Môi Trường Của Chúng Ta

Môi trường của anh, của em, của chúng ta

Nơi viết lên nhạc điệu hòa đời sống

Em chẳng muốn, nơi đây-mình thân thuộc

Thành bài ca, “ Chúng ta mất thiên đường”.

 

Anh à, anh có nghe lòng em nói chăng?

Nói với anh, với trời, hay với biển!

Mỗi phút giây….lòng anh hiện diện

Anh với em cùng xây lại thiên đường.

Related image

Anh, môi trường mà chúng ta đang sống ấy, đều là nơi chứa đựng mọi tâm tư em dành cho anh. Nhưng anh biết không? Nó bây giờ, chẳng còn truyền tải được đủ ý nghĩa nữa.

Đâu đây người ta cũng cất lên những câu chữ “ô nhiễm môi trường”, ”ô nhiễm không khí”, có khi tệ hơn là nguy cơ “suy thoái môi trường” nữa.

Em đã từng biết về Việt Nam chúng ta, nơi nuôi dưỡng những dòng chảy nghệ thuật của đời sống, thi ca, hội họa hay âm nhạc cũng đều bắt nguồn từ nó.

Mà giờ đây anh ạ, dòng chảy của nó chẳng còn như xưa nữa, nó hẳn được con người gán cho cái mác “là ô nhiễm không khí cực nặng”, nó đứng đầu danh sách các nước Đông Nam Á về mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn đó anh!

Anh ơi, hẳn là anh phải xót lắm, vì một phần hơi thở của anh đã bị nhiễm độc. Anh và em, đang từng lúc nuôi dưỡng cho mình những nguồn khí độc để “duy trì sự sống”.

Rừng của chúng ta đã không còn nhiều nữa; trong khi chúng ta đang dần ngót ngét dành vị trí á quân là ”nước đông dân số nhất thế giới”. Các nước phát triển vẫn tuân thủ một điều “chỉ 80% là rừng  và 20% đất sinh sống”, còn nước ta dù nhiều tài nguyên đến mấy đi nữa, rừng vàng biển bạc đến mấy như thể lời cha ông nói ngày xưa, thì giờ dân số chúng ta chiếm 80% nguồn đất và chưa đầy nổi 20% tổng thể rừng. Chúng ta thường không để ý rằng cái chung là cái mình chỉ được quyền đồng quản lý chứ không được sở hữu, nên có lẽ vì thế mà ta chẳng bao giờ ý thức giữ gìn cái chung ấy. Chúng ta hay bảo nhau: “cha chung không ai khóc!” là vậy…

Chúng ta chỉ giữ gìn những cái gì là của mình, nhà của mình, cây cảnh của mình, sân nhà của mình; còn đường phố ngoài kia, môi trường cây xanh ngoài xã hội ấy, là của ai đó chung chung, “không liên quan tới mình”.

Anh biết không? Văn minh của nhân loại đến từ việc con người ý thức mình là tổng thể của toàn xã hội, mình không chỉ sống cho mình, mà sống cho người, vì người khác và vì thế hệ mai sau con cháu của mình, anh ạ!

Em muốn, sau này những đứa con, đứa cháu của em lớn lên, điều chúng được hưởng là bầu không khí trong lành, thiên nhiên trù phú, điều mà trước đây phần nào chúng ta từng được hưởng… Đó lại chẳng phải là món quà chúng ta dành cho chúng sao anh?

Anh ạ! Nếu chúng ta không thay đổi được thế giới, chẳng xoay chuyển được dòng suy nghĩ vị kỷ cách nào đấy của tập thể xã hội này. Thì anh và em, có thể thay đổi chính suy nghĩ của chúng ta.

Môi trường chẳng còn là những thứ xa lạ khiến anh và em phải “vô tâm” nữa mà đó là chính cuộc đời chúng ta. Anh và em, có thể một chút ít thôi, đóng góp vào việc bảo vệ môi sinh bằng cách hạn chế sử dụng tối đa ly nhựa, chai nhựa hay những đồ làm bằng nhựa. Em biết, rất khó để anh tập bỏ đi những thứ “chỉ dùng một lần rồi vứt” nhưng anh hãy tin em đi, một lần anh làm được là những lần sau anh đều làm được.

Trồng thêm một cây xanh cũng là lúc anh để dành không gian xanh cho ngân hàng tương lai xanh cho con cháu mình, đúng không anh?! Không có gì là quá trễ nếu chúng ta cùng cố gắng cả.

Hôm nay, em muốn cùng anh xây lên một ngôi nhà mới, ngôi nhà ấy có anh, có em, có những điều tuyệt vời của thiên nhiên mà chính chúng ta đang nỗ lực mỗi ngày để viết nên câu chuyện kì diệu của cuộc sống.

Xin Chúa, Đấng Tạo Hóa dựng nên mọi loài và cho con người chúng con cai quản trái đất, thêm ơn và hướng dẫn chúng con để chúng con nỗ lực gìn giữ và làm phong phú ngôi nhà chung Chúa ban tặng cho chúng con. Amen.

 

Têrêsa Lê Thị Hương – Nhóm SVCG Nhân Văn

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Thế giới kịch nghệ đã ảnh hưởng thế nào đến thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

  Từ khi còn trẻ, chàng thanh niên Karol Wojtyła đã bị cuốn hút vào …

Một bình luận

  1. Em muốn, sau này những đứa con, đứa cháu của em lớn lên, điều chúng được hưởng là bầu không khí trong lành, thiên nhiên trù phú, điều mà trước đây phần nào chúng ta từng được hưởng… Đó lại chẳng phải là món quà chúng ta dành cho chúng sao anh?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *