Nổi loạn

Từ khởi nguyên, Thiên Chúa tạo dựng mọi sự đều tốt lành, người chúc lành cho tất cả mọi tạo vật và ban cho con người theo trật tự của Ngài. Nhưng tại sao có những sự dữ trong thế giới? Thưa, vì con người nổi loạn, làm đảo lộn những trật tự đó. Kinh Thánh dùng hình ảnh ăn trái cấm để diễn tả sự phản loạn, không vâng phục Thiên Chúa. Con người đã không biết dùng tự do của mình để yêu mến Thiên Chúa, quay lưng lại với Đấng dựng nên mình. Con người đã sa ngã trước cám dỗ muốn đưa mình lên, loại trừ Thiên Chúa, phản bội lại tình yêu của Người để chạy theo tham vọng của mình (kiêu ngạo).
Và sau đó sự nổi loạn nơi con người ngày càng gia tăng thể hiện qua các sự kiện mà sách Cựu ước tường thuật lại như: Cain giết Aben (x. St 4 ), Con trai Thiên Chúa lấy con gái loài người  (x.St 6,1-4), Hồng thuỷ (x. St 6,5 – 8,19), Tội kiêu ngạo ở tháp Baben (x. St 11,1-9), Tuổi thọ giảm dần (x.St 5,1 ; 6,3 ; 11,10-26)….

Hiện nay, tình trạng con người “không sống trong trật tự” là rất phổ biến cả trong ơn gọi gia đình và ơn gọi tu trì. Nhất là nơi những người trẻ. Không ai là không mắc sai lầm, nhất là khi còn trẻ, bởi lẽ ở tuổi này, mọi suy nghĩ và định hướng chưa thực sự trưởng thành. Công nghệ 4.0 phát triển, giao lưu văn hóa giữa các nước được mở rộng. Học tập điều thiện thì khó, nhưng những điều không mấy tốt đẹp lại lan truyền rất nhanh. Con người ưa sống hưởng thụ và chạy theo “ chủ nghĩa cá nhân”. Xuất hiện dày đặc trên các mặt báo mỗi ngày là vấn nạn giết người, cướp của, tự tử, yêu đương đồng tính, sống thử trước hôn nhân, lạm dụng tình dục, sử dụng bạo lực trong giải quyết tranh chấp,… điều nguy hiểm hơn ở chỗ phần lớn giới trẻ xem đó là chuyện hết sức thường tình trong xã hội ngày nay. Đặc biệt là trong vấn đề nạo phá thai, Nếu năm 2016, cả nước có 265.536 ca nạo phá thai thì đến năm 2019, con số này là hơn 300.000 ca, đưa Việt Nam trở thành một trong năm quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới và là quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai tuổi vị thành niên cao nhất khu vực Đông – Nam Á
Chung quy lại, mọi sự nổi loạn trên đây đều dẫn con người tới sự đau khổ. Không chỉ cho bản thân mà cho cả gia đình và xã hội. Và chính Thiên Chúa, chắc chắn Ngài cũng không thể tránh khỏi đau khổ khi nhìn con cái của Ngài lạm dụng tự do Ngài ban để nổi loạn.

Trước tất cả những biến đổi theo chiều hướng tiêu cực trên thế giới, Giáo hội mời gọi mỗi người dẹp bớt để điều chỉnh chính con người mình. Cùng xây dựng lên một xã hội mà ở đó mọi sự tương đối hài hòa và cân bằng. Ngày 20/03 hàng năm được gọi là ngày Quốc tế Hạnh Phúc, là ngày mà mặt trời và xích đạo gần như bằng nhau. Như vậy, cái gì hài hòa và cân bằng là hạnh phúc.
Chúa Giêsu đưa ra ba phương thế giúp mỗi giúp chúng thực hiện hiệu quả lời mời gọi của Giáo hội.

Trước tiên là Cầu nguyện

Chúa Giêsu không lên án việc cầu nguyện, không kết án việc tập trung lại để hiệp nhau thờ phượng tôn vinh Thiên Chúa. Chính Ngài thường đến hội đường cầu nguyện. Đối với Chúa Giêsu cầu nguyện phải là một sự gặp gỡ biệt vị, một cuộc đối thoại thân mật giữa Thiên Chúa với mỗi người. Cầu nguyện không phải là để “trình diện” trước mặt Chúa, nhưng là tỏ bày với Đấng là Cha chúng ta tình yêu của người con thảo, mở lòng ra và sẵn sàng nghe Thiên Chúa nói với ta.Chúa Giêsu cho thấy mọi nỗ lực khi cầu nguyện nhằm để được tiếng là “đạo đức” đều bị coi là lệch lạc và Ngài khuyên đừng bắt chước (Mt  6, 5-8). Việc cầu nguyện nhằm hướng chúng ta về Thiên Chúa, để làm vinh danh Người và cho Nước Chúa hiển trị. Trong Kinh Lạy Cha Chúa Giêsu nói lên điều đó, Ngài còn đưa ra cho chúng ta một phương thế để lời cầu nguyện của chúng ta được Thiên Chúa chấp nhận và để được hưởng ơn tha thứ  là phải thứ tha, nỗ lực làm hòa với tha nhân (x.Mt 6,14t; 5,23-24t; Mc 11,25).

Thứ đến là Ăn chay

Chúa Giêsu không phản bác giá trị của việc ăn chay hãm mình. Ngài cảnh báo việc quan trọng hóa các dấu chỉ bên ngoài: “chớ làm bộ rầu rĩ”, “làm ra vẻ thiểu não”; Ngài mời gọi đi vào tinh thần của việc ăn chay hãm mình là nói lên sự hối cải, sự biến đổi chính mình, hướng về Thiên Chúa với một thái độ tùy thuộc và phó thác hoàn toàn. Điều đó không cần ai thấy, Cha chúng ta, Đấng hiện diện nơi kín đáo sẽ biết rõ (Mt 6,16-18).
Ngoài ra, ăn chay không phải chỉ chay miệng, chay bữa ăn nhưng còn là chay lòng. Thể hiện qua việc cố gắng hãm dẹp thân xác, thấy đói thì nghĩ tới những người đang bị đói khát, bị bỏ rơi…để từ ăn chay có thể tiến gần đến việc bác ái với tha nhân.

Cuối cùng là Bác ái

Chúa Giêsu hoàn toàn không bài bác việc đạo đức này. Ngài còn cho thấy đó là những điều con người sẽ phải trả lẽ trước nhan Thiên Chúa (Mt 25,31-45). Chúa Giêsu chỉ tố cáo việc thực thi bố thí cách phô trương mà thôi. Kẻ nào cho để lấy tiếng bằng cách “phô trương cho thiên hạ thấy” đó là thói giả hình cách đầy đủ ý nghĩa nhất và “họ đã được khen rồi” (Mt  6, 2). Ngài dạy chúng ta khi bố thí “đừng để cho tay trái biết việc tay phải làm” để nhấn mạnh đến sự kín đáo đến ngay cả người thân cận cũng không biết việc người ấy làm.

Lời dạy này đưa chúng ta đến một thái độ đích thực của người môn đệ Chúa Giêsu là trông cậy vào Thiên Chúa, Cha chúng ta, với lòng con thảo, nhìn nhận Người là Đấng duy nhất đánh giá được hành vi của chúng ta. Đó chính là sự cao trọng của việc bố thí, sự cao trọng mà một kinh sư Do Thái cho là “cao trọng hơn cả Môsê”.

Ngoài việc chia sẻ với những người nghèo còn phải “bác ái nội bộ” , đó chính là việc gặp gỡ, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình, giữa những chị em trong cộng đoàn và tất cả những người bạn đang đồng hành với chúng ta trong cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu ! Chúng con dâng lên Chúa lời cầu nguyện cho niềm tin Kitô nơi mọi tín hữu nói chung và các bạn trẻ nói riêng luôn được thấm nhuần Tình Yêu Chúa. Các bạn trẻ ngày nay đang bị cám dỗ mạnh mẽ bởi lối sống thực dụng và nhu cầu giải trí quá cao, đặc biệt là giới trẻ ở các thành phố lớn.

Ước gì, với ơn Chúa trợ giúp, mỗi chúng con luôn biết hãm dẹp những ham muốn đưa đến sự nổi loạn, để nhờ đó mọi người cùng nhau xây dựng một thế giới hạnh phúc, đưa mọi sự trở lại với trật tự thủa ban đầu mà Chúa đã trao ban cho chúng con vì Tình yêu. 

Xin Chúa Thánh Thần tác động đến tâm hồn của các bạn trẻ Công Giáo để mỗi người trở thành những người Kitô hữu trưởng thành, sống động, biết chọn lựa việc nhà Chúa và phục vụ tha nhân như niềm đam mê của mình. Nhờ đó Giáo Hội Công Giáo sẽ có một đạo binh dũng mãnh để chiến đấu với sự cám dỗ của ma quỷ đang bủa vây.

Khả Di – TV Đa Minh Tin Mừng

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh

Phần lớn các bạn trẻ Công giáo cảm thấy được mời gọi bước vào đời …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *