Bảo vệ Đức tin Công giáo trên Vương quốc Anh: Các Thánh & Chân phước Dòng Tên tại Anh (3)

“Tôi tuyên xưng tôi là người Công Giáo, là tu sĩ Dòng Tên… Đó là lý do khiến tôi phải chết.

Giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt, S.J.

Xem thêm

Phần 1: Cuộc ly khai & Dòng Tên nhập cuộc

Phần 2: Thánh Robert Southwell và thánh Nicolas Owen

Phần 3:  Thời Nội Chiến và Cộng Hòa (1640-1660)

Phần 4: Các vị tử đạo năm 1678-1679

Phần 3: Thời Nội Chiến và Cộng Hòa (1640-1660)

Thánh Henry Morse

Cho đến thời vua Charles I (1625-1649), nghị viện ở Anh chỉ có vai trò tư vấn cho vua. Khi nào cần thì vua triệu tập và vua có thể giải tán bất cứ khi nào. Đặc biệt vua chỉ được tăng thuế khi được nghị viện đồng ý.

Ngay sau khi lên ngôi, vua Charles I kết hôn với công chúa Henrietta-Marie nước Pháp là người Công Giáo, nên nhiều người sợ rằng người kế nghiệp ngai vàng sẽ là người Công Giáo: đây là một mối đe dọa đối với Anh Giáo. Năm 1628, vua triệu tập nghị viện, nhưng hai bên bất đồng trầm trọng nên nhà vua giải tán và trong 11 năm nhà vua cai trị mà không cần đến nghị viện. Các căng thẳng dẫn đến xung đột vũ trang. Quân bảo hoàng bị quân nghị viện đánh bại. Tướng Cromwell thành lập chế độ cộng hòa, dựa vào nghị viện, tiếp tục các cuộc đàn áp Công Giáo.

Trong thời gian này, chúng ta có thể nêu một số chứng nhân tiêu biểu sau đây.

Thánh Henry Morse[1]

Năm 1633 ngài về nước, hoạt động tông đồ tại giáo xứ St. Giles ở một quận nghèo ngoại thành Luân Đôn. Khi có nạn dịch tả, ngài tận tình cứu giúp nhiều người. Năm 1638 ngài lại bị bắt. Ngày 28.3 ngài bị đưa đến trại giam Newgate. Ngày 22.4 bị xét xử. Ngày 17.6 được hoàng hậu Henrietta Marie ân xá vì đã cứu chữa người bị dịch. Trở về Luân Đôn hoạt động tông đồ, nhưng bị quấy nhiễu nên quay lại Flanders làm tuyên úy cho lính Anh trong quân đội Tây Ban Nha.

Năm 1643 ngài về lại Anh, hoạt động tông đồ ở vùng Cumberland. 18 tháng sau, đi kẻ liệt về ngài gặp một toán lính. Họ nghi là linh mục vì ngài đi một mình ban đêm, không có vũ khí, nên bị bắt. Được vợ viên sĩ quan là người Công Giáo giúp, ngài trốn thoát. 6 tuần sau, một hôm lạc đường ở miền quê, ngài gõ cửa một nhà để hỏi thăm, gặp lại đúng anh lính 6 tuần trước: ngài bị bắt lại.

Năm 1645 ngài bị đưa đi Newgate ở Luân Đôn để xét xử và bị kết án tử hình. Trong 4 ngày chờ đợi, nhiều người đến thăm để xin cầu nguyện hay xin vật lưu niệm. Ngày 1.2, ngài  cử hành thánh lễ cuối cùng, thăm bạn tù, rồi bị đưa đến Tyburn.

Trước khi chết, ngài ngỏ lời với đám đông có mặt: “Giờ đây tôi sắp chết vì đạo… Tôi có một bí mật quan trọng mà nữ hoàng và nghị viện cần biết. Vương quốc Anh sẽ không bao giờ được chúc phúc cho đến khi tất cả thần dân hợp nhất trong đức tin dưới quyền giám mục Rôma… Xin cho cái chết của tôi nên của lễ đền tội cho vương quốc.” Lời cuối cùng của ngài là “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con.”

Ngài bị treo cổ, phân thây bêu ở 4 cổng thành, đầu bị bêu ở Cầu Luân Đôn.

Chân phước Thomas Holland[2]

Khi hoàng thái tử Charles, sau này sẽ là vua Charles I, thăm Madrid năm 1623, sinh viên Thomas Holland 23 tuổi được cử đại diện các bạn đọc diễn văn chào mừng tại Học viện Anh Quốc ở Valladolid. Không ngờ là 19 năm sau, linh mục Thomas Holland lại bị xử tử do lệnh đàn áp Công Giáo của vua Charles I.

Ngài về nước năm 1635 vì lý do sức khỏe. Vì các linh mục bị truy lùng, ngài mang hai tên giả là Saunderson và Hammond, chỉ hoạt động tông đồ được vào ban đêm. Thông thạo tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Hà Lan, ngài thường giả vờ là người nước ngoài. Vất vả trong đêm khuya liên tục, sức khỏe ngài suy giảm trầm trọng. Dù vậy, ngài vẫn hoạt động không ngừng.

Ngày 4.10.1642, ngài bị bắt vì tình nghi là linh mục, bị giam tại New Prison ở Luân Đôn 2 tuần, rồi chuyển qua Newgate để ra tòa. Trong tù ngài thường cầu nguyện suốt đêm, nhưng cố không để lộ là linh mục. Ngài bị đưa ra tòa ngày 7.12.1642. Có 4 nhân chứng khai ngài là linh mục, nhưng không đủ chứng cứ. Khi được yêu cầu thề không phải là linh mục, ngài từ chối; thế là ngài bị kết án tử hình. Khi nghe tuyên án, ngài nói: “Tạ ơn Chúa.” Về phòng giam, ngài mời các bạn tù cùng hát kinh Chúng con ca ngợi Chúa là Thượng Đế. Trong 2 ngày chờ thi hành án, ngài được nhiều người đến thăm. Sứ thần nước Pháp can thiệp cho ngài, nhưng ngài chọn ơn tử đạo hơn là được tự do. Nhờ các bạn giúp, ngài có thể cử hành thánh lễ trong 2 ngày cuối đời.

Sáng ngày 12.12, ngài được đưa đến Tyburn để thụ hình. Ngỏ lời với những người có mặt, ngài nói: “Tôi bị đem đến đây xử tử như một tên phản quốc, một linh mục và một Giêsu hữu; nhưng thực ra người ta không chứng minh được.” Ngài cho biết đúng ngài là linh mục, là Giêsu hữu, nhưng không hề phản quốc, và ngài tha thứ cho các thẩm phán và các bồi thẩm đã kết án ngài. Ngài đọc kinh Tin, Cậy, Mến, kinh Ăn Năn Tội, rồi cầu nguyện cho hoàng gia, nghị viện, cho đất nước thịnh vượng và trở về với đức tin Công Giáo. “Giả như tôi có nhiều cuộc sống như số sợi tóc trên đầu tôi, số giọt nước trong đại dương, số vì sao trên bầu trời, thì tôi cũng sẵn lòng hy sinh hết.” Ngài đưa mắt tìm một linh mục lẩn trong đám đông để xin được giải tội. Ngài bị treo cổ và phân thây.[3]

Chân phước Ralph Corby[4]

Chân phước Ralph Corby

Năm 1631 hay 1632, ngài được gửi về Anh hoạt động tông đồ ngay tại quê hương. Vì thiếu linh mục, ngài thường phải di chuyển nhiều, thường là đi bộ, họa hiếm mới cưỡi ngựa. Ngài chỉ giảng dạy lén lút trong các gia đình Công Giáo. Trong 12 năm, ngài kiên trì giảng dạy và ban các bí tích cho giáo dân. Ngài được họ gọi là ‘cha rất yêu quý’ hay ‘vị tông đồ’.

Ngài bị bắt ngày 8.7.1644 khi bắt đầu cử hành thánh lễ tại lâu đài Hamsterly gần Newcastle. Hôm sau ngài được đưa đi Luân Đôn cùng với một linh mục triều là cha John Duckett. 2 cha trở thành bạn tù và bạn tử đạo. Hai cha bị giam tại Newgate. Trong những ngày 2 cha ở đó, có một cuộc thương lượng về trao đổi tù binh. Một đại tá người Scotland bị bắt ở Đức, và sứ thần Đức ở Anh đề nghị đổi viên đại tá lấy cha Corby. Nhưng chính ngài lại đề nghị để cha Duckett đi vì còn trẻ khỏe hơn và hy vọng hoạt động tông đồ hiệu quả hơn. Đến lượt cha này cũng từ chối tự do: cả hai cha cùng quý ơn tử đạo hơn tự do. Hai cha phải ra tòa ngày 4.9, và vì cả hai đã nhận là linh mục nên không cần tra hỏi gì thêm nữa: hai cha bị kết án tử hình. Hai cha trở về phòng giam và trong những ngày chờ đợi, các ngài được nhiều người đến thăm, kể cả các vị sứ thần của các nước.

Sáng ngày 7.9, hai cha dâng thánh lễ trước khi mặc áo chùng thâm ra pháp trường. Đến nơi, các ngài hôn giá treo cổ. Trước khi thụ hình, cha Corby nói với những người có mặt rằng các ngài là linh mục, và tội duy nhất của các ngài là làm linh mục. Sau đó hai cha ôm hôn nhau, rồi cùng thinh lặng cầu nguyện. Các ngài bị treo cổ và phân thây.[5]

Chân phước Peter Wright[6]

Năm 1644, lúc cuộc nội chiến còn đang tiếp diễn, ngài cùng với trung đoàn do đại tá Henry Gage chỉ huy về nước. Năm 1645 sau khi đại tá Gage bị giết, ngài trở thành tuyên úy của hầu tước Wincester, trước ở Hampshire, sau ở Luân Đôn. Công an nghi là ngài sẽ dâng lễ ở nhà hầu tước ngày lễ Nến 2.2.1651, nên họ rình sẵn. Ngay lúc ngài khởi sự thánh lễ, họ xông vào, ngài cởi áo lễ trốn qua cửa sổ, trèo lên mái nhà trốn. Họ tìm được ngài và đưa đến trại giam Newgate. Ngài chưa bị xét xử ngay vì chưa tìm được chứng cứ ngài là linh mục. Bất hạnh là Thomas Gage, anh (hay em) của đại tá Gage, một tu sĩ bội giáo, đã đưa ra bằng chứng.

Phiên tòa diễn ra ngày 16.5.1651. Thomas Gage khai rằng ngài là linh mục Dòng Tên, chính anh ta đã thấy ngài dâng lễ nhiều lần, và ngài đã dụ dỗ nhiều người bỏ Anh Giáo trở về với Công Giáo. Đoàn bồi thẩm kết luận ngài có tội. Ngài nói: “Xin chúc tụng danh thánh Thiên Chúa toàn năng từ bây giờ và cho đến muôn đời.” Hôm sau ngài bị tuyên án tử hình.

Đêm hôm trước ngày thụ hình, ngài thinh lặng cầu nguyện. Sáng ngày 19.5, ngài dậy sớm dâng lễ lần cuối. Khi lính đến dẫn đi, ngài nói: “Lạy Chúa Giêsu dịu ngọt, con xin đến.” Ngài được dẫn đi giữa hai hàng người đông đảo, có người cho biết là khoảng 20 ngàn người. Cùng trong dịp này có 13 phạm nhân khác bị xử tử. Trong lúc chờ đợi đến lượt mình, ngài thinh lặng cầu nguyện. Trước khi chết, ngài ngỏ lời với đám đông có mặt: “Thưa quý vị, đây là một đoạn đường ngắn để vào cõi đời đời… Người ta đưa tôi đến đây chỉ vì tôi là linh mục. Tôi tuyên xưng tôi là người Công Giáo, là tu sĩ Dòng Tên… Đó là lý do khiến tôi phải chết. Cũng vì tôi truyền bá đức tin Công Giáo nữa. Tôi sẵn lòng hy sinh mạng sống, một  ngàn lần cũng được, vì lý do ấy, nếu cần.” Ngài bị treo cổ và phân thây.[7]


[1] Ngài sinh năm 1595 tại Suffolk, trong gia đình Anh Giáo. Năm 1614 sang học ở Douai và theo Công Giáo. Mấy tuần sau về Anh, bị bắt phải tuyên thệ, từ chối, bị bắt giam ơ Southwark 4 năm. Năm 1618 được tha nhưng bị trục xuất sang Pháp. Đến Rôma học rồi thụ phong linh mục năm 1623. Chịu chức xong, về lại Anh, nhưng đến xin vào Dòng Tên trước. Được trả lời là cứ về nước trước. Được nhận vào Dòng ở Anh có lẽ năm 1624. Ngài ở cộng đoàn Lawson, quen gọi là nhà Thánh Antôn, hoạt động tông đồ ở Newcastle. Năm 1626 ngài sang Douai làm tháng Linh Thao theo chương trình kỳ tập, bị bắt trên tàu, bị giam ở Newcastle. Ngày 1.5, cha John Robinson, người đến thay cha Morse ở Lawson, cũng bị bắt và bị nhốt chung với cha Morse. Khi được chuyển đến York Castle, cha Robinson vì đã ở trong Dòng 6 năm, hướng dẫn cha Morse làm tháng Linh Thao và hoàn tất chương trình kỳ tập ngay trong nhà tù. Năm 1630, cha Morse được tha và bị trục xuất. Cha Robinson còn bị tù thêm 11 năm nữa. Đến Watten, ngài làm tuyên úy các lính Anh trong đội quân Tây Ban Nha đóng tại Flanders.

[2] Ngài sinh tại vùng Lancashire, nước Anh. Năm 1615 đến học tại Saint-Omer, rồi Valladolid. Năm 1624 gia nhập Dòng Tên. Sau khi thụ phong linh mục, làm linh hướng ở Saint-Omer.

[3] Ngài được phong chân phước năm 1929.

[4] Cha mẹ ngài từng theo Anh Giáo, nhưng rồi trở về với Công Giáo. Vì chính quyền đàn áp Công Giáo, ông bà bỏ quê ở Durham sang Ailen phục vụ một nhà quý tộc tại lâu đài Maynooth. Chân phước Corby chào đời tại đó năm 1598. Khi ngài 5 tuổi, cha mẹ ngài về quê. Năm 1613, gia đình ngài di cư sang Saint-Omer. 4 anh em trai của ngài cùng theo học tại Học viện Anh Quốc ở đó. Năm 1625 ngài sang Tây Ban Nha học ở Sevilla và Valladolid. Năm 1525 ngài thụ phong linh mục và gia nhập Dòng Tên ở Watten. Ngài có 2 anh trong Dòng Tên, một anh khác sắp vào Dòng Tên thì qua đời, 2 chị vào dòng Biển Đức. Khi các con đi tu hết, cha ngài vào làm tu huynh trong Dòng Tên, mẹ ngài vào dòng Biển Đức và sống đến 100 tuổi.

[5] Các ngài cùng được phong chân phước năm 1929.

[6] Ngài sinh năm 1603 tại vùng Northamptonshire, nước Anh, trong một gia đình Công Giáo nghèo. Ngài mồ côi cha khi còn nhỏ, và vì mẹ ngài phải nuôi 12 người con nên ngài phải đi giúp việc cho một luật sư trong vùng để phụ giúp mẹ. Vì thường xuyên tiếp xúc với các khách người Anh Giáo, dần dần ngài bỏ đức tin cha mẹ truyền lại. Sau 10 năm giúp việc ở đó, ngài gia nhập quân đội Anh, nhưng sau mấy tháng lại đào ngũ. Ngài đi hành hương Rôma, và khi đến Bỉ, ngài gặp các cha Dòng Tên và trở về với Công Giáo. Năm 1627 ngài theo học ở một trường của Dòng Tên. Năm 1629 ngài vào Dòng. Ngài thụ phong linh mục năm 1636 và xin được về Anh. Ngài được chỉ định làm tuyên úy cho lính Anh trong quân đội Tây Ban Nha ở Flanders.

[7] Ngài được phong chân phước năm 1929.

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Thánh Gioan Thánh Giá trước sự bách hại của hàng giáo sĩ

  Thánh Gioan Thánh Giá là một trong những nhà thần bí vĩ đại nhất …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *