Ánh nhìn của Chúa Giêsu và những khoảnh khắc phản bội

Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông:
‘Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.’
Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết”
(Lc 22, 61-62)

 

Bước vào Tuần Thánh, tôi nhớ lại lời tâm sự trong Linh Thao số 53: “Vì đâu Chúa là Đấng hằng sống, Chúa đã chịu chết và chết như thế này vì tội lỗi tôi. Cũng nhìn vào chính mình mà tự hỏi: Tôi đã làm gì cho Đức Kitô? Tôi đang làm gì cho Đức Kitô? Và tôi phải làm gì cho Đức Kitô?”

 

Tôi nghĩ rằng mình đã làm nhiều việc tốt để ca ngợi Chúa, phục vụ Giáo hội và mọi người. Nhưng bài Thương Khó theo Tin Mừng Luca mà chúng ta đã nghe trong Chúa Nhật lễ Lá nhắc nhở tôi về những khoảnh khắc phản bội mà tôi dành cho Chúa. Tôi được mời gọi bước vào nơi thinh lặng, nhìn lên Thánh giá, chiêm ngắm cuộc thương khó Chúa, và lắng nghe tiếng Chúa vang lên từ thập giá trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh.

Những khoảnh khắc của sự phản bội

Suy gẫm về những khoảnh khắc phản bội, tôi muốn nhắc đến hai câu chuyện: Giuđa bán Chúa và Phêrô chối Thầy. Trước tiên, nhớ đến tình bạn giữa Chúa và các tông đồ. Họ là những người được Chúa chọn; Ngài đã thức suốt đêm để cầu nguyện và gọi họ (Lc 6, 12-16). Chúa chia sẻ cuộc sống với họ. Họ xem Ngài như một người bạn, một người Thầy và một người Cha. Chúa dạy dỗ họ bằng cả lời nói và chính cuộc sống của mình.

 

Bước vào cuộc thương khó, Chúa đã cúi xuống để rửa chân cho các ông, mời các ông hãy làm như Chúa đã làm (Ga 13, 1-17). Nhưng rồi trong đêm Chúa bị bắt, tất cả các môn đệ đều bỏ chạy (Mc 14, 50). Có người còn bán Chúa, và người môn đệ được coi là thân tín lại chối Thầy đến ba lần. Điều này giúp tôi cảm hơn nỗi đau của Chúa trong cuộc khổ nạn. Nỗi đau không chỉ đến từ những sỉ nhục, gai nhọn, hay vết đinh, mà còn từ những phản bội của những người thân tín bên cạnh Ngài.

 

Hãy hình dung hình ảnh Giuđa tiến đến. “Kẻ phản bội” đã phụ lòng những gì Thầy đã mong chờ nơi anh. Giuđa, một trong nhóm Mười Hai, người đã được gọi và chọn, cùng bữa đói bữa no với Thầy. Mà đêm nay, đã dẫn đầu đám người đến bắt Thầy. Anh tiến đến để hôn Người (Lc 22, 47). Anh đã dùng cử chỉ yêu thương là nụ hôn, biến nó thành ám hiệu để người ta bắt Thầy. Tại sao anh không dùng một “ám hiệu” khác? Không biết Giuđa đã nghĩ gì khi hôn Thầy như vậy?

 

Trong biến cố Phêrô chối Thầy, câu chuyện cũng làm Chúa thật sự đau. Hãy lắng nghe những câu hỏi dồn dập mà người ta dành cho Phêrô để chứng minh ông thuộc về Chúa: “Cả bác cũng đã ở với ông ấy đấy!” – “Bác cũng thuộc bọn chúng!” – “Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Galilê.” Người ta giúp chứng minh căn tính của ông: thuộc về Giêsu. Còn riêng ông thì muốn xóa sạch căn tính đó: “Tôi có biết ông ấy đâu” – “Này anh, không phải đâu!” – “Tôi không biết anh nói gì.” (Lc 22, 56-59).

 

Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng ít nhiều trải qua những khoảnh khắc bị phản bội. Đôi khi, những người thân gây tổn thương cho ta, những hiểu lầm hay thậm chí là vu oan ập đến bất ngờ. Những lúc ấy, hãy nhớ Chúa từng đón nhận sự phản bội từ các môn đệ của mình. Trách móc, lên án không chữa lành được vết thương; chỉ có tình yêu, khoan dung, tha thứ làm cho vết thường được chữa lành.

 

Chúng ta có thể khó chịu với Phêrô, trách Giuđa hay lên án ai đó đã xúc phạm Chúa. Nhưng đừng quên rằng bản thân ta cũng đã từng có những khoảnh khắc phản bội Chúa, hay nhiều lần làm người thân của ta tổn thương. Chúng ta lắng nghe lời Chúa nói với Giuđa: “Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22, 48). Hãy dành ít phút chiêm ngắm Chúa trên thánh giá và tự hỏi: Vì đâu Chúa là Ðấng hằng sống, đã chịu chết vì tội lỗi của tôi? Còn tôi, tôi đã làm gì cho Chúa?

Ánh mắt của Chúa cứu Phêrô

Câu chuyện thứ Sáu Tuần Thánh không chỉ là lời mời nhìn lại những khoảnh khắc phản bội, mà còn chiêm ngắm tình yêu vô điều kiện Chúa dành cho mình. Khi suy gẫm cuộc thương khó Chúa, tôi thật sự bị đánh động trong cách Luca trình bày ánh mắt Chúa dành cho Phêrô: “Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy; Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông.” (Lc 22, 60-61).

 

Không biết Giuđa có gặp ánh mắt của Chúa, lúc hôn Thầy? Còn Phêrô đã gặp được ánh mắt của Thầy. Tiếng gà gáy dường như chưa làm cho Phêrô thức tỉnh; nhưng là ánh mắt của Thầy: Chúa quay lại nhìn ông” – “ông sực nhớ.” Ánh mắt làm Phêrô nhớ lại, ánh mắt yêu thương tha thứ, ánh mắt đó đã làm ông òa khóc. Ánh mắt không chỉ giúp ông cảm nhận được sự tha thứ mà còn giúp ông nhớ lại những kỷ niệm với Thầy.

 

Phêrô nhớ lại mình chỉ là một ngư phủ, được Chúa gọi bước theo Chúa (Lc 5, 1-11), nhớ những kinh nghiệm tự hào đến mức muốn điều khiến Chúa (Mt 16, 22-23), những lúc theo Chúa còn hời hợt, tức tối với anh em (Mc 10, 41). Nhớ lại những giây phút thề thốt: “Dầu tất cả có vấp ngã, thì con cũng nhất định là không.” (Mc 14, 29). Nhờ tình bạn, nhờ những kỷ niệm, nhờ ánh mắt Thầy đã cứu Phêrô.

 

Chúa đã cứu người học trò của mình bằng một ánh nhìn. Nhờ vậy, sự đổ vỡ hoàn toàn giữa hai người đã không xảy ra. Nhờ ánh nhìn của Chúa, những vết thương của Phêrô được chữa lành, sự yếu đuổi được biến đổi thành một lời đáp lại trưởng thành hơn. Một Phêrô “mạnh mẽ”, nhưng giờ đây “đã khóc lóc thảm thiết.” Phêrô đã cảm hơn tình yêu của Thầy, hiểu mình mong manh và đã biết chấp nhận sự giới hạn của mình. Phêrô đã cảm được lòng thương xót Thầy dành cho mình, để từ đây ơn gọi của ông sẽ là ơn gọi để loan báo và làm chứng về lòng thương xót của Chúa.

 

Giờ đây ta mới hiểu, thứ Sáu Tuần Thánh không chỉ là câu chuyện chiêm ngắm sự đau khổ của Chúa; nhưng đúng hơn là chiêm ngắm tình yêu của Chúa dành cho ta và cho cả nhân loại. Thiên Chúa đã cứu cả thế giới bằng tình yêu:

 

Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15, 13).

 

Vì vậy, đừng mất thì giờ than vãn về tội lỗi và những day dứt của quá khứ, nhưng hãy đến với Chúa. Chúa vui sướng khi thấy ta đến với Người, thấy ta tin tưởng vào lòng nhân từ của Người. Thường trong hoàn cảnh tội lỗi, ta hay bị cám dỗ nghi ngờ tình yêu của Chúa và nghĩ rằng, thế là mất tất cả. Tư tưởng này chẳng bao giờ đến từ Thiên Chúa, mà tự ta hay từ ma quỷ xúi dục ta. [1] Chúa không cần thêm bất cứ điều gì để yêu ta: Tôi có sao, Chúa yêu tôi vậy!

“Tôi muốn sống với mẹ một ngày!”

Để kết thúc, tôi xin kể một câu chuyện khiến tôi xúc động. Năm 2016, tôi có dịp thăm nhà tù New Bilibid [2] tại thành phố Muntinlupa, Manila, Philippines và trò chuyện với một người tù. Anh bị giam vì tội giết người, vào tù khi mới 18 tuổi và giờ đã hơn 30. Khi tôi hỏi về ước mơ của anh sau khi mãn hạn tù, câu trả lời thật giản dị mà thấm thía: “Tôi chỉ ước mẹ còn sống, để tôi được sống bên mẹ, một ngày thôi cũng được.”

 

Anh tâm sự: khi còn nhỏ, anh chưa từng ở cạnh mẹ một cách đúng nghĩa. Dù sống chung nhà, anh chỉ biết đánh đập và lấy đồ của mẹ đi bán. Bây giờ, mẹ đã già, kiếm sống bằng những công việc lao động vất vả, và mỗi lần đến thăm, bà chỉ khóc, nhìn anh, không nói gì ngoài những lời động viên con trai. Tôi nói với anh rằng mẹ chỉ cần biết con trai mình đã nhận ra tình yêu của bà. Đó chính là niềm hạnh phúc của người mẹ.

 

Câu chuyện của thứ Sáu Tuấn Thánh cũng tương tự như vậy, Chúa mời ta nhận ra tình yêu của Ngài. Chúa đã làm cho ta tất cả, Chúa đã chết thay cho tôi là kẻ có tội, Ngài không cần tôi phải làm gì cho Ngài. Ngài muốn tôi nhận ra tình thương của Ngài dành cho tôi. Tôi có muốn khát khao sống với Chúa, một ngày với Chúa, như ước mơ của người tù.

 

Thật sự, đối với Chúa, nếu Người phải chịu chết một lần nữa để bảo đảm phúc thiên đàng cho ta, Người sẽ làm ngay, cho dù chỉ mỗi một mình ta. Thánh Gioan đã viết:

 

“Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.” (1Ga 4, 10).

 

Đứng trước một tình yêu như vậy, thử hỏi làm sao ta lại không chạy đến với Chúa mỗi khi ta gặp đau khổ hay khi ta lỗi phạm? – Có điều vì ta vẫn hoài nghi về tình thương của Chúa. Lòng sợ hãi khiến ta không lãnh được ơn tha thứ, trái lại còn khiến ta xa Chúa, ấn trốn ánh nhìn của Chúa. Nếu còn sợ hãi, còn thấy mình bất xứng, thấy mình kiêu ngạo, hay còn nghi ngờ tình thương và sự tha thứ của Chúa, không sao cả, hãy đến tâm sự với Chúa về con người thật của mình: Chúa chỉ cần ta đến với Chúa, trao cho Chúa con người thật của ta; Chúa sẽ có cách của Ngài.

 

Hãy nhìn lên thánh giá, chiêm ngắm ánh mắt của Chúa, đón nhận tình yêu của Chúa dành cho mình. Một lần nữa, hãy đọc thầm, lắng đọng tâm hồn, để thấy ánh mắt yêu thương của Chúa đang nhìn ta và nhìn cả nhân loại này. Nhờ vậy, ta có cơ may cảm được tình yêu của Chúa dành cho mình và sống kinh nghiệm ấy trong đời ta.

 

Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông:
‘Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.’
Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết”

(Lc 22, 61-62)

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Triêm, S.J.

 

[1] –  Xem thêm “Buồn không đúng chỗ” trong cuốn “Can đảm lên con”, của cha Daniel Considine S.J, (do ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt và Lm. Giuse Nguyễn Văn Diễm chuyển ngữ), tr. 13.

[2] – Dòng Tên Philippines phục vụ ở đây từ năm 1994, bằng các công việc mục vụ khác nhau, dâng lễ, ban bí tích cho tù nhân, dạy học trong nhà tù và các công việc mục vụ khác.

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 07-05-2025

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 06/05/2025 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Sự Sống Đời Đời …

NHÀ NGUYỆN SISTINE ĐÃ SẴN SÀNG: GIÁO HỘI CHUẨN BỊ LẮNG NGHE THÁNH THẦN

Dưới mái vòm có bức họa “Ngày Phán Xét” của nhà nguyện Sistine, những chiếc …