- – “Tui hận bà, bà đừng có mà lại gần tui. Tui đi khỏi nhà cho bà vừa lòng”.
Bà Năm ngồi bệt trên nền nhà, hai tay đập lên sàn nhà rồi khóc nứt nở. Khóc đến nỗi bà chỉ có thể thốt lên “Trời ơi! Trời ơi!” rồi lịm dần.
- Kể ra gia cảnh bà Năm đầy đau buồn, bà con trong xóm ai cũng thương và đồng cảm cho bà, nhưng chỉ riêng thằng Ty – đứa con trai một của bà- là không hiểu cho bà. Ông Năm là một cựu chiến binh thời phong trào kháng Mỹ, sau thời bình trở về thì ông bà gặp nhau ở vùng U Minh, rồi cưới nhau. Khi ấy ông bà đều trên 40 tuổi. Cuộc sống gia đình ông bà Năm trong những ngày đầu đầy khó khăn, chật vật mới có cái ăn, cái mặc. Phía chính quyền thấy gia cảnh ông bà như vậy, nên cấp một căn nhà nhỏ gần rừng U Minh để ông bà có nơi trú ngụ, hàng ngày vào rừng kiếm ăn, miễn là đừng đốt phá rừng là được, sẵn tiện ông Năm làm quân dân tự quản cho rừng U Minh luôn. Vậy là kinh tế gia đình dần ổn định.
Lấy nhau vài năm, ông bà ráng kiếm cho kỳ được một đứa con dù đã lớn tuổi. Nhà thờ U Minh là nơi thân quen mà ông bà chạy vạy tới cầu nguyện, dự lễ. Cuối cùng Chúa cũng ban cho ông bà đứa con như ông bà mong ước. Thằng Ty ra đời trong hoàn cảnh đó. Ông bà ráng dành dụm tiền cho nó lên huyện học tiểu học, trung học cơ sở, rồi cấp phổ thông thì ra tỉnh. Ông bà không muốn cuộc sống thằng Ty sau này phải vất vả, long đong như cha mẹ nó. Vậy nên chỉ có con chữ mới mong giúp nó vượt lên nghich cảnh hiện tại. Nhưng chuyện đâu đã êm xuôi, thằng Ty càng lớn càng đâm hư hỏng, nó lên tỉnh rồi học theo bạn bè, nhậu nhẹt be bét, chơi bời thâu đêm, khổ hơn là vướng vào ma túy. Ông Năm nghe phong thanh con mình như vậy, lúc đầu không tin, tới khi chứng kiến tận mắt cảnh nó hút thuốc, chích ma túy rồi về nhà đòi tiền, ông lên cơn nhồi máu cơ tim rồi ra đi đột ngột.
Đám tang ông Năm thằng Ty không về đốt cho ba nó cây nhang. Lúc nó về thì người ta chôn cất ông Năm gần cả tháng trời rồi. Mục đích của nó là xin tiền. Bà Năm nói với nó về cái chết của ông Năm, nó không thèm nghe, ngoảnh mặt đi chỗ khác. Tức quá bà nặng lời trách nó bất hiếu với cha mẹ, nó chửi lại bà Năm rồi bỏ đi biền biệt.
- Đã mấy năm trời bặt vô âm tín, chẳng biết thằng Ty sống chết ra sao, bà Năm cứ thấp thỏm ra vô, gặp ai chỗ này chỗ kia về đều hỏi thăm về thằng “quý tử” của mình. Bà cũng chạy tới nhà thờ, gặp cha sở rồi giãy bày và… khóc. Cha sở chỉ an ủi rồi khuyên bà kiên trì cầu nguyện. Cha hứa hôm nào lên Sài Gòn cha tìm thằng Ty cho bà. Bà an tâm rồi trở về nhà.
Từ ngày ông Năm chết, thằng Ty bỏ nhà đi, bà Năm như rơi vào tuyệt vọng. Khóc riết cũng hết nước mắt, kể lể thì ai mà ngồi nghe hoài. Ở cái tuổi bảy mươi của bà, ngồi tuyệt vọng thế này mãi không tốt chút nào. Vài năm nay, trông bà xuống sắc hẳn, gầy nhom, móm xọm, tóc bạc trắng và bệnh tật triền miên. Hai mắt bà thâm quầng vì chẳng tối nào ngủ được, cứ nhắm mắt lại là hình ảnh ông Năm, thằng Ty lại hiện về trong trí bà. Có hôm bà nằm mơ thấy thằng Ty bị xe tải tông, chết tại chỗ, bà choàng tỉnh chạy ra giữa sân khóc như mưa giữa đêm khuya, bà con ra dỗ dành bà. Dần dà, bà như rơi vào tâm thần bất ổn, lảm nhảm suốt ngày mà gọi tên thằng Ty.
- Từ hồi bỏ nhà đi, thằng Ty lên tỉnh gặp lại đám bạn hút chích. Ban đầu còn được sự “đồng cảm” của bạn bè, nhưng dần dần rồi nó bị hắt hủi, ra ngoài đường ngủ bờ ngủ bụi. Nhiều khi cơn ghiền thuốc nổi lên, nó chạy tới mấy đứa bạn nhưng chúng nào thương tiếc, nhiều khi còn bị đánh đập tàn nhẫn. Lấy vết thương thay cho cơn ghiền thuốc. Rồi nó gặp một nhóm giang hồ, được nhóm bảo kê chỗ ăn, chỗ ở và thuốc, với điều kiện nó ngoan ngoãn làm theo lời các đại ca trong nhóm. Nó đồng ý và bắt đầu một cuộc sống đầy máu me, tội lỗi.
Bao nhiêu vụ đâm thuê chém mướn, giết người, vào tù ra khám, nó nếm trải đủ cả. Nhiều khi nó xem những điều này như một cái nghề lương thiện đối với nó. Nó nghĩ rằng mình đang thay trời hành đạo, và cũng thỏa mãn với cuộc sống hiện tại. Nhiều khi không có phi vụ làm ăn, nó cùng đám bạn rũ nhau chặn xe ở các ngõ ngách để “xin đểu”. Nhờ đó, mà nó nuôi sống chính nó, và tên tuổi cũng dần “nổi tiếng”.
- – “Ê! Có chiếc xe tới kìa tụi mày, ông kia thấy mặc đồ đẹp, chắc có tiền đó! Lên tụi bây!”, thằng Ty ra lệnh cho đồng bọn.
Trong bóng tối mờ mờ của cái hẻm nhỏ, nó đủ nhận ra đối tượng là giàu có hay nghèo khó cách dễ dàng, vì đó là cái nghề của nó mà! Liếc qua là biết.
– “Ông già, đói quá! Cho tụi này cái gì đó ăn đi!”, một đưa trong nhóm lên tiếng xin đểu.
– “ Tui… Tui… không đem theo tiền. Tui đang có chuyện đi gấp lắm. Mấy anh làm ơn cho tui qua!” Người đàn ông trạc tuổi trung niên lên tiếng van nài.
– “Ê ông già! Dễ mà qua được tụi tui. Dòm ông là biết “hàng ngon”. Khôn hồn thì đưa tiền, điện thoại và xe đây!”. Chưa dứt tiếng, thằng Ty đưa tay lên cổ áo khoác của ông, giật mạnh, làm tia kéo áo khoát toạt ra, nó thấy cái gì đó cứng cứng như tấm nhựa màu trắng rơi ra từ cổ người đàn ông.
Nó kêu đồng bọn rọi đèn vào người ông già để lục soát, còn nó cúi xuống nhặt cái tấm nhựa trắng trắng lên, rồi nó nhìn vào cổ áo ông già. Hình như có gì đó nghi nghi, nó hỏi:
– “Ông là ông cha hả?”. Ông già gật đầu nguầy nguậy.
– “ Thôi tụi mày, để ổng đi đi. Đừng đụng vô mấy tay tu hành này. Ổng nói thiệt đó, ổng chẳng có gì đáng giá đâu!”. Ty ra lệnh cho động bọn ngừng tay lục soát.
Vậy là vị linh mục được tha bổng, cám ơn rối rít rồi ông lên xe chạy vào hẻm tối thui, với thái độ gấp gáp.
- Lệnh cho đồng bọn về trước, nó tựa góc hẻm, tay cầm miếng nhựa lúc nãy của vị linh mục trên tay, lật qua lật lại. Vì sao nó biết đó là ông cha? Vì hồi nhỏ cha mẹ nó là người Công Giáo, đã từng đưa nó tới nhà thờ làm phép rửa tội, nó nhận tên thánh là Phao-lô. Nó biết đó là ông cha vì hồi học tiểu học, trung học cơ sở, lúc đó còn là học trò ngoan, nó là một chú giúp lễ đạo đức, siêng năng đi lễ, lần chuỗi mỗi ngày… bao nhiêu ký ức chợt ùa về trong đầu nó. Nghĩ về sao hạnh phúc miên man, mà nghĩ lại cuộc đời lâu nay đi bụi mà ê chề quá! Lần đầu tiên trong cuộc đời đi bụi, nó rơi nước mắt, nó nhớ bà Năm, ông Năm. Trong cái hẻm tối chẳng ai thấy nó khóc, nhưng nó đang nghĩ tới một viễn cảnh gì đó, nó buộc miêng nói: “Không biết ổng bả còn sống hay đã chết?”.
Rồi nó quay hướng suy nghĩ, vì sao ông cha lại chạy vô cái hẻm này? Mà ông còn chạy với thái độ gấp gáp nữa. Lạ quá! Nó chợt suy nghĩ tới chuyện trả lại ông cha cái miếng nhựa trắng trắng trên cổ áo cho ông. Lần đầu trong cuộc đời đi bụi nó nghĩ tới điều tốt! Nó cũng biết cái hẻm này là hẻm cụt. Vốn có một lối thoát khác mà chỉ nhóm của nó biết để trốn công an thôi, chứ ai ngoài địa bàn này không biết đâu. Vào hẻm này chắc chắn phải ra đường này. Thế là nó quyết định ngồi chờ ông cha trở ra để trả đồ cho ông.
- Hơn nửa tiếng sau, vị linh mục trở ra. Lần này ông chạy chậm hơn, có lẽ ánh sáng trong hẻm quá mờ, ông không rõ đường, nên chạy rất chậm. Gần ra khỏi hẻm, ông bị một bóng đen chặn lại, nhưng lần này chỉ có một bóng, chứ không nhiều bóng như lúc nãy. Có vẻ lần này an toàn hơn.
– “Cậu… cậu… là…”, vị linh mục ấp úng.
– “Là người lúc nãy chặn xe xin đểu ông cha đây!”, vị linh mục hoảng hồn, lên tiếng van xin
– “Tôi xin anh cho tôi về, thực sự lúc nãy anh đã lục soát…” chưa dứt tiếng, thằng Ty chặn lời vị linh mục.
– “Cha, con trả cha”. Nó chìa miếng nhựa trả lại vị linh mục.
Thấy tình hình tạm lắng. Vị linh mục xuống xe, vừa đi ra hẻm vừa nói chuyện với Ty. Ra tới chỗ có ánh sáng hơn, ông bỗng kêu lên:
- “Ty… Thằng Ty… Ty hả con? Ty phải không con?”
Tâm trạng hốt hoảng, bàng hoàng khi có người nhận ra mình. Nó định chạy trốn hoặc phủ nhận mình, nhưng trong tâm trí nó lóe lên một chút tia sáng nào đó. Lâu nay, từ ngày đi bụi tới giờ, có ai gọi nó thân thương như vậy đâu. Trước mặt người ta kêu “đại ca”, sau lưng kêu “thằng chó”. Nhưng hôm nay, nó nghe vị linh mục gọi tên nó với sự thân thương, mừng rỡ.
– “Sao cha biết con?”, nó hỏi vị linh mục.
– “Thằng Ty con ông bà Năm Đề ở U Minh đây mà! Nhận ra cha không?”
Lần mò trong trí nhớ, nó nhận thấy nét mặt vị linh mục quen lắm, hình như…
- “Cha, cha … Minh. Cha sở U Minh hồi dó đây mà! Cha đi đâu…”
Vị linh mục ngắt lời Ty,
- “Nhanh lên con, chạy vô đây với cha, mẹ con đang nằm trong này, đang lên cơn hấp hối. Cha tới xức dầu cho mẹ con. Nhanh lên con, kẻo trễ không kịp. Từ từ cha giải thích sau.”
- Thằng Ty chạy một mạch theo xe vị linh mục, nó chạy điên loạn như mất điều khiển, thở hổn hển. Tới một căn nhà lụp xụp, vị linh mục chưa kịp chống xe, nó đã chạy tuốt vào trong nhà. Một bà già đang nằm thoi thóp trên giường, gầy gò, méo mó, tóc bù xù, hai mắt hoẵm vào không muốn mở ra.
- “Mẹ! Mẹ! …” Nó lay mạnh tay bà, lắc mạnh thân hình yếu ớt của bà, rồi kêu lại lần nữa: “Mẹ! Mẹ ơi! Con Ty nè! Con Ty nè!”
Bà Năm lúc đầu không mở mắt, nhưng khi nghe nhắc tên thằng Ty, bà rướn hai cặp mắt mòn mỏi lên nhìn, miệng bà kháp ra tiếng hơi hơi: “T…t…t….t…t…y…y…y…y!”. Rồi bà khóc, bà với tay nắm tay con, bà mỉm cười, nụ cười hòa với giọt nước mắt hạnh phúc. Bà Năm không nói được nữa, chỉ nhìn con rồi chảy nước mắt. Vị linh mục chứng kiến cảnh tượng ấy, ông cũng rơi nước mắt. Ông vỗ nhẹ vai Ty, bảo nó tạm lánh ra cho Bà Năm nghỉ, đừng để bà xúc động quá.
- Nhắc chiếc ghế gỗ ra hàng ba, hai cha con ngồi nói chuyện. Cha Minh kể hết mọi chuyện trong ngần ấy năm Ty bỏ nhà ra đi. Kể lại Bà Năm phải đau khổ như thế nào. Và Bà trở nên điên loạn ra sao khi phải những cơn ác mộng về Ty. Nó vừa nghe, vừa khóc.
Căn nhà bà Năm đang nằm là nhà một người quen của cha, vì thấy bệnh tình của Bà quá trầm kha. Suốt mấy tháng nay Bà chỉ nằm một chỗ, không ăn chỉ uống nước lã. Thấy vậy, cha tức tốc đưa bà lên Sài Gòn khám bệnh, mong giúp bà thuyên giảm. Bác sĩ cho hay bà Năm bị bệnh nan y, nhưng hiện bà đã quá yếu, thêm tuổi già, chắc sẽ không chịu nổi những ca điều trị nữa đâu, thôi thì đành chuẩn bị hậu sự vậy. Cha nhờ người quen đưa bà về nhà này mấy hôm rồi, hôm nay người quen của cha báo Bà Năm đang hấp hối, cha tới xức dầu cho bà. Định đợi bà mất, sẽ mướn xe đưa xác Bà về lại U Minh, cha sẽ dâng lễ an táng cho bà.
- “May thay gặp con ở đây, mẹ con nhớ con nhiều lắm. Vì nhớ con đâm ra điên loạn. Rồi bệnh tật với tuổi già mà xuống sức rất mau.” Nghe cha Minh nói xong, Ty bật khóc.
Nó chạy tới bên bà Năm, thấy bà nằm thở hổn hển, mà hơi thở càng lúc càng khó. Nó kề sát tai bà, vừa mếu máo vừa nói:
- “Mẹ ơi! Con xin lỗi mẹ. Con đã bỏ mẹ đi suốt ngần ấy năm qua! Con để mẹ một mình. Con để mẹ cô đơn với nỗi vắng chồng xa con. Con xin lỗi mẹ vì con không chăm lo học hành mà đâm đầu vào hút chích, chơi bơi, tội lỗi. Con xin lỗi mẹ vì năm xưa con nói con hận mẹ. Mẹ ơi! Mẹ tỉnh lại nhìn con đi mẹ! Mẹ đừng bỏ con đi mà mẹ! Con xin mẹ đó! Mẹ ơi!”
Bà Năm nghe những lấy ấy, cố rướn cặp mắt nhìn con, bà rướn môi cười vì hơi thở rất yếu. Bà đưa tay vuốt mặt Ty, rồi hước lên vài tiếng mà ra đi.
- Ty cùng cha Minh đưa Bà Năm về U Minh. Trong lễ tang, Ty đã khóc rất nhiều. Ty nói chuyện nhiều với cha và nghe cha hướng dẫn. Trong thánh lễ tại nhà tang, cha Minh mời Ty đứng lên nói đôi lời với bà con, nó run run lấy hết can đảm nhìn hang trăm cặp mắt đang đổ dồn về nó.
“Thưa cha Minh, thưa bà con. Con xin lỗi cha và bà con vì thời gian qua đã không sống tốt. Đáng xin lỗi hơn hết là xin lỗi mẹ con và ba con. Vì con đã không sống tròn chữ hiếu mà một người con đáng phải làm. Lâu nay con đi bụi đời, làm côn đồ kiếm sống. Con đã rơi vào con đường tội lỗi, ra tù vô khám biết bao nhiêu lần, giết bao nhiêu mạng người… Và hôm nay, con biết con sai rồi. Nhờ cha Minh, con có dịp gặp mẹ con lần cuối trước khi mẹ qua đời. Con đã xin lỗi mẹ, mẹ mỉm cười với con.
Con xin cha và bà con tha thứ cho con vì những lỗi lầm con đã phạm phải. Con xin cám ơn bà con đã lo cho mẹ con những ngày bà phải cô đơn trong cảnh vắng chồng xa con. Từng lon gạo, miếng đường, con cá… là nhờ sự yêu thương của mọi người. Con cám ơn cha Minh đã lo phần linh hồn cho má con đến cuối đời.
Công ơn mọi người, con xin ghi lòng tạc dạ. Con thành khẩn xin mọi người đón nhận con trong việc trở lại làm con người lương thiện. Xin giúp con trong lúc con hoàn lương. Vì mẹ con, cha Minh và bà con sẽ vui khi thấy con trở lại làm người tốt. Con xin cám ơn!”
Ty cuối đầu sát đất trước cha Minh và bà con trong xóm như lời cám ơn và xin lỗi. Ty lạy quan tài của mẹ như lời cám ơn trước tình thương mà mẹ dành cho nó.
- Sau đám tang mẹ, Ty lãnh nhận bí tích Hòa Giải, xưng thú tội lỗi suốt bấy nhiêu năm đã phạm. Ty lo chăm lại miếng đất sau nhà, lợp lại mái nhà đã dột nát. Bà con thương Ty nên tạo công ăn việc làm, ai có việc gì cần mướn thì thì kêu Ty. Từ dạo hoàn lương, Ty siêng năng, cần cù và sống rất đạo đức. Hay giúp đỡ người khác, từ ông cụ tới đứa bé trong xóm đều quý mến Ty, tặng cho cậu danh hiệu ‘Chú Ty dễ thương’. Nó hạnh phúc vì trước đây người ta đâu bao giờ gọi nó như vậy.
Không những thế, Ty còn chăm chút đời sống thiêng liêng của mình. Sau này Ty cưới chị Sang cùng xã. Hai vợ chồng sốt sắng cả đạo lẫn đời. Ty trở thành một cánh tay đắc lực trong mọi việc giáo xứ dù nặng hay nhẹ. Cậu không hề từ nan hay phàn nàn về bất cứ điều gì. Cậu hay nói với vợ rằng: “Chúa đã cho anh nhiều hơn những gì anh đáng được nhận”.
Ngày giỗ bà Năm tới, vợ chồng Ty xin lễ cầu nguyện cho mẹ. Ra viếng mộ mẹ, anh dắt theo chị Sang và bé Tín – đứa con bụ bẫm của anh chị – ra viếng mẹ. Cầm nén nhang trong tay, cả nhà cúi lạy. Còn Ty nhìn vào khuôn mặt mẹ đang cười, anh cứ đứng đấy thầm thì rồi …khóc!
Little Stream