Bài tình ca của người được sai đi

Lên đường,

Câu hỏi chiếm trọn tâm trí là tôi phải làm gì đây, nói gì đây?

Thực ra, không phải vậy, trước tiên hết phải biết mình là ai, biết tôi được sai đến đây nhân danh ai, và những người tôi được sai đến là ai, từ đó biết mình phải làm gì và nói gì.

Tôi là ai, là người của Chúa và Hội Thánh, tôi được sai đến nhân danh Chúa: “như Cha đã sai thầy, thầy cũng sai anh em…”, Lời Chúa dẫn tôi vào một hành trình, ở đó Thiên Chúa là tất cả, Thiên Chúa hiện diện, lao tác, và không ngừng lên tiếng gọi. Trước mắt tôi là cảnh vực thần linh, Thiên Chúa cúi xuống trên con người, có mặt trong từng cảnh đời để nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa lành, ấp ủ con người trong tình yêu mến…

Tôi phải bước vào bằng một thái độ cung kính với một con tim chiêm ngắm và lắng nghe, hòa mình vào cuộc trò chuyện giữa Thiên Chúa với con người trong từng cảnh đời. Cũng từ đây tôi được dẫn vào khung trời huyền nhiệm, ở đó Thiên Chúa vô hình nhưng lại làm việc không ngừng. Dĩ nhiên, Thiên Chúa vô hình làm sao thấy được, nhưng vì Ngài không ngừng lao tác, dẫn dắt con người, không chỉ ngang qua truyền thống, mà còn qua từng cảnh sống, và chỉ cần chú tâm là nhận ra ngay: thấy mà xem chẳng thấy, nói như Môisê: như thấy đấng vô hình, làm cho vùng đất tôi đặt chân lên trở thành thánh thiêng.

Cũng vì vậy mà bước đầu, khi được sai đến với bà con, tôi cứ nghĩ mình là người đem Chúa đến, nhưng thực ra Chúa đã ở đó rồi. Thiên Chúa là người Cha nhân hậu, không thể bỏ rơi con cái. Vì Ngài là Thiên Chúa vô hình, nên có thể chăm sóc con cái tận tình. Dĩ nhiên, đối với những con người đơn sơ chất phác trong chốn rừng sâu thì Thiên Chúa dẫn dắt bằng một đường nẻo riêng: Thiên Chúa luôn có cách để chăm sóc những con người không quen so đo tính toán, thích cuộc sống hồn nhiên, không quen dự trữ, ngày lại ngảy vui thỏa trong vòng tay Thiên Chúa tạo hóa, sống chan hòa, liên đới.

Ngắm nhìn Thiên Chúa chăm sóc con người, ôm trọn cuộc sống mọi người già trẻ lớn bé giữa những cánh rừng bạt ngàn: nuôi sống bằng rau bưng, lá nhíp với đọt mây. Món thịt đơn giản và dễ kiếm nhất là chuột rừng. Heo rừng với hươu nai thì hiếm có lắm, phải gài bãy và đợi chờ. Vào mùa giáp hạt hay khi phải thất mùa thì đã có củ chụp (củ mài). Cuộc sống với những bữa ăn đơn nghèo thắm đẵm ân tình, vui sao!

Mỗi lần được mời đi ăn đám hỏi chẳng hạn, Khách mời tới từ sớm, nhưng tụm năm tụm bảy dưới các gốc cây trò chuyện, ngồi không như vậy đó, có khi suốt buổi sáng hoặc qua xế chiều, đợi cho hai họ nói chuyện và thỏa thuận xong xuôi, bấy giờ mới ra chỉ cho nhau thấy con bò hoặc con heo sẽ giết, rồi lại ngồi đợi cho tới khi phần thịt được chia đều đôi bên, các món đem nấu chẳng mấy tí thịt, xương thỉ nhiều, và rồi trẻ già lớn bé đều ngồi ăn vui vẻ. Thì ra người người qui tụ hôm nay mục đích chính không phải để ăn, mà để sống, nhìn mặt nhau là vui, gặp nhau la lễ hội, một vài ché rượu cần tiếp theo cho có chút hơi men, chứ không phải để ôm nhau say khướt.

Có lần tôi được chứng kiến cảnh một cụ già đơn độc có 2 con trâu, cụ đến xin già làng cho giết luôn 2 con để mọi người cùng ăn và chia phần cho nhau. Niềm vui của cụ là thấy cả làng cùng ăn thịt con trâu chính tay mình nuôi. Tôi cứ nghĩ là tại sao cụ không cho giết một con, còn một con bán đi để độ thân. Thực ra nghĩ vậy có nghĩa là cái đầu của tôi khi đó vẫn chưa hòa nhập được vào dòng chảy của tình yêu và sự sống nơi đây.

Điều gì đã tạo nên nếp sống vui tươi lành mạnh? Từ đâu mà xuất hiện những già làng công minh, giữ gìn kỷ cương cho dân làng an bình. Tất cả bắt đầu từ niềm tin vào Đấng Linh Thiêng vô hình, nhưng luôn để lộ đôi tay chăm sóc, nuôi sống, dẫn dắt. Bà con có thể nhận biết dễ dàng khi đặt chân vào suối nước, lúc phát rừng gieo hạt, hay những lần vào rừng để ngày ngày hái lượm và giăng bẫy.

Quả thật, Đấng Linh Thiêng vô hình nhưng luôn hiển hiện: chăm sóc, nuôi sống từ tổ tiên tới cha ông và con cháu cho tới mãi hôm nay.

Tuy nhiên, trên vùng đất của những con tim đơn nghèo, lại thấp thoáng đâu đó bóng dáng tà thần, làm nhạt nhòa khuôn mặt của Đấng Linh Thiêng nhân lành trong lòng người. Biến vùng đất đẹp như mơ nảy sinh gai góc. Khi có người hỏi tôi tại sao không chỉ cho bà con biết tích trữ, tôi trả lời là tích trữ dễ kéo theo ích kỷ. Thế nhưng ghen tức thì từ đâu ra. Tà thần núp bóng muôn hình vạn trạng để dẫn đưa trên những con đường tắt, tạo ra những lối mòn: nguyên chuyện bị nhiễm ngải độc với mấy ông thầy ngải,  thầy bùa cũng có thể làm cuộc sống rối tung.

Bóng dáng tà thần, những thầy mo thầy cúng với những thứ bùa ngải đáng sợ: ngải lúa để mùa màng thêm tươi tốt, nhưng ngải độc nhẹ thì gây thương tật, nặng thì có thể chết người. Cái nguy hại ở đây là gậy nên chia rẽ, nghi ngờ, ghen tức, bất hòa…

Đấy là chuyện cách nay đã trên dưới 25 năm.

Thế còn chuyện hôm nay thì sao? Từ hoàn cảnh sống đến con người thay đổi rất nhiều, nhưng Thiên Chúa vẫn là một, và vẫn là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, bước đường của người được sai đi loan báo Tin Mừng mãi mãi phải biết chiêm ngắm và lắng nghe.

Còn chuyện bùa ngải thì sao?  Đó là chuyện hôm qua, và cũng vẫn là chuyện hôm nay, bóng dáng tà thần còn đó. Tuy nhiên, chẳng có gì đáng sợ, vì ngày nhận lệnh lên đường, người được sai đi cũng nhận được lời hứa: “Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em” (Lc 10,19), chẳng có gì hại được bà con khi tất cả cùng dựa cậy vào Đấng có lời ban sự sống.

Đaminh Trần Văn Tân, S.J.

Kiểm tra tương tự

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …