“Ai không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,33)
Tôi có vài dịp trò chuyện với những người giúp khơi nguồn sáng tạo cho tuổi trẻ. Họ cố gắng giúp người trẻ tìm được động lực không chỉ để làm giàu, nhưng còn để phát triển một cách bền vững. Với những năm kinh nghiệm trong nghề, họ trích nhiều ví dụ sống động từ những người đã thành đạt và hạnh phúc trên thế giới. Những điều họ chia sẻ cứ theo tôi hoài. Tuy nhiên, là tu sĩ theo Chúa Giêsu, tôi có được phép nghĩ lớn và được làm những điều vĩ đại không? Nếu cứ lướt trên những đường băng[1] mơ mộng ấy, liệu người tu sĩ có rơi vào con đường danh vọng và cao ngạo kiêu kỳ không? Rối bời…
Tôi cầu nguyện, hỏi Chúa. Chiêm ngắm những vị thánh, tôi thấy họ cũng có những ước mơ lớn lao. Chỉ khác một điều là họ đặt ước mơ, hoài bão ấy trong kế hoạch của Thiên Chúa. Họ làm mọi thứ vì lòng yêu mến và dấn thân hết mình vì lý tưởng Giêsu. Một trong những vị thánh mang những đặc tính ấy, chúng ta phải kể đến thánh I–nhã, Đấng sáng lập Dòng Tên.
Trước năm Columbus khám phá ra Châu Mỹ cũng là lúc I–nhã chào đời (năm 1491). Được sinh ra trong một gia tộc giàu có ở Loyola, Tây Ban Nha, I–nhã mê thích chuyện binh đao thế sự.[2] Ông thích luyện võ nghệ và ước mơ chinh phục những tiểu thư xinh đẹp. Người ta ngã mũ tán phục chàng hiệp sĩ I–nhã trong trận chiến ở pháo đài Pamplona (năm 1521). Hào khí chiến đấu trong ông luôn hừng hực, kết quả là một viên đại bác đã khiến ông gãy chân.[3] May mà quân Pháp tử tế giúp đưa ông về gia đình để điều trị.
Không hài lòng với lần phẫu thuật đầu tiên, ông đề nghị bác sĩ mổ lần hai để kéo dài chân ông ra. Đau đớn vô cùng, vì thời đó không có thuốc gây mê, nhưng ông vẫn chấp nhận vì ông cần vẻ điển trai trước nhiều thiếu nữ. Sau lần phẫu thuật đó, ông vẫn phải chấp nhận đi cà nhắc.[4]
Có lẽ cuộc đời ông thay đổi từ những ngày tháng trên giường bệnh. Ông nhờ người tìm những sách kiếm hiệp, tiểu thuyết để giết thời gian. Tiếc là người ta chỉ tìm được cho ông hai cuốn: Gương Chúa Giêsu và Hạnh các thánh. Thôi thì có còn hơn không! Ông đọc và đọc. Trong sách đó, hai vị thánh tác động mạnh đến ông là thánh Phanxicô Assisi, và thánh Đa Minh.[5] Ông nói hai vị đại thánh này làm được những điều trọng đại, ông cũng sẽ làm được và muốn làm vĩ đại hơn. Họ ăn chay hãm mình, ông cũng muốn làm hơn họ. Theo gương hai vị thánh này, I–nhã cũng muốn hiến mình để đi chinh phục Đất Thánh cho Kitô giáo. Theo đó, người ta thấy tinh thần hiệp sĩ luôn chất chứa trong con người I–nhã.
Từ đó ông lên đường thực thi hoài bão lớn lao. Thay vì trở lại phục vụ vua trần gian, ông quay sang phục vụ Vua Hằng Sống, đó là Thiên Chúa. Chắc chắn đường lối huấn luyện của Thiên Chúa sẽ khác đường lối lập nghiệp của người đời hôm nay. I–nhã tìm nguồn động lực, gợi hứng từ chính Thiên Chúa. Ông rút lui vào cô tịnh. Một mình đối diện với chính mình, với Thiên Chúa để ông tìm câu trả lời cho thành công của mình.
Người ta vẫn còn thấy biết bao đau khổ gian nan của chàng hiệp sĩ chập chững trên con đường thiêng liêng. Ông nhiều lần muốn từ bỏ ước mơ thánh thiện, phụng sự Thiên Chúa và giúp đỡ tha nhân. Những hào nhoáng vinh quang thế sự thi thoảng ùa về khiến ông rối bời. Ngoài ra, hình ảnh những tiểu thư đài các khiến ông xao lòng. Tuy nhiên, sau những lần đó, ông cảm thấy không được gợi hứng nhiều. Ông thất vọng, nhụt chí và mất sức sống. Ngược lại, những lần suy nghĩ về Thiên Chúa, những lần cầu nguyện nhiều giờ bên Chúa, ông lại tìm được nhiều hứng khởi; nhiệt huyết yêu mến trong ông dâng trào. Kinh nghiệm ấy được ông gói gọn trong hai từ: Thần hiệp; nghĩa là, được kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa.
Trong khi ở hang động Marêsa chừng 1 năm[6], ông viết lại những kinh nghiệm thiêng liêng trong một cuốn sách: Linh Thao. Đây là công cụ để giúp người ta dám nghĩ lớn, dám làm lớn trong Thiên Chúa. Ông lên đường để thực hiện giấc mơ ấy vào năm 1523. Lúc nào ông cũng được thôi thúc nói về Thiên Chúa và giúp đỡ các linh hồn. Tâm hồn thính giả cũng bừng sáng khi nghe I–nhã chia sẻ. Từ đó, ông bắt đầu nổi tiếng.
Chưa dừng ở đó, I–nhã còn nghĩ lớn đến chuyện phải qua Giêrusalem để đi lại những chỗ Giêsu đã đi qua. Ông muốn giống Đức Giêsu hoàn toàn. Từ Barcelona, ông bắt tàu vượt biển đến Đất Thánh mà trong tay không có tiền (năm 1523). Ông đi bằng niềm tin! Chính Thiên Chúa đã giúp ông đến được Đất Thánh. Nơi đây, người đời thấy chí khí của ông rõ hơn: ông muốn ở lại để truyền giáo cho người Hồi giáo. Thời đó, dĩ nhiên không ai cho ông ở lại vì tính chất phức tạp và nguy hiểm của vùng đất này. Ông bị đuổi về Tây Ban Nha.
Nơi quê nhà vào năm 1524, ông vẫn rong rủi rao truyền kinh nghiệm thiêng liêng để giúp người ta yêu mến Chúa. Ông nói những điều liên quan đến đức tin mà một giáo dân như ông thời đó không được phép. Bởi thế, ông bị giáo quyền tra khảo, bỏ tù và dọa nạt. Tuy nhiên, vẫn khí chất cương nghị, ông không từ bỏ ước mơ nói về Thiên Chúa cho con người. Lúc ngoài 30 tuổi vẫn luôn đặt câu hỏi cho mình: “Tôi phải làm gì?” Đó là câu hỏi đã đẩy ông đến vùng trời Paris.
Số là sau những lần khó khăn với giáo quyền, ông quyết định đi học để làm linh mục. Vì khi có bằng cấp, ông được phép nói về Thiên Chúa và sẽ được nhiều người tin tưởng hơn. Ông chọn một trường học tốt nhất thời đó: Đại Học Paris[7]. Đây là giai đoạn thách đố với một người lớn tuổi (37) như ông, cặm cụi với từng con chữ. Nhanh chóng ông quen dần với môi trường tri thức, và có những người bạn mới. Ông gọi họ là những người bạn trong Chúa (friends in the Lord). Trong đó phải kể đến thánh Phanxicô Xaviê, một người có hoài bão lớn không kém I–nhã.
Lúc này, năm 1534, nhóm của I–nhã có 9 anh em. Ai cũng nuôi ước mơ lớn và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để tôn vinh Thiên Chúa hơn. Sau khi tốt nghiệp đại học[8], họ khấn hứa giữ khó nghèo, khiết tịnh[9]. Họ chọn một thủ lãnh là Chúa Giêsu. Đó là nhóm Bạn Đường, tiền thân của Dòng Tên sau này. Họ ước mơ xa hơn là đi đến Đất Thánh để phụng sự Chúa ở đó[10]. Tuy nhiên, thời đó đang có chiến tranh, nên tàu đi đất thánh rất hiếm. Trong hoàn cảnh đó, họ bàn thảo nghiêm túc với nhau dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Trong văn bản của cuộc họp đó, nhóm đã thống nhất: “Nếu trong vòng một năm không đi được Đất Thánh, họ sẽ về Rôma để đặt mình dưới chân Đức Giáo Hoàng.” Chiến tranh mỗi lúc một leo thang, nên họ thực hiện kế hoạch về Rôma.
Khi về Rôma vào năm 1536, nhóm mạnh dạn xin với Đức Giáo Hoàng thành lập Dòng và lấy tên là Dòng Giêsu (The Society of Jesus). Bởi, họ biết chỉ có như thế nhóm mới liên kết được với nhau trong Chúa Kitô và trong Giáo hội. Năm 1539, Giáo hoàng Phaolô III phê chuẩn. Kể từ đây, ước mơ của I–nhã được Thiên Chúa đặt vào lòng Giáo Hội để phục vụ con người một cách hiệu quả. Trong vai trò là bề trên tổng quyền, I–nhã cùng với Dòng phát triển nhanh chóng cả về hai phương diện: giáo dục và truyền giáo trên khắp thế giới: Âu, Á, Phi, Mỹ.
Thánh I–nhã qua đời tại Rôma vào ngày 31 tháng 7 năm 1556, để lại một con đường gợi hứng cho biết bao nhiêu người. Con đường ấy phải bắt nguồn từ Thiên Chúa, và mọi gợi hứng, động lực đều chỉ với một mục đích: Cho vinh danh Thiên Chúa hơn – Ad Maiorem Dei Gloriam.
Trở lại vấn đề trên đây, hóa ra đi tu cũng đòi hỏi người tu sĩ nhiều ước mơ lớn lao. Thiên Chúa đòi hỏi họ dấn thân hết mình, làm mọi sự với mục đích không vì danh vọng tiền tài. Đích nhắm cho những cố gắng ấy là để làm cho vinh danh Chúa hơn và giúp cho nhiều linh hồn được cứu độ hơn. Như thế, nguồn cảm hứng và động lực của người tu sĩ được kín múc từ Thiên Chúa. Họ sẵn sàng bước vào những cuộc chiến đấu thiêng liêng. Qua những môi trường huấn luyện như thế, họ biết mình, biết Chúa và biết phải làm gì.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Đây là tựa đề cuốn sách nổi tiếng: Tony Buổi Sáng, Trên Đường Băng, Nxb Trẻ, 2017.
[2] Như lời thú nhận của thánh nhân: “Mãi cho đến 26 tuổi, ông ta là người chỉ xả thân vào những chuyện hư danh thế tục, đặc biệt ông thích thú về những việc tập luyện võ nghệ với khát vọng mãnh liệt và hư danh làm sao cho mình được nổi tiếng.” (Tự thuật số 1).
[3] Một chân của I–nhã bị thương nhẹ, nhưng chân kia bị gãy nghiêm trọng. Sau khoảng 12–14 ngày ở lại Pamplona, I–nhã được khiêng về gia đình tại lâu đài Loyola trên một chiếc cáng, cách Pamplona chừng 70 dặm.
[4] Khi viết về giai đoạn này, cha Polanco –thư ký của cha I–nhã – cho biết: “Có thể thấy nơi I–nhã là một con người Thiên Chúa tạo nên cho một mục đích lớn lào.”
[5] Ông nói: “Giả như tôi làm điều mà thánh Phanxicô đã làm và điều mà thánh Đaminh đã làm thì sao?”, hay “Thánh Đaminh đã làm điều này; còn tôi, tôi cũng phải làm điều đó. Thánh Phanxicô đã làm điều kia, còn tôi, tôi cũng làm điều ấy.” (Tự thuật số 7).
[6] Inhã lưu lại Manresa trong khoảng một năm từ 25–3–1522 đến tháng 2–1523, sau đó đến Barcelona.
[7] Inhã đã đi bộ tới Paris vào tháng 2 năm 1528.
[8] Năm 1535 I–nhã đã tốt nghiệp hai bằng: cử nhân triết học và cao học thần học tại Đại Học Paris. Một năm sau, I–nhã được thụ phong linh mục và cử hành thánh lễ mở tay tại Rôma.
[9] Trong một nhà nguyện ở Montmatre tại Paris vào ngày 15 tháng 8 năm 1534. Ở đó họ đã khấn khó nghèo và khiết tịnh như là một thân thể tông đồ tu trì đích thực, và họ đã khấn đi Giêrusalem, hoặc Rôma.
[10] Họ đã quyết định phải đi Giêrusalem để sống cả đời mình ở đó cho lợi ích của các linh hồn. Các học giả cho rằng có lẽ lần trước ở Giêrusalem, I–nhã đã ngầm xin phép với những vị có thẩm quyền của Dòng Phanxicô về ý định này.