Truyền giáo trên đất Nhật (2)

Vào cuối thế kỷ XVI, khu vực truyền giáo nhiều hứa hẹn nhất đối với Dòng Tên, chính là Nhật Bản. Thánh Phanxicô Xaviê đã bắt đầu truyền giáo tại Nhật năm 1549 tại Kagoshima thuộc đảo Kyushu. Thánh Phanxicô nhận ra rằng, phải thích nghi cao độ với các tập quán và thể chế của đất nước này. Thế nhưng những liên hệ đầu tiên quá vụng về, vì ngôn ngữ thì bất đồng và có quá nhiều hiểu lầm.

Các nhà truyền giáo Dòng Tên đầu tiên nói với người Nhật rằng, họ đến từ “Tenjiku” nghĩa là đến từ Ấn Độ. Điều này có lợi cho họ, vì Ấn Độ là nơi xuất phát Phật giáo. Vì thế người Nhật cũng coi các nhà truyền giáo như những người đi loan truyền con đường cứu độ thật của Đức Phật, cho dù giáo huấn các vị ấy giảng là một giáo huấn cứu độ mới. Ngoài ra, kiến thức thiên văn và toán học của các nhà truyền giáo cũng gây được sự tò mò hứng thú, và tạo được uy tín cho thông điệp tôn giáo của họ. Do họ hiểu được phần nào về chuyển động của vũ trụ, thì lời giảng về Thiên Chúa của họ cũng tạo được tiếng vang. Một khi họ biết rõ về những chuyện trong bầu trời nhìn thấy được, thì thông điệp về Trời Cao vốn không nhìn thấy được, có lẽ cũng có lý. Câu chuyện ấy cũng diễn ra tương tự như các nhà thiên văn Dòng Tên tại Trung Hoa, và như ta sẽ thấy, những câu chuyện ấy cũng sẽ lặp lại trong các phủ chúa ở Việt Nam.

Năm 1563 bắt đầu một thời kỳ mới. Nhiều Daimyo tức là các lãnh chúa độc lập có thực quyền, họ theo đạo. Điều này kéo theo dân chúng theo đạo hàng loạt, nhất là trên đảo Kyushu với trung tâm là Nagasaki. Vào đầu thế kỷ XVII, số người theo Kitô giáo phỏng đoán khoảng chừng 250 đến 300 ngàn người, trên tổng số 20 triệu dân. Biến chuyển này đã dấy lên những mong đợi quá đáng. Có nhà truyền giáo nghĩ rằng, với sự trợ giúp của các lãnh chúa Nhật, có thể trong vòng 10 năm, cả nước Nhật sẽ theo đạo. Rồi sau đó, các vị truyền giáo ấy sẽ hướng đến Trung Hoa.

Bối cảnh tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc truyền giáo tại Nhật Bản lúc đó là: Nhật đang trải qua thời kỳ nội chính bất ổn và họ đang muốn mở cửa cho phương Tây. Dòng Tên tạo được uy tín nơi các lãnh chúa, và rồi tạo được uy tín nơi chính quyền trung ương mới ra đời, chủ yếu là vì người Nhật coi các tu sĩ Dòng Tên là những đại diện quốc tế và là chiếc cầu nối cho khoa học kỹ thuật và nền tri thức phương Tây.

Năm 1580 mở ra khúc quanh có tính quyết định. Vì vị kinh lược không những công nhận phải thích nghi với những tập quán Nhật Bản, ít là trong các nghi thức ứng xử, ví như trà đạo; mà vị kinh lược ấy còn cho phép đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ. Nhờ đó Dòng Tên đã đi bước đầu tại Nhật trong công tác đào tạo giáo sĩ bản xứ và chuẩn bị các tu sinh trẻ tại chỗ cho Dòng. Nhưng mãi đến năm 1601 mới có linh mục người Nhật đầu tiên, và không lâu sau đó, cuộc bách hại Kitô giáo nổ ra.

Trong giai đoạn đầu truyền giáo tại Nhật, có sự hiện diện của rất ít các nhà thừa sai. Năm 1579 chỉ có 23 linh mục Dòng Tên trên tổng số 100 ngàn Kitô hữu. Năm 1600 khi số giáo dân đã tăng gấp ba, thì số linh mục cũng chỉ có 100. Thật ra, các giáo lý viên bản xứ là những người có công nhiều nhất trong công tác loan báo Tin Mừng và hướng dẫn cộng đoàn. Các giáo lý viên ấy là người cử hành bí tích rửa tội, cảm hóa lương dân, giảng dạy giáo lý. Họ cũng thường nâng đỡ những người hấp hối. Họ cũng là người gắn bó cộng đoàn. Đa số các cuộc tranh luận văn chương với Thần Đạo (Shinto) và Phật giáo hầu hết cũng do giáo dân Nhật tiến hành. Đa số các tín hữu ít có dịp tham dự thánh lễ. Các hình thức nguyện ngắm khác rất phổ biến, ví dụ việc lần chuỗi mân côi.

Công cuộc truyền giáo tiếp tục lớn mạnh, nhưng đã bị đám mây mù che phủ. Trước hết, có cuộc chuyển biến chính trị vô cùng quan trọng. Từ tình trạng phong kiến vô chính phủ, một nhà nước đã được thành lập. Trong giai đoạn đầu, cuộc thống nhất đất nước Nhật có lợi cho việc truyền giáo, vì cuộc thống nhất ấy đem lại hòa bình cho toàn đất nước. Và nhờ đó, tạo điều kiện truyền giáo trên toàn nước Nhật. Trước kia, các nhà truyền giáo phải phụ thuộc vào từng vị lãnh chúa đơn lẻ. Tương quan giữa các tu sĩ Dòng Tên và nhà cầm quyền vẫn thuận lợi. Thêm nữa, các nhà cầm quyền chủ trương không bế quan tỏa cảng, mà muốn mở rộng và bành trướng chính trị ra bên ngoài, đặc biệt là sang Hàn Quốc. Các nhà cầm quyền cũng đồng thời muốn tạo quan hệ với quốc tế. Trong bối cảnh đó, các tu sĩ Dòng Tên trở nên rất hữu dụng cho các nhà cầm quyền, vì các nhà thừa sai ấy vừa đến từ Bồ Đào Nha vừa thông thạo tiếng Nhật vừa có quan hệ quốc tế rộng rãi.

Thế nhưng, từ những năm 1600, các nhà truyền giáo Dòng Tên trải qua giai đoạn khủng hoảng. Truyện tranh chấp giữa người Hà Lan với người Bồ Đào Nha, ảnh hưởng quan trọng lớn đến chính sách của người Nhật. Bởi lẽ mối quan tâm của người Hà Lan chỉ là thương mại chứ không phải là truyền giáo. Thêm nữa, người ta lo sợ Kitô giáo mang vào đất nước làm mất đi căn tính Thần đạo của dân tộc. Và từ nhiều nguyên nhân phức tạp, cuộc bách hại các tín hữu Kitô trở nên gắt gao. Năm 1614 tướng quân Tokugawa Ieyasu ra lệnh cấm đạo và trục xuất tất cả các nhà truyền giáo.

Cuộc bắt đạo ở Nhật được chứng thực bởi khoảng 4000 vị tử đạo, với những lối tra tấn và tử hình lạ lùng và vô cùng dã man. Ví dụ, nạn nhân bị trói rất chặt, bị treo ngược và đầu giộng xuống một cái hố hôi thối. Tư thế này làm cho máu dồn xuống đầu, tới khoảng một tuần thì dẫn đến cái chết dần dần đầy đau đớn. Ngay vừa tầm tay có một cái chuông rất thuận tiện. Nếu kéo chuông, thì có nghĩa là chối bỏ đức tin, và sẽ được giải thoát khỏi tra tấn. Những cuộc tra tấn ở Nhật rất dã man và lạnh lùng, chứ không như ở các nước khác. Ví dụ ở Trung Hoa và Việt Nam, cấp dưới thường làm dịu nhẹ bản án của cấp trên do sự tham nhũng của các quan lại.  

Sau đây là Audio để nghe:

Phần trước: Cha Đắc Lộ và chữ quốc ngữ (1)
Phần tiếp theo: Tại sao Cha Đắc Lộ được Bề trên chấp thuận sai đi truyền giáo (3)

Lược trích: Tứ Quyết SJ
Hoa Trái ở Phương Đông, Tác giả: Klaus Schatz, S.J., 
Người dịch: Phạm Hồng Lam, NXB Phương Đông, 2017.

Kiểm tra tương tự

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Thập giá ngất cao

Bạn thân mến, Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh, cũng là cao điểm của …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *