Được rửa tội và được sai đi

Lc 12,49-53

                                                                                                                               MM Tân, S.J.

“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bủng lên…”
Ngọn lửa hồng của Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhân thế đến nỗi đã đặt Con trong vòng tay nhân loại, đã thắp sáng và sưởi ấm nhân trần lạnh lẽo tối tăm.
Trong cảnh tăm tối của tội lỗi và ác độc,
Trong cái lạnh lẽo của tham lam, ích kỷ,
Giữa một thế giới đổ vỡ đầy thương tích đang trông chờ được chữa lành và ơn tha thứ,
Thế giới như thế ấy chỉ có thể thiêu đốt bằng lửa hồng thập giá.
Chính ngọn lửa hồng này thiêu đốt tâm can Con Thiên Chúa làm người.
“Thầy còn một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho tới khi việc này hoàn tất.”
Nơi phép rửa của Con Thiên Chúa,
trong máu hồng thập giá, trong máu và nước tuôn trào từ con tim của Đấng chịu đóng đinh,
một thế giới mới hồi sinh,
Một cuộc đấu tranh giành sự sống diễn ra ngay trong mỗi mái nhà.
Nếu trước đây mọi người đồng lõa trong bóng tối sự chết, trong ích kỷ gian tham, cấu kết nhau đóng đinh Con Thiên Chúa,
Thì nay, trong khi lao mình tới dòng suối thanh tẩy,
Được rửa tôi cũng có nghĩa là được sai đi, mỗi người lao tới cho Vinh Danh Thiên Chúa.
Mỗi người là một sứ mạng.
Sứ mạng loan báo Tin Mừng chạm tới bản thân từng người, và vì không ai muốn mình bị giữ lại, mà xảy ra cuộc đấu tranh giữa cha con, mẹ chồng với nàng dâu, nàng dâu với mẹ chồng.
Không ngồi đó túm tụm lo “giữ mạng”.
Đức giáo hoàng Phanxicô trong sứ điệp truyền giáo năm nay nhắc nhở :
“Mỗi người là một sứ mạng…”
Tôi là một sứ mạng, luôn luôn; bạn là một sứ mạng, luôn luôn;
mỗi người nam người nữ đã chịu phép rửa là một sứ mạng…”
Sứ mạng được khơi nguồn từ tình yêu Thiên Chúa,
Và cơn khát dâng trào nơi con tim của Con Thiên Chúa làm người,
trào dâng trong lòng mỗi người,
cơn khát ném lửa vào mặt đất và ước mong lửa ấy bùng lên.

Được rửa tội và được sai đi là sao? Ai sẽ sai tôi đi!

Mùa xuân 1975, trong cảnh binh đao khói lửa, 3 chàng nghĩa quân cố thủ dưới hầm trú ẩn trong khi quân giải phóng đã chiếm trọn khu vực, đã 4 ngày 3 đêm chỉ có chút gạo sấy, nghe ngóng mà không có cách nào thoát ra.

Một trong 3 anh đã khấn nguyện nếu thoát chết sẽ tìm đến với bà con lương dân để truyền giáo. Anh chỉ biết mình được thúc đẩy chứ một chàng trai quê nghèo vốn liếng giáo lý là bao mà nói chuyện lên đường.

Dĩ nhiên, nghĩa quân thì tội tình gì, lính thời cuộc thôi mà. Khi ra khỏi hầm, không những không bị bắt tội mà còn được đặt làm chi hội trưởng thanh niên. Được đặt làm người phụ trách thanh niên và thiếu nhi, anh đứng ra xin dạy giáo lý, dựa theo sách bổn đồng ấu của Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn.

Tuy nhiên, đoàn viên thanh niên mà lại dạy giáo lý thì phải được đưa đi cải tạo là chắc, thế là mùa giáng sinh đầu tiên anh được diễm phúc mừng Con Thiên Chúa giáng sinh làm người giữa các bạn tù, một tháng cải tạo không lâu, nhưng cũng đủ đưa anh vào phép rửa của Đấng đến ném lửa vào mặt đất.

Chàng trai nghèo rồi cũng lập gia đình, cưới vợ và sinh con, nhưng nguyện ước dưới hầm trú ẩn thì vẫn vẹn toàn :

Kể từ mùa xuân năm 1975 cho mãi tới tháng 12 năm 1991, toàn bộ các giáo xứ vùng này, từ Đồng Xoài tới Phước Long, Bù Đăng và Đắc Nông không có linh mục về chăm sóc.

Trong phạm vi giáo xứ của mình, ngay sau khi đi cải tạo về, anh cùng với ông chánh trương xin được mở cửa nhà thờ cho bà con sớm hôm đọc kinh cầu nguyện, tiếp theo kết hợp với mấy anh em tổ chức dạy giáo lý cho thiếu nhi. Dĩ nhiên, việc dạy giáo lý trong hoàn cảnh bấy giờ không dễ dàng gì, thường phải dạy ngay sân nhà, có thể bị kết tội, nhưng với anh, nếu bị bắt vì dạy giáo lý thì thật hạnh phúc, vì một lần nữa “được coi là xứng đáng với Giê-su đấng anh khao khát giãi bày và loan báo.”

Qua tới năm 1982, khi các nữ tu dòng Đức Bà Truyền giáo tới lập cộng đoàn ngay tại giáo xứ, anh em được tiếp sức để đi xa hơn.

Sau khi rủ thêm được một người bạn nữa, hai anh em đi qua các làng bên, rồi đến các vùng xung quanh, để thăm viếng và phụ giúp tổ chức thành xóm giáo, liên kết thành giáo hạt, từ từ lân la tới làng của bà con dân tộc kế cận.

Người Stiêng đầu tiên đặt chân vào nhà thờ giáo xứ là ông Bot và gia đình.

Dĩ nhiên, không thể một sớm một chiều mà các anh có thể  trở thành những người thợ lành nghề, hồn nhiên và nhiệt thành.

Từ những bước chân vụng về ban đầu, các anh đã được cha một cha dòng Tên dẫn dắt để biết vâng  nghe Thánh Thần chỉ dạy trong cầu nguyện. Thật vậy, vào giai đoạn khó khăn, khi một huấn luyện viên chỉ rèn luyện cho vài ba người, thì việc thao luyện thiêng liêng dễ dàng và hiệu quả : con đường linh thao đã giúp các anh biết nhìn thế giới với ánh mắt của Chúa, từ đó biết nhận định và khao khát thực hiện điều Thiên Chúa muốn, để chỉ mơ ước điều Thiên  Chúa ước mơ.

Năm 1987, Sr Rose dòng Đức Bà Truyền giáo đã dẫn 2 anh tới gặp Đức Cha Phú Cường để xin Ngài chỉ dạy. Khi nghe các anh kể lại đời sống đạo của bà con giáo dân vùng sâu vùng xa, cùng với bước đường của các nữ tu và hai anh, mấy năm trời rảo bước để liên kết, củng cố các giáo họ giáo xứ trên một vùng đất mênh mông không linh mục, thấp thoáng vài ba nữ tu. Đức Cha đã vui mừng cho phép các anh được đặt mình thánh Chúa ngay tại những nhà nguyện có những người tốt lành chăm sóc, đồng thời rửa  tội cho những trường hợp cần, mọi chuyện chỉ cần bàn bạc với các Sơ là được.

Với phép của Đức Cha, các anh đã đi xa hơn, đi tới cả các làng của bà con sắc tộc thuộc các Bon Bình Hà, Bình Giai, Bù Tam, Bù Ha và qua tới Bù Đốp, và khi qua thăm viếng bà con Bù Đăng, nghe biết ở Sóc Bù Đưng bà con thường hát thánh ca và cầu nguyện, các anh đã tìm đến đây, từ Bù Đưng qua bù Dốh rồi đến các Bon người M Nông ở xã Thọ Sơn.

19.03.1991, Dòng Tên góp mặt trên cánh đồng, kết hợp với các anh em lúc này được qui tụ thành nhóm 12 cùng với các nữ tu dòng Đức Bà Truyền Giáo, khai phá cánh đồng Phước Long và Bù Đăng.

Cuối năm 1991 mới có 2 linh mục được cử về coi sóc vùng này.

Và ngày lễ thánh Phanxicô Xaviê 03.12.1991, hơn 150 anh chị em Stieng đầu tiên được ơn lãnh nhận bí tích rửa tội. Từ đó, mỗi năm cứ tới ngày 3 tháng 12 thì bà con các bon làng lại kéo nhau về nhà thờ giáo xứ Long Điền mừng ngày được ơn tái sinh. Qua tới 03.12 năm thánh 2000, số bà con về mừng lễ 3 ngày, cũng khoảng 2000 người, và đây là lần họp mặt chung cuối cùng. Các năm tiếp theo thì bà con mừng lễ tại chỗ.

Kể từ ngày các anh em Dòng Tên góp mặt trên cánh đồng, có thêm các nữ tu dòng thánh Phao-lô ở Lái Thiêu giúp sức, thì công cuộc khai phá rộng khắp….

Sau một thời gian tìm kiếm vả đào tạo giáo lý viên, ngày 8.12.1994, lời nguyên lên đường được cất lên tại mái ấm Lái Thiêu, đại diện cho các giáo lý viên có mặt hôm đó hát vang bài ca của người được sai đi, hẹn ước gieo bước vào đúng ngày lễ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa 01.01.1994,

Từ Lái Thiêu trở về, anh em giáo lý viên Dak Nhau đã vội vã lên đường, chỉ sau 2 tuần lễ đã có 30 gia đình đến bên máng cỏ giáng sinh, chiêm ngắm Con Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta.

Và mẻ lưới đầu tiên phải nói nằm mơ cũng không dám nghĩ tới, nhưng đúng là Thiên Chúa từ lâu mơ ước : từ 01.01 đến 31.07, nghĩa là chỉ trong vòng 7 tháng, khắp nơi tràn ngập tiếng reo vui, “vì Thiên Chúa đã đoái thương dân người”.

Từ đó trở đi, chỉ riêng tại nhà thờ Bù Đăng, mỗi năm có hơn 1.200 người xin lãnh nhận bí tích thanh tẩy.

Kiểm tra tương tự

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

365 Ngày Hy Vọng với lời khôn ngoan của Giáo Phụ

Chương Trình Sống Năm Thánh 2025   365 NGÀY HY VỌNG VỚI LỜI KHÔN NGOAN …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *