Cười với Dòng Tên (số 10)

Chương 10

THỪA TÁC VIÊN CỦA SỰ THINH LẶNG

Trong một khóa tĩnh tâm dành cho các linh mục, vị hướng dẫn đề nghị họ chia thành từng nhóm nhỏ ba người. Rồi ông mời họ chia sẻ những bí mật tế nhị nhất, những chuyện mà họ chưa bao giờ nói với ai.

Một linh mục Dòng Đa-minh thở dài và cuối cùng thổ lộ cha bị vấn đề nghiện rượu. Cha rất xấu hổ và chưa bao giờ nói ra. Và cha cảm thấy dễ chịu vì đã có thể trút được bí mật trong một nhóm nhỏ thân tình. Bây giờ, cha cảm thấy đỡ hơn, như được giải thoát.

Một tu sĩ Dòng Phan-sinh rụt rè, rồi cuối cùng cũng lên tiếng. Vấn đề của cha là ham cá độ. Thói xấu này cha đã bị từ lâu, đã cố mà chưa bỏ được. Cha rất xấu hổ về nó và tạ ơn vì cuối cùng cũng nói lên được bí mật này trước anh em.

Còn lại vị linh mục Dòng Tên. Cha cám ơn hai linh mục bạn đã thẳng thắn và chân thành tâm sự. Cũng như mọi người, cha cũng có những chuyện không đáng tự hào cho lắm. Nhiều năm trời, cha chiến đấu để chống sự lệ thuộc này nhưng không được. Nó vượt quá sức mình. Dù thôi miên, tâm lý trị liệu cũng không thuyên giảm. Cuối cùng cha nói: Tôi mắc cái bệnh, hễ nói gì với ai cũng bắt đầu bằng câu: tôi kể chuyện này, nhưng chỉ hai người mình biết thôi đó!

 

“Nếu anh muốn nói điều gì trong thầm kín, thì hãy nói như thể nói với cả thế giới.” Câu này của Thánh I-nhã cho thấy ngài hoàn toàn hiểu rằng chuyện giữ bí mật chỉ như “ruột để ngoài da”.

Gìn giữ sự kín đáo tuyệt đối để duy trì sự tin tưởng là điều hết sức quan trọng trong các cuộc trao đổi và đồng hành thiêng liêng, điều vốn là một trong các sứ vụ nổi bật của các tu sĩ Dòng Tên. Rất nhiều người đến tâm sự với các ngài, để lòng họ được mở ra trong hành trình tìm một cách sống gần với Tin Mừng hơn, nhất là khi đứng trước một chọn lựa quan trọng có tính cách quyết định cho cuộc đời.

Trong khi đồng hành, thay vì nói nhiều, cha linh hướng Dòng Tên sẽ tạo một khoảng không gian để chính đương sự được thoải mái tự do mở lời. Thay vì đào bới những chi tiết ly kỳ trong câu chuyện của người kể, vị linh mục sẽ khuyến khích người kia tìm cách diễn tả bằng tâm tư và chữ nghĩa của mình, những tiếng dội trong lòng mà họ nghe được trong khi cầu nguyện, khi đối diện với Lời Chúa và những chuyện trong đời mình. Mục đích của những việc này là để người được linh hướng lớn lên, nhạy bén hơn với sự hiện diện của Chúa trong đời mình, để có thể tự đi trên đường đời của mình vững chãi hơn.

Và đây là một câu đúc kết khá nặng ký của Thánh I-nhã: “Ma quỷ bao giờ cũng thành công hơn khi nó có thể hoạt động trong bí mật và bóng tối.” Không có gì có thể mang lại tự do cho bằng có được một không gian để diễn tả theo cách riêng của mình những điều khó nói, dồn nén hoặc lầm lỡ, những gánh nặng tưởng chừng chẳng bao giờ trút bỏ được. Một không gian có cơ hội thổ lộ mà không bị phán xét. Được nâng đỡ bởi không gian như vậy, người ta sẽ triệt tiêu được nguy cơ để các tư tưởng và kinh nghiệm đau thương vẫn hoành hành trong bóng tối, để chúng tự tung tự tác như chốn không người trong cõi lòng mình.

Nhưng chuyện này chỉ thành công khi bạn tin tưởng vị đồng hành thiêng liêng của mình: những gì bạn tâm sự với ngài sẽ được giữ bí mật một cách tuyệt đối. Hoàn toàn giống như khi đi xưng tội.

Tác giả: Nikolaas Sintobin, S.J.
Chuyển ngữ: Marta An Nguyễn
Hiệu đính: Bùi Quang Minh, S.J.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *