Bài viết dưới đây được khai triển trong ánh sáng của:
Tông Huấn “Chúa Kitô sống” số 86-88
Hầu hết người trẻ đều có điện thoại thông minh. Họ hoàn toàn không còn xa lạ với môi trường kỹ thuật số. Đó là sân chơi hấp dẫn, nhưng cũng nhiều cạm bẫy. Hấp dẫn vì mọi thông tin dường như đều dễ dàng tìm thấy trên Internet. Nếu biết một ngôn ngữ mới, lượng kiến thức người trẻ có thể tiếp cận tăng lên gấp bội. Nếu thiếu điện thoại, cắt Internet, thử hỏi mấy người trẻ cảm thấy thoải mái. Môi trường kỹ thuật số như hình với bóng nơi người trẻ, đến độ nhiều người không thể thoát ra.
Trước thực tế thay đổi chóng mặt đó, người trẻ công giáo cũng không ngoại lệ. Họ cũng như biết bao người trẻ lao vào sân chơi ấy. Ít người thành công, hạnh phúc; lắm người thất bại, bất an khi bước vào môi trường kỹ thuật số. Trước tình cảnh đó, khi quan tâm đến người trẻ, Giáo Hội công giáo dành rất nhiều giờ để cùng nhau bàn về vấn đề này. Hy vọng, Giáo Hội đồng hành với người trẻ để môi trường kỹ thuật số thực sự sinh hoa trái, vì đó là “món quà đến từ Thiên Chúa”. (x. Ý cầu nguyện tháng 6 năm 2018 của Đức Thánh Cha Phanxicô).
Do sức ảnh hưởng của môi trường kỹ thuật số, người trẻ bị, hoặc phải sống trong một nền văn hóa kỹ thuật số. Dĩ nhiên, lúc này “nó ảnh hưởng sâu rộng đến các quan niệm về thời gian và không gian, nhận thức về bản thân, về tha nhân và thế giới, phương thức giao tiếp, học hỏi, tìm hiểu và liên hệ với những người khác.” (Tông huấn Đức Kitô sống, số 86). Nó đặt ra nhiều câu hỏi không dễ trả lời. Sử dụng phương tiện ấy như thế nào? Đó có thực sự là môi trường tốt để người trẻ được thành công, hạnh phúc? Dành bao nhiêu thời gian cho mạng xã hội, đọc tin tức, học trên Internet? Tùy mỗi góc nhìn, hoàn cảnh mà ta có thể trả lời khác nhau.
Thực tế, Giáo Hội nhìn nhận cùng với người trẻ rằng: “Internet và mạng xã hội đã tạo ra một cách giao tiếp và quan hệ mới.” Người ta dễ dàng liên lạc qua Facebook, Email, Skype, WhatsApp, Zalo, v.v, dù họ ở bất cứ nơi đâu! Bất cứ lúc nào, người trẻ cũng có thể truy cập tin tức, kiến thức. Nó thực sự trao cho người dùng một cơ hội tuyệt vời để đối thoại, gặp gỡ và trao đổi. Đó còn là bối cảnh để nhiều người tham gia vào lãnh vực chính trị, xã hội và quyền công dân tích cực. Ở nhiều quốc gia, ở Việt Nam cũng thế, môi trường kỹ thuật số và mạng xã hội hiện là một nơi thiết yếu để tiếp cận và thu hút giới trẻ. Trong Giáo Hội, nhiều người, nhất là những ai làm truyền thông, luôn có nhiều sáng kiến và hoạt động mục vụ trên phương tiện kỹ thuật số này. (xem thêm số 87).
Tuy nhiên, liền sau những hiệu quả tuyệt vời trên, Giáo Hội nhắc cho người trẻ thấy những lối nguy hiểm trên Internet. Chắc ai cũng đoán ra. Đó là “môi trường kỹ thuật số cũng là một không gian của cô đơn, thao túng, bóc lột và bạo lực, đến trường hợp cực đoan của mạng lưới đen. Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số có thể khiến mọi người có nguy cơ bị lệ thuộc, cô lập và mất liên lạc dần dần với thực tại cụ thể.” (số 88). Tiếc là không ít người đang lấn sâu vào hiểm họa đó. Để thoát khỏi những điều tiêu cực nơi Internet, để hướng về sân chơi tích cực, không dễ chút nào. Chỉ có ai đủ sáng suốt và can đảm mới không để cho Internet “dắt mũi” kéo đi!
Đã đến lúc người trẻ cần sự cân đối giữa việc dùng phương tiện truyền thông và tương quan thực tế. Nếu ai đó nói bớt sống ảo lại, cũng là hồi chuông đáng lắng nghe. Biết đâu vì quá chăm chú vào thế giới Internet, nhiều người lại phớt lờ, hoặc vụng về trong những tương quan rất quan trọng của cuộc sống hằng ngày. Giao tiếp tốt đẹp và lành mạnh ngoài đời thực, có khi là một thách đố đối với người trẻ thời @ hiện nay. Hoặc vì quá chăm chú vào điện thoại mà nhiều bạn trẻ quên mất mình đang trò chuyện, học hành. Hãy thử một lần làm chủ chiếc điện thoại, để đầu tư sức trẻ vào những ước mơ tốt lành. Khi đó, hy vọng người trẻ tìm thấy biết bao điều bổ ích trên môi trường kỹ thuật số, trong hành trình làm người.
Là người công giáo, ước chi các bạn trẻ cũng tìm được cho mình câu trả lời bổ ích đối với môi trường kỹ thuật số. Đừng để nó lợi dụng, kéo vào lối nghiện mạng xã hội, và sống ảo. Trong khi đó, ngoài đời thực còn biết bao điều tốt đẹp, cần thiết hơn nhiều để người trẻ dấn thân vào. Chúng ta nhắc cho nhau cách sử dụng điện thoại sao cho ích lợi: Được cả những nhiều tốt lành trên đó, được cả những gì người trẻ đang muốn dựng xây. Ước gì mỗi người biết “Tin Mừng hóa” trong khi trò chuyện với bạn bè trên Internet, trong Facebook. Vì là mạng lưới Internet, nên nó cũng có thể giăng bẫy bất kỳ ai, phải không bạn?
Các bạn trẻ thân mến,
Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau. Xin Thiên Chúa cùng đồng hành, ngay cả khi chúng ta dùng điện thoại vào Internet. Là người trẻ, chúng ta cũng xin với Thiên Chúa khả năng làm chủ các giác quan. Để những gì chúng ta kiếm tìm, học hành và sử dụng, luôn giúp kiến tạo một môi trường lành mạnh, bình an và hạnh phúc. Điều ấy không dễ chút nào, đối với người trẻ. Vậy chúng ta mới xin Chúa giúp, đừng liều thả trôi cuộc đời mình trong thế giới bao la nguy hiểm ấy!
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ