Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Năm Thánh ngày dành cho các linh mục

PopeFrancis-03Jun2016-12Việc cử hành Thánh Lễ trong Năm Thánh, ngày dành cho các linh mục, đúng vào dịp Lễ Trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, mời gọi tất cả chúng ta trở về tâm điểm, cội rễ sâu xa và nền tảng nhất của mỗi người, tâm điểm của đời sống tình cảm, và nói ngắn gọn, là cốt lõi thiết yếu của từng người. Hôm nay, chúng ta chiêm ngắm hai trái tim: trái tim của Mục Tử Nhân Lành và trái tim của mỗi chúng ta là những linh mục.

Trái tim của Mục Tử Nhân Lành không chỉ cho chúng ta thấy lòng thương xót, mà trái tim ấy chính là lòng thương xót. Có tình yêu mến của người Cha đang tỏa sáng; nơi đó tôi được chào đón, được thấu hiểu như chính bản thân tôi; nơi đó, với tất cả tội lỗi và giới hạn của tôi, tôi biết chắc rằng tôi được chọn và được yêu mến. Chiêm ngắm trái tim này, tôi làm mới lại tình yêu ban đầu của tôi: tôi nhớ về lúc mà Chúa đụng chạm tâm hồn tôi và mời gọi tôi bước theo Người, tôi nhớ niềm vui thả lưới cuộc đời chúng tôi trên biển lời của Người (x. Lc 5:5).

Trái tim của Mục Tử Nhân Lành nói cho chúng ta rằng, tình yêu của Người là vô bờ bến; tình yêu ấy không bao giờ khô cạn, không bao giờ bỏ cuộc. Nơi đó chúng ta thấy sự tự hiến vô hạn vô biên của Người; nơi đó chúng ta tìm thấy nguồn mạch của tình yêu dịu hiền và tin tưởng, tình yêu ấy thiết lập sự tự do và làm cho tha nhân được tự do; nơi đó chúng ta không ngừng khám phá ra sự mới mẻ của tình yêu mà Chúa Giêsu yêu mến chúng ta “thậm chí là đến cùng” (Ga 13:1), một tình yêu không bao giờ áp đặt.

Trái tim của Mục Tử Nhân Lành vươn tới chúng ta, trên hết là tới những ai ở xa nhất. Kim chỉ nam trong la bàn tình yêu mến của Người cho chúng ta thấy “điểm yếu” của tình yêu ấy, là khát mong ôm lấy tất cả và không muốn mất một ai.

Khi chiêm ngắm Trái Tim Chúa Kitô, chúng ta đối diện với câu hỏi căn bản của đời linh mục: Trái tim tôi quy hướng về đâu? Sứ vụ của chúng ta thường là đầy những kế hoạch, những dự án, những hoạt động: từ việc dạy giáo lý tới phụng vụ, tới công việc bác ái, những dấn thân tông đồ và quản trị. Giữa tất cả những điều ấy, chúng ta phải tự hỏi chính mình: Lòng trí của tôi đặt trên điều gì, trái tim tôi quy hướng về đâu, điều gì là kho tàng mà cõi lòng tôi đang kiếm tìm? Vì như Chúa Giêsu đã nói: “Kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em sẽ ở đó” (Mt 6:21).

Sự phong phú tuyệt vời của Thánh Tâm Chúa Giêsu là hai: Chúa Cha và chính chúng ta. Những ngày sống của Người được đan kết giữa việc cầu nguyện với Chúa Cha và gặp gỡ con người. Thế nên, trái tim của các linh mục của Chúa Kitô cũng chỉ có hai định hướng: Chúa và dân của Chúa. Trái tim người linh mục là trái tim bị xuyên thủng bởi tình yêu của Chúa. Vì lý do này, linh mục không còn tìm kiếm chính mình, nhưng quy hướng về Thiên Chúa và anh chị em. Trái tim ấy không còn là “trái tim dao động”, bị cám dỗ bởi những ý thích nhất thời, xa tránh những bất đồng hoặc tìm kiếm những thỏa mãn nhỏ nhen. Hơn thế, trái tim ấy cần bám rễ vững chắc trong Chúa, được sưởi ấm bởi Thánh Thần, mở ra và sẵn lòng với các anh chị em của chúng ta.

Để giúp trái tim của chúng ta bừng cháy lòng mến của Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, chúng ta có thể huấn luyện trái tim mình bằng cách làm ba điều được gợi ý trong các bài đọc Sách Thánh ngày hôm nay: tìm kiếm, quy tụ, mừng vui.

Tìm kiếm

Ngôn sứ Ezekiel nhắc chúng ta nhớ rằng, chính Thiên Chúa đi tìm chiên của Ngài (Ed 34:11.16). Tin Mừng cũng nói, Ngài “đi tìm con chiên bị lạc” (Lc 15:4), mà không e ngại những rủi ro. Không chậm trễ, Ngài rời bỏ đồng cỏ và những công việc thường ngày. Ngài không ngừng tìm kiếm. Ngài không nghĩ “Tôi đã làm đủ cho ngày hôm nay; tôi sẽ lo lắng điều ấy vào ngày mai”. Thay vào đó, Ngài ngay lập tức kiếm tìm; trái tim Ngài không yên cho tới khi Ngài tìm thấy con chiên lạc. Khi tìm thấy con chiên ấy, Ngài quên hết mệt mỏi và hài lòng vác con chiên lên vai.

Đó là một trái tim kiếm tìm. Một trái tim không coi thời gian và không gian là riêng tư, không khư khư giữ lấy thời gian yên tĩnh của mình, và không bao giờ đòi hỏi… Người mục tử với trái tim của Thiên Chúa, không bảo vệ vùng trời dễ chịu của riêng mình; không lo bảo vệ danh tiếng của mình, nhưng hơn thế, không sợ bị phê bình, người mục tử sẵn lòng mang lấy những bấp bênh mạo hiểm khi tìm cách theo gương Chúa của mình.

Người mục tử với trái tim của Thiên Chúa có trái tim hoàn toàn tự do, để đặt sang một bên những bận tâm của riêng mình. Người mục tử không sống theo kiểu tính toán những mục tiêu đạt được, hoặc thời lượng làm việc là bao lâu: người mục tử không phải là kế toán của Thần Khí, nhưng là người Samari Nhân Hậu luôn tìm kiếm những ai đang cần. Đối với đàn chiên, anh là mục tử, chứ không phải là thanh tra, và anh dấn thân chính mình cho sứ mạng không phải là 50 hay 60 phần trăm, nhưng là với tất cả những gì anh có. Khi tìm, anh thấy, và anh thấy vì anh mang lấy những bấp bênh. Anh không nản lòng trước thất vọng và không bị khuất phục trước mệt mỏi. Thay vào đó, anh kiên định làm việc thiện, được sức dầu với sự vững mạnh của Thiên Chúa để không làm lu mờ ánh sáng của bất kì ai. Anh không chỉ giữ cho cánh cửa của mình luôn mở, mà anh còn đi ra để kiếm tìm những ai không còn tha thiết bước vào cánh cửa. Như một Kitô hữu tốt, và như một gương mẫu cho các Kitô hữu, người mục tử liên tục phải ra khỏi chính mình. Tâm điểm của trái tim anh là ở ngoài anh. Người mục tử không được phác họa bởi chính cái “Tôi” nữa, mà trở thành “Bạn” của Thiên Chúa và thành “Chúng ta” với anh chị em. 

Quy tụ

Chúa Kitô yêu mến và thấu biết đàn chiên. Người trao tặng chính sự sống của Người cho đàn chiên, và không ai xa lạ với Người (Ga 10:11-14). Đàn chiên của Người là gia đình và là cuộc sống của Người. Người không phải là ông chủ đáng sợ đối với đàn chiên, nhưng là mục tử đi sát bên đàn chiên và gọi tên từng con chiên (Ga 10:3-4). Người muốn quy tụ đàn chiên, quy tụ những con chiên chưa thuộc đàn của Người (Ga 10:16).

Điều ấy cũng đúng cho các linh mục của Chúa Kitô. Người linh mục được sức dầu vì đàn chiên, không phải vì chọn lựa dự phóng của cá nhân, nhưng để gần gũi với những ai mà Thiên Chúa ủy thác cho người linh mục. Không ai bị loại trừ khỏi trái tim của người linh mục, khỏi lời cầu nguyện hoặc nụ cười của người linh mục. Với ánh mắt và trái tim đầy yêu thương của người cha, người linh mục chào đón và tiếp nhận mọi người, và nếu có lúc vị linh mục phải sửa lỗi ai đó, thì đó là lúc làm cho mọi người gắn kết nhau hơn. Vị linh mục không đứng ngoài cuộc với bất kỳ ai, nhưng luôn sẵn lòng để cho tay mình bị dơ bẩn. Như là thừa tác viên của sự hiệp thông, người linh mục cử hành và sống điều ấy, người linh mục không chờ đợi lời chào hỏi và khen ngợi từ người khác, nhưng là người trước tiên tiếp cận mọi người, đồng thời từ chối nói xấu, từ chối xét đoán và ác ý. Người linh mục kiên nhẫn lắng nghe các vấn đề của dân Chúa và đồng hành với họ, gieo rắc sự tha thứ của Thiên Chúa với lòng trắc ẩn quảng đại. Người không trách mắng những ai lang thang lạc lối, nhưng luôn sẵn lòng đưa họ trở về và giải tỏa những khó khăn bất đồng.  

Mừng vui

Thiên Chúa “đầy mừng vui” (Lc 15:5). Niềm vui của Thiên Chúa nảy sinh từ sự tha thứ, từ sức sống được hồi sinh và đổi mới, từ những người con hoang đàng một lần nữa được hít thở bầu không khí dịu ngọt của mái ấm gia đình. Sự mừng vui của Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành không phải là niềm vui chỉ cho mình Người, nhưng là niềm vui cho tha nhân và với tha nhân, niềm vui đích thực của tình yêu.

Đây cũng là sự mừng vui của người linh mục. Người linh mục được biến đổi nhờ lòng thương xót mà chính họ trao tặng cách nhưng không. Trong cầu nguyện, người linh mục khám phá ra sự an ủi của Thiên Chúa, và nhận ra rằng, không có gì mạnh cho bằng tình yêu của Thiên Chúa. Do đó, người linh mục kinh nghiệm được bình an nội tâm, và thật là hạnh phúc để chuyển trao lòng thương xót, để đem mọi người tới gần Trái tim của Thiên Chúa hơn. Sự buồn bã không phải là quy luật chi phối người linh mục, mà đó chỉ là một bước trên con đường; sự khó khăn vất vả không xa lạ với người linh mục, bởi vì người linh mục là mục tử với Trái tim dịu hiền của Thiên Chúa.

Các con là những linh mục thân mến, khi cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta từng ngày tái khám phá căn tính mục tử của chúng ta. Trong mỗi Thánh Lễ, cầu chúc cho chúng ta thực sự thực hiện những lời của chính Chúa Kitô: “Này là mình Thầy, hiến tế vì anh em”.

Đây là ý nghĩa của đời chúng ta; với những lời này, theo lối đích thực, chúng ta làm mới lại hàng ngày lời thề hứa mà chúng ta đã đoan nguyện trong ngày chịu chức linh mục. Cha cám ơn tất cả các con vì đã nói “xin vâng” khi dâng hiến cuộc đời các con trong sự hiệp nhất với Chúa Giêsu: vì trong Người, chúng ta tìm thấy nguồn vui tinh tuyền của chúng ta.

Chuyển ngữ: Tứ Quyết, SJ
Nguồn tin: romereports, 03-06-2016

Kiểm tra tương tự

ĐTC Phanxicô: Căn tính và sứ mạng của Đại học Urbaniana là loan báo Tin Mừng

Sáng 30/8/2024, gặp gỡ các tham dự viên Đại hội ngoại thường của Bộ Loan …

Ơn Toàn Xá nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư

Nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư – 28/7/2024, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *