Ba Ngôi Thiên Chúa theo thánh Gioan

Thánh Gioan được mệnh danh là chim đại bàng. Lý do là Tin mừng của ngài bay bổng với những tư tưởng thâm thúy, cao sâu và là nguồn thần học quan trọng cho mọi thời. Thử lấy một ví dụ ngay từ câu đầu tiên trong Tin mừng của ngài: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” (Ga 1,1). Trong câu này Gioan không chỉ muốn giới thiệu về Chúa Giêsu, như là khởi đầu cho cuốn Tin mừng, nhưng trên hết, ngài còn nối cả Cựu ước về chương trình cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta thử đi vào phân tích, “chẻ đôi câu chữ” để thấy tư tưởng cao sâu của một vị thánh “đại bàng” Gioan.

  1. Chúa Ba Ngôi trong tạo dựng

Các nhà chú giải đều nhìn nhận câu đầu tiên này liên hệ chặt chẽ đến câu đầu tiên trong Kinh thánh Cựu ước. “Lúc khởi đầu (בְּרֵאשִׁ֖ית), Thiên Chúa (Ĕlōhīm) sáng tạo trời đất.” Cả hai câu này, đều không nói rằng Chúa Cha tạo dựng đất trời như chúng ta vẫn hay tuyên xưng: “Chúa Cha là Đấng sáng tạo.”[1] Ngược lại, cả thánh Gioan và tác giả Sáng Thế đều đề cập đến Thiên Chúa: θεόν (Ga 1,1) và אֱלֹהִים (St 1,1). Nếu hiểu theo niềm tin Do Thái Giáo và Kitô giáo, Thiên Chúa ở đây chỉ có một. “Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.” (Đnl 6,4-5). Vấn nạn đặt ra cho thời đại chúng ta là một Thiên Chúa, nhưng Ngài có ba ngôi vị. Hoặc phải nói đúng hơn: “Thiên Chúa là ba ngôi vị chứ không phải Thiên Chúa có ba ngôi.” (Youcat 35). Ngôi vị nghĩa là khuôn mặt, hoặc sau này các giáo phụ hiểu như là “Hữu Thể-Being”. Theo ngôn ngữ Kitô giáo, Ngôi Vị (Persona) ở đây chỉ: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tuy ba Ngôi Vị, nhưng chỉ là một Thiên Chúa. Chúng ta gọi là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.  

Phải nói rằng Cựu ước không chú trọng nhiều đến Thiên Chúa Ba Ngôi. Có lẽ một lần hiếm hoi chúng ta thấy dấu ấn của Chúa Ba Ngôi là ở chương thứ nhất của sách Sáng Thế. Sau khi tạo dựng mọi thứ, Thiên Chúa bắt đầu sáng tạo con người. Đây là nguyên văn cuộc nói chuyện giữa Ba Ngôi Vị Thiên Chúa: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta.” (St 1,26). Thiên Chúa (אֱלֹהִים) chia động từ số nhiều (Let us make-נַֽעֲשֶׂ֥ה) để nói về việc tạo dựng con người. Số nhiều chúng ta hiểu ở đây là bao gồm Cha, Con và Thánh Thần.

Có những người cho rằng Thiên Chúa bàn bạc với triều đình thiên quốc. Lý do này không thuyết phục lắm, bởi họ không thể làm ra con người được. Ngược lại, chỉ có Ba Ngôi bàn bạc và suy nghĩ kỹ lưỡng để tạo dựng nên một loài thụ tạo lớn lao nhất trong công trình sáng tạo. Ba Ngôi được diễn tả chi tiết hơn trong cụ từ “Thần Khí” (St 1,1) và nhất là trong Tin mừng Gioan: Logos-Ngôi Lời (Chúa Con), và Thiên Chúa được hiểu như là Chúa Cha. Ngôi Hai đã tồn tại ngay từ đầu ở trong Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Nói theo ngôn ngữ của Gioan, Thiên Chúa dùng Ngôi Lời để tạo dựng môn loài. Ngôi Lời còn là sự sống, giống như Thần Khí. Hôm nay, Ngôi Lời trở nên người phàm và ở giữa chúng ta. Chính nhờ Ngôi Lời mà chúng ta hiểu hơn về Thiên Chúa Ba Ngôi.

  1. Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha

Trong Cựu ước, dân chỉ cầu nguyện với Thiên Chúa Giavê (YHWH- יהוה). Dĩ nhiên là họ không được phép gọi Danh Xưng cực thánh này. Tuy nhiên, người Do Thái lại thấy Đức Giêsu cầu nguyện, và gọi Thiên Chúa là Cha: Abba. Hơn nữa, Đức Giêsu còn tự nhận mình đến từ Chúa Cha, nghĩa là đến từ Thiên Chúa. Chỉ có Đấng Mêsia, Đấng được xức dầu mới đến từ Thiên Chúa với sứ mạng giải thoát dân. Hiểu theo nghĩa này, thánh Gioan có lý khi dùng giới từ chỉ thời gian: “ἀρχῇ-lúc khởi đầu”. Không chỉ Đức Giêsu xuống thế làm người mới tồn tại, nhưng Ngài đã có ngay từ đầu và ở bên Chúa Cha. Thiên Chúa (cả Đức Giêsu) là đầu và là cuối (Ego sum Alpha et Omega, Principium et Finis, Primus et Ultimus). Trong thân phận con người, Đức Giêsu vẫn hướng về Nguồn Gốc của mình để cầu nguyện với Chúa Cha.

Ở đây có một thách đố rất lớn: Tại sao là một Thiên Chúa nhưng có ba Ngôi vị độc lập? Cha dĩ nhiên không phải là Con, và càng không phải là Thánh Thần. Ba Ngôi Vị ngang bằng và hòa quyện vào nhau. Chỉ có sự tách biệt này chúng ta mới hiểu được Đức Giêsu luôn cầu nguyện với Chúa Cha. Ngài hướng về trời cao để lắng nghe Cha, để chu toàn sứ mạng Cha trao.

Tiếng Việt dịch giới từ “the Word was with God”, “hướng về”. Thánh Gioan dùng giới từ “πρὸς-ở với, ở bên, hướng về, hiện diện cùng”. Giới từ này nói lên tương quan giữa hai Ngôi vị và do đó mang tính cách riêng biệt. Hoặc nói như nhà thần học John Chrysostom: “Ngôi Lời không phải ở trong Chúa mà ở với Chúa, với tư cách là ngôi vị với ngôi vị, một cách vĩnh viễn.”[2] Hiểu theo nghĩa này, Đức Giêsu “nhớ về Chúa Cha” và hướng về Cha để nguyện cầu.

Một ghi chú ở đây về vai trò của Chúa Thánh Thần: nối kết giữa Cha và Con. Theo ngôn ngữ của Tín Điều, Chúa Thánh Thần là tình yêu, vốn nối kết, thu hút Cha và Con. Nhờ Ngôi vị thứ Ba này và nhờ Đức Kitô Ngôi Lời nhập thể mà chúng ta “có thể đạt tới Chúa Cha và được tham dự vào bản tính Thiên Chúa.” (Công đồng Vatican II, Dei Verbum). Trước đó thánh Augustinô đã đề cập đến điều này: “Khi nói đến tình yêu là nói đến Thiên Chúa ba ngôi, một ngôi yêu (Chúa Thánh Thần), một ngôi được yêu (Chúa Con) và một ngôi là nguồn mạch của tình yêu (Chúa Cha).”  

Chúng ta chuyển đến vế cuối: “Và Ngôi Lời là Thiên Chúa-καὶ θεὸς ἦν ὁ λόγος”. Khi chú giải câu này, nhà thần học người Anh, Henry Alford chỉ ra điều thú vị, khi cho rằng thánh Gioan dùng trật tự cú pháp rất chính xác: Ngôi Lời là Thiên Chúa-the Word was God”, chứ không phải Thiên Chúa là Ngôi Lời! Thiên Chúa là Ba Ngôi Vị, gồm cả Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Còn Ngôi Lời là Chúa Con, và Chúa Con cũng là Thiên Chúa ngay từ đầu. Khi phân tích ngữ pháp này, chúng ta thấy được sự sắc sảo và tinh ý của thánh Gioan, nhằm giúp độc giả nhận biết sự thật về Thiên Chúa, về Ba Ngôi Vị.

Thực ra khi chú giải câu Ga 1,1, đã có những lạc giáo khi diễn tả căn tính của Ngôi Hai. Chẳng hạn Thuyết độc nhất thần vị (monarchianism) tin rằng chỉ có Một Chúa; vì vậy, Đức Giêsu không thể là Thiên Chúa được: “Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa mà chỉ là con Thiên Chúa.”[3] Hoặc theo lạc giáo cực đoan hơn, Arius (256 – 336): “chỉ có một Thiên Chúa, Đấng không được sinh ra, nghĩa là Thiên Chúa là đầu và là cuối, là vĩnh hằng”. Arius vẫn công nhận “Đấng sinh Con Một từ trước muôn đời. Nhưng Người Con Một này không được gán cho những phẩm tính của Thiên Chúa mà bị hạ thấp xuống cấp độ thụ tạo.”[4] Sau này, chính Luther Matin cũng phủ nhận lạc giáo này của Arius, khi cho rằng: “Ngôi Lời là Thiên Chúa, chứ không chỉ đơn thuần là Ngôi Lời ở với Thiên Chúa.”  

Như thế, Gioan đã dùng hai cụm từ: “ở với” và “là Thiên Chúa”, để bổ túc cho nhau, khi nói về Ngôi Lời. Từ đây Ngôi Lời bắt đầu thực hiện sứ mạng của Chúa Cha. Ngài đã rao giảng, làm nhiều dấu lạ, và sau cùng là chịu chết và đã phục sinh.

  1. Hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa

Lễ Chúa Ba Ngôi năm nay (A), Giáo hội chọn Tin mừng Gioan, đoạn đối thoại giữa Chúa Giêsu và Nicôđêmô để nói về Thiên Chúa Ba Ngôi (Ga 3,16-18). Trong đoạn này chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh hoặc tư tưởng mà thánh Gioan đề cập ngay từ đầu.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Thánh Gioan dùng động từ ở thì quá khứ, ἔδωκεν – trao ban, gửi đến. Thiên Chúa đã gửi chính Con Một của Ngài đến với con người. Chúng ta có thể hiểu Thiên Chúa ở đây chính là Chúa Cha. Chúa Cha chúng ta không biết và cũng không thể vươn tới. Tuy nhiên, nhờ Chúa Con, chúng ta làm được điều này. Nói theo ngôn ngữ của thần học gia Tin Lành, James Montgomery Boice: “Mọi điều có thể nói về Chúa Cha đều có thể nói về Chúa Con. Trong Chúa Giêsu ngự trị tất cả sự khôn ngoan, vinh quang, quyền năng, tình yêu, thánh thiện, công bằng, tốt lành và chân lý của Chúa Cha. Nơi Ngài, chúng ta có thể biết Chúa Cha.”

Trong lần gặp Nicôđêmô, Đức Giêsu mời gọi ông và mỗi người chúng ta cần được tái sinh, nghĩa là cần Thần Khí, cần Chúa Thánh Thần. Chính Ngôi Thứ Ba này giúp chúng ta đến được với Chúa Giêsu và Chúa Cha. Theo ngôn ngữ quen dùng, Chúa Thánh Thần thánh hóa mỗi người chúng ta. Hoặc theo ngôn từ Tin mừng thánh Gioan: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,25-26). Ngài cũng là Thần Khí đã có ngay từ đầu, và cũng là Thiên Chúa. Nói cách khác, chúng ta đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần. Chính Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta đến sự thật toàn vẹn. “Những kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.” (Ga 3,21).

Hẳn nhiên trong thời đại Thánh Thần, chúng ta ít để ý đến khía cạnh sáng tạo vốn liên hệ đến Chúa Cha. Tuy nhiên, nếu hiểu chúng ta là một dân mới, dân được gội rửa bởi Thần Khí, thì đó chẳng phải là công trình tạo dựng của Chúa Cha sao? Chính xác hơn, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo viết: “Tuy công trình sáng tạo được coi là của Chúa Cha, nhưng chân lý đức tin cũng dạy: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là nguyên lý duy nhất và không thể phân chia được của công trình sáng tạo.” ( GLHTCG số 316).

Chúng ta cần khiêm tốn nhìn nhận rằng Thiên Chúa Ba ngôi là một mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của trí khôn ta. Tạ ơn Chúa vì những thánh sử đã viết lại những lời dạy của Chúa Giêsu Kitô. Nhờ đó, chúng ta hiểu hơn về Chúa Ba Ngôi. Chẳng hạn thánh sử Gioan cho thấy Nhờ Chúa Giêsu soi sáng, ta có thể thấy những dấu vết của Thiên Chúa Ba Ngôi ngay trong Cựu ước (chẳng hạn St1,2; 18,2; 2S 23,2) và ngay cả trong vạn vật.

Tắt một lời. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần hoạt động cách liên lỉ. Mỗi khi ta để cho Thiên Chúa Ba Ngôi hành động trong ta, tình yêu ta lớn lên, ta cũng được thánh hóa và chữa lành.

Tạm kết

Chúng ta tuyên xưng Chúa Ba Ngôi mỗi ngày, ít là khi làm dấu thánh giá. Trong ngày lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta có nhiều thời gian hơn để chiêm ngắm các Ngài. Tuy còn nhiều tranh cãi và khó hiểu về mầu nhiệm này, nhưng với lòng khiêm tốn, ước gì mỗi người để Thiên Chúa Ba Ngôi ngự vào tâm hồn mình. Đừng quên: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống người Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, là cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin, và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo phẩm trật các chân lý đức tin.”[5]

Có Chúa Cha, chúng ta được tạo dựng và chăm sóc; có Chúa Con, chúng ta được cứu độ và sống lại; có Chúa Thánh Thần, chúng ta được thánh hóa và sống bình an. Hoặc nói như thánh Goan: “ Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy.” (Ga 16,13-15).

Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

………………………

[1] „Tất cả mọi người tuyên xưng đức tin của Hội Thánh đều là khai triển đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, bắt đầu luôn luôn là tuyên xưng Chúa Cha, Đấng tạo thành trời đất và duy trì cho nó sống. Rồi tiếp theo là Chúa Con, Đấng đã đem sự giải thoát cho thế giới và cho mỗi người chúng ta. Cuối cùng là Chúa Thánh Thần, Đấng là sự hiện diện của Thiên Chúa trong Hội Thánh và trong thế giới.” (Youcat 27).

[2] X. https://enduringword.com/bible-commentary/john-1/

[3] X. Phan Tấn Thành, Về nguồn – tập 3, Chân lý, 1999, tr. 234.

[4] Jean Galot, Who is Christ ?, Gregorian University Press, 1980, tr. 227.

[5] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 234

Kiểm tra tương tự

Bản Tin “Tạo Tác Mến Yêu” số 71

Sách Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …