VATICAN. Trưa Chúa Nhật 30.3, tại quảng trường thánh Phêrô, Vatican, hàng chục ngàn tín hữu hành hương đã đến để nghe bài chia sẻ của Đức Thánh Cha, cùng đọc kinh Truyền Tin và nhận phép lành từ ngài. Trong bài chia sẻ, Đức Thánh Cha nói về câu chuyện người mù được Đức Giêsu chữa lành trong ngày Sabat.
Ngài khởi đầu bài chia sẻ như sau:
“Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta câu chuyện một người đàn ông bị mù từ thuở mới sinh, và được Đức Giêsu chữa cho sáng mắt. Câu chuyện dài này kể về việc người mù thì được sáng mắt, còn những ai tự phụ là sáng mắt thì bị đóng lại và càng mù tối trong tâm hồn hơn. Phép lạ chỉ được Thánh Gioan trình bày trong hai câu mà thôi vì vị Thánh Sử này không muốn lôi kéo sự chú ý đến bản thân phép lạ, nhưng là muốn chú ý đến những gì diễn ra sau đó, trên cuộc thảo luận nổ ra.
Sau đó, Đức Thánh Cha nói đến một thói quen không tốt của con người. Ngài nói:
“Rất nhiều khi những việc làm tốt, những việc bác ái lại gây ra những cuộc đàm tiếu, những bàn luận bởi vì có một số người không muốn nhìn thấy sự thật. Và Thánh Sử Gioan muốn lôi kéo sự chú ý đến điều vẫn còn đang diễn ra giữa chúng ta ngày nay, khi có một điều tốt được thực thi. Người mù được chữa lành bị chất vấn trước hết bởi đám đông đang ngạc nhiên – họ thấy phép lạ và họ chất vấn anh ta; sau đó là đến lượt Giới Luật Sĩ. Những người này còn chất vấn cả bố mẹ anh ta. Cuối cùng, người mù được chữa lành này đã đến được với đức tin, và đây là ơn lớn nhất mà Đức Giêsu đã làm cho anh ta: không chỉ nhìn thấy mà còn biết Người, thấy Người, Đấng là “ánh sáng của thế giới” (Ga 9,5)
Trong khi người mù dần dần có được ánh sáng, thì ngược lại, những tiến sĩ luật vẫn cứ chìm sâu trong sự tối tăm nội tâm. Họ đóng kín định kiến của mình, tin chắc rằng mình đã có được ánh sáng; vì thế, họ không mở ra cho chân lý của Đức Giêsu. Họ làm đủ mọi cách để chối bỏ những điều hiển nhiên. Họ nghi ngờ về căn tính của người được chữa lành; rồi chối bỏ cả hành vi của Thiên Chúa trong việc chữa lành, với lý do là Thiên Chúa không chữa lành trong ngày Sabat; họ thậm chí còn nghi ngờ việc người này có thực sự bị mù từ thuở mới sinh không. Sự đóng kín của họ trước ánh sáng đã khiến họ trở nên nổi nóng và dẫn tới việc muốn trục xuất người đàn ông được chữa lành này ra khỏi đền thờ. Trục xuất ra khỏi đền thờ …”
Sau đó, Đức Thánh Cha phân tích con đường người mù này được dẫn đến chỗ nhận biết và tin vào Đức Giêsu. Ngài chia sẻ:
“Con đường của người mù lại là một cuộc hành trình từng bước một, bắt đầu từ việc biết đến tên Giêsu. Anh ta không biết gì hơn về Ngài, anh ta nói: “Một người đàn ông tên là Giêsu đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi” (c.11). Trả lời câu hỏi của các tiến sĩ luật, anh ta cho rằng Ngài là một ngôn sứ (c 17) và rồi là một người kề cận Thiên Chúa (c 31). Sau khi anh ta ra khỏi đền thờ, bị trục xuất khỏi xã hội, Giêsu đi tìm anh ta lần nữa và “mở mắt cho anh” lần thứ hai, mặc khải cho anh biết căn tính đích thực của Ngài: “Tôi là Đấng Mesia”. Lúc này, người mù thưa rằng: “Lạy Chúa, con tin” (c 38) và anh ta cúi xuống trước mặt Giêsu. Nhưng, đây là một đoạn Tin Mừng cho chúng ta thấy thảm kịch của cái mù nội tâm của rất nhiều người, và của các chúng ta nữa, vì chúng ta, đôi khi, cũng có những lúc bị mù nội tâm.”
Dựa trên những gì đã phân tích, Đức Thánh Cha dẫn dắt các khách hành hương đến chỗ phản tỉnh lại cuộc sống của mình, có khi mình là người mù, nhưng có khi mình cũng là những tiến sĩ luật như Tin Mừng nói đến. Ngài chia sẻ rằng:
“Cuộc sống của chúng ta đôi khi cũng giống như người mù được cho sáng mắt, được mở ra với Thiên Chúa, với ân sủng. Nhưng tiếc thay, thỉnh thoảng, chúng ta cũng giống như các tiến sĩ luật: đứng trên sự tự phụ của mình mà đánh giá người khác, thậm chí phán xét cả Thiên Chúa! Hôm nay, chúng ta được mời gọi để mở ra cho ánh sáng của Đức Kitô để mang đến hoa trái trong đời sống của chúng ta, để bỏ đi những lối hành xử không mang tính Kitô hữu: tất cả chúng ta là những Kitô hữu, tất cả chúng ta, đôi khi chúng ta hành xử không phải là Kitô hữu, nhưng hành xử như những tội nhân. Và chúng ta phải hoán cải về điều này và nỏ đi những lối hành xử sai lạc đó để bước đi cách dứt khoát trên con đường nên thánh, vốn bắt nguồn từ Bí tích Thanh Tẩy, và nơi Bí tích này, tất cả chúng ta được chiếu sáng để, giống như thánh Phaolo nhắc nhở chúng ta, chúng ta có thể hành xử như “những người con của ánh sáng” (Ef 5,8) với sự khiêm nhường, nhẫn nại và lòng thương xót. Những tiến sĩ luật này không khiêm nhường cũng không nhẫn nại, và không thương xót.”
Đến đây, ngài mời gọi mọi người một hành vi cụ thể:
“Ngày hôm nay, cha xin đề nghị với các bạn là khi các bạn về nhà, cầm lấy cuốn Tin Mừng và đọc chương 9 của Tin Mừng Gioan này nhé. Nó sẽ giúp ích cho các bạn, vì các bạn sẽ thấy con đường từ chỗ tăm tối đến ánh sáng và con đường tồi tệ khác đi đến chỗ tăm tối hơn. Và rồi hãy tự hỏi mình: con tim của tôi như thế nào? Tôi có một con tim mở ra hay đóng kín? Mở ra hay đóng kín với Thiên Chúa? Mở ra hay đóng kín với tha nhân? Chúng ta luôn luôn có trong mình một chút đóng kín nào đó do tội lỗi sinh ra, do những sai phạm hay lỗi lầm của ta sinh ta: đừng sợ, đừng sợ”. Chúng ta hãy mở ta với ánh sáng của Thiên Chúa: Người luôn đợi chờ chúng ta, để giúp chúng ta thấy rõ hơn, để ban cho chúng ta nhiều ánh sáng hơn và tha thứ cho chúng ta. Đừng quên điều này: Người luôn chờ đợi chúng ta.”
Ngài kết thúc bài chia sẻ của mình bằng việc mời gọi mọi người hướng lòng về Đức Trinh Nữ Maria:
“Chúng ta hãy phó dâng cho Đức Trinh Nữ Maria hành trình mùa chay của chúng ta để với ân sủng của Đức Kitô, giống như người mù được chữa lành, chúng ta cũng có thể “nhìn thấy ánh sáng, bước đi xa hơn nữa trong ánh sáng và được tái sinh trong một sự sống mới.”
Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha gửi lời chào thân ái đến các nhóm, đoàn hội, các khách hành hương hiện diện tại quảng trường.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ