Chương 12
TIN TƯỞNG CHÚA, TIN TƯỞNG THẾ GIỚI
Bộ ba liên tu sĩ OP, OFM, SJ đi chơi golf. Ba vị đang chơi ngon lành thì bị vướng một nhóm khác chơi rất chậm và choán chỗ. Bực mình, họ đi gặp vị quản lý sân golf để than phiền. Người đó giải thích và cho biết đó là một nhóm người mù tập chơi golf.
Cha Dòng Phan-sinh (OFM) rất cảm kích sáng kiến của ban quản lý. Cha xin lỗi vì mình đã mất kiên nhẫn và cho biết sẽ gìn giữ gương này để cầu nguyện và lo cho người nghèo.
Cha Dòng Đa-minh (OP) cũng xúc động trước sáng kiến này. Cha cho biết mình sẽ giảng về chuyện này để tôn vinh tình bác ái nhân loại.
Đến lượt mình, vị tu sĩ Dòng Tên (SJ) cũng cho biết rất xúc động và cho biết sẽ có kế hoạch nhân rộng dự án này. Sau đó, cha kéo người quản lý riêng ra nói nhỏ:
- Ông có nghĩ là để họ chơi vào buổi tối thì tiện cho đôi đàng không?
Năm 1539, khi cùng với nhóm bạn đường đầu tiên thành lập Dòng Tên, Thánh I-nhã đã trải qua hơn hai mươi năm hành trình thiêng liêng. Từ một con người say mê vinh quang hư ảo và chỉ biết tìm mình, ngài trở nên chín chắn và trở thành người khiêm tốn đi tìm Chúa. Sau khi quỵ ngã và đứng dậy nhiều lần, Thánh I-nhã khám phá ra mục đích của đời mình: tìm và gặp Chúa trong mọi sự để phục vụ Ngài hơn. Bằng lời nói và nhất là bằng hành động.
Cách Thánh I-nhã nói về sự tin tưởng tuyệt đối vào Chúa của ngài rất lạ và làm cho chúng ta ngạc nhiên: “Hãy tin tưởng nơi Chúa, như thể việc này tùy thuộc hoàn toàn vào bạn chứ không vào Chúa; đồng thời thực hiện công việc đó, như thể nó không do bạn làm, nhưng hoàn toàn do Chúa”. Thánh I-nhã đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa cách tuyệt đối. Nhưng ngài cũng hết sức xác tín rằng mỗi cá nhân đều hoàn toàn có phần trách nhiệm của mình, để hợp tác vào công trình Nước Chúa. Để làm được điều này, mọi loại phương tiện – miễn là không phạm pháp – đều cần được sử dụng: “Bạn không thể từ chối thực hiện một việc nào đó vì sợ rằng mình sẽ phạm sai lầm, trong khi tự bản chất việc đó không có gì là xấu. Nếu bạn cố tình từ chối, bạn đã đánh vỡ cơ hội làm vinh danh Chúa rồi”.
Theo tinh thần đó, chúng ta sẽ biết khám phá những nẻo đường còn xa lạ nhưng đôi khi đầy bất ngờ. Chính vì thế, vào thế kỷ 17, các Giê-su hữu đã đưa kịch nghệ vào chương trình giảng dạy và sinh hoạt trong các trường của Dòng, vào giai đoạn mà Giáo Hội và các nhà tư tưởng còn cho rằng bộ môn này là một hình thức sinh hoạt linh tinh, suy đồi và khiếm nhã. Các tu sĩ làm việc trong trường học đã xác quyết rằng, tiềm năng sư phạm của sân khấu hoàn toàn “xứng tầm” để vượt lên những cái nhìn cấm kỵ này. Từ đó họ không ngần ngại áp dụng phương tiện này vào các lớp humaniora, tức lớp dành các học sinh trong giai đoạn đào tạo nhân văn, giúp các em trưởng thành trong nhân cách. Chính mục tiêu giáo dục này giúp các cha hình thành tiêu chuẩn chọn lựa các vở kịch trình diễn, hoặc thậm chí tự viết kịch bản.
Việc có mục đích rõ ràng sẽ giúp ta chọn lựa phương tiện cách tự do và sáng tạo. Nhờ thế, sự trì trệ đến từ những lập luận như “Chúng ta chưa bao giờ làm vậy” hoặc “Chúng tôi luôn luôn làm như vậy” sẽ không đáng kể khi chúng ta muốn đưa ra những cải tổ hay cách tân.
Ngày nọ, một cha trong Dòng hỏi Thánh I-nhã, lúc đó đã vào những năm cuối đời ngài, rằng nếu Đức Giáo Hoàng muốn giải thể Dòng Tên, công trình trọng đại cả đời ngài, thì ngài sẽ xử sự thế nào. Thánh I-nhã trả lời ngay: “Tôi sẽ vào nhà nguyện mười lăm phút, tôi cầu nguyện xin Chúa ban cho tôi một ơn mới, và tôi bắt tay vào một việc khác.” Đó là sự vĩ đại trong tự do nội tâm của ngài: tin tưởng vào Chúa và tin vào khả năng dấn thân cho nhiều công trình khác. Phương tiện là phương tiện, không hơn không kém. Khi một phương tiện cho thấy thiển cận hay thái quá, non nớt hay lỗi thời, bạn chỉ cần đơn giản đi tìm một phương tiện khác tốt hơn để tiếp tục công việc loan báo Tin Mừng.
Tác giả: Nikolaas Sintobin, S.J.
Chuyển ngữ: Marta An Nguyễn
Hiệu đính: Bùi Quang Minh, S.J.