[Mở lòng]-Chúa Nhật V mùa Chay

“Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su.” Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su. Đức Giê-su trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12,20-24).

Tuần thứ năm mùa Chay, chúng ta sắp bước vào con đường thương khó của Chúa Giê-su, nên chúng ta cần chuẩn bị tâm hồn, chuẩn bị cho mình có được một thái độ sẵn sàng và can đảm theo Chúa trên con đương chông gai Ngài phải đi.

Chúng ta đọc đoạn thánh kinh trên cách chậm rãi nói về dụ ngôn rất ngắn gọn: hạt cải cần phải rơi vào lòng đất và chết đi, thì mới có thể sinh hoa kết trái.

Bối cảnh câu truyện là Giê-ru-sa-lem, tại đó có một số người Hy-lạp hiện diện để thờ phượng Chúa. Họ khao khát được gặp Chúa Giê-su. Phi-líp-phê và An-rê chuyển lời ao ước của họ đến Chúa Giê-su. Sau đó, thánh Gio-an không kể là Chúa Giê-su có gặp gỡ mấy người Hy-lạp hay không, nhưng Ngài lại dùng một dụ ngôn rất ngắn gọn để nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.

Như thế, Chúa Giê-su so sánh quá trình cuộc sống của Người nơi trần thế với sự sống của một hạt lúa, mà chỉ có chết đi mới sinh ra hạt. Người làm sáng tỏ cuộc sống trần thế của người, cái chết của Người và sự phục sinh của người từ quan điểm của Bí Tích Thánh Thể. Người đã trải qua cái chết của Người như một hành động tự hiến thân. Người là Ngôi Lời Nhập Thể giờ đây trở nên lương thực cho chúng ta, của ăn dẫn đến cuộc sống chân thật, đời sống vĩnh cửu.

Trong giờ cầu nguyện hôm nay, chúng ta chú ý hướng nhìn Đức Kitô đang chết trên Thánh Giá. Chúng ta có thể cầm cây Thánh Giá nhỏ mà chúng ta đã chọn và giữ cách trân trọng trong mấy tuần nay. Chúng ta ý thức rằng, Chúa Giê-su như là hạt lúa mì được gieo vào lòng đời qua biến cố nhập thể. Chúa thực sự đi vào trong đời sống rất bình thường của chúng ta, đến nỗi gần như chúng ta không nhận ra Ngài từ giữa những người khác, không nhận ra hạt lúa mì nhỏ bé giữa các hạt lúa mì khác.

Hơn nữa, Ngài đã được bọc trong hình hài của kẻ nô lệ và được người ta nhìn như một người trong chúng ta. Ngài là một Thiên Chúa ẩn mình, thầm lặng không có gì nổi bật, và như bất cứ một người nào đó. Hình ảnh hạt lúa mì là chính Ngài rơi xuống đất như diễn tả hành trình hiến dâng chính mình, hành trình ra khỏi chính mình để hy sinh cho người mình yêu. Vâng, Ngài ra khỏi chính mình để Ngài bước vào trong hàng lối của chúng ta. Ngài ra khỏi chính mình để cùng lê bước với chúng ta một cách không ngừng nghỉ trên mọi chặng đường chúng ta đi. Sâu xa hơn, Chúa đã ra khỏi chính mình, để rồi Chúa đã để cho cuộc sống của Chúa cứ thế mà chạy trên trái đất này, giống như cuộc sống của chúng ta. Chúa đã cẩn thận chạm vào cuộc sống này của chúng ta, để không có giọt nước mắt khổ đau nào và của giới hạn đầy nặng nề nào bị trào ra, trước khi Chúa chưa đón nhận tất cả mọi khổ đau. Cả những guồng máy đầy bạo lực và dã man của thiên nhiên đui mù này, cũng như sự ác độc vô nhân của con người đã đi vào cuộc sống của Chúa.

Đó là một hành trình cảm thông của Chúa đối với loài người chúng ta đang đau khổ.

Đó là một hành trình tự hiến thân để chết cho người mình yêu thương. Hành trình đó cũng chính là hành trình của Thiên Chúa cần phải chết để cho con người chúng ta được sống. Thật lạ lùng thay mầu nhiệm của tình yêu Chúa!

Chúng ta dừng bước lại chút để ý thức điều đó: “Chúa chết để cho tôi được sống”. Hãy thầm nhắc đi nhắc lại tâm tình này, và hãy tự hỏi mình xem, điều này có ý nghĩa gì đối với tôi.

Hơn nữa, chúng ta đến với bí tích thánh thể, để gặp gỡ được chính hạt lúa mì là chính Đức Kitô ẩn mình trong tấm bánh đơn sơ. Ngài đang hiện diện trong nhà tạm, nghĩa là Ngài luôn hiện diện bên cạnh chúng ta. Ngài đồng ý để được chúng ta đón vào lòng và Ngài sẵn sàng bước đi với chúng ta trên mọi nẻo đường, đường vui tươi và đường đau buồn, đường hy vọng và đường thất vọng, đường mạnh khỏe và đường yếu đau… Thánh Thể Chúa đã bước vào cuốn sách lịch sử cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy thử nhìn lại coi, Chúa Thánh Thể đã chia sẻ mỗi chặng đường cuộc sống của chúng ta như thế nào. Thật vậy, ở bất cứ chân trời góc biển nào, chúng ta đến đều có sự hiện diện của Chúa Thánh Thể bên cạnh chúng ta.

Kết thúc chúng ta hãy cầu nguyện với lời nguyện sau:

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, vì lợi ích cho chúng con mà Chúa đã trở nên hạt lúa gieo vào lòng đất và chết đi, để nó sinh nhiều hoa trái (Ga 12,24). Chúa mời gọi chúng con theo Chúa trên con đường mà Chúa đã nói với chúng con là “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12,25). Vâng chúng con gắn bó với cuộc đời chúng con và không muốn bỏ rơi nó; chúng con muốn tự giữ lấy cho chính mình. Chúng con muốn giữ chặt nó, không chịu cho đi. Nhưng Chúa đi trước chúng con, Chúa tỏ cho chúng con thấy rằng chỉ bằng cách cho đi cuộc sống chúng con mà chúng con có thể cứu nó. Xin Chúa giúp chúng con biết theo gương Chúa, biết yêu thương thực sự, đến nỗi sẵn sàng chết đi cho người khác” (Đức Benedicto 16).

 

  • Bài tập sống trong tuần: Tôi tiếp tục mang thánh giá nhỏ có Chúa Giê-su chịu chết, bên mình một cách thật ý thức. Và trong ngày sống, tôi luôn dừng lại trong một khoảng khắc ngắn ngủi nào đó, tôi đưa tay cầm thánh giá mà Chúa Giê-su đang chết trên đó và thầm nói: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi“ hay tôi thầm nói: “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”

 

Ngoài ra, mỗi ngày tôi tập sống “chết đi một lần”. Nghĩa là mỗi ngày trong tuần hôm nay, tôi tập làm một điều gì đó trái ngược với chính cái tôi ích kỷ, xấu xa của tôi. Ví dụ: Thay vì tôi thích nói xấu người thứ ba, thì tôi chú ý “chết đi” không làm điều đó, mà ngược lại nhìn tới cái tốt của họ để nói về họ. Hay tôi tập “chết đi”, bằng cách tôi làm ngược lại một thói quen xấu mà tôi có. Ví dụ: thói quen hay chê bai, thói quen nói dối…

Kiểm tra tương tự

Thượng Hội Đồng: Người kiêu ngạo không nghe tiếng Chúa và người khác

Sáng thứ Tư ngày 2/10/2024, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ …

Người Công giáo và sự tự vấn: Chìa khóa để vượt qua sự khác biệt

Vào ngày Giáng sinh năm 1914, tại tiền tuyến của chiến hào giữa lực lượng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *