Mátthêu là người Do Thái làm việc cho đạo quân xâm lăng La Mã, thu thuế của những người đồng hương Do Thái. Mặc dù người La Mã có lẽ không cho phép moi tiền của người chịu thuế một cách quá đáng, nhưng điều họ quan tâm vẫn là hầu bao của mình nên họ thường làm ngơ về những hành động của “người thầu thuế”. Do đó sau này, những người thu thuế thường bị khinh miệt như người phản bội dân Do Thái. Người Pharisiêu coi họ là hạng “tội lỗi.” Bởi thế, thật bàng hoàng khi Ðức Kitô gọi một người như vậy để trở nên môn đệ của Ngài.
Mátthêu lại làm Ðức Kitô thêm khó khăn khi tổ chức một bữa tiệc tiễn biệt tại nhà của ông. Phúc âm kể cho chúng ta biết “nhiều người thu thuế” và “những người nổi tiếng tội lỗi” đã đến dự tiệc. Người Pharisiêu lại càng thêm khó chịu. Một người được cho là vị thầy vĩ đại lại có liên hệ gì với hạng người vô luân đó?
Câu trả lời của Ðức Kitô là “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu. Hãy tìm hiểu ý nghĩa của câu, ‘Ta muốn lòng thương xót, chứ không phải của lễ.’ Tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng là người tội lỗi”(Mt. 9:12b-13). Ðức Kitô không gạt vấn đề thờ phượng và nghi lễ sang một bên; Ngài chỉ nói rằng việc yêu thương tha nhân thì quan trọng hơn.
Trong Tân Ước không còn đoạn nào nói về Mátthêu. Sau khi Chúa lên trời, ông đi rao giảng tin mừng. Papias, Giám Mục Hiérapolis sinh năm 70 và vào năm 125 đã viết cuốn “Cắt nghĩa các Lời Chúa” đã nói đến thánh Matthew và Hésèbe nói “Matthew đã viết danh sách các phép lạ Chúa làm và mỗi lời Chúa nói được giải thích theo tài năng của Ông.” Người viết bằng tiếng Araméen và sau đó vào năm 80, bản ấy được dịch ra tiếng Hy Lạp và lưu lại cho đến nay. Tuy ra sau Phúc Âm thánh Marcô, Phúc Âm Matthew mở đầu Tân Ước. Viết cho người Do Thái, Matthew cho thấy những gì Cựu Ước tiên báo đã ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu.
Theo nhiều văn kiện lịch sử để lại thì thánh Matthew đã giảng cho người Do Thái 15 năm sau ngày Chúa lên trời, rồi người đi rao giảng cho xứ Ethiopie, Ba Tư, Parthes và sau cùng người đã được lãnh phúc tử đạo tại Tarium thuộc xứ Ethiopi.
Thánh Matthew thường được coi như là thánh quan thầy những nhà trí thức Công Giáo.
Lời Bàn
Trong hoàn cảnh bất thường, Ðức Kitô đã chọn một trong những người làm nền tảng cho Giáo Hội, mà qua công việc làm của ông, những người khác nghĩ rằng ông không đủ thánh thiện với chức vụ đó. Nhưng ông đã thành thật thú nhận mình là một người tội lỗi mà Ðức Kitô đã đến để kêu mời. Ông đã thật tình nhận biết chân lý khi ông nhìn thấy Ngài. “Và ông đã đứng dậy đi theo Ngài” (Mt. 9:9b).
Lời Trích
Chúng ta mường tượng ra Thánh Mátthêu, sau biến cố kinh khủng bao quanh cái chết của Ðức Kitô, cùng với các tông đồ đi đến nơi mà Ðức Kitô Phục Sinh đã triệu tập họ. “Khi họ trông thấy Ngài, họ đã thờ lậy, nhưng vẫn hồ nghi. Và Ðức Kitô đến gần và nói với họ [chúng ta nghĩ Ðức Kitô sẽ nhìn đến từng người, và Mátthêu lắng nghe một cách phấn khởi như các tông đồ khác], ‘Mọi quyền năng trên trời và dưới đất đã được ban cho Thầy. Bởi thế, hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, hãy dạy bảo họ tuân giữ những gì mà Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy sẽ luôn ở với anh em, cho đến tận thế” (Mt. 28:17-20).
Thánh Mátthêu không bao giờ quên được ngày ấy. Ngài đã loan truyền Tin Mừng trong suốt cuộc đời. Ðức tin của chúng ta dựa vào chứng tá của ngài và các tông đồ.