Để có thể diễn tả lại hết cảm xúc đã theo tôi suốt cuộc hành trình bác ái, chắc hẳn không thể dùng đôi ba từ, vài ba dòng mà nói hết được. Tôi chỉ biết rằng sau chuyến đi lần này tôi học được nhiều điều, biết thêm được nhiều thứ, tiếp xúc và chứng kiến những mảnh đời mà trước đây tôi chỉ được biết qua thơ, qua truyện.
Chỉ những khi nào bạn trực tiếp đi, trực tiếp cảm nhận thì bạn mới có thể hiểu được một cách trọn vẹn. Tôi-một tân sinh viên-lần đầu tiên được trải nghiêm cái cảm giác ấy. Với tôi, mọi việc đầu rất mới lạ và hấp dẫn. Chuyến đi này giống như một cuộc phưu lưu lên vùng cao, đơn giản là vậy. Tôi đã nghĩ thế trước khi lên đường.
Nhưng tôi đã nhận được nhiều hơn tôi nghĩ.
Trước nay tôi đã đi đến khá nhiều nơi, có nơi để lại ấn tượng trong tôi về phong cảnh nên thơ, có nơi tôi lại ấn tượng mạnh về con người dễ gần, cũng có những nơi khác tôi chẳng có ấn tượng gì mạnh. Riêng chuyến đi bác ái cùng nhóm Sinh Viên Công Giáo Thanh Hóa lên vùng Lang Thíp, Yên Bái, tôi ấn tượng về tất cả.
Hình ảnh đầu tiên mà đoàn chúng tôi bắt gặp khi xuống xe không phải là cảnh một ngôi nhà thờ khang trang, hay một cảnh tượng nào khác. Chỉ có nụ cười hiền hòa, ánh mắt ấm áp của vị linh mục đáng kính đang chào đón chúng tôi bằng một niềm vui khôn tả. Ánh mắt biết nói cùng nụ cười hiền hậu của ngài làm xua tan mệt nhọc trên suốt chặng hành trình dài của tôi, và tôi tin chắc là với mọi người trong đoàn cũng vậy.
Người dân nơi đây, đặc biệt là những đồng bào H’mông thân thiện, thật thà, chất phác, những em bé hồn nhiên ngây thơ, cháy hết mình trong những giờ vui chơi, sinh hoạt, lửa trại … tất cả đã đem đến cho chúng tôi hơi ấm, xua tan đi cái lạnh giá của vùng cao, kéo những tấm lòng lại gần nhau hơn.
Một điều làm tôi ấn tượng nữa là khi cùng mọi người đi vào thăm bản của người H’mông. Chẳng quản đường xa gập ghềnh khó đi, các anh, các chú, các bác trong giáo xứ Lang Thíp đã hi sinh thời gian và đưa chúng tôi đến tận nơi. Đường đi khó, ngồi phía sau xe mà nhiều lúc tôi tưởng chừng như ngợp thở, lúc lên cao tít, lúc lại xuống, vậy mà chú lái xe vẫn không mảy may một chút mệt nhọc, chú luôn miệng hát vang câu hát: “Đường đi có Chúa gian nguy ta có lo chi, đường đi có Chúa đau thương ta quyết ra đi, đi theo Thiên Chúa kêu mời mang tin yêu đến cho đời, ra đi reo rắc tình thương…”
Câu hát của chú ấy làm tôi phải suy nghĩ nhiều. Ngày hôm nay đây, nhờ Chúa dẫn dắt, chúng tôi đã tìm đến cái giáo xứ nhỏ mang tên Lang Thíp này, hiểu thêm về sự cho đi và nhận lại trong cuộc sống. Có lên tận nơi thì mới thấy hết được cuộc sống khó khăn của người dân nơi đây, thiếu thốn về nhiều thứ, nhưng họ vẫn luôn chan hòa tình mến Chúa, mến Đức Mẹ, chan chứa tình người. Vị mục tử, người mà mọi người coi là người lớn nhất trong một giáo xứ, thì ngài lại là người nhỏ nhỏ nhất trong mọi người, quên cả giấc ngủ để phục vụ mọi người không ngại gian khó. Qua ngài, chúng tôi biết mình cũng phải phấn đấu thật nhiều để trở thành một con người như thế, đem sức trẻ và nhiệt huyết của mình đi đến mọi nơi khó khăn trên cánh đồng truyền giáo, làm dậy men dậy muối cho đời.
Tôi còn muốn viết thật nhiều, chia sẻ thật nhiều về chuyến đi bác ái này, nhưng chắc có lẽ nó sẽ dài lắm. Hôm nay tôi xin tạm kết lời ở đây. Lúc chúng tôi bịn rịn cất vang lời hát “phút tạm biệt đã đến rồi, cầm tay nhau không nói nên lời…”, chào tạm biệt mọi người dân yêu quý nơi đây, chào tạm biệt vị cha già đáng kính không phải là lúc kết thúc một cuộc hành trình bác ái, mà đây mới là lúc bắt đầu một cuộc hành trình của tin yêu, của ánh sáng. Sau chuyến đi lần này tôi sẽ cùng với mọi người đi đến thật nhiều nơi nữa, bởi lẽ: “Tình yêu Chúa Ki-tô thúc bách tôi, thúc bách tôi, mang tin vui đến cho mọi người!”
Sỏi Đá Nở Hoa, nhóm SVCG Thanh Hóa tại Hà Nội