MM Tân, S.J.
Đặt chân trên vùng đất mới đã mấy năm, không phải để đất thử người hay người thử đất, mà là để người quen với đất, và cũng thử gieo trồng…chờ đợi, mãi cho tới hôm nay, khi cánh đồng vào xuân, chúng tôi mới bắt tay vào việc với những luống cầy thần thánh vỡ đất đầu tiên trên nhiều mảnh đất khác nhau, hy vọng sau 3 năm cánh đồng sẽ trổ sinh đầy hoa trái.
Vào cánh đồng trước tiên hết cần những người thợ hồn nhiên và nhiệt tình : cần các anh chị em giáo dân xuống ruộng cũng như lên nương, cần các anh chị em tu sĩ trợ lực và nhất là cần các linh mục quản xứ phối hợp vớc cha đặc trách của địa phận để khích lệ và điều động. Tuy nhiên làm gì thì cũng phải vững tay nghề, đặc biệt những người thợ gặt trên cánh đồng của Thiên Chúa, đòi một cung cách thể hiện của con cái Thiên Chúa.
Khóa đào tạo cánh thợ gặt đầu tiên được sách Công Vụ Tông Đồ ghi lại như sau :
“Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng,
luôn luôn hiệp thông với nhau,
siêng năng tham dự lễ bẻ bánh,
và cầu nguyện không không ngừng” (Cv 2,42)
đến khi Hội Thánh tại Giêrusalem phải trải qua cơn bắt bớ dữ dội…mọi người đều phải tản mác về các vùng quê…vậy những người phải tản mác đi khắp nơi loan báo lời Thiên Chúa… và rồi qua mọi cơn bách hại thì “ lời Thiên Chúa Chúa vẫn lan tràn (Cv 12,24).
Khi Tin Mừng được loan báo …thì lời Chúa lan tràn, nhữg người môn đệ của Chúa Giêsu dọc suốt hai ngàn năm qua vẫn phải chuyên cần lắng nghe lời Chúa …cầu nguyện không ngừng, vì thế để khai mở những luống cầy thần thánh trên những vùng đất khác nhau, chúng tôi đã cùng với cha trưởng ban LBTM giáo phận đưa ra một lộ trình, dẫn dắt và khích lệ anh chị em lắng nghe lời Chúa và cầu nguyện :
Mở đầu là 3 ngày với các nữ tu trẻ giáo phận, chú Tám nhiều năm đào luyện các nhóm tác viên Tin Mừng đảm trách 3 ngày này. Trong bóng dáng hiền lành, điềm đạm, nhẹ nhàng, dẫn dắt cặn kẽ, chú Tám đã giúp các nữ tu từng bước tập để có một con tim biết lắng nghe những điều Chúa muốn nói và chờ đợi, để từ đó biết nói với Chúa những điều Chúa muốn nghe, chứ không chỉ gặp Chúa là nói những điều mình muốn nói và chỉ nghe những điều mình muốn nghe, nhờ vậy anh chị em mới nghiệm ra được nhiều điều lạ lùng khi buông mình bên Chúa, sống kinh nghiệm Chúa ở với mình và từ từ nhận ra chỗ của mình nơi cung lòng Thiên Chúa cũng như kế hoạch thần linh Chúa đã dành sẵn cho cho từng bước đi trong đời.
Tiếp theo là 4 ngày tại một giáo xứ, rồi 4 ngày nữa và 4 ngày nữa, kết thúc là 2 ngày tại giáo xứ thuộc vùng tây nam, tháp tùng và hướng dẫn bà con trong những ngày này là cha Hoàng Dũng, trẻ trung nhưng lại không ồn ào. Thật tuyệt vời, bước đường của năm năm về trước khi đi thực tập đã tạo cho anh một phong cách để hôm nay trở lại gặp toàn những người xa lạ nhưng cứ như thân quen từ thuở nào. Tôi hiểu lòng anh, người môn đệ với những nhịp đập của trái tim được khơi nguồn từ lời hằng sống đã chiếm trọn tâm can : lời Chúa đâu đây, “kinh thánh nói gì, lời Thiên Chúa ở ngay bên, lời ngay trong lòng, ngay trên miệng…” (Rm 10,8) để anh cứ thế mà rao giảng. anh không có được chất giọng như người, nhưng được cái nói dài nói dai mà không dở, một chút hài hước để câu nói nhẹ nhàng làm mọi người cười vui. Thì ra để có được một con tim biết nghe cần sâu lắng, và anh đã có thể tập cho bà con sâu lắng ngay trong giờ học. Vì thế mỗi khi chia tay, ai cũng hết lòng tạ ơn Chúa đã trao ban Lời Hằng sống mà bấy lâu bà con cũng nghe nhưng chẳng được mấy lần chạm vào. Khóa học đã đưa bà con vào cơn khát lời Chúa, nhưng đây mới chỉ là những luống cầy thần thánh vỡ đất, vì thế ai cũng ao ướ gặp lại, vào điểm hẹn lần tới được ấn định băt đầu từ ngày 12 tháng 7 tới ngày 10 tháng 8.
Từ vùng đất thuộc tỉnh Tuyên Quang, tôi ao ướ làm quen với bà con các dân tộc Hmông, Dao, Tày đang sinh sống ở ngoài xa kia, điểm gần nhất là Yên Thịnh, nhưng chưa tìm ra người đưa lối kẻ dẫn đường, hơn nữa thời gian lưu lại chỉ còn 3 ngày, thời tiết lại quá khắc nghiệt với một kẻ không quen giá lạnh, tôi đành phải đi vòng lại Thái Nguyên xin gặp các em sinh viên người Hmông đang theo học tại đây, các em phần nhiều đến từ Yên Bái, nghĩa là chẳng dính gì tới Tuyên Quang, thực tế tôi cũng đã có được hai người người con Hmông thân thiết, nhưng lại ở mãi tận Bắc Kạn. Gặp các em sinh viên sau thánh lễ tối thứ bảy, thời gian không nhiều nhưng đủ để chúng tôi làm quen và hẹn sáng hôm sau kéo nhau lên bản Hích chơi. Gì chứ đi chơi thì khỏi phải nói, các em đồng ý ngay, một đoạn đương chừng 20 cây số, có gì khó khăn đâu, hơn nữa trong nhóm có 2,3 em cũng quen và thường hay lui tới bản Hich rồi.
Tại Hich, trong một ngôi nhà đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của các em trong nhóm, chúng tôi ăn sáng với nhau, rồi kéo nhau vào nhà U Lan ở bản Nùng nấu cơm trưa, cũng một mái nhà quen thuộc, bữa ăn trưa nay không có thịt gà, vì gà mới chích ngừa được mấy ngày. Trong bửa ăn có chị Sía , Hmông ở bản Tèn xuống chơi, và vì thế sau bữa ăn, mọi người kéo nhau lên bản Tèn. Tôi muốn đi theo lắm nhưng trời hôm nay lạnh quá, đành thu mình trong xó buồng, chiều về nghe các em kể là vừa lên đến đỉnh trời, lòng tôi nao nao muốn biết cuộc sống những con người cheo leo trên các dốc đá. Tôi cũng đã thắc mắc hỏi chị Sía là tại sao cứ phải leo cao như thế, đơn giản vì cha mẹ đã ở như thế và con cái cứ thế sống theo.
Hôm sau, một cuộc gặp không hẹn, một nhóm các anh chị Hmong ở bản Tèn xuống nhà chúng tôi chơi, và thế là cánh cửa của vùng đất Hmông bắt đầu mở ra cho tôi, những con người xa mà không lạ, mọi người cười nói giòn giã…
Và hôm sau nữa tôi quyết định lên bản Tèn. Trên đoạn đường 20 cây số thì 4 cây số là dốc cao, xe vào số một mà có khi phải trườn mình về phía trước. Cũng may con đường đang thi công đổ bê tông và vì thế cũng dễ đi, nhưng xuống không quen thì phải dè chừng thắng và số. Đoạn đường 4 cây số với những chùm nhà đây đó cheo leo trên vách núi, và khi lên tới bản để lộ ra một vùng đất rộng lớn hơn, nhưng nhà tới nhà vẫn phải lên lên xuống xuống.
Năm vừa qua khi nhà nước bắt đầu mở đường, nhiều nhà đã thay mái lá cọ bằng tôn phibro và ngôi nhà thờ của anh chị em Tin Lành cũng được xây mới tươm tất. Nhóm Dương Mình cũng có mặt ở đây, chỉ Công Giáo là vẫn vắng bóng. Chúng tôi vào nhà chị Sía, hôm nay chồng chị đi rẫy, còn chị lên quai bị phải ở nhà, gia đình Tin Lành, chồng rất thích học hỏi Thánh Kinh, đã hỏi chúng tôi có sách gì hướng dẫn đọc Thánh Kinh tìm giúp.
Đời sống bà con chủ yếu dựa vào rẫy bắp, mỗi mùa tỉa trên chục ký giống cũng được trên dưới 3 tấn bắp, vừa xay ăn mèng méng, vừa đổi lấy gạo, vì lúa trồng ít lắm. Nhà chị Sía có 2 con trai, khi hỏi muốn có đứa con nữa không, dĩ nhiên là muốn có thêm một bé gái chứ nếu thêm bé trai nữa thì chồng chị nói không đủ đất chia.
Nhìn chung, người Hmông dễ thương, dễ gần và dễ thân….vùng đất lạnh, lạnh lắm, nhưng lòng người thật âm áp, chả bù lại dưới xuôi, vùng đất nóng nhưng vào nhà lắm khi lạnh tanh….
Nói về U Lan, một bà già tuổi khoảng 65, người trông không khỏe lắm nhưng vào việc thì khỏe không ai bằng. Thời xuân trẻ lấy được chàng trai trẻ nhỏ tuổi hơn, tưởng sẽ có chỗ dựa từ đôi vai mạnh mẽ, nhưng con người ấy ít tật nhiều bệnh, chẳng đỡ đần cho bà là bao. Năm 1994 bà bị té dập xương hông và lún cột sống phải nằm suốt hai tháng, lúc này đây bà mới cảm nhận được đôi tay và tấm lòng tận tụy của chồng suốt ngày lo nâng giấc, sao thuốc và đắp thuốc cho vợ, thế nhưng lúc bà bình phục khỏe mạnh thì lại là lúc ông sớm lìa bỏ cõi trần, để lại cho bà 2 đứa con thơ, đứa lớn mới 10 tuổi đầu. Sau những năm tháng còm cõi nuôi con, cho đến một ngày bà cũng có được niềm vui khi đứa con lớn lấy vợ, sau đó sinh cho bà được 2 cháu trai, nhưng niềm vui chưa trọn là mấy vì anh trai lớn đi theo người kinh làm ăn, tiền không thấy, chỉ nhận được mầm bệnh HIV lây cả cho vợ, và đôi vợ chồng anh lớn cuối cùng đã nắm tay nhau về với tổ tiên, để lại cho bà hai bé thơ mới tròn ba và năm tuổi
…và cách đây 3 năm, nhà bà xuất hiện một cô gái người kinh, người đi vỡ đất, sau những ngày qua lại thân thiết, quí mến nhau như mẹ con, vì nhà mẹ không có con gái, còn chị, người con gái trên bước đường của Tin Mừng, đã gặp được vòng tay mẹ, một điểm dừng và cũng là mảnh đất cho những luống cầy bước đầu khai phá : Mẹ, một thân phận già yếu, hay ngủ mơ và như vậy thường bị các bà khác rủ đi xem bói, nghĩa là dễ bị nhấn vào trong vòng xoáy của mê tín, mặc dù bà đã nhiều lần theo con gái đến nhà thờ dự lễ và ăn cơm ở nhà xứ, cũng như mời cha xứ về nhà ăn. Cuộc sống của biết bao con ngươi vẫn thế, bề mặt xem ra tươi vui nhưng nhìn kỹ cũng đầy cỏ dại đã và đang quấn quit chăng chịt qua bao năm tháng, những mảnh đất khô cằn đang chờ cơn mưa lời Hằng sống, để có thể vươn tới ơn giải thoát. Thế nhưng, trong khi chủ ruộng thì bồn chồn vội vã, thì các tay thợ lại sớm chẳng vội, trưa chẳng cần, an nhiên tự tại đến khó hiểu.
Hai ngày cuối cùng, tôi tới nhà thờ Bến Đông, thăm 3 gia đình đại diện nhóm 36 gia đình XA QUÊ đang sống đan xen giữa lương dân ngoài thị trấn, tôi mơ về bước đường của các tín hữu đầu tiên khi phải tản mác về các vùng quê miền Giuđê và Samari…(Cv 8,1)…đi đến tận miền Phinixie, đảo Syp và thành Anthiôkhia…họ đã giảng lời Chúa cho người Do Thái…và cả cho người Hy Lạp nữa. Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa (Cv 11,19-21). Tối về nhà thờ, sau khi gợi ý giúp bà con tĩnh tâm mùa chay, tôi tiếp tục chia sẻ về bước đường của người được sai đi loan báo Tin Mừng, và mời gọi anh chị em lên đường, tôi thấy một số đã sẵn sàng.
Xin gửi lại cho cha đặc trách, phối hợp với cha xứ để dẫn dắt anh chị em Bến Đông vào mái trường Lời Chúa, sẵn gần đó có chú Tám Lép, không cần phải chờ đợi tơi tháng 7, mà có thể bắt đầu ngay bước thứ nhất của người được sai đi loan báo Tin Mừng, cũng là khúc dạo đầu và là điệp khúc bất tận của bài tình ca người đi vỡ đất : chuyên cần lắng nghe lời Chúa….và cầu nguyện không ngừng.