Đức Kitô – Chuẩn mực của Giáo Hội — Nguyễn Hai Tính,SJ

Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đang trong giai đoạn “triển khai định hướng và nội dung Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 vào trong đời sống cụ thể” của mình[1]. Từng giáo phận, giáo xứ và mọi tín hữu đang được mời gọi học hỏi, thảo luận để tìm hiểu và sống theo những hướng dẫn của Thư Chung này. Có thể tìm hiểu và khai triển Thư Chung này từ nhiều quan điểm khác nhau: thần học tín lý, mục vụ, đối thoại liên tôn, giáo dục, thăng tiến xã hội, v.v… Bài viết này xin đóng góp vào tiến trình học hỏi và suy tư chung của toàn Giáo Hội tại Việt Nam với những suy tư đơn sơ và thực tế về Thư Chung theo quan điểm thần học.

Về mặt thần học, Thư Chung được xây dựng trên bộ khung là suy tư về Giáo Hội, xoay quanh ba chủ đề Mầu Nhiệm, Hiệp Thông và Loan Báo Tin Mừng. Tuy không phải là một khảo cứu có hệ thống và đầy đủ về Giáo Hội, Thư Chungđã cố gắng dung hợp các chiều kích và đặc điểm thần học khác nhau của Giáo Hội vào ba chủ đề trên. Không nhấn mạnh mọi chiều kích với cùng một cường độ như nhau, Thư Chung chọn nêu lên những đặc tính thiết yếu của Giáo Hội, cần lưu tâm đặc biệt trong hoàn cảnh Việt Nam hôm nay, để rút ra những hệ luỵ cần thiết cho lối sống đạo và đời của Kitô hữu tại Việt Nam.

Bản chất của bài viết này không phải là suy tư về Giáo Hội, mà là suy tư về Đức Kitô. Tuy nhiên, vì nhắm mục đích là giúp tìm hiểu Thư Chung – vốn mang đặc tính Giáo Hội học, như nói ở trên – bài viết cần chỉ ra mối tương quan giữa Đức Kitô và Giáo Hội. Mối tương quan này được xác định trong luận đề sau: Đức Kitô là lý do tồn tại, là tiêu chuẩn soi sáng và điều chỉnh của mọi chiều kích và đặc tính của Giáo Hội.

Vì thế, cấu trúc bài viết sẽ gồm bốn phần. Phần 1 xác định Đức Kitô là “thước đo” định hình Giáo Hội; đây là một diễn giải cách tổng quát luận đề chính của bài viết. Ba phần còn lại triển khai luận đề đó cách cụ thể dựa vào cấu trúc của Thư Chung, nói về nền tảng Kitô học của căn tính mầu nhiệm của Giáo Hội, của sự Hiệp Thông trong Giáo Hội và của sứ mạng Loan Báo Tin Mừng.

Đây không phải là một bài nghiên cứu chuyên khảo về Thư Chung với những phân tích kỹ lưỡng và có hệ thống hay những dẫn chứng chi ly để làm rõ lý thuyết hậu cảnh hay sự năng động ở đàng sau những dòng chữ của Thư Chung. Bài viết sẽ chỉ đề cập tới và khai triển một vài điểm nhất định được nêu trong Thư Chung như những hệ luận của việc giải thích và làm nổi bật luận đề nêu trên. Bài viết nhắm tới đối tượng độc giả là mọi tín hữu Việt Nam, những người thao thức với sự trưởng thành đức tin và với những định hướng chung của Giáo Hội tại Việt Nam.

1. Đức Kitô là “thước đo” định hình Giáo Hội

Về mặt lịch sử tôn giáo, có thể nói không thể có Giáo Hội nếu không có Đức Kitô. Giáo Hội tuy được chuẩn bị trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, nhưng chỉ bắt đầu hình thành với một nhóm môn đệ đi theo Đức Giêsu Kitô cách đây hơn 2000 năm. Họ đã sống với Ngài, nghe Ngài rao giảng, chứng kiến Ngài chữa bệnh trong suốt thời gian khoảng 3 năm. Sau đó, họ đã chứng kiến Ngài chết và kinh nghiệm Ngài phục sinh. Như vậy, tuy được chuẩn bị và ra đời trong bối cảnh một tôn giáo độc thần (Do thái giáo), tin thờ một Thiên Chúa siêu việt, Giáo Hội được hình thành với những xác tín và tuyên xưng về một Đấng – Đức Giêsu Kitô – đã chết nhưng đang sống, vừa là người thật vừa là Thiên Chúa thật, vừa thuộc lịch sử vừa vượt trên lịch sử..

Về mặt thần học, đứng trước câu hỏi “Giáo Hội là gì?”, không có yếu tố nào – như, dạy người ta ăn ngay ở lành, hay ngay cả thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, vốn chung cho các tôn giáo độc thần khác – có thể nói lên đặc tính độc đáo, phân biệt Giáo Hội với các hội đoàn hay giáo hội khác, trừ yếu tố liên hệ với Đức Kitô. Bất kỳ định nghĩa nào về Giáo Hội cũng phải bao gồm mối liên hệ độc nhất vô nhị giữa Đức Kitô và Giáo Hội – Hiền Thê và Nhiệm Thể của Ngài (x. Ep 5,22-33).

Vậy chúng ta chỉ có thể thực sự hiểu căn tính và sứ mệnh của Giáo Hội nếu chúng ta biết Đức Kitô là ai. Giáo Hội cần phải trở về với Đức Kitô để hiểu chính mình hơn. Để nhận ra căn tính và sứ vụ thích hợp của mình, Giáo Hội không chỉ cần “soi gương”, tức nhìn vào mình hay nhìn tới những nhu cầu của xã hội quanh mình để xét mình, mà quan trọng hơn cả là cần nhìn vào “Tấm Gương” duy nhất là chính Đức Kitô.

Nhu cầu khách quan phải trở về với Đức Kitô có hai chức năng: soi sángđiều chỉnh những gì Giáo Hội hiểu về mình.

Đức Kitô soi sáng cho Giáo Hội là vì không phải lúc nào Giáo Hội cũng hiểu rõ ràng căn tính và sứ mệnh của mình. Là Nhiệm Thể của Đức Kitô – Đấng là Mầu Nhiệm (x. Ep 1,9; Col 1,26-27)[2] – Giáo Hội cũng chia sẻ căn tính mầu nhiệm của Người. Vì thế, căn tính của Giáo Hội không thể được tìm ra từ những suy luận duy lý. Giáo Hội chỉ có thể hiểu về mình bằng một kiểu “tri thức” đặc biệt, không dừng lại ở những dữ kiện duy khách quan, nhưng có khả năng lấy mầu nhiệm làm đối tượng tiếp cận của mình. Trở về với Đức Kitô –  Đấng mà ta chỉ có thể hiểu bằng đức tin –  là điều kiện có được “tri thức” đó. Đấng là Đường, là Chân Lý sẽ soi sáng cho ta biết sự thật về căn tính và sứ mệnh có tính mầu nhiệm của Giáo Hội.

Giáo Hội cũng không thể hiểu về mình một lần cho tất cả. Là một thực thể sống động, Nhiệm Thể của Đức Kitô – Đấng đang sống trong vinh quang Phục Sinh – Giáo Hội chia sẻ căn tính sống động của Người. Vì thế, trên cuộc lữ hành trần thế, Giáo Hội luôn cần phải liên tục tái nhận diện chính mình, để trung thành với căn tính bất biến nhưng sống động của mình hơn, trong từng hoàn cảnh và giai đoạn lịch sử đặc thù. Chỉ có Đức Kitô – Đấng “vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8) – mới có thể soi sáng cho tiến trình tái nhận diện này.

Trở về với Đức Kitô sẽ điều chỉnh những gì chúng ta hiểu về Giáo Hội là vì, như những tội nhân ích kỷ, chúng ta có thể hiểu sai về Giáo Hội. Nỗ lực tìm hiểu Giáo Hội của chúng ta có thể bị thúc đẩy bởi nhiều động lực ô tạp, trong đó có những động lực qui kỷ và tư lợi, có khi tiềm tàng và sâu kín, rất khó nhận ra. Vì thế, bức tranh chúng ta vẽ về Giáo Hội có thể bị méo lệch. Thay vì nhận diện khuôn mặt đích thực của Giáo Hội Chúa Kitô, chúng ta có thể sẽ vô tình hay cố ý ra sức tạo hình ảnh một giáo hội theo ý riêng mình, phục vụ những kế hoạch trần thế của mình. Chính Đức Kitô là tiêu chuẩn điều chỉnh giúp ta nhận ra lệch lạc của mình và tìm ra hướng đi đúng đắn hơn. Chính Người cung cấp cho ta một tiêu chuẩn mẫu khách quan để giải phóng Giáo Hội khỏi bị vận dụng bởi những ý chí tư lợi chủ quan.

Cho tới đây, chúng ta đang cố gắng làm nổi bật đặc tính “qui Kitô” của Giáo Hội. Nhấn mạnh tầm quan trọng của Đức Kitô đối với căn tính và sứ mệnh của Giáo Hội như thế không có nghĩa là chối bỏ chiều kích Ba Ngôi của Giáo Hội. Đức Kitô không bao giờ có thể được xem như tách rời khỏi mối tương quan mật thiết vĩnh cửu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Đơn giản là vì Người là Ngôi Lời, một trong Ba Ngôi, mà Ngôi Lời thì tồn tại và chỉ tồn tại trong tương quan với Cha và Thần Khí. Không thể có Đức Kitô nào khác ngoài Đức Kitô là Con của Cha và là Đấng ban Thần Khí. Cho nên, có thể nói, chúng ta không thể biết căn tính và sứ mệnh đích thực của Giáo Hội nếu chúng ta không biết về Chúa Ba Ngôi như được mặc khải nơi Đức Kitô. Chính vì thế, Giáo Hội không chỉ được gọi là Nhiệm Thể Đức Kitô, mà còn được gọi là Dân Thiên Chúa (có ý qui chiếu về Cha, Đấng – bằng sức mạnh của Thần Khí và đặc biệt là nơi Đức Kitô – tuyển chọn, kêu gọi và qui tụ Dân Ngài trong dòng lịch sử), và Đền Thờ Chúa Thánh Thần[3].

Gần đây, thần học về Giáo Hội nhận ra tầm quan trọng của chiều kích Ba Ngôi trong suy tư về Giáo Hội, đặc biệt là vai trò của Thần Khí đối với căn tính và sứ mệnh của Giáo Hội. Giáo Hội Đông Phương cũng hay chỉ trích tính “duy Kitô” của thần học Tây Phương về Giáo Hội. Thế nhưng, chính các thần học gia Đông Phương cũng không hề chối đặc tính “qui Kitô” của Giáo Hội[4]. Giáo Hội là công trình của cả Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng có tương quan độc nhất vô nhị và không thể thay thế chỉ với Đức Kitô mà thôi. Giáo Hội chỉ có thể là Nhiệm Thể Đức Kitô, chứ không thể là Nhiệm Thể của Cha hay của Thần Khí. Chỉ có Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa, chứ không phải Cha hay Thần Khí, mới có thể là Đầu của Giáo Hội. Nếu thần học phải nhấn mạnh tới vai trò của Thần Khí như Đấng làm sống động Giáo Hội thì thần học cũng không thể bỏ qua vai trò là Đầu của Đức Kitô. Thần Khí sẽ không bao giờ dẫn ta tới việc xây dựng một giáo hội không đặt nền tảng trên chính Ngôi vị Đức Kitô.

2. Căn tính của Đức Kitô qui định căn tính của Giáo Hội

Với quan niệm rằng, để dấn thân trọn vẹn vào xã hội Việt Nam hôm nay, Giáo Hội tại Việt Nam cần trở về nguồn của mình để biết mình là ai và hiện hữu để làm gì[5], Thư Chung đã dành chương II để nói về căn tính của Giáo Hội. Thư Chung đã khẳng định căn tính này là một Mầu Nhiệm vì được xác định dựa trên nền tảng là chính Thiên Chúa Ba Ngôi.

Tuy nhiên, ta có thể nói cụ thể hơn: Giáo Hội là một Mầu Nhiệm vì là Thân Thể của Đấng vốn là Mầu Nhiệm đệ nhất. Hay nói cách khác, khi trở về nguồn của mình là chính Thiên Chúa để xác định căn tính của mình, Giáo Hội không thể đi qua con đường nào khác ngoài Đức Kitô. Bất kỳ cách thế nào khác cũng đều có thể dẫn Giáo Hội đi sai lối, không thể về tới được chính nguồn cội của mình và đánh mất căn tính mình. Như thế, Giáo Hội không thể là Dân Thiên Chúa hay Đền Thờ Chúa Thánh Thần cách đích thực mà không qui chiếu về Đức Kitô.

a. Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, nhưng Giáo Hội không đồng hoá với bất kỳ dân nào coi mình là dân Thiên Chúa mà không tin thờ Đức Kitô. Ngay cả với dân Do thái, là “chị cả”[6] của mình trong đức tin, Giáo Hội cũng không hoàn toàn đồng hoá với họ. Giáo Hội là Dân được Thiên Chúa kêu gọi và triệu tập, nhưng không qua ai khác ngoài Đức Kitô.

Điều này dẫn tới một số hệ luận cụ thể như sau: Lời Chúa kêu gọi và nói với Giáo Hội phải là Lời Chúa nơi Đức Kitô, Đấng là Lời duy nhất và vĩnh cửu của Thiên Chúa. Việc đọc và lắng nghe Lời Chúa (x. Thư Chung, số 11) phải được thực hiện trong Đức Kitô và vì thế trong Giáo Hội, Thân Thể của Người. Ý thức về đặc tính qui Kitô của Lời Chúa như thế sẽ giúp chúng ta tránh nguy cơ duy cá nhân và duy chủ quan trong việc đọc Thánh Kinh.

Việc đọc Thánh Kinh tại gia hoặc theo nhóm không thể được xem là thay thế hoặc trổi vượt hơn Phụng vụ, nơi mà Lời Chúa được cử hành cách chính thức và hoàn hảo cùng với Đức Kitô và Giáo Hội của Người. Chính vì thế mà Đức Giáo Hoàng Benedictô đã nói việc chia sẻ Lời Chúa tại gia phải là sự chuẩn bị, tháp tùng và đào sâu cho cử hành Lời Chúa trong Phụng vụ (x. Verbum Domini, số 86). Chính nơi Phụng vụ mà Lời Chúa diễn ra cách sống động khi Đức Kitô, hiện diện như Đấng phán và như Lời được phán mặt đối mặt với cộng đoàn đức tin. Cũng chính nơi Phụng vụ mà Giáo hội là Giáo hội cách đúng nghĩa nhất vì đang được Lời qui tụ, đang lắng nghe và tung hô đáp trả Lời cách sống động.

Hơn nữa, việc chú ý tới đặc tính qui Kitô của Lời Chúa cũng giúp soi sáng cách chúng ta đọc và hiểu Thánh Kinh. Việc đọc Thánh Kinh không được phép dừng lại ở mức độ của việc đọc một tác phẩm lịch sử hay văn học, cho dù là một tác phẩm cổ điển và quí giá. Nếu Thánh Kinh là Lời được viết ra dưới hình thức ngôn ngữ con người, là mặc khải về Đấng duy nhất là Ngôi Lời Thiên Chúa thì việc đọc Thánh Kinh phải làm sao dẫn ta tới việc chiêm ngắm Đấng ấy. Chúng ta sẽ không thể hiểu các câu chữ, các câu chuyện trong Thánh Kinh, hoặc hiểu sai, nếu chúng ta không hình dung ra và hướng tâm về Đức Kitô ở bên trong và đàng sau các câu chữ và câu chuyện đó. Chính “Hình Dáng Đức Kitô” phảng phất trong Thánh Kinh là trung tâm nối kết và làm cho câu chữ của Thánh Kinh có ý nghĩa[7]. Không phải việc tra cứu để thoả chí tò mò về Thánh Kinh như một tác phẩm văn chương mà chính việc đọc Thánh Kinh với thái độ tin kính và thờ lạy Đấng là Ngôi Lời mới giúp ta hiểu được và đón nhận Thánh Kinh như Lời Chúa sống động nói với con người.

Thư Chung nhắc tới “các hình thức sống Lời Chúa qua những việc đạo đức truyền thống như Đàng Thánh Giá, Kinh Truyền Tin, Kinh Mân Côi, Kinh cầu nguyện sớm tối,v.v…” như những hình thức cần “được trân trọng và bảo tồn cũng như đổi mới và phát huy” (Thư Chung, số 11). Đặc tính qui Kitô của Lời Chúa cũng giúp soi sáng việc làm sao để đổi mới và phát huy các hình thức sống đạo truyền thống này. Điểm then chốt nằm ở thái độ và tâm tình khi thực hành các hình thức sống đạo đó: nếu hướng tâm về Đức Kitô, chiêm ngắm Người với lòng yêu mến thì chúng ta đưa vào trong những hình thức đó một cái hồn sống động và đầy ý nghĩa. Lời Chúa sẽ thấm nhuần tâm, trí và đời sống chúng ta ngang qua những hình thức mang tính chiêm niệm này khi chúng ta để cho Đức Kitô lấp đầy tâm trí mình. Vấn đề có thể được đặt ra là: chúng ta lấy đâu ra hình ảnh Đức Kitô để mà chiêm ngắm? Câu trả lời cho vấn đề này nói lên mối tương quan mật thiết giữa các việc đạo đức kể trên với Lời Chúa trong Thánh Kinh: chúng ta có được hình ảnh Đức Kitô rõ nét nhất trong Thánh Kinh, “bởi vì tất cả Thánh Kinh đều nói về Đức Kitô”[8]. Được nuôi dưỡng bằng tinh thần và hình ảnh Đức Kitô trong Thánh Kinh, các việc đạo đức sẽ tránh được nguy cơ trở thành những thực hành mang tính phù phép hoặc mang tính cưỡng chế về mặt tâm lý.

b. Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần, nhưng Chúa Thánh Thần luôn là Thần Khí của Đức Kitô Phục sinh.

Gần đây trong Giáo Hội nở rộ các phong trào Thánh Linh, như dấu chứng cho sự hiện diện và hoạt động đắc lực của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn đức tin. Quả thật, vai trò của Chúa Thánh Thần rất quan trọng đối với đời sống đức tin của Kitô hữu. Lời Chúa có thật sự sống động và có hiệu năng, cộng đoàn phụng vụ có thật sự là Giáo Hội cách đúng nghĩa, chúng ta có đọc và hiểu Thánh Kinh, có chiêm ngắm được Đức Kitô hay không, tất cả tuỳ thuộc vào quyền năng tác động của Chúa Thánh Thần.

Tuy nhiên, nếu như mỗi người chúng ta đều ít nhiều có kinh nghiệm về sức năng động của Chúa Thánh Thần, thì chúng ta cũng ý thức được sự khó khăn khi phải phân biệt đâu là sự thúc đẩy đích thực của Chúa Thánh Thần, đâu là những động lực của thế gian, ma quỉ, xác thịt. Thư thứ nhất của thánh Gioan nói có nhiều thần khí và chúng ta cần phải “cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không” (1Ga 4,1), chỉ “Thần Khí nào tuyên xưng Đức Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm” thì mới bởi Thiên Chúa mà đến (1Ga 4,2). Như vậy, có một mối liên hệ mật thiết giữa Thần Khí, tức Chúa Thánh Thần, và Đức Kitô; và mối liên hệ này là một tiêu chuẩn quan trọng để nhận định xem đâu là hoạt động đích thực của Chúa Thánh Thần. Thư Chung đã đề cập tới mối liên hệ này khi nói rằng trong Đền Thờ của Chúa Thánh Thần thì chính Đức Kitô là Tư Tế dâng hiến chính mình làm Hy Tế dâng lên Thiên Chúa (x. Thư Chung 13). Thư Chung cũng cho rằng việc nội tâm hoá (tức chú ý hơn tới vai trò của Chúa Thánh Thần) các chương trình huấn luyện và mục vụ  gắn liền với việc noi gương khiêm nhường và phục vụ của Đức Kitô (x. Thư Chung, số 13). Quả thật, chính Đức Kitô – Đấng đầy tràn Thần Khí, và luôn tự do trên mọi lề luật, cơ chế cứng nhắc, hình thức bên ngoài hay xu thế đám đông (x. Lc 4; Mt 5, 21-48; 9, 14-17; Mc 12,13-17) – mới có thể cho ta thấy thế nào là sống nội tâm và tự do theo Thần Khí.

3. Ngôi Vị Đức Kitô là nguyên mẫu cho mối Hiệp Thông Giáo Hội

Để nhấn mạnh khía cạnh linh thiêng của Giáo Hội, vốn có thể bị lu mờ do sự quan tâm thái quá tới khía cạnh thể chế, Thư Chung đã chọn trình bày ở chương III một trong số nhiều hình ảnh về Giáo Hội: Giáo Hội như một mối Hiệp Thông đặc biệt, bắt nguồn từ sự Hiệp Thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.

Hiệp Thông ở đây không chỉ có nghĩa là đoàn kết, đại đồng, bình đẳng, cho dù đây là những kết quả cụ thể của Hiệp Thông. Không phải là Giáo Hội chỉ cần hiệp thông khi các thể chế trong Giáo Hội làm cho người ta cảm thấy quá cứng nhắc, ngột ngạt và khao khát một sự vận hành mang tính tham gia nhiều hơn; hoặc khi nhu cầu mở ra với quốc tế đòi hỏi ta phải đoàn kết với những người khác; hoặc khi bổn phận làm chứng tá đòi chúng ta phải liên kết, hoà đồng và bình đẳng với nhau. Các thể chế đều hoàn toàn có thể đáp ứng các nhu cầu đó. Vì thế, Hiệp Thông không phải là một “phản đề” của thể chế, cũng không phải là một “liều thuốc” được kê toa chống lại “căn bệnh” thể chế. Hiệp Thông là bản chất của Giáo Hội; và chính thể chế là đòi hỏi của Hiệp Thông và là phương cách để hiện thực hoá và thăng tiến Hiệp Thông.

Để hiểu điều này, như Thư Chung gợi ý, chúng ta cần phải trở về với nguồn mạch của mối Hiệp Thông Giáo Hội, đó chính là mối Hiệp Thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa (x. Thư Chung, số 20). Tuy nhiên, ta cũng có thể nói rằng, chúng ta có thể hiểu hơn Hiệp Thông là bản chất của Giáo Hội thế nào khi trở về với chính Ngôi Vị của Đức Kitô. Chính Đức Kitô là Đấng đã mặc khải cho ta biết Thiên Chúa là một mối Hiệp Thông giữa Ba Ngôi; và cũng chính Ngài cung cấp cho ta nội dungý nghĩa đích thực của mối Hiệp Thông đó. Câu nói rằng “cần phải xây dựng mối Hiệp Thông trong Giáo Hội theo khuôn mẫu của mối Hiệp Thông Ba Ngôi” sẽ trở nên một công thức sáo rỗng nếu chúng ta không biết được nội dung của mối Hiệp Thông đó đích thực là gì. Trở về với Đức Kitô, chúng ta sẽ tránh được nguy cơ suy diễn áp đặt lên Ba Ngôi một kiểu hiệp thông theo mẫu của mối tương quan giữa chúng ta với nhau.

Theo giáo lý truyền thống của Giáo Hội, Ngôi Vị Đức Kitô là chính Ngôi Con. Mà như kinh nghiệm nhân sinh cho ta thấy, một người chỉ là con trong tương quan với cha mình, và một người chỉ là cha khi có con. Tương tự như thế, một cách loại suy, Ngôi Con được gọi là Ngôi Con vì chỉ hiện hữu và luôn hiện hữu trong tương quan với Ngôi Cha và Ngôi Thánh Thần. Theo định nghĩa, căn tính của Ngôi Con được xác định là Con của Ngôi Cha và là Đấng cùng với Ngôi Cha ban Ngôi Thánh Thần. Như vậy, bản chất của Ngôi Con, tức của Đức Kitô, là hiệp thông với Cha và Thánh Thần; và khi nói về Đức Kitô là đã hàm ý nói về cả Ba Ngôi trong mối Hiệp Thông vĩnh cửu.

Từ đây, chúng ta dễ hiểu tại sao “bản chất của Giáo Hội là Hiệp Thông” và hiểu rõ hơn ý nghĩa của mệnh đề đó. Hiệp Thông không phải là một tình trạng hay phẩm tính mà Giáo Hội có thể đạt được sau khi hiện hữu. Mà ngược lại, Giáo Hội chỉ thực sự hiện hữu khi là một mối Hiệp Thông. Và đây không phải là bất cứ sự hiệp thông nào như là kết quả của nỗ lực thuần tuý con người, nhưng là mối Hiệp Thông được thông truyền từ chính Ba Ngôi Thiên Chúa, nơi Đức Kitô. Bổn phận của Kitô hữu là cộng tác với Thiên Chúa để nuôi dưỡng, phát huy và cụ thể hoá mối Hiệp Thông có nguồn gốc thần linh này. Chúng ta sẽ không thể làm được điều này nếu không kết hợp với Đức Kitô là Đầu, Đấng thông chuyển sức sống hiệp thông thần linh từ Thiên Chúa cho Giáo Hội.

Như vậy, việc xây dựng Hiệp Thông phải bắt đầu từ việc tiếp nhận và thông truyền sức sống này, chứ không phải từ việc cố gắng thể hiện cách gượng ép những dấu chỉ của nó. Những biểu hiện như tuân phục, chia sẻ, tham gia là diễn tả đi sau tinh thần hiệp thông. Như người ta có thể ở cạnh bên nhau về thể lý mà không hề hiện diện với nhau trong tâm hồn thế nào, thì những biểu hiện đoàn kết bên ngoài cũng có thể sáo rỗng và vô bổ như thế nếu không phát xuất từ và được nuôi dưỡng bởi tinh thần hiệp thông. Vậy Hiệp Thông cần phải được xây dựng bắt đầu từ thái độ nội tâm, theo mẫu gương của Đức Kitô, Đấng luôn yêu thương và quan tâm tha thiết tới Cha – “lương thực của Thầy là ý Cha” (Ga 4,34). Thái độ nội tâm chính là động lực và là cái hồn cho những biểu hiện bên ngoài của Hiệp Thông. Chính tình yêu đích thực qui định cách chúng ta vâng phục, góp ý hay phê bình nhau. Nếu phê bình không phát xuất từ tình yêu gây hại thế nào cho cộng đoàn thì sự vâng phục không xây dựng trên hiệp thông cũng sáo rỗng và tai hại như vậy.

Điều này giúp ta hiểu tại sao Giáo Hội không chỉ là mối Hiệp Thông giữa những người còn đang sống – vốn có thể có những biểu hiện đoàn kết bên ngoài với nhau – mà còn giữa những người đang sống và các thánh cùng với tất cả những người quá cố – những người mà ta chỉ có thể liên hệ với họ trong tâm hồn qua cầu nguyện. Cầu nguyện – tiếp xúc với sức sống hiệp thông thần linh của Thiên Chúa – là chìa khoá xây dựng mối Hiệp Thông Giáo Hội. Đây là lý do mà Thư Chung khẳng định: “Không kết hợp với Thiên Chúa thì không thể nói đến hiệp thông trong Giáo Hội được” (Thư Chung, số 20). Chúng ta có thể và chỉ có thể kết hợp với Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Chỉ Thần Khí của Đấng Phục Sinh – Đấng đã “xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14,36) và đã hiến mạng sống vì chúng ta – mới làm cho ta có thái độ nội tâm yêu thương đích thực để có thể hiện thực hoá mối Hiệp Thông Giáo Hội.

4. Đức Kitô là nguồn gốc của sứ vụ loan báo Tin Mừng

Với xác tín rằng Hiệp Thông và sứ vụ loan báo Tin Mừng liên kết mật thiết với nhau như hai mặt của một đồng tiền[9], Thư Chung dành chương IV để nói về sứ vụ loan báo Tin Mừng như là “lý do hiện hữu của Giáo Hội” (Thư Chung, số 31). Giáo Hội cảm thấy cần phải loan báo Tin Mừng không phải do nhu cầu ngoại tại là hiện trạng còn rất nhiều anh chị em đồng bào của chúng ta chưa biết đến Đức Kitô; cũng không phải do nhu cầu nội tại là Giáo Hội cần phải có việc để làm, hay cần mở rộng phạm vi và tầm ảnh hưởng của mình. Loan báo Tin Mừng không phải là một trong những việc mà Giáo Hội có thể hay phải làm, nhưng là một chiều kích làm nên chính điều mà Giáo Hội . Giáo Hội không thật sự là Giáo Hội của Đức Kitô nếu không loan báo Tin Mừng.

Chúng ta có thể hiểu điều này bằng cách liên hệ tới Đức Kitô. Chính Người cho ta câu trả lời về lý donội dung của việc loan báo Tin Mừng.

Vì là Con, nên căn tính Đức Kitô được định nghĩa như là Đấng phát xuất từ Cha, cũng có nghĩa là Đấng được Cha sai đi. Người sinh ra ở trần gian là để rao giảng Tin Mừng – “vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1,38). Cũng thế, Giáo Hội – Thân Thể của Đức Kitô – cũng được sinh ra là để ra đi rao giảng Tin Mừng. Chính vì thế mà bản chất ơn gọi của những người đi theo và ở với Người cũng là để được sai đi rao giảng (Mc 3,14). Như vậy, cũng như Hiệp Thông hay chính Giáo Hội có nguồn gốc thần linh thì sứ vụ loan báo Tin Mừng cũng có nguồn gốc thần linh: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).

Đứng trước câu hỏi “Tại sao phải loan báo Tin Mừng?”, câu trả lời không nằm ở phía trước, hay ở tương lai, nhưng ở quá khứ, hay nơi cội nguồn hiện hữu của Giáo Hội. Giáo Hội loan báo Tin Mừng, trên hết, không phải là để đạt được điều gì cả mà là Giáo Hội đã được thiết lập cốt nhằm việc loan báo Tin Mừng. Giáo Hội không có chọn lựa nào khác ngoài việc phải loan báo Tin Mừng. Như thế, đứng trước một trường hợp cụ thể, câu hỏi đặt ra cho Giáo Hội không phải là “nên nói hay không nên nói?” hoặc “nói thì có lợi gì?”, nếu thực sự việc “nói” ở đây là “nói Tin Mừng của Đức Kitô”. Trong nhiều trường hợp, việc quyết định nói hay không tuỳ thuộc vào câu trả lời của một câu hỏi khác: “Điều ta định nói có thật sự là Tin Mừng của Đức Kitô hay là cái gì khác?”. Đây chính là vấn đề đặt ra liên quan tới nội dung của việc loan báo Tin Mừng.

Giáo Hội nhất thiết phải loan báo Tin Mừng, thế nhưng Tin Mừng đó là gì? Làm thế nào để xác định Tin Mừng đó và biết được điều ta đang loan báo thực sự là Tin Mừng? Đây là vấn nạn đặt ra cho Giáo Hội ở mọi thời đại và đặc biệt là cho Giáo Hội tại Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Một lần nữa, nếu trở về với Đức Kitô như là khuôn mẫu và tiêu chuẩn cho căn tính và sứ mạng của Giáo Hội thì chúng ta sẽ tìm được chìa khoá giải quyết vấn nạn đó. Những dòng dưới đây không nhằm trình bày cách hệ thống thần học về loan báo Tin Mừng, cũng không có tham vọng giải quyết được những vấn nạn cụ thể của việc loan báo Tin Mừng hiện nay, nhưng chỉ xin nhắc lại đường hướng tổng quát của công cuộc đó, đặt nền tảng trên Đức Kitô.

Tin Mừng là gì nếu không phải là chính Đức Kitô và điều Người loan báo – Nước Trời. Thế nhưng, Nước Trời cũng là một thực tại gắn liền với Đức Kitô. Nước Trời “không phải là một đối tượng, một không gian quyền lực như vương quốc trần gian: đó là một con người”[10]. Nói cách khác, Nước Trời được hiện thân và hiện thực hoá nơi Đức Giêsu Kitô. Chính Người là Nước Trời.

Vậy Tin Mừng trước hết phải là Tin Mừng về Đức Kitô và vì thế, là Mầu Nhiệm. Để xác định nội dung của lời loan báo, Giáo Hội không có cách nào khác là phải luôn kết hợp với Đức Kitô. Giáo Hội luôn phải tìm ra nội dung cụ thể của Lời loan báo, tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể và dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Và chính Đức Kitô, như là Mầu Nhiệm qui chiếu cho nội dung Lời loan báo, là động lực và nguyên lý thôi thúc, để Giáo Hội không bao giờ an toàn tự tại, mà không ngừng sáng tạo và khai phá trên con đường loan báo Tin Mừng. Chính Người là tiêu chuẩn giúp Giáo Hội nhận định nên nói gì và có những hoạt động nào. Cũng chính Người sẽ nhuộm màu đặc trưng cho các hoạt động xã hội và văn hoá của Giáo Hội, vốn xem ra không khác biệt lắm so với những hoạt động của mọi người thiện chí khác trong xã hội.

Kết luận

Bài viết gợi ý một cách đọc và hiểu Thư Chung bằng cách xoáy vào một điểm rất quan trọng nhưng quá quen thuộc đến nỗi có thể được xem là “dư thừa” trong thần học về Giáo Hội: tính qui Kitô của Giáo Hội. Bài viết đã cho thấy việc nhấn mạnh đặc tính này của Giáo Hội giúp đỡđiều chỉnh cách chúng ta đọc và hiểu Thư Chung như thế nào, với những hệ luận cụ thể mang tính thời sự cho Giáo Hội tại Việt Nam ngày nay.

Vì “xoáy” vào một điểm mà không thể phát triển luận đề cách hệ thống nên bài viết có thể tạo cảm giác “một chiều” và có thể bị phê bình là ít chú trọng tới chiều kích Ba Ngôi của Giáo Hội. Người viết chỉ xin nhắc lại là việc nhấn mạnh vai trò trung tâm và nền tảng của Đức Kitô đối với Giáo Hội không hề mâu thuẫn hay đồng nghĩa với việc xem nhẹ vai trò của Cha và Thánh Thần đối với Giáo Hội. Một bài viết đầy đủ và có hệ thống hơn mang đặc tính của một Kitô học Ba Ngôi sẽ có thể cho thấy điều đó.

Thủ Đức 01.12.2011

Lm FX. Nguyễn Hai Tính, SJ

(http://giaolyductin.net/newsview/vn/412/DUC-KITO—CHUAN-MUC-CUA-GIAO-HOI-.html)

Kiểm tra tương tự

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ cuối: Kẻ phạm thượng và cái kết

Cái chết của Đức Giêsu không nằm ngoài ý định của Thiên Chúa và cũng …

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *