Bạn có biết “Ý nghĩa của Cánh Cửa Năm Thánh”?

DSCN3926

Kể từ năm 1300 khi Đức Giáo Hoàng Boniface VIII công bố Năm Thánh đầu tiên, giáo hội Công Giáo đã thường xuyên tổ chức “Năm Thánh” cứ mỗi 25 năm một lần, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như năm 1983 khi Năm Thánh được công bố để đánh dấu 1950 năm Chúa Giêsu chịu chết và phục sinh. Một khía cạnh chủ yếu của Năm Thánh là các chuyến hành hương đến Rôma để ăn năn thống hối tội lỗi đã phạm mất lòng Chúa và canh tân đời sống để trở về với Chúa.

Mỗi khách hành hương đã bày tỏ điều trên qua một cử chỉ mang tính biểu tượng là: bước qua Cánh Cửa Năm Thánh vì trong Phúc Âm, chính Chúa Giêsu đã từng nhìn nhận Ngài là “Cửa cho chiên ra vào” (Gioan 10, 7). Trong thông điệp “Mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể” của Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô đệ nhị khi Ngài công bố Năm Thánh 2000, Ngài đã nói rằng Cánh Cửa Năm Thánh “gợi lên sự hoán cải từ tội lỗi đến ân sủng mà mỗi Kitô hữu đều được mời gọi để thực hiện”.

Trong Phúc Âm Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã nói: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là Cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước ta đều là trộm cướp, nên chiên đã không nghe họ. Ta là Cửa. Ai qua ta mà vào thì sẽ được cứu” (Gioan 10, 7 – 9). Qua câu nói trên, Chúa Giêsu đã tỏ rõ rằng “không ai có thể đến được với Chúa Cha mà không qua Ngài”. Điều mà Chúa Giêsu áp dụng cho chính Ngài đã thực tế chứng minh rằng chỉ duy có Ngài là Đấng Cứu Độ được Chúa Cha gửi đến. Chỉ có một cách thức để mở rộng lối vào đời sống hiệp thông với Thiên Chúa: đó là Chúa Giêsu, một cách thức tuyệt đối để đạt được ơn cứu độ. Chỉ có đến với Ngài mà thôi thì những lời của thánh vịnh gia mới có thể được áp dụng trong sự thật đầy đủ: “Này đây cửa nhà Yavê, những kẻ công chính sẽ được bước vào” (Thánh Vịnh, 118:20).

Vì vậy, khi bạn đi từ phía ngoài bước qua cánh cửa Năm Thánh để vào Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô tức là bạn bước qua từ thế giới này để đi vào sự hiện hữu của Thiên Chúa. Cũng giống như xưa kia, trong đền thờ cổ Jerusalem, vào ngày lễ Yom Kippur(*), thầy Thượng Tế Do Thái cũng đã vén bức màn che lối vào chốn cực thánh để bước vào sự hiện hữu của Thiên Chúa mà dâng tế lễ chuộc tội. Hơn thế nữa, đi qua Cửa Năm Thánh là để xác tín với niềm tin vững chắc rằng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, là Chúa, và là Đấng Cứu Độ đã chịu đau khổ, chịu chết trên cây thập giá, và sống lại vì sự cứu rỗi của chúng ta. Với lòng can đảm tuyệt vời, con người chúng ta được tự do quyết định để vượt qua ngưỡng Cửa Thánh mà bỏ lại sau lưng vương quốc của thế gian này để hội nhập vào cuộc sống mới đầy ân sủng của Thiên Quốc.

Trong nghi thức mở Cửa Năm Thánh, Đức Thánh Cha đã có truyền thống dùng một cái búa bằng bạc để gõ vào Cửa 3 lần (tuy nhiên Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị thì lại đẩy Cửa 3 lần). Việc dùng búa gõ vào Cửa Năm Thánh mang tính cách biểu tượng vì xưa kia ông Môi-sen cũng đã dùng gậy mà đánh vào tảng đá để nước tuôn đổ ra một cách kỳ diệu mà làm dịu đi cơn khát của dân Do Thái (Dân số 20:6ff). Tương tự như vậy, Năm Thánh là thời điểm Thiên Chúa tuôn đổ hồng ân của Ngài tràn trề để làm dịu đi cơn khát của linh hồn ta.

Trong Tông Đồ Công Vụ, để giải phóng Thánh Phao lô và ông Silas khỏi cảnh ngục tù, Thiên Chúa đã làm động đất mạnh khiến nền móng nhà tù phải rung chuyển. Nhờ vậy mà viên cai ngục đã được đánh động mà xin Thánh Phaolô cho ông và gia đình của ông ta được chịu phép Rửa (Tông Đồ Công Vụ, 16:25ff). Tương tự như vậy, Thiên Chúa cũng đã đánh động lòng chúng ta để chúng ta nhận lãnh các ân sủng của Ngài mà khởi đầu là những ân sủng cứu độ qua phép Rửa Tội.

Khi một tên lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Chúa Giêsu lúc Ngài bị chết treo trên cây thập giá, tức thì máu cùng nước chảy ra (Gioan 19:31f). Máu và nước đó là biểu tượng của Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Rửa Tội đã nuôi dưỡng mỗi linh hồn chúng ta.

Tóm lại, cử chỉ gõ vào Cửa Năm Thánh là tượng trưng cho việc ban phát ân sủng tuôn chảy dồi dào cho các tín hữu.

Hơn thế nữa, khi Cửa mở ra, những trở ngại trên con đường đến với Chúa sẽ được tháo gỡ. Những trở ngại do sự yếu đuối, cám dỗ và tội lỗi sẽ được gỡ bỏ để chúng ta liên kết thánh thiện với Thiên Chúa.

Cấu trúc của Cửa Năm Thánh nhắc nhở chúng ta nhớ đến lịch sử của ơn cứu độ. Cửa bao gồm 16 tấm ghép được sắp xếp đều đặn thành 4 hàng (mỗi hàng có 4 tấm) và chia thành 2 cột.

Hàng đầu tiên của cột thứ nhất gồm có 2 tấm ghép: một tấm diễn tả cảnh ông Adong và bà Evà bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng sau khi phạm tội ăn trái cấm, còn tấm kia là thanh kiếm lửa của Thiên Thần ngăn chặn ngay lối vào ngăn cấm hai ông bà không được quay trở lại Vườn Địa Đàng.

Đối diện với 2 tấm ghép trên (nằm bên cột thứ hai) là 2 tấm ghép diễn tả cảnh Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria và hỏi Đức Mẹ có bằng lòng làm Mẹ Thiên Chúa không. Kèm theo phía trên là hàng chữ có thể được tạm dịch như sau:

“Điều đau buồn mà bà Evà đã gây ra (tức là đánh mất thiên đàng) thì nay đã được Mẹ Maria khôi phục qua đứa con sẽ mang Sự Sống đến nhân loại” (nguyên văn La Tinh: “Quod Heva tristis abstulit, Tu reddis almo germine”).

Hàng thứ hai gồm 4 tấm ghép diễn tả lại các câu chuyện trong Phúc Âm về lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa:

  • Tấm thứ nhất là cảnh Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi Thánh Gioan Tẩy Giả bên sông Jordan với hàng chữ ghi nhận câu hỏi của Thánh nhân hỏi Chúa Giêsu: “Ngài đến gặp tôi (để chịu phép rửa) sao ?” (nguyên văn La Tinh: “Tu venis ad me ?”;
  • Tấm thứ hai là cảnh người mục tử nhân lành đi tìm con chiên lạc đàn kèm theo hàng chữ: “để cứu vãn những gì bị hư mất” (nguyên văn La Tinh: “Salvare quod perierat”;
  • Tấm thứ ba là cảnh người con hoang đàng xin người Cha nhân hậu tha thứ mình với hàng chữ: “Lạy Cha, con thật đắc tội với Trời và với Cha” (nguyên văn La Tinh: “Pater, peccavi in coelum et coram te”);

  • Tấm thứ tư là cảnh Chúa Giêsu chữa người bị tê liệt với câu nói: “Tội lỗi của con đã được tha. Hãy vác chiếu đứng dậy mà đi”  (nguyên văn La Tinh: “Tolle grabatum tưm et ambula”).

sq-YRbwf2DfWv_NyFLr-ZPjXdejjwMDMmVgRCi5nWo8
Hàng thứ ba gồm 4 tấm ghép tiếp tục diễn tả lại các câu chuyện trong Phúc Âm về lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa:

  • Tấm thứ nhất là cảnh người đàn bà tội lỗi quỳ rửa chân Chúa Giêsu khi Ngài đang ở nhà của một người Pharisêu tên Simon, kèm theo là hàng chữ: “Tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha vì chị yêu mến nhiều” (nguyên văn La Tinh:  “Remittuntur ei peccata multa”);

  • Tấm thứ hai là cảnh Thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu xem ta phải tha thứ cho anh em bao nhiêu lần, và Chúa trả lời: “Bảy mươi lần bảy” (nguyên văn La Tinh: “Septuagies septies”);
  • Tấm thứ ba là cảnh Thánh Phêrô khóc lóc ăn năn sau khi ông đã chối Chúa ba lần trong lúc lân la ở sân nhà thày thượng tế Caipha trong đêm Chúa Giêsu bị bắt, kèm theo là hàng chữ:  “Chúa đã quay lại nhìn Phêrô”  (nguyên văn La Tinh: “Conversus Dominus respexit Petram”);

  • Tấm thứ tư là cảnh Chúa Giêsu bị đóng đanh trên thập giá cùng với hai tên trộm, và Ngài đã nói với tên trộm lành rằng: “Hôm nay ngươi sẽ cùng ở với Ta trên nước Thiên Đàng”  (nguyên văn La Tinh: “Hodie mecum  eris in paradise”).

Hàng cuối cùng gồm 4 tấm ghép tuyên xưng Mầu Nhiệm Thiên Chúa Sống Lại và sự ra đời của Giáo Hội:

  • Tấm thứ nhất là cảnh ông Thánh Tôma xem xét những vết đóng đinh trên thân thể Chúa, kèm theo là hàng chữ: “Phúc cho những ai đã tin” (nguyên văn La Tinh:  “Beati qui crediderunt”);

  • Tấm thứ hai là cảnh Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các tong đồ và Ngài nói: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (nguyên văn La Tinh: “Accipite Spirituum Sanctum”);
  • Tấm thứ ba là cảnh Chúa Giêsu hiện ra với Saolô (tức Thánh Phaolô) trên con đường đến Damascus với câu nói : “Ta là Giêsu mà ngươi đang đi bắt bớ”  (nguyên văn La Tinh: “Sum Jesus quem tu persequeris”

4z_q9AYmM2mVN3C_Wv1M-Zk2t-FoJs0w9UgDcu7w9-0

  • và tấm cuối cùng diễn tả hình ảnh Đức Thánh Cha gõ vào Cánh Cửa Năm Thánh, đi kèm với hàng chữ:  “Ta đứng ngay Cửa và gõ vào” (nguyên văn La Tinh: “Sto ad ostium et pulso”).

91pwRpEZOcY-cKyj_tFo8zdWwJ2MudsLbWpLiIlA0n8
Tóm lại, tất cả các cảnh trên đều nhắc nhở và mời gọi chúng ta là những người đi hành hương hãy đắm mình vào mầu nhiệm của ơn cứu độ mà hoán chuyển từ đời sống tội lỗi sang đời sống tràn đầy ơn sủng Chúa, từ sự xa cách đến sự kết hiệp với Chúa, và từ sự Chết sang sự Sống Vĩnh Cửu.

Khi đứng ở Cửa Thánh trong Năm Thánh sắp đến (2016), xin bạn hãy nhớ cho là Thiên Chúa của chúng ta cũng đang đứng ở đó và Ngài đang gõ cửa trái tim của bạn. Chúng ta hãy mở rộng lòng để đón Ngài vào mà bước qua ngưỡng cửa hy vọng để luôn hướng đến sự thánh thiện đời đời.

Nguyễn Mỹ Linh  phỏng dịch

Nguồn:  http://catholicstraightanswers.com/what-is-the-significance-of-the-holy-door/ )

Kiểm tra tương tự

Năm Thánh, lịch sử và nguồn gốc từ Thánh Kinh

  Trên tờ L’Osservatore Romano, Đức hồng y Ravasi, học giả Kinh Thánh, truy tầm …

App Hành hương Dòng Tên có phiên bản tiếng Việt

App Hành hương Dòng Tên (Jesuit Pilgrimage), được phát hành từ cuối năm 2022 để …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *