Bài tập Mùa Chay – Bài 27: Bị tuyên án

Bài tập 27:

Bị tuyên án

 

ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi, 

còn tôi, tôi không cưỡng lại, 

cũng chẳng tháo lui.

Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, 

giơ má cho người ta giật râu. 

Tôi đã không che mặt 

khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.

Có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi, 

vì thế, tôi đã không hổ thẹn, 

vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. 

Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.

Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. 

Ai tranh tụng với tôi? 

Cùng nhau ta hầu tòa! 

Ai muốn kiện cáo tôi? 

Cứ thử đến đây coi!

– I-sai-a 50:5–8

 

Viktor Frankl, một nhà tâm thần học nổi tiếng đã sống sót sau trại tập trung, đã nhận định trong cuốn sách quan trọng của ông Man’s Search for Meaning (tạm dịch: “Đi tìm ý nghĩa cuộc đời”) rằng chỉ những ai có lý do để kiên trì trong trải nghiệm kinh hoàng tại các trại tập trung mới có thể sống sót; còn những ai đánh mất hy vọng thì nhanh chóng gục ngã. Trích lời triết gia Nietzsche, Frankl tin rằng “Ai có ‘lý do’ để sống thì có thể chịu đựng được hầu như bất kỳ ‘cách thức sống’ nào”. Đối với Frankl, sự hy sinh trở nên có thể chịu đựng được khi nó mang ý nghĩa.

 

Các tác giả Tin Mừng khắc họa Chúa Giêsu đối diện với đau khổ của mình một cách kiên quyết – không chối bỏ thực tại đau khổ, nhưng chọn bước vào đó với “khuôn mặt chai như đá”. Cả bốn sách Tin Mừng đều dùng lời Thánh Vịnh 22, được mô tả là “bài ca của người bị Thiên Chúa bỏ rơi” hoặc “lời cầu nguyện của người vô tội”. Cả bốn tác giả Tin Mừng cũng mượn ngôn ngữ và hình ảnh Người Tôi Trung đau khổ của Thiên Chúa, được tìm thấy trong sách I-sai-a, bao gồm cả đoạn trích trên. Các tác giả Tin Mừng mô tả Chúa Giêsu là Đấng hoàn tất những gì Isaia loan báo – giữa cuộc lưu đày của Israel tại Babylon, một người được Thiên Chúa gọi “để tái lập các chi họ Gia-cóp và dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về” (I-sai-a 49:6) ngõ hầu ơn cứu độ của Thiên Chúa lan tỏa đến tận cùng cõi đất. Chúa Giêsu trung tín cho đến chết.

 

Nhớ lại cách Chúa Giêsu đối mặt với cái chết, sau này Thánh Phaolô cũng viết rằng chính ngài cũng xem những đau khổ mình chịu chẳng là gì.

 

“Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” Thư gửi tín hữu Rô-ma 8:38 – 39

 

Noi gương Chúa Giêsu và dựa trên hiểu biết của Thánh Phaolô về ý nghĩa lễ hy sinh của Người, lời cầu nguyện của chúng ta là sống trung tín với Thiên Chúa – Đấng yêu thương chúng ta, với tâm hồn luôn sẵn sàng bước theo tiếng gọi của Ngài, không sợ hãi trước những hệ quả của lời kêu gọi ấy.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa thấu suốt những nỗi sợ của con và chính Ngài cũng biết thế nào là sợ hãi khi đối diện với đau khổ. Xin sai Thánh Thần – Đấng ủi an ngự trên con, để con cũng có thể đối diện với nỗi sợ của mình bằng sự kiên quyết, biết rằng con chỉ khát khao thực thi điều Chúa muốn.

Xin ban cho con ân sủng của Chúa, khi con cảm nhận được sự hiện diện của Chúa, và khi con phải bước đi trong mù tối, chỉ nhờ vào niềm hy vọng rằng những gì con đang làm là điều đẹp ý Ngài.

Hành động

Hãy xác định một mục tiêu trong đời mà bạn đã để nó nằm im trên danh sách “việc cần làm” suốt thời gian qua – có thể vì sợ hãi, do dự, hay một lý do nào đó khiến bạn luôn né tránh. Hôm nay, hãy can đảm đối diện với nó. Hãy quyết tâm thực hiện. Đừng chần chừ, hãy làm điều đó ngay hôm nay.

 

The Ignatian Workout for Lent – 40 Days of Prayer, Reflection, and Action

Phần III: Exercise 27: Resolve

Tác giả: Tim Muldoon

Chuyển ngữ: Thục Đoan | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên

Kiểm tra tương tự

Sách “Cửa Luôn Rộng Mở” – Bạn Đồng hành trên hành trình Năm Thánh 2025

  Nhằm khuyến khích và hỗ trợ các bạn trẻ trong những chuyến hành hương …

Bài tập Mùa Chay – Bài 28: Chịu đội mão gai

Bài tập 28 Chịu đội mão gai   Bấy giờ, lính của tổng trấn đem …