Bản dịch cuộc phỏng vấn ĐGH Phanxicô của báo Corriere della Sara

“Trong cuộc phỏng vấn do báo Corriere della Sara thực hiện, Đức Bergoglio đã nói về cuộc cách mạng năm đầu tiên của ngài tại trung tâm Giáo Hội.”

pope-francis-anniversary_0
Một năm đã trôi qua kể từ khi lời “chào buổi tối” đơn sơ làm lay động thế giới. Những sai sót của 12 tháng qua không thể vùi lấp được một lượng lớn những điều mới mẻ và những dấu chỉ sâu sắc về đổi mới mục vụ của Đức Phanxicô. Chúng tôi gặp nhau trong một căn phòng nhỏ của nhà thánh Martha. Cánh cửa sổ duy nhất trông ra ngoài sân mở ra chỉ đủ để thấy một góc rất nhỏ của bầu trời xanh. Đức Giáo hoàng đột nhiên xuất hiện với một khuôn mặt thanh thản và trìu mến. Ngài trông có vẻ thích thú khi thấy những thiết bị ghi âm khác nhau đã được chuẩn bị sẵn trên bàn. “Chúng hoạt động tốt cả chứ? Vâng! Tạ ơn Chúa”. Đánh giá một năm vừa qua chăng? Không, Đức Thánh Cha không thích điều đó. “Tôi lượng giá mỗi 2 tuần với Cha giải tội của tôi.”

Thưa Đức Thánh Cha, đôi khi ngài gọi điện cho những người xin ngài giúp đỡ. Và có khi nào họ không tin đó là ngài không?

Vâng, điều đó đã xảy ra với tôi. Khi có ai đó gọi điện, đó là vì anh ta muốn trò chuyện, có điều gì đó cần hỏi, muốn một lời khuyên. Khi còn làm linh mục ở Buenos Aires tôi thực hiện điều này dễ dàng hơn. Và tôi vẫn giữ thói quen đó. Đó là một việc phục vụ và nó cần được thể hiện như thế. Nhưng thú thực bây giờ làm điều đó quả là không dễ vì lượng thư từ mà người ta viết cho tôi.

Ngài có nhớ cuộc liên lạc nào với một tình cảm đặc biệt không?

Một góa phụ 80 tuổi, bà đã mất một đứa con. Bà đã viết thư cho tôi. Và bây giờ tôi gọi điện cho bà ấy mỗi tháng. Bà vui lắm. Tôi đang thi hành [vai trò của một] linh mục. Tôi thích thế.

Về mối quan hệ với vị tiền nhiệm của ngài, ngài đã bao giờ xin lời khuyên từ Đức Bênêđictô XVI chưa?

Có chứ, “nguyên Giáo hoàng” không phải là một bức tượng trong viện bảo tàng. Đó là một định chế (institution) mà lâu rồi chúng tôi không sử dụng. Cách đây 60 hoặc 70 năm, tên gọi “nguyên Giám mục” không hề có. Nó chỉ có từ sau Công đồng Vatican II và bây giờ nó là một thiết chế. Tên gọi nguyên Giáo hoàng cũng tương tự như thế. Đức Bênêđictô là người đầu tiên và có lẽ sẽ có những người khác nữa. Chúng ta không biết được. Đức Bênêđictô là người khôn ngoan, khiêm nhường, ngài không muốn làm phiền ai cả. Chúng tôi đã nói về điều đó và cùng quyết định rằng sẽ tốt hơn nếu ngài nhìn thấy mọi người, cùng tham gia vào đời sống Giáo hội. Có lần ngài đã đến đây dịp làm phép tượng Tổng lãnh Thiên thần Micae, sau đó dùng bữa trưa tại nhà thánh Martha và sau Giáng sinh tôi đã đến mời ngài tham dự Công nghị phong Hồng y và ngài đã nhận lời. Sự khôn ngoan của ngài là một quà tặng của Thiên Chúa. Một số người muốn ngài nghỉ hưu tại đan viện Biển Đức cách xa thành Vatican. Và sau đó tôi nghĩ đến những bậc cao niên. Sự khôn ngoan và lời khuyên của họ đem lại sức mạnh cho gia đình và không đáng bị kết thúc tại viện dưỡng lão.

NWS_2013-12-24_WOR_033_30094201_I1

Chúng tôi nghĩ rằng cách ngài quản trị Giáo hội giống như thế này: ngài lắng nghe mọi người và sau đó quyết định một mình – phần nào giống Bề trên Tổng quản Dòng Tên. Giáo hoàng có phải là một người đơn độc không?

Có và không. Nhưng tôi hiểu bạn muốn nói với tôi điều gì. Giáo hoàng không đơn độc trong sứ vụ của ngài bởi vì ngài được nhiều người tư vấn. Và ngài sẽ là một người đơn độc nếu ngài quyết định mà không hề lắng nghe bất cứ ai hay giả vờ lắng nghe. Tuy nhiên, khi đến thời điểm phải quyết định, khi phải đặt bút ký, lúc đó ngài (quyết định) một mình cùng với tinh thần trách nhiệm.

Ngài đã canh tân, đã phê bình một số thái độ của hàng giáo sĩ. Ngài đã cách mạng hóa Giáo triều và gặp phải một số phản kháng và chống đối. Liệu Giáo hội đã thay đổi như ngài mong muốn cách đây một năm chưa?

Tháng ba năm ngoái tôi không hề có kế hoạch thay đổi Giáo hội. Tôi cũng không mong đợi cuộc chuyển giao giáo phận này (từ Buenos Aires đến Rome), có thể nói như thế. Tôi bắt đầu quản trị và cố gắng đưa vào thực hành mọi điều đã nổi lên từ những cuộc thảo luận giữa các hồng y trong nhiều phiên họp khác nhau. Và tôi chờ đợi Chúa linh hứng để hành động. Tôi sẽ cho bạn một ví dụ: (Công nghị hồng y) đã bàn luận về tình trạng thiêng liêng của những người đang phục vụ tại Giáo triều và sau đó họ đã bắt đầu đi tĩnh tâm. Quan trọng hơn nên làm Linh thao hàng năm. Mọi người đều có quyền dành 5 ngày để thinh lặng và suy niệm, trong khi trước đây tại Giáo triều họ thường được nghe 3 bài giảng trong 1 ngày và sau đó vẫn tiếp tục làm việc.

Có phải lòng nhân từ và thương xót là bản chất của thông điệp mục vụ của ngài?

Và là bản chất của Tin mừng nữa chứ. Những điều này là trung tâm của Tin Mừng. Nếu không, người ta thể không hiểu Đức Giêsu Kitô, lòng nhân từ của Chúa Cha, Đấng đã sai ngài đến để lắng nghe chúng ta, chữa lành chúng ta và cứu độ chúng ta.

Nhưng đã có ai hiểu thông điệp này? Ngài đã nói rằng hội chứng “mê Giáo hoàng Phanxicô” sẽ không kéo dài lâu. Có hình ảnh nào của ngài trước công chúng mà ngài không thích không? 

Tôi thích ở giữa mọi người, ở với những ai đang gặp đau khổ, đi thăm các xứ đạo. Tôi không thích những lối diễn giải mang tính ý thức hệ, một huyền thoại nào đó về Giáo hoàng Phanxicô. Chẳng hạn khi người ta đồn rằng tôi đã rời Vatican vào ban đêm để phát thức ăn cho những người vô gia cư trên phố Via Ottaviano. Ý tưởng này chưa bao giờ xuất hiện trong đầu tôi. Sigmund Freud từng nói rằng sự lý tưởng hóa nào cũng có sự khiêu khích. Mô tả Giáo hoàng như một kiểu siêu nhân hay ngôi sao hình như xúc phạm đến tôi đó. Giáo hoàng là người biết cười, biết khóc, biết đánh một giấc ngủ ngon và có bạn bè như bao người khác. Ngài là một con người bình thường.

20130726cnsbr1195_610
Ngài có nhớ quê hương Argentina không?

Sự thật là tôi không thấy nhớ nhà. Tôi chỉ muốn thăm người em gái đang bị bệnh; bà ấy là em út trong số anh em chúng tôi. Tôi rất muốn gặp bà ấy nhưng điều này không thể biện minh cho một cuộc viếng thăm Argentina. Tôi đã gọi điện cho bà ấy và thế là đủ rồi. Tôi không nghĩ sẽ đi (Argentina) trước năm 2016 vì tôi đã ở Châu Mỹ Latinh khi đến Rio rồi. Bây giờ tôi phải đến Thánh địa, Á Châu và sau đó là Phi Châu.

Ngài vừa mới gia hạn hộ chiếu Argentina. Nhưng ngài vẫn là một nguyên thủ quốc gia.

Tôi vừa mới gia hạn vì nó đã hết hạn rồi.

Ngài có cảm thấy khó chịu khi bị một số người, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, cáo buộc là người Mácxít sau khi công bố tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” không?

Không hề. Tôi chưa bao giờ chia sẻ ý thức hệ Mácxít bởi vì nó là sai lầm, nhưng tôi biết nhiều người tốt xưng mình theo chủ nghĩa Mác.

Những vụ bê bối làm xáo trộn đời sống Giáo hội may thay bây giờ đã lui vào quá khứ. Có một đề nghị đã được gửi tới ngài liên quan đến vấn đề tế nhị là việc lạm dụng trẻ vị thành niên, được xuất bản bởi báo Il Foglio, có kèm chữ ký của các triết gia Besancon, Scruton và một số người khác muốn ngài lên tiếng chống lại sự cuồng tín và lương tâm bất chính của một thế giới bị tục hóa vốn không hề tôn trọng trẻ em.

Tôi muốn nói hai điều. Các vụ lạm dụng thật khủng khiếp vì chúng để lại những vết thương sâu. Đức Bênêđictô XVI đã rất can đảm và đã mở ra một con đường (để giải quyết vấn nạn này). Và, tiếp nối con đường đó, Giáo hội đã làm được rất nhiều điều, có lẽ nhiều hơn bất cứ ai khác. Các thống kê về hiện tượng bạo lực chống lại trẻ em thật sự gây sốc, nhưng chúng cũng cho thấy rằng phần lớn những vụ lạm dụng đến từ môi trường gia đình và từ những người gần gũi với các em. Giáo hội Công giáo có lẽ là tổ chức công duy nhất đã hành động với tinh thần trách nhiệm và minh bạch. Không có ai làm được nhiều hơn thế. Tuy nhiên, Giáo hội lại là đối tượng duy nhất bị công kích.

Thưa Đức Thánh Cha, ngài đã từng nói rằng “người nghèo Phúc âm hóa chính chúng ta.” Quan tâm đến đói nghèo, điểm nhấn mạnh mẽ nhất trong thông điệp của ngài được một số nhà quan sát xem như một lời tuyên xưng về (tinh thần) nghèo khó. Tin Mừng không lên án sự giàu có. Chính Giakêu cũng là một người giàu có và bác ái.

Tin Mừng lên án việc tôn sùng sự giàu có. Nghèo khó là một những diễn giải quan trọng. Vào thời Trung cổ, có nhiều trào lưu sống nghèo khó. Thánh Phanxicô [thành Assisi] đã tài tình đưa chủ đề sống nghèo khó vào trong hành trình loan báo Tin Mừng. Chúa Giêsu dạy rằng người ta không thể làm tôi hai chủ, Thiên Chúa và tiền của. Và khi chúng ta chịu phán xét trong ngày chung thẩm (Mt, 25), chúng ta sẽ được hỏi về sự gần gũi của chúng ta với nghèo khó. Sự nghèo khó tách chúng ta ra khỏi việc tôn thờ ngẫu tượng và mở ra cánh cửa với Đấng Quan phòng. Ông Giakêu đã trao phân nửa tài sản cho người nghèo. Và đối với những ai nắm giữ kho thóc cho tính ích kỷ của mình, Đức Chúa, vào ngày chung thẩm sẽ tính sổ với người ấy. Tôi nghĩ rằng tôi đã diễn tả suy nghĩ của tôi về sự nghèo khó trong tông huấn “Niềm vui Phúc Âm.”

Pope Francis
Ngài đã cho thấy rằng trong thời đại toàn cầu hóa, đặc biệt là về tài chính, có một số tệ nạn làm cho nhân loại đau khổ. Tuy nhiên, toàn cầu hóa đã làm cho hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói. Nó đã mang lại hy vọng, một sự truyền cảm hiếm có mà không được nhầm lẫn với chủ nghĩa lạc quan.

Đúng vậy, toàn cầu hóa đã cứu nhiều người thoát khỏi nghèo đói, nhưng nó đã khiến cho nhiều người khác chết đói vì với hệ thống kinh tế này nó trở thành (một cơ chế) mang tính chọn lọc. Toàn cầu hóa mà Giáo hội nghĩ về không giống như một quả cầu mà trong đó mỗi điểm cách đều tâm và vì thế, tính cá vị của con người bị mất đi. Thay vào đó, toàn cầu hóa mà Giáo hội nghĩ đến là một khối đa diện với nhiều khuôn mặt khác nhau trong đó mỗi quốc gia gìn giữ nét văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo và căn tính của chính mình. Toàn cầu hóa kinh tế “hình cầu” hiện nay, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, chỉ sản sinh ra một lối suy nghĩ, một lối suy nghĩ yếu ớt. Và con người không còn là trung tâm nữa nhưng chỉ là tiền bạc.

Chủ đề gia đình là trọng tâm của các hoạt động của Hội đồng 8 hồng y. Kể từ tông huấn “Familiaris Consortio” của Đức Gioan Phaolô II, nhiều thứ đã thay đổi. Những điều mới mẻ đang được mong đợi. Và ngài đã nói rằng những người ly dị không đáng bị lên án và họ phải được giúp đỡ.

Đó là một con đường dài mà Giáo hội phải hoàn tất, một tiến trình mà Chúa muốn. Ba tháng sau khi được bầu làm giáo hoàng, tôi đã nhận được các đề tài cho Thượng Hội đồng Giám mục và chúng tôi đã quyết định thảo luận về những đóng góp của Chúa Giêsu cho con người hôm nay. Tuy nhiên, cuối cùng, như dấu chỉ của ý Chúa, chúng tôi đã quyết định thảo luận về chủ đề gia đình vốn đang trải qua một cuộc khủng khoảng nghiêm trọng. Thật là khó để hình thành một gia đình. Rất ít người trẻ kết hôn. Có quá nhiều gia đình đổ vỡ, kế hoạch chung sống của họ thất bại. Trẻ em phải chịu nhiều đau khổ. Và chúng ta phải đưa ra lời giải đáp. Tuy nhiên, chúng ta phải phản tỉnh thật sâu xa về điều này. Đây là điều mà Công nghị Hồng y và Thượng Hội đồng Giám mục đang làm. Chúng ta phải tránh việc chỉ dừng lại ở bề nổi của vấn đề. Cám dỗ muốn giải quyết mỗi vấn đề với những lý lẽ ngụy biện là một sai lầm, một sự đơn giản hóa những điều sâu xa. Đó chính là những gì mà các Pharisêu đã làm: một nền thần học rất thiển cận. Và chính trong ánh sáng của phản tỉnh sâu xa này, những tình huống cụ thể, trong đó có những người ly dị, sẽ được bàn đến một cách nghiêm túc.

vatican-pope-babies
Tại sao bài phát biểu của Đức Hồng y Walter Kasper trong Công nghị vừa qua (một vực thẳm phân cách giữa giáo lý về hôn nhân gia đình và cuộc sống thực tế của nhiều Kitô hữu) lại gây ra nhiều phân rẽ giữa các hồng y? Ngài có nghĩ rằng Giáo hội có thể vượt qua hai năm hành trình vất vả để đi đến một sự đồng thuận rộng rãi và ổn định?

Đức Hồng y Kasper trình bày một bài thuyết trình thật sâu sắc và tốt đẹp. Chẳng bao lâu nữa bài thuyết trình này sẽ được xuất bản bằng tiếng Đức. Ngài đề cập đến 5 điểm, điểm thứ năm là về kết hôn lần thứ hai. Tôi sẽ thật sự lo lắng nếu không hề có một cuộc thảo luận sôi nổi trong Công nghị vì như thế họp Công nghị cũng chẳng có lợi ích gì. Các hồng y biết rằng họ có thể nói những gì họ muốn và họ đã trình bày nhiều quan điểm khác nhau vốn luôn luôn làm phong phú (cho vấn đề). Một cuộc tranh luận cởi mở và đầy tình huynh đệ giúp cho các tư tưởng về thần học và mục vụ được phát triển. Điều này không làm tôi lo sợ. Hơn thế, tôi lại tìm kiếm điều này.

Trong thời gian gần đây nổi lên thói quen tham chiếu đến “những giá trị bất khả thương thảo,” đặc biệt là các vấn đề về đạo đức sinh học và luân lý tính dục. Ngài đã không dùng công thức đó. Phải chăng sự lựa chọn của ngài là dấu chỉ về một phong cách ít giáo điều hơn và tôn trọng lương tâm cá nhân hơn?

Tôi chưa bao giờ biết về diễn tả (gọi là) “những giá trị bất khả thương thảo.” Giá trị là giá trị và nó là thế. Tôi không thể nói ngón tay trong một bàn tay hữu ích hơn các ngón còn lại vì thế tôi không hiểu ý nghĩa của điều gọi là những giá trị có thể thương thảo. Những gì tôi phải nói về chủ đề sự sống đã được viết trong tông huấn “Niềm vui Phúc Âm” rồi.

Nhiều nước đã đưa ra quy định về kết hôn dân sự. Đây có phải là đường hướng mà Giáo hội có thể chấp nhận không? Và điều đó sẽ đi về đâu?

Hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Những nhà nước thế tục muốn biện minh cho những kết hợp dân sự để quy định những tình huống chung sống khác nhau, cũng được thúc đẩy bởi nhu cầu đưa ra quy định về những phương diện kinh tế giữa những người sống chung, như bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe chẳng hạn. Mỗi trường hợp phải được nhìn nhận và đánh giá trong tính đa dạng của chúng.

Vai trò của người nữ trong Giáo hội sẽ được thúc đẩy như thế nào?

Những lý lẽ để biện minh cũng chẳng giúp được gì trong trường hợp này nữa. Sự thật là phụ nữ có thể và phải hiện diện nhiều hơn trong những vị trí vốn phải đưa ra quyết định trong Giáo hội. Nhưng tôi sẽ không gọi điều này là một sự thăng tiến chức năng. Chỉ duy điều này, người ta chẳng tiến được bao nhiêu. Đúng hơn, chúng ta phải suy nghĩ rằng từ Giáo hội có mạo từ “la”: chính là nữ tính. Nhà thần học Urs von Balthasar đã làm việc cật lực về chủ đề này: nguyên tắc Maria hướng dẫn Giáo hội bên cạnh nguyên tắc Phêrô. Đức Trinh nữ Maria thì quan trọng hơn bất cứ giám mục và bất cứ Tông đồ nào. Suy tư thần học này đã và đang được đào sâu. Đức Hồng y [Stanislaw] Rylko [chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân] cùng với Hội đồng Giáo dân đang làm việc theo hướng này cũng với nhiều nữ chuyên viên khác nhau.

Nửa thế kỷ đã trôi qua để từ thông điệp “Humanae Vitae” của Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Giáo hội có thể bàn lại chủ đề điều hòa sinh sản không? Đức Hồng y [Carlo Maria] Martini [Nguyên Tổng Giám mục Milan], một người anh em cùng dòng với ngài, tin rằng giờ đã đến lúc.

Tất cả phụ thuộc vào cách mà thông điệp “Humanae Vitae” được diễn giải. Chính Đức Phaolô VI đến phút chót đã khuyên các cha giải tội nên thể hiện lòng thương xót và quan tâm nhiều hơn đến các trường hợp cụ thể. Nhưng, sự khôn ngoan của ngài mang tính tiên tri khi ngài can đảm đi ngược dòng với đa số để bảo vệ nguyên tắc luân lý, để chặn đứng một trào lưu, để chống lại chủ thuyết tân Malthus (hạn chế sinh đẻ để phát triển kinh tế) hiện nay và trong tương lai. Vấn đề không phải là thay đổi giáo thuyết nhưng cần đi sâu vào vấn đề và bảo đảm rằng sứ vụ mục vụ phải lưu tâm đến hoàn cảnh của từng cá nhân và những gì người đó có thể làm. Điều này cũng sẽ được thảo luận trên lộ trình tiến tới Thượng Hội đồng Giám mục.

Khoa học mở ra và vẽ lại ranh giới của sự sống. Liệu nó có ý nghĩa đối với việc kéo dài sự sống trong tình trạng sống thực vật chăng?

Tôi không phải là một chuyên gia về đạo đức sinh học và tôi e rằng sẽ nói sai. Giáo lý truyền thống của Giáo hội nói rằng không ai bị buộc phải sử dụng những phương pháp ngoại thường khi bệnh nhân đang sống trong giai đoạn cuối. Về mục vụ, trong trường hợp này tôi luôn khuyên sử dụng các biện pháp xoa dịu cơn đau. Về những trường hợp cụ thể hơn, tốt hơn hết là tìm lời khuyên từ các chuyên gia.

Chuyến thăm Thánh địa của ngài sẽ mang đến một thoả thuận liên hiệp với Giáo hội Chính thống như Đức Phaolô VI, đã ký với [Đức Thượng phụ] Athenagoras cách đây 50 năm chứ?

Tất cả chúng tôi đều nôn nóng có được những kết quả đã được cam kết. Nhưng con đường tiến đến hiệp nhất với Giáo hội Chính thống trướt hết là phải cùng bước đi và cùng làm việc với nhau. Ở Buenos Aires, nhiều người Chính thống giáo đã đến dự các khóa giáo lý. Tôi thường mừng Giáng sinh và ngày 1 tháng 6 với các giám mục của họ, những người đôi khi cũng nhờ văn phòng giáo phận của chúng tôi tư vấn. Tôi không biết liệu câu chuyện liên quan đến việc Đức Thượng phụ Athenagoras đề nghị Đức Giáo hoàng Phaolô VI cùng đi dạo và gửi tất cả các thần học gia của hai bên đến một hòn đảo để cùng thảo luận với nhau có đúng không. Có vẻ là một chuyện đùa nhưng điều quan trọng là chúng tôi cùng sánh bước. Nền thần học Chính thống giáo rất phong phú. Và tôi tin rằng lúc này đây họ có những nhà thần học tầm cỡ. Tầm nhìn của họ về Giáo hội và tính hiệp đoàn thật tuyệt vời.

os-en-fotos-nuevo-papa-20130313-051
Vài năm nữa Trung Quốc sẽ là nước có quyền lực nhất thế giới thế mà Vatican không có mối liên hệ nào. Matteo Ricci cũng là một linh mục dòng Tên giống như ngài.

Chúng tôi gần gũi với Trung Quốc. Tôi đã gửi thư cho Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông được bầu sau tôi ba ngày. Ông ấy đã hồi âm. Có mối quan hệ chứ. Họ là một dân tộc vĩ đại và tôi yêu mến họ.

Thưa Đức Thánh Cha, tại sao ngài chưa bao giờ đề cập đến Âu Châu? Dự án về Âu Châu không thuyết phục được ngài?

Ông có nhớ cái hôm tôi nói về Á Châu không? Tôi đã nói gì? Tôi không nói gì về Á Châu, Phi Châu hay Âu Châu. Tôi chỉ nói về Mỹ Latinh khi tôi ở Brazil và khi tôi tiếp kiến Ủy ban Châu Mỹ Latinh. Chưa có dịp để tôi nói về Âu Châu. Điều đó sẽ đến thôi.

Ngài đang đọc sách gì trong những ngày này?

“Phêrô và Madalêna” của Damiano Marzotto bàn về chiều kích nữ tính của Giáo hội. Một cuốn sách tuyệt vời.

Ngài đã từng xem bộ phim hay nào chưa? “La Grande Bellezza” vừa đạt giải Oscar. Ngài sẽ xem phim này chứ?

Tôi không biết. Phim gần đây nhất mà tôi xem đó là “Cuộc đời tươi đẹp” của Benigni. Và trước đó, tôi đã xem “La Strada” của Fellini. Một kiệt tác. Tôi cũng thích Wajda nữa…

Thánh Phanxicô có một thời trẻ khá vô tư. Xin hỏi ngài đã từng yêu chưa?

Trong cuốn sách có tựa đề Tu sĩ Dòng Tên, tôi đã kể rằng tôi đã có bạn gái lúc 17 tuổi. Và tôi cũng đề cập đến điều này trong cuốn Trời và Đất, một tác phẩm mà tôi viết chung với Abrâhm Skorka. Thời học ở chủng viện, một cô gái đã làm đầu óc tôi quay lòng vòng suốt 1 tuần.

Và nếu ngài không ngại kể, chuyện đó đã kết thúc thế nào?

Chúng là những chuyện của tuổi trẻ. Tôi đã xưng với cha giải tội của tôi về chuyện này [ngài cười lớn].

Xin cám ơn Đức Thánh Cha

Cám ơn ông.

Ferruccio de Bortoli thực hiện
Chỉnh Trần, S.J., chuyển ngữ
Nội dung trong ngoặc [ ] là chú thích của ZENIT, trong ngoặc ( ) là chú thích của người dịch

Nguồn: Zenit

Kiểm tra tương tự

Ơn Toàn Xá nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư

Nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư – 28/7/2024, …

Tầm quan trọng của nền Giáo dục Công giáo trong thế giới hiện đại

Vai trò độc nhất  Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nền …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *