Ánh Sáng của Tình Yêu

„Ai tin vào Người thì sẽ được sống muôn đời“ (Ga 3, 14-21)

 

 

„Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.“ (Ga 3, 16-18)

„Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. 21Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.” (Ga 3, 20-21).

 

Tôi được đánh động những câu sau đây khi suy niệm bài tin mừng CN IV Mùa Chay năm B:

Ngẫm suy và tự hỏi thế nào là Tình Yêu của Thiên Chúa đã ban tặng cho tôi, tôi đã để tâm trí mình quay dần về lại trong quá khứ cho đến thời điểm hiện tại một cách tỉ mỉ. Tôi cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa luôn chan hoà trong cuộc sống của tôi cách liên lỉ và sống động.

Tôi đã tự hỏi chính mình rằng: đã có một Giêsu – Người trước đây hai ngàn năm đã xuống thế gian sống, chịu chết và đã phục sinh. Đó là lịch sử vĩ đại của một Vĩ Nhân, vậy Vĩ Nhân Giêsu này có liên quan gì đến cuộc sống của tôi chăng? Tôi dần suy tư sâu vào câu hỏi bao nhiêu thì cảm nhận được Ngài đang đi trong cuộc đời mình qua mọi biến cố vui buồn và ngay cả trong những tội lỗi và yếu đuối của tôi.

Điều làm tâm hồn và cuộc sống tôi thay đổi, trở nên hạnh phúc và tự do hơn. Đó là chính Chúa Thánh Thần, Ngài đã hướng dẫn tôi trong suốt thời gian dài đi tìm hình bóng Giêsu cho riêng mình. Tôi đã chìm đắm, say mê trong suy niệm một cách rất sâu sắc về con đường khổ nạn của Chúa Giêsu, bắt đầu từ buổi tiệc ly cho đến khi Ngài bị tắt thở trên cây thập gía.

Từng mỗi một viễn cảnh, tôi đã suy niệm rằng mình là một nhân vật trong cuộc khổ nạn của Ngài, như ông Gioan được ngồi cạnh Chúa, được Ngài yêu thương. Rồi gương mặt Giuđa bối rối thế nào khi Chúa nói một trong các môn đệ sẽ có người nộp Ngài. Cảnh tượng bữa tiệc trở nên xôn xao và ồn ào, trong tôi nỗi day dứt và bối rối khi nghĩ đến Giuđa, tôi tự nhủ sao Giuđa lại dám ra đi, trong khi ông đã hiểu được Chúa thấu suốt và đã cảnh báo về sự phản bội của mình. Vâng tôi đã nhận ra mình đã bao lần là Giuđa phản bội Chúa, mặc dù tiếng nói lương tâm đã bảo tôi là không nên. Tôi thật quá bất xứng và đáng tội.

Tôi hoà mình vào hình bóng của Phêrô và thấy ông thật đáng yêu, ông bộc trực dám nói và làm những gì ông nghĩ. Ông không hổ thẹn và lấy làm xấu hổ hay bớt đi phần kính trọng Chúa ngay khi bị Ngài mắng chửi. Ông vẫn cứ với một tình yêu đơn sơ lầm lũi theo sau Chúa, trái tim của Ông chắc cũng rất xót xa khi nghĩ đến người Thầy của mình đang bị tra hỏi. Nhưng Phêrô còn đớn đau hơn gấp bao lần, khi nhận ra mình đã phản bội Chúa sau khi phủ nhận không biết Giêsu là ai. Tôi cảm nhận được nỗi đau thống hối của ông rất day dứt và ân hận về sự phản bội của mình. Nghĩ về mình, tôi tự nhủ đã có lúc nào tôi ân hận về tội lỗi mình như Phêrô chưa?, hay vẫn mãi phản bội tình yêu của Chúa ban cho mình qua tha nhân?

Rồi một gương mặt rất kính trọng nữa – đó là Đức Mẹ Maria, Người đã giúp tôi trong từng biến cố đau buồn và lo âu của cuộc sống. Gương mặt Mẹ, tôi khó để tìm thấy vì dường như những gì tôi biết về Mẹ rất ít trong cuộc khổ nạn của Chúa. Tôi chỉ có thể đưa mình vào trong hai hình ảnh của Mẹ Maria để mong ước cảm nhận về Mẹ, đó là khi Mẹ gặp Chúa và khi Mẹ đứng dưới chân thập giá lặng mình nhìn con Mẹ trong đau thương. Các tường thuật Tin Mừng không hề nói gì về Đức Mẹ đã oán than hay trách móc và giận dữ những người bắt hại con mình. Không, Mẹ chỉ thinh lặng và xót xa, Mẹ nén lại và chôn giữ tất cả nỗi đau trong lòng. Tôi chợt nhớ đến lời ông Simêon, khi ông bồng hài nhi Giêsu trong tay và nói trái tim của Mẹ sẽ bị những lưỡi đòng đâm thâu. Ôi rất đau rất đau! vì Mẹ đã thưa cùng Sứ Thần Gabriel hai tiếng „ Xin Vâng “ và Mẹ đang thi hành cách trọn vẹn thánh ý Chúa.

Còn tôi thì sao? đã bao lần tôi lẩn trốn lời mời gọi của Chúa, đã bao lần tôi chối từ những gì Ngài mời gọi tôi cùng cộng tác, vì sợ phiền và mất thời gian. Đã bao lần tôi đã không đủ thinh lặng và kiên nhẫn để đối xử hoà nhã với con cái và người thân của mình. Đã bao lần tôi đã không hy sinh để chỉ lặng lẽ làm việc trong âm thầm. Rất nhiều những thiếu xót mà tôi cần phải học nơi Mẹ. Suy tư về Mẹ càng nhiều bao nhiêu tôi lại càng cảm nhận được tình yêu của Mẹ đối với Chúa Giêsu thật dạt dào biết bao.

Vâng, tôi không thể nào không nói đến người tôi yêu đó là Giêsu. Tình yêu của Giêsu đã làm cho tôi bao lần khát khao muốn được hoà tan hết sức có thể. Tôi thấy Giêsu đẹp trai lắm, đẹp từ ánh mắt dịu dàng xót thương nhìn những người tội lỗi, những người nghèo khổ bệnh tật. Đặc biệt cái nhìn đầy yêu thương tận đáy trái tim khi Giêsu cùng ngồi ăn với các môn đệ của mình trong bữa tiệc ly cuối cùng. Rồi cử chỉ chăm sóc rửa chân và dặn dò các ông. Ôi, tuyệt vời làm sao! trìu mến làm sao! Rồi tôi nghĩ đến khi Giêsu cười, nói và ngay cả khi Giêsu không nói gì và chỉ âm thầm bước đi bên cạnh mà thôi, thật ấm áp làm sao!

Viễn cảnh của cây dầu đã trải ra trước mắt tôi, tôi ngắm nhìn Chúa Giêsu một mình cầu nguyện và thổn thức với Chúa Cha. Ngài lo buồn và nỗi run sợ dần gia tăng khi Ngài nghĩ đến những gì sẽ xảy ra với mình. Nỗi cô đơn không người thân bên cạnh và nỗi cám dỗ như dần đang muốn lôi kéo Ngài phải bỏ cuộc, nhưng tình yêu đã thúc đẩy Giêsu nói xin vâng theo thánh ý Chúa Cha. Chính ở đây Giêsu đã dạy tôi một bài học.Đó là khi tôi yếu đuối nhất là lúc Thiên Chúa mạnh nhất trong tôi và tôi chỉ hãy luôn bám sát vào Ngài.

Tôi đã đi qua mỗi chặng đằng thánh giá và cố ghi lại những hình ảnh người yêu Giêsu của mình vào trong trái tim tôi. Sự sỉ nhục, cái tát vô cớ, nỗi oan không được hoá giải, mặc dù Philatô đã biết Giêsu vô tôi. Từng tiếng vút của những roi đòn quật vào thân xác Ngài. Rồi với một thánh gía Ngài phải vác đi giữa biết bao tiếng la hét vô ơn, tiếng nhục mạ không thương tiếc của muôn người. Ở một góc nào đó tôi xót xa bước đi theo Ngài trong thương đau, vì tôi yêu Ngài nhưng không thể giúp gì được cho Ngài. Nhưng tôi đã như Simon chạy lại và cùng vác thập giá với người tôi yêu khi thấy Ngài bị qụy ngã. Tôi thấy rằng mình thật hạnh phúc vì đang biết rằng tôi đi với người mình yêu. Rồi tôi ganh tị với thánh Vêronica khi thấy thánh nữ trao chiếc khăn cho Giêsu lau mặt. Tôi lại tự nói với mình, không tôi phải để gương mặt tôi mỗi ngày trở thành gương mặt Giêsu hơn và như thế tôi sẽ được đem Ngài đi suốt cuộc đời tôi.

Cứ như thế, tôi bước đi với Chúa và đến núi sọ để cùng chết với Ngài. Từng nhát búa đóng xuyên qua tay, qua chân của Ngài cũng là lúc tôi để cho những tật xấu và những cám dỗ tội lỗi của tôi được cùng đóng vào tay, chân Ngài. Chính lúc này tôi cảm nhận được chỉ vì yêu mà Chúa chịu đón nhận tất cả mọi tội lỗi của tôi, nên tôi khát khao mong mỏi được trao gởi vào tay Ngài tất cả, để rồi tôi dốc lòng hoán cải và trở nên một khí cụ mọn hèn của Chúa. Chính trong giây phút Chúa Giêsu cất tiếng „ xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm “, thì tôi đã thấy mình được tự do và mọi cám dỗ, mọi u mê trong tâm hồn đều được đóng vào thập giá của Chúa.

Tiếp tục suy tư tôi thấy cuộc sống mình sẽ bước qua một trang sử mới ngay khi tôi nhìn về cuối chân thập giá, tôi thấy Đức Mẹ Maria và thánh Gioan đang chờ tôi bước đến, các Ngài sẽ cùng thêm sức cho tôi. Tôi đã cảm nhận rằng mình không lẻ loi lội ngược dòng đời, nhưng có Mẹ và có Hội Thánh bước đi cùng tôi.

Ôi tình yêu của Thiên Chúa đối với tôi thật bao dung và vĩ đại biết mấy. Một tình yêu vô vị lợi của Chúa đang sẵn sàng ban tặng cho tôi. Tôi sẽ bắt đầu bước đi theo Ngài bằng cách tập sống là hy sinh và trao ban cho tất cả mọi người xung quanh mình.

Điều này thật sự không dễ trong cuộc sống, tôi đã phải chịu biết bao nhiêu hiểu lầm đến từ người thân và bạn hữu. Tôi bị giằng co giữa sự bỏ cuộc để sống cho riêng mình hay tiếp tục học bước theo gương Chúa Giêsu, đó là tập cho đi tất cả. Vâng, chính cuộc khổ nạn Chúa đã luyện cho tôi được lớn mạnh dần trong ân sủng và cuối cùng tôi thấy rằng mình đã không còn than vãn khi bị xúc phạm và không xót xa khi bị hiểu lầm.

Ngược lại tôi đã cầu nguyện cho người làm hại tôi và vui vẻ đóng nhận khi có đau khổ và hiểu lầm trong phó thác. Mong mỏi duy nhất của tôi đó là qua những gì mình đã và đang làm, sẽ đều là những gì đưa tôi đến gần Chúa hơn.

Trong những khi đau khổ, tôi lại nghĩ đến từng vết roi, từng đinh nhọn, từng sỉ nhục và cuối cùng là cái chết của Chúa Giêsu. Tôi đã nói trong suy tư rằng; „ Lạy Chúa những gì con chịu đựng đều là những ân sủng Ngài ban, vì con cảm nhận được mình dần sẽ giống Ngài hơn“. Lúc đó tâm hồn tôi thật nhẹ nhàng và bình an, thứ bình an mà tôi không thể diễn tả bằng lời, nhưng chỉ cảm nhận được qua từng giây phút sống hạnh phúc mà thôi.

Không dừng lại ở ân sủng này, tôi đã nghĩ ra một cách để chia sẻ cho người thân của mình, trước tiên là các con mình. Tôi muốn các con mình biết được thế nào là sống trong ánh sáng của Chúa và từ trong ánh sáng ấy chúng sẽ tìm được tình yêu mà Giêsu dành riêng cho mỗi người theo cách của Ngài.

Tôi bắt đầu giới thiệu cho con mình đi tìm ý nghĩa Ánh Sáng của Thiên Chúa như sau:

Ngay từ khi hai con tôi còn nhỏ (5-8t) tôi đã dùng một trò chơi để giải thích cho con mình thế nào là ý nghĩa của đi trong ánh sáng và kết qủa ấy sẽ thế nào?

Tôi dẫn hai bé vào căn phòng nhỏ và đóng kín các cửa sổ, cũng như kéo hết tất cả các khăn rèm xuống để cho căn phòng trở nên hết sức tối có thể. Các cháu cũng hoảng sợ vì bóng tối, vì làm cho chúng không thấy mẹ bên cạnh và chậm choạng trong bóng tối.

Chúng gọi: „Mama ở đâu rồi?“

Lúc ấy tôi lấy ra một quẹt diêm và bật lên, rồi tôi hỏi:

„Hai đứa thấy Mama không?“

Chúng trả lời: „Con thấy bóng Mama rồi.“

Tôi phát cho các cháu mỗi đứa một que diêm và kêu chúng mồi vào ngọn lửa tôi đang cầm trong tay.

Lập tức chúng la lên: „ô! con đã thấy Mama rõ rồi.“

Sau đó tôi kéo tất cả các khăn rèm lên để ánh sáng chiếu sáng vào căn phòng và bắt đầu giải thích như sau:

„Bóng đêm chính là cuộc sống không có chút gì hiểu biết và tìm kiếm Chúa. Ngược lại chỉ bắt chước nhau làm những điều mà sau đó không nghĩ đến việc đó có làm Chúa buồn không? Nên càng làm nhiều điều xấu thì lại càng xa dần Chúa, vì Chúa là Ánh Sáng, còn sự dữ là bóng tối. Nếu mình cứ đi theo những gì là sự dữ thì mình không có ánh sáng của Chúa. Nhưng nếu mình sống tốt và đi tìm Chúa thì Ánh Sáng sẽ xuất hiện không chỉ cho riêng mình, nhưng những người bên cạnh cũng sẽ được hưởng ánh sáng từ mình.“

Vâng chính nhờ vào những thí dụ rất đơn sơ ấy mà các con tôi vẫn còn nhớ và thỉnh thoảng nhắc lại với nhau trò chơi đó. Qua dần thời gian các con của tôi cũng đã và đang cố gắng sống dần kết hợp với Chúa mỗi ngày hơn. Chúng đã biết cầu nguyện và nói chuyện với Chúa như một người bạn, tạ ơn Chúa.

Tạ ơn Chúa! Trong một chuyến đi hành hương, tôi đã cầu nguyện và xin vâng như Đức Mẹ rằng: sẽ sẵn sàng đón nhận thêm con cái mà Chúa đã ban như một hồng ân, mặc dù sức khoẻ tôi theo khoa học là không nên. Vâng, Chúa đã ban cho gia đình chúng tôi thêm một thiên thần nhỏ và cháu cũng đã bắt chước theo gương hai anh chị là tập cầu nguyện và ước ao mẹ kể lại những chuyện các Thánh và những trò chơi mà mẹ đã chơi với hai anh chị của bé.

Bây giờ bé còn dễ thương hơn, là bé xin mẹ mỗi ngày chúc lành bằng cách làm dấu Thánh Giá vào mỗi buổi sáng, trưa, chiều và trước khi đi ngủ nữa.

Gia đình tôi mỗi người cũng chọn ra một việc để sống hãm mình trong mùa chay này. Tôi đã gợi ý lại vào bữa cơm gia đình tối Chúa Nhật vừa qua với các con, là sẽ hướng dẫn các con về cách thức đi tìm Chúa và cảm nhận tình yêu Ngài cách cá biệt thế nào qua kinh nghiệm mà mình đã suy niệm trong quá khứ. Tôi nói: „ Trong những ngày Chay còn lại, chúng ta sẽ đi dần vào con đường thập tự của Chúa và xin Ngài ban cho điều Ngài muốn dạy gì cho mỗi người chúng ta nhé “.

Lạy Chúa, trong lúc suy tư ngày qua, Ngài đã cho con cảm xúc rất mãnh liệt khi nhìn đến đoạn video ngắn về hình ảnh Ngài in đậm lên chiếc khăn của bà thánh Monica. Ngay lúc ấy, bỗng trong tâm hồn con có một dòng điện chạy khắp mình và con hiểu rằng con sẽ in hình ảnh Ngài và để Ngài lớn dần trong cuộc sống của con. Con đã tiếp tục trong thinh lặng và để suy nghĩ mình thấm dần vào trái tim và tâm thức. Vâng, một dấu chỉ cho con hay đó là bình an và an vui. Con đã hiểu đó là thánh ý Ngài muốn con thực hiện ngay trong lúc này. Con sẽ tập sống và con xin Ngài thêm sức cho con, Lạy Chúa vì chỉ với Ngài con mới có thể thi hành được, amen.

 

Maria Hải Giang

(13.03.2024)

Kiểm tra tương tự

Để đức tin thấm vào văn hóa

Hội nhập văn hóa (inculturation) là thuật ngữ không mới trong từ điển truyền giáo …

Chăm Sóc Các Loài Thụ Tạo – Ý Cầu Nguyện Tháng 9 Của Đức Thánh Cha

  “Liệu chúng ta có nghe thấy nỗi đau của hàng triệu nạn nhân của …