“Anh em phải canh chừng, phải tỉnh thức” (30.11.2014 – Chúa Nhật I Mùa Vọng, năm B)

 

“Anh em phải canh chừng, phải tỉnh thức”
(Mc 13, 33-37)

 

33 “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.34 Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức.35 Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.36 Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ.37 Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!”

***

Hôm nay Chúa Nhật I Mùa Vọng, lời đầu tiên của Đức Giê-su mà Giáo Hội muốn chúng ta lắng nghe, đó là lời mời gọi tỉnh thức:

Anh em phải canh chừng, phải tỉnh thức,
vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.

Trong tuần cuối cùng của năm Phụng Vụ vừa qua, chúng ta đã được Giáo Hội cho nghe lời của Đức Giêsu về “thời ấy”, trong sách Tin Mừng theo thánh Luca. Thời ấy là “Ngày của Con Người” và những biến động phổ quát và triệt để trong thiên nhiên cũng như trong thế giới loài người sẽ xẩy ra trước khi Con Người đến.

Để giúp chúng ta sống “cái thời ấy” ngay hôm nay một cách bình an, bởi vì chúng ta tuyệt đối không biết khi nào, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy “canh chừng” và “tỉnh thức”. Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Người dùng một dụ ngôn nhỏ để giúp chúng ta hiểu và sống điều Ngài mời gọi chúng ta là “hãy canh chừng và tỉnh thức”. Dụ ngôn nhỏ nhưng chất chứa nhiều ý nghĩa, hay nói chính xác hơn, nhiều mặc khải.

  1. Canh thức

“Cũng như người kia trẩy đi phương xa”. Trong dụ ngôn các nén bạc, Đức Giêsu cũng dùng hình ảnh này: “Cũng như có một người kia sắp đi xa” (Mt 25, 14). Như thế, có thể nói Đức Giê-su rất thích dùng hình ảnh này để diễn tả tương quan của chúng ta với Ngài, tương quan thiết thân ngay trong thời gian vắng mặt, hay đúng hơn tương quan thiết thân ngang qua các dấu chỉ, nói lên ân huệ và sự hiện diện.

Và trong dụ ngôn của Đức Giêsu, dấu chỉ mà chủ nhà để lại cho các tôi tớ là quá nhiều: ông để nhà lại, ông trao quyền và ông trao việc. Dụ ngôn các nén bạc, tuy dài, nhưng chỉ nói đến nén bạc, nghĩa là “vốn liếng” của mỗi người; còn dụ ngôn hôm nay, tuy ngắn, nhưng lại nói lên gần như tất cả những gì Chúa ban cho chúng ta: căn nhà là tất cả những gì chúng ta có trong cuộc đời, quyền bính trên cuộc đời của chúng ta (ít nhất là tương đối, xét cho cùng, cũng gần như tuyệt đối), và trao sứ mạng: “ông chỉ định cho mỗi người mỗi việc”. Chúa cũng làm thế, và khi làm thế, Ngài trao ban chính lòng tin của Ngài cho chúng ta. Trên đời này, không ai tin chúng ta như Chúa tin chúng ta.

  1. Bóng tối sự dữ

Điều lạ lùng trong dụ ngôn là chỉ có người giữ cửa mới phải canh thức: “Và ông ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức”. Điều này cũng hợp lí, vì chẳng lẽ lại bắt tất cả mọi người trong nhà đêm nào cũng phải canh thức! Như ở trong Nhà Dòng, sẽ có những đêm, cả nhà canh thức, nhưng bình thường chỉ có một số Soeurs hay một số thầy canh thức thôi, để cho mọi người trong nhà ngủ yên!

Người giữ cửa được lệnh canh thức; Đức Giêsu dùng từ ngữ “canh thức”, để gộp lại hai từ ngữ mà Ngài đã dùng lúc đầu: “canh chừng và tỉnh thức”. Vì thế, canh thức có nghĩa là: hãy canh chừng, và để canh chừng thì phải tỉnh thức. Trong dụ ngôn, nhiệm vụ canh thức được giao cho người giữ cửa, nhưng Đức Giêsu lại muốn áp dụng cho tất cả mọi người chúng ta: “Vậy anh em phải canh thức”. Và Chúa đặc biệt mời gọi chúng ta, mọi người Ki-tô hữu và nhất là những người sống đời sống dâng hiến: “Anh chị em hãy canh thức như người giữ cửa”. Và sứ mạng canh thức chỉ diễn ra khi trời bắt đầu tối và hãy còn tối mà thôi, như chính Chúa nói:

Vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến:
lúc chập tối, nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.

Điều gây cho chúng ta khó khăn, đó là thời gian mà Đức Giêsu nêu ra, lại là thời gian chúng ta ngủ hằng ngày: chập tối, nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng; hay ít nhất là chúng ta ngủ phần lớn thời gian từ chập tối cho đến tảng sáng! Vì thế, chúng ta được mời gọi hiểu sứ mạng canh thức không phải ở bình diện tự nhiên (nghĩa là trong thời gian có bóng tối). Vì đêm nào cũng canh thức, chúng ta sẽ chết sớm! sứ mạng canh thức mà Đức Giêsu mời gọi, phải được hiểu ở bình diện thiêng liêng, nghĩa là canh thức trong thời gian có bóng tối của sự dữ. Và, như chúng ta đều có kinh nghiệm, bóng tối của sự dữ có thể ập đến với chúng ta, với cộng đoàn chúng ta, với thế giới chúng ta đang sống, bất cứ khi nào, ngày cũng như đêm.

  1. Mùa Vọng

Lời của Đức Giêsu mời gọi các môn đệ: “Hãy coi chừng, hãy ở trong tình trạng tỉnh thức”, lời này trong bối cảnh của Tin Mừng, chuẩn bị các môn đệ bước vào cuộc Thương Khó. Thương khó là giờ của bóng tối, của sự dữ; nhưng đồng thời cũng là giờ của ánh sáng, giờ của sự thiện.

Thời đại chúng ta đang sống cũng có nhiều dấu chỉ nói về giờ của bóng tối: núi lửa hoạt động, những đợt sóng thần, những cơn động đất, nước từ trời trút xuống, nước từ sông biển dâng lên, gió bão hung hãn… Những gì xẩy ra trong thiên nhiên hoàn toàn khớp với những gì con người đang làm cho con người: đó là khủng bố, đó là bạo động, đó là giết hại mầm sống và chính sự sống nhân linh từ trong giai đoạn hình thành kì diệu nhất, tham lam, gian dối, đó là làm thiệt hại và hãm hại người khác, đó là dò xét và lên án, đó là cấm cản giam hãm, đó là áp đặt bằng quyền bính bất chấp ngôi vị, đó là nghi ngờ, không tin tưởng và thiếu tôn trọng người khác. Xét cho cùng, như ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, những thái độ và cách hành xử như thế, cho dù là nhân danh sự sống, nhân danh lợi ích của tập thể, nhưng thực ra là phá hủy sự sống một cách nghiệm trọng nhất, bởi lẽ đó là cách hành xử của chính Sự Dữ.

Chúng ta bước vào Mùa Vọng kể từ hôm nay. Mùa vọng, khởi đi từ hồng ân lớn lao Chúa đã đến, và hướng chúng ta đến biến cố Chúa chắc chắn sẽ đến. Trong thời gian chờ đợi, tất yếu chúng ta sẽ phải đối diện với bóng tối, không chỉ là bóng tối của thiên nhiên, nhưng nhất là bóng tối của sự dữ.

Chúng ta được Đức Giêsu mời gọi: “Hãy canh chừng và tỉnh thức”. Và cách canh chừng và tỉnh thức tốt nhất là sống tâm tình mà Thánh Phao-lô chia sẻ ngay từ những lời đầu tiên trong thư thứ nhất gởi tín hữu Corintô, đó là không ngừng cảm tạ Thiên Chúa, là Cha chúng ta, vì ân huệ Người đã ban cho chúng ta nơi Đức Giêsu Ki-tô, nhất là nơi Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh và phục sinh:

Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su. Quả vậy, trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người.

(1Cr 1, 45)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Manna: Chúng tôi đã thấy ngôi sao (Chúa Nhật Lễ Hiển Linh – Mt 2,1-12 )

LỜI CHÚA Mt 2,1-12 1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời …

Chiêm ngắm khuôn mặt Thiên Chúa | Suy tư Tin Mừng CN Lễ Chúa Hiển Linh năm C

  Các bạn thân mến!   Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *