Bài giảng của ĐTC trong đêm lễ Vọng Giáng Sinh

santa martaVATICAN. “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Is 9,1). “Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng.” (Lc 2,9). Phụng vụ của đêm Giáng Sinh thánh này đã trình bày cho chúng ta việc sinh hạ của Đấng Cứu Thế: như ánh sáng tràn ngập và xua tan bóng tối dày đặc nhất. Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người đã trút bỏ đi gánh nặng của thất bại và nỗi u buồn của kiếp nô lệ, thắp lên niềm vui và sự hoan lạc.” – Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở đầu bài giảng của mình trong thánh lễ Đêm Noel do ngài chủ tế tại Đền thờ Thánh Phêrô tối 24 vừa qua.

Ngài nói rằng trong đêm hồng phúc này, chúng ta cũng đến nhà Chúa xuyên qua bóng tối đang phủ khắp mặt đất, nhưng “chúng ta được ánh lửa đức tin dẫn đường, ánh lửa ấy soi chiếu từng bước chân của chúng ta và chúng ta cũng được niềm hy vọng thúc bách đi tìm một “ánh sáng lớn hơn”. Mở lòng mình ra, chúng ta có thể chiêm ngắm phép lạ của Hài Nhi-Vầng Dương tỏa sáng tận chân trời bừng dậy từ trên cao này.”

Tiếp đến, ĐTC đã nhắc lại những bóng tối đã và đang tràn ngập trên thế giới này. Đêm tối ấy cũng đã được Kinh Thánh nói đến trong trình thuật của hai an hem Cain và Aben trong sách Sáng Thế.

“Chúng ta hãy nhớ lại khoảnh khắc đen tối khi mà tội lỗi đầu tiên của con người được thực thi, lúc tay của Cain, vì lòng ganh tị, đã giết chết em mình là Aben (x. St 4,8). Như thế, các thế kỷ trôi qua bị đánh dấu bởi bạo lực, chiến tranh, hận thù, áp bức.”

Ngược lại với bao điều tồi tệ mà con người tự gây ra cho nhau, Thiên Chúa vẫn một lòng yêu thương và trung tín đến tận cùng. Đức Thánh Cha nói:

“Nhưng Thiên Chúa, Đấng đã đáp lại những mong đợi của con người – loài đã được dựng nên giống Ngài và theo hình ảnh của Ngài – vẫn luôn chờ đợi. Ngài đã mòn mỏi chờ đợi rất lâu rằng biết đâu, vào một khoảnh khắc nào đó, con người sẽ từ bỏ lối sống này. Dù con người có không từ bỏ, Người cũng không thể chối bỏ chính mình (x. 2Tm 2,13). Vì thế, Người vẫn tiếp tục chờ đợi với sự kiên nhẫn trước những thối nát của con người và các dân tộc. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, thật khó để hiểu mầu nhiệm này. Suốt dòng lịch sử dài, ánh sáng xé tan đêm tối đã mặc khải cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Cha và lòng trung tín của Người mạnh mẽ hơn bóng tối và sự thối nát. Thiên Chúa không hề biết giận và mất kiên nhẫn. Thiên Chúa luôn luôn như thế, hệt như người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng đợi con mình và thấy con mình từ đàng xa trở về.”

Nguồn ánh sáng huy hoàng mà tiên tri Isaia nói đến chính là Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể năm xưa.

“Lời tiên tri của Isaia loan báo sự bừng lên của một luồng ánh sáng mạnh mẽ xua tan đêm tối. Người sinh ra ở Bê-lem và được vòng tay yêu thương của Maria, tâm tình của Giuse và sự ngạc nhiên của các mục đồng đón nhận. Khi các Thiên Sứ báo tin chào đời của Đấng Cứu Thế cho các mục đồng, các ngài đã nói với họ rằng: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). “Dấu chỉ” là sự khiêm nhường đi đến tận cùng của Thiên Chúa, là tình yêu mà với tình yêu này, trong đêm đó, Người đã nhận lấy sự mỏng manh của chúng ta, đau khổ của chúng ta, khắc khoải của chúng ta, khao khát của chúng ta và giới hạn của chúng ta. Thông điệp mà tất cả đang chờ đợi, điều mà tất cả đang tìm kiếm trong sâu thẳm của linh hồn mình, không là cái gì khác ngoài sự âu yếm của Thiên Chúa: Thiên Chúa, Đấng nhìn đến chúng ta bằng ánh mắt đầy thương cảm, Đấng đón nhận những đau khổ của chúng ta, Thiên Chúa yêu mến sự nhỏ bé của chúng ta.”

Tiếp đến, ĐTC mời gọi mọi người hãy nhìn lại bản thân mình, nhìn lại thái độ mình có đối với Chúa.

“Trong đêm thánh này, khi chúng ta chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu vừa được sinh ra và đặt nằm trong máng cỏ, chúng ta được mời gọi để suy tư phản tỉnh. Chúng ta đã đón nhận sự âu yếm của Thiên Chúa như thế nào? Tôi có để Người đến với mình không, có thể Người ôm lấy mình không, hay tôi ngăn cản Người đến với mình? Chúng ta có thể tranh luận lại là “nhưng tôi tìm kiếm Chúa mà” – Nhưng, điều quan trọng nhất không phải là tìm kiếm Người, nhưng là để cho Người tìm kiếm tôi và chăm sóc cho tôi bằng tình yêu thương. Đây là câu hỏi mà Hài Nhi gửi đến cho chúng ta qua sự hiện diện độc nhất của Người: tôi có để cho Thiên Chúa yêu thương tôi không?

Chúng ta có can đảm để đón nhận với sự âu yếm những hoàn cảnh khó khăn và những vấn đề của những ai ở bên cạnh chúng ta không? Hay chúng ta chỉ thích những giải pháp vô nhân, tuy là hữu ích nhưng không có hơi ấm của Tin Mừng? Thế giới ngày nay đang cần sự âu yếm biết bao nhiêu! …”

ĐTC kết thúc bài giảng của mình như sau:

“Anh chị em thân mến, trong đêm thánh này, chúng ta chiêm ngắn hang đá: nơi đó, “dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (Lc 9,1). Người ta thấy nơi đó một dân đơn sơ, sẵn sàng đón nhận ơn Chúa. Ngược lại, người ta cũng thấy nơi đó những người kiêu ngạo, tự cao, những người thiết định lề luật theo những tiêu chí cá nhân, những người có thái độ đóng kín. Hãy nhìn hang đá và cầu nguyện, cầu xin Đức Trinh Nữ Maria: “Ôi lạy Mẹ Maria, hãy tỏ cho chúng con thấy Đức Giêsu’”

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

Kiểm tra tương tự

ĐTC Phanxicô: Căn tính và sứ mạng của Đại học Urbaniana là loan báo Tin Mừng

Sáng 30/8/2024, gặp gỡ các tham dự viên Đại hội ngoại thường của Bộ Loan …

Ơn Toàn Xá nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư

Nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư – 28/7/2024, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *