khi nói về Thiên Chúa, chỉ nại đến lý trí và tâm lý thôi, thì không đủ, mà đó còn là kinh nghiệm sống, còn là tương quan tình yêu thương, còn là cả cuộc sống trong mọi hoàn cảnh buồn vui.

  1. Trong lúc thử thách…

Thời trung học, vào một buổi trưa nọ, sau khi trở về nhà từ trường học, có người em họ nhỏ hơn tôi một tuổi, hỏi tôi câu hỏi: Làm thế nào để phân biệt được Thiên Chúa của chúng ta với các vị thần của các tôn giáo khác? Tôi nghe xong mà lặng thinh, nói rằng: Để anh suy nghĩ và sẽ nói với em sau. Ban đầu tôi bình thản, nhưng càng nghĩ, tôi càng thấy rối trí. Với trí khôn non nớt, tôi không biết làm cách nào để thoát ra những suy nghĩ rối bời ấy: từ những bài giáo lý, cho đến các cách thực hành đạo khác nhau giữa mọi người, rồi đến các biểu hiện niềm tin rất khác nhau. Như thế, kỳ thực Chúa là ai đối với mọi người, đặc biệt là những người chưa biết Chúa? Chúa là ai khi so sánh Chúa với các vị thần kia? Quê tôi, người ta rất cởi mở và hiền hòa về mặt giáo thuyết: đạo ai nấy giữ. Nếu muốn hiểu nhau, thì người ta hỏi nhau, rồi thảo luận với nhau, chứ chưa bao giờ tôi thấy những người khác tôn giáo đi tranh cãi nhau. Với biết bao câu hỏi trong đầu, tôi rối trí và đã có lúc bị cám dỗ nói không với đức tin. Nói không, không có nghĩa là tôi từ chối đức tin. Nói không, có nghĩa là tôi không chắc được là tôi tin thế nào.

Lần ấy, đã nhiều lần tôi bị cám dỗ nói công khai với mọi người rằng: tôi nghi ngờ về đức tin. Thế nhưng, những kinh nghiệm chân thực về đức tin trong quá khứ chỗi dậy, nâng đỡ tôi. Đức tin của những người xung quanh nâng đỡ tôi. Những lý lẽ về tương quan với mọi người, cũng giúp tôi cân nhắc thực tế: nếu giờ đây nói nói ra điều ấy, mọi người trong gia đình và bạn bè sẽ rất hoang mang và lo lắng, và rất buồn nữa. Mọi người cũng sẽ không hiểu được chuyện gì xảy ra. Còn tôi, thì có nói ra, tôi cũng đâu giải quyết được gì, mà cũng chẳng để làm gì. Thế là, tôi quyết định thinh lặng để tìm giải pháp.

Đến một ngày, có câu nói của thánh Teresa Avila làm tôi bị đánh động: thử thách là dịp tốt để giúp con người trưởng thành hơn. Thế là, tôi cố gắng chiến đấu với chính mình. Cố gắng tiếp tục đi tham dự thánh lễ như mọi khi. Cố gắng sống đạo như trước giờ vẫn sống. Cố gắng không đổ những bối rối và khó chịu của bản thân lên người khác. Trong thời gian ấy, tôi luôn ý thức rất rõ những tội lỗi mình đã phạm, những giới hạn của bản thân, và những điều tốt lành tôi đã nhận được từ mọi người, và cả từ Chúa nữa, cho dù hiện tại tôi đang nghi ngờ Ngài.

Vào một buổi chiều nọ, sau thánh lễ ấy, tôi được ơn bình an trở lại. Chúa đã cất đi tất cả những bối rối ưu phiền trong tôi. Tôi còn nhớ như in những gì tăm tối xảy ra trong suốt hơn tháng trời, nhưng giờ đây tâm hồn tôi bình an. Lúc ấy, tôi học được từ nội tâm rằng: Chúa là Đấng tốt lành, và luôn luôn tốt lành như thế. Chúa có lúc sẽ lặng thinh, nhưng Ngài luôn yêu thương. Các vị thần khác, tôi không biết, nhưng các vị ấy có những năng lực nào đó mà những người tin vào các vị ấy nương tựa. Các vị ấy cũng có thể có những giáo thuyết nào đó cần cho ai đó. Tôi tôn trọng sự khác biệt và tự do của mỗi người. Nhưng điều làm tôi mừng vui là tôi biết rằng tôi tin vào Ai. Kinh nghiệm ấy của thánh Phaolo giờ đây thật sống động. Cái biết ấy sâu hơn cõi lòng tôi, vượt xa trí khôn tôi, vì không phải của tôi, mà của Đấng tỏ cho tôi.

  1. Quay lại điểm khởi đầu…

Sau trung học, sau đại học, sau một năm chuẩn bị cho ngoại ngữ và nhiều môn học khác, tôi được nhận vào Nhà tập Dòng Tên. Sau kỳ linh thao một tháng và 6 tháng sống cùng các anh em trong nhà tập, tôi nhận được tin thật bất ngờ: Mẹ tôi được Chúa gọi về. Mẹ mất mới chỉ ở tuổi 50, vì bệnh tim. Cha giáo tập và tôi đi máy bay từ miền nam ra miền bắc để về lễ tang mẹ, vì nhà tập thì ở Sài Gòn, còn nhà tôi gần Hà Nội. Khi hai cha con đang trong máy bay trên bầu trời, tôi nhìn ra ngoài thì thấy khoảng không bao la, nhìn trong lòng thì thấy trống rỗng, nhìn bên cạnh có cha giáo và nhiều hành khách. Cũng chẳng biết nói gì, chẳng có chi để nghĩ.

Cha giáo gợi chuyện và hai cha con cứ thế nói chuyện với nhau. Tôi cũng cứ thế để cho câu chuyện trôi đi tự nhiên. Thế nhưng trong chuỗi các câu chuyện ấy, tự nhiên sáng lên một câu hỏi làm tôi cảm thấy bất ngờ với chính mình. Tôi hỏi ngay cha giáo: Thưa Cha, làm thế nào mà chúng ta biết được Thiên Chúa có Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần? Con thấy là có mỗi Chúa Giêsu thường nói về điều ấy, khi Ngài nói về Chúa Cha, rồi tự xưng mình là Con, có khi khác lại nói về Thần Khí? Cha giáo gật đầu đồng ý: Đúng thế, nếu Chúa Giêsu không nói cho chúng ta, thì chúng ta không biết đâu, nhờ Chúa Giêsu đấy.

Cũng trong lần ấy, tôi vừa cảm thấy xa vắng vì mất mẹ, vừa cảm thấy thêm niềm cậy trông nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, vì trong Ngài, tất cả chúng ta hiện hữu, và dù mối tương quan không còn như xưa: tức là không như hai người đang sống, nhưng mối dây liên hệ vẫn có đó. Mẹ của tôi vẫn luôn bên tôi. Và tôi cũng được dịp đi sâu hơn vào mối tình mẹ con nữa, khi tôi liên kết mình vào mối tương quan mẹ con giữa Chúa Giêsu với Mẹ Maria, giữa các môn đệ với Mẹ Maria. Đó không chỉ là tình mẹ con theo nghĩa đơn thuần. Tình mẹ con vốn đã thiêng thiêng, nhưng trong gia đình Nazaret, trong mái nhà của Chúa Ba Ngôi, tình mẹ con càng vô cùng đặc biệt.

Tứ Quyết SJ

Kiểm tra tương tự

Bộ Phong Thánh công bố Sắc Lệnh về cuộc tử đạo của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp

  Trong buổi tiếp kiến vào ngày 25 tháng 11 năm 2024, dành cho Đức …

Tin vui từ Vatican: Công nhận Cuộc Tử đạo của Cha Trương Bửu Diệp

Ngày 25 tháng 11 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *