Bạn đường của giáo phu

BẠN ĐƯỜNG CỦA GIÁO PHU

(Vài chia sẻ nho nhỏ với anh chị em đang cháy lửa truyền giáo)

Y. Băng

Phố Núi, Mùa Thu 2017


 

1.  Dẫn nhập

Nhiều người lưỡng lự

trước tiếng Chúa mời gọi

là vì họ băn khoăn

không biết sẽ phải làm gì,

nếu trở thành môn đệ của Chúa!

Đoạn Tin Mừng “Mt 10:1-20”

sẽ vén màn và khai mở cho họ,

giải toả nỗi băn khoăn của họ

và chỉ dẫn họ

bước vào con đường sứ vụ.

Những chia sẻ dưới đây

dựa vào chính Lời Chúa

để anh chị em xác tín rằng

Lời Chúa vẫn là kim chỉ nam tốt nhất cho người môn đệ của Chúa.

Vì “Lời Chúa là lời sống động,

hữu hiệu và sắc bén

hơn cả gươm hai lưỡi:

xuyên thấu chỗ phân cách

tâm với linh, cốt với tủy;

lời đó phê phán tâm tình

cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4:12).

1 Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

2 Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông;3 ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô;4 ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người. 5 Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:

6 Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.7 Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.9 Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng.10 Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.
11 “Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi.12 Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy.13 Nếu nhà ấy xứng đáng, thì -bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em.14 Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại.15 Thầy bảo thật anh em, trong Ngày phán xét, đất Xơ-đôm và Gô-mô-ra còn được xử khoan hồng hơn thành đó.16 Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.

17 “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ.18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.19 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì:20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.

2.  Ý thức về căn tính – Ơn gọi làm Yaophu

Yaophu (Giáo Phu)

là một ơn gọi đặc biệt,

Chúa dành cho anh chị em

người dân tộc thiểu số.

Giữa buôn làng, chỉ có một vài người được Chúa chọn gọi và sai đi (Cl 3:12; Ga 15:16).

Chúa chọn, nên Chúa ban ơn,

gìn giữ và dẫn dắt.

Chúa đã gọi Nhóm Mười Hai,

gọi đúng tên từng người (Mt 10:2-4)

và ban tặng sức mạnh của Chúa,

để các ông chiến thắng các cám dỗ

và cộng tác với Chúa

giúp nhiều người được chữa lành

bệnh tật thể xác và linh hồn (Mt 10:1).

Ơn gọi làm Yaophu

cao cả và quý hiếm lắm!

Yaophu đích thực càng quý hiếm hơn.

Yaophu đích thực là người của Chúa,

làm việc trong Chúa,

cho Chúa, với Chúa và vì Chúa.

Yaophu đích thực là người có đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa

qua việc cầu nguyện

và tham dự Thánh Lễ mỗi ngày

(nếu có thể);

để Chúa Thánh Thần dẫn dắt;

không chiều theo ý riêng

nhưng luôn tìm ý Chúa để thực thi

và biết phân biệt ý Chúa hay ý Satan,

ý Chúa hay ý riêng mình;

không đặt vợ con, chồng con, tiền bạc, sức khoẻ, v.v. lên trên Chúa.

Yaophu lên đường

nên phải xa người thân, bạn bè.

Người bạn đường của họ là Chúa,

là anh chị em cùng chí hướng.

Yaophu lên đường

nên phải hy sinh công việc,

có khi dùng tiền bạc của gia đình

(bán vội càfé, củ mì…)

để làm phương tiện đi đường

và thăm viếng,

có nhiều trường hợp

Yaophu dâng tặng đất đai

nhà cửa cho Giáo hội

để làm nhà nguyện.

Yaophu thường xuyên lên đường

nên sức khoẻ cũng chịu ảnh hưởng,

có khi làm việc đến kiệt sức,

có khi phải lo chu toàn

việc nhà việc nương đồng…

để có thời giờ rảnh rang

lên đường trong thanh thản.

Vì hoàn cảnh xã hội,

Yaophu còn là một con người

âm thầm làm việc,

chấp nhận mọi gian lao thử thách,

không chỉ nơi cuộc sống,

mà ngay cả tương lai cuộc đời mình,

trong khóe nhìn con người,

họ cũng không biết đi về đâu.

Họ chấp nhận theo Chúa Kitô

và muốn trở nên giống Chúa Kitô:

“Chồn cáo có hang,

chim trời có tổ

nhưng con người

không có chỗ gối đầu (Lc 9,58).

Họ là những chiến sĩ thầm lặng.

Truyền giáo là công việc thầm lặng,

không khua chiêng đánh trống,

không màng kết quả,

chẳng cần nổi danh, v.v..,

vì đó là công việc của Chúa,

như Thánh Phaolô đã từng nói:

Tôi trồng, anh Apôlô tưới,

nhưng Thiên Chúa

mới làm cho lớn lên” (1Cr 3:6).

Bởi thế, Yaophu không được

để cho tâm hồn trở nên kiêu ngạo,

khoe khoang, “sống thành tích”.

Bổn phận của Yaophu

là âm thầm

cộng tác với Chúa Thánh Thần

đem Tin Mừng đến với

những anh chị em chưa biết Chúa.

Dù nắng hay mưa,

dù thuận lợi hay gặp những trắc trở,

dù gặp thách đố hay gặt hái thành công,

Yaophu luôn đặt mình

trong vòng tay quan phòng

và đầy thương xót của Chúa,

luôn dâng hiến mình

làm khí giới trong tay Chúa,

luôn cùng Chúa chiến đấu đến cùng,

đi vào mọi ngõ ngách,

gặp gỡ mọi thành phần,

dù khác biệt văn hoá hay ngôn ngữ,

để giúp bà con

cảm nhận niềm vui của Tin Mừng

mà chính anh chị em Yaophu

đã được Chúa ban tặng,

làm cho hạt giống đức tin

được nẩy mầm,

làm cho tâm hồn

của anh chị em đồng loại được hồi sinh

và sống sức sống mới

của Chúa Phục Sinh.

3.  Hành trang của Yaophu là gì?

Khởi đầu

đoạn Tin Mừng “Mt 10:1-20”,

tác giả Tin Mừng nói về “vốn liếng” Chúa trao cho các môn đệ

trước khi lên đường (Mt 10:1),

đó là năng quyền

của một người truyền giáo:

mạnh mẽ hơn các tà thần,

có khả năng khử trừ chúng,

và trợ giúp hoặc chữa lành bệnh nhân.

Người truyền giáo sẽ làm được

những điều Chúa đã từng làm,

nhưng dưới những cách thế khác

trong những thời đại khác mà thôi.

Yaophu “mạnh mẽ hơn các tà thần,

có khả năng khử trừ chúng“,

vì họ không tự mình làm điều gì,

ngược lại họ nhân danh Chúa

để thực thi lệnh truyền:

Thưa Thầy, nghe đến Danh Thầy,

cả ma quỷ cũng phải

khuất phục chúng con” (Lc 10:17),

vì tên của Yaophu đã được

ghi trên trời (Lc 10:20),

vì họ được Chúa ban cho quyền năng

để đạp lên rắn rết, bò cạp

và mọi thế lực của Kẻ Thù,

mà chẳng có gì làm hại được họ (Lc 10:19).

Yaophu có khả năng

chữa lành bệnh nhân

không phải vì họ là bác sĩ

hay thầy thuốc,

nhưng họ có con tim biết yêu thương

và sẵn sàng cứu giúp

người đau yếu

bằng cách kêu gọi

sự giúp đỡ của các vị mục tử,

các tu sĩ nam nữ, các nhà hảo tâm.

Yaophu sẵn sàng

giúp người bệnh chuyển viện,

hoặc chăm sóc người bệnh

tại bệnh viện, tại buôn làng,

ngay cả trên đường

họ đang đi loan báo Tin Mừng.

Đó là cách Yaophu

đang “chữa lành bệnh nhân” gián tiếp

tựa như những người

đã khiêng những người đau bệnh

đến với Chúa Giêsu

để xin Người chữa lành

(Mt 9:2; Mc 2:2-5; Lc 5:17-20).

Như thế, hành trang của Yaophu

chính là Danh Chúa,

dựa vào Danh Chúa

để phục vụ Lời Chúa (Lc 10:17),

là năng quyền được Chúa ban

cách đặc biệt (Mt 10:1),

là Lời Chúa

và luôn ấp ủ Lời Chúa trong tâm trí (Lc 8:15),

là một tâm hồn biết xót thương người (Lc 10:29-37),

là chính Chúa Giêsu

như Đức Mẹ Maria

đã cưu mang Chúa Giêsu

trong cung lòng

và đem Chúa đến với

gia đình bà Êlidabét vậy (Lc 1:39-45).

4.  Yaophu đi gặp ai?

Yaophu đi truyền giáo,

nên đối tượng

cần được nghe biết Tin Mừng

là những người chưa biết Chúa,

những người đã bỏ Chúa,

những người đang lạc mất đức tin,

những người đang bị đàn áp

và đe dọa đức tin, v.v..

Chúa đã từng căn dặn

các môn đệ nên gặp ai,

đối tượng cần được

nghe Tin Mừng là ai.

Chúa có kế hoạch của Chúa

và hiểu rõ khả năng của từng môn đệ:

Chúa dặn rằng hãy đến với

các con chiên lạc nhà Ít-ra-en,

chứ đừng vội đến với dân ngoại (Mt 10:5-6).

Sau khi Chúa sống lại,

trước khi về trời,

lúc này các môn đệ trưởng thành hơn,

hiểu Chúa hơn, yêu Chúa hơn,

và sẵn sàng sống chết với Chúa,

Chúa mới bảo họ đi xa hơn,

gặp nhiều người hơn

– cả dân ngoại

lẫn các con chiên lạc nhà Ít-ra-en,

thậm chí không trừ một thụ tạo nào (x. Mc 16:15; Mt 28-19).

Như thế, từ thời của Chúa,

việc “tái truyền giáo” đã có rồi:

Hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen!“,

việc “truyền giáo” cũng đã có

và là lệnh truyền tối thượng:

Anh em hãy đi

khắp tứ phương thiên hạ,

loan báo Tin Mừng

cho mọi loài thọ tạo“.

Chúa cũng đã dùng cách thức

“Tân Phúc-Âm-Hóa” để truyền giáo:

tiếp cận với người Pharisêu

qua việc đối thoại với ông Nicôđêmô (Ga 3:1-21),

ăn uống với họ (Lc 7:36);

tiếp cận người phụ nữ Samaria (Ga 4:5-42)

bằng cách trò chuyện

và thấu hiểu hoàn cảnh của chị;

tiếp cận những người tội lỗi (Mt 9:9-13) và đau bệnh (Mc 5:25-34)

bằng cách ăn uống và cảm thông

để giúp họ được giải thoát

và chữa lành.

Ngày nay, chúng ta chỉ cần học lấy

các cách thức tuyền giáo của Chúa

để thực thi lệnh truyền của Người

và thu lượm hoa trái mà thôi.

Tuy thế, các phương thế truyền giáo của hôm nay

có thể khác khi xưa,

“thời theo thời”,

nhưng dù thế nào,

việc lên đường để tiếp cận

và được gần gũi với dân chúng

vẫn là điểm then chốt,

ưu tiên và tối ưu hơn cả,

vì chính Thầy Giêsu

đã rong ruổi khắp nơi,

đi vào mọi ngõ ngách,

gặp gỡ mọi thành phần trong xã hội.

5.  Yaophu truyền giáo như thế nào?

Các môn đệ Chúa cần làm gì

khi gặp người

chưa nghe biết Tin Mừng?

Rất đơn giản, đó là nói về Chúa,

về Đấng Mê-xi-a cho họ nghe:

Dọc đường hãy rao giảng rằng:

Nước Trời đã đến gần” (Mt 10:7).

Trong Tân Ước, khi nói về Nước Trời

là có ý nói về chính Chúa Giêsu vậy.

Chúa Giêsu đã từng mặc khải

về chính Người

cho người phụ nữ Samaria

để giúp chị đón nhận

Tin Mừng Cứu Độ (Ga 4:5-42).

Yaophu chúng ta hãy học

cách truyền giáo của Chúa

qua câu chuyện này.

Khi gặp người phụ nữ Samaria,

Chúa không vội vàng

nói về Chúa cho chị ấy nghe,

mà Chúa làm quen với chị.

Đầu tiên,

Chúa xin chị cho chút nước uống

để tạo thiện cảm

và kết bạn với chị (Ga 4:7-14),

dù hai người khác văn hóa

(Do Thái và Samaria).

Sau khi có được tình bạn,

Chúa xây dựng niềm tin,

làm cho chị tin Chúa

là một người chân thật và tốt bụng,

một người bạn đích thực,

hiểu và thông cảm

cho hoàn cảnh sống của chị,

sẵn sàng nâng đỡ chị,

đón nhận con người của chị

dù chị có một quá khứ không tốt,

dù cuộc sống hiện tại của chị

có nhiều rối ren (Ga 4:15-19).

Tiếp đến,

Chúa bắt đầu đối thoại đức tin với chị.

Hai người chia sẻ niềm tin cho nhau.

Chúa soi sáng cho chị thấy

đâu là con đường dẫn chị

tới gặp sự thật, chân lý, tự do

và sự sống viên mãn (Ga 4:20-26).

Một khi có một sự đối thoại tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau,

Chúa mời chị đi kín múc

nguồn nước hằng sống,

tôn thờ Thiên Chúa

không phải trên núi này núi kia,

mà trong chính tâm hồn mình,

để Thiên Chúa làm chủ tâm hồn

và dưỡng nuôi linh hồn (Ga 4:27-30).

Cuối cùng, sau khi tin Chúa,

chị đã trở thành

môn đệ truyền giáo của Người,

giới thiệu Chúa cho người khác

(Ga 4:39-42).

Vâng, sứ mạng chính của các môn đệ

là giới thiệu Chúa cho người khác,

giúp họ được nghe biết Tin Mừng,

chứ không phải là cho người ta

ăn uống, áo tiền, thuốc men…

Nếu chúng ta để ý,

khi thấy dân chúng đói khát,

Chúa Giêsu đã không vội

làm phép lạ bánh hoá nhiều,

nhưng muốn dân ở lại với Chúa

để nghe Lời Chúa

và khi thấy họ đã ăn no Lời Chúa,

Người mới làm phép lạ bánh hoá nhiều

để nuôi thân xác dân chúng (Mt 15:32; Mc 6:34).

Thực thế, trong những lời căn dặn

của Chúa Giêsu,

việc rao giảng Tin Mừng được ưu tiên,

sau đó mới tới việc bác ái xã hội

như chữa lành bệnh tật,

giúp đỡ người nghèo đói (Mt 10:8).

Nói cách khác,

việc bác ái xã hội luôn đan xen,

hòa quyện với việc truyền giáo.

Truyền giáo mà không có bác ái xã hội,

nghĩa là giúp đỡ người nghèo đói,

nâng đỡ người túng quẫn,

bảo vệ người cơ nhỡ,

chăm lo cho trẻ em

được học hành nghiêm chỉnh,

chăm sóc bệnh nhân,

chữa trị người đau ốm, v.v..

thì việc truyền giáo

như một “thùng rỗng kêu to”,

như những lời nói sáo rỗng,

như những việc làm vô ích.

Như đã chia sẻ ở trên,

Yaophu có thể

không đủ khả năng về tiền bạc

để giúp đỡ người nghèo đói,

trẻ em thất học, người đau bệnh…

nhưng có khả năng giới thiệu,

kêu cứu và “khiêng người đau bệnh”

đến với các cha, các thầy, các sơ

và những người hảo tâm,

những người có khả năng tài chính.

Đôi khi, qua việc bác ái xã hội,

Yaophu dễ dàng thuyết phục

người chưa biết Chúa

hoặc đang yếu đức tin

càng thêm tin tưởng vào Chúa

và gắn bó với Hội Thánh.

Đây cũng là một cách thức truyền giáo.

Bên cạnh đó, có một số Yaophu

biết áp dụng truyền thông

để truyền giáo,

như phát sách truyện các thánh

và Kinh-Thánh-bằng-hình cho trẻ em,

dùng điện thoại và thẻ nhớ

sao chép các phim Công Giáo

để minh họa cho những lời rao giảng

và làm cho người chưa biết Chúa

dễ hiểu về Chúa và Lời Chúa hơn,

dùng máy cát-sét bật các bài giảng

cho người già và không biết chữ nghe, v.v..

Đây là một trong những cách thức

“Tân Phúc-Âm-Hóa” khá hiệu quả

dành cho anh chị em trong các buôn làng.

6.  Yaophu phải sống ra sao?

Chúa đã khuyên các môn đệ

hãy sống đơn giản và tín thác vào Chúa (Mt 10:9-10),

đem niềm vui và bình an

đến cho dân chúng (Mt 10:11-16),

yêu thương và tôn trọng nhau:

khôn ngoan đối đáp người ngoài,

gà cũng một mẹ chớ hoài đá nhau”,

và để Thần Khí hướng dẫn

trong mọi cách ăn nết ở (Mt 10:17-20).

Sống theo lời khuyên của Chúa,

Yaophu sẽ có một thần thái

và phong thái

của một môn đệ đích thực của Chúa.

Một thần thái thanh thoát nhưng nỗ lực,

một phong thái mạnh mẽ nhưng khiêm tốn,

trưởng thành nhưng đơn sơ,

gần gũi nhưng nghiêm túc,

nhiệt thành nhưng tín thác,

hòa đồng nhưng không hòa tan…

Tóm lại, lối sống của Yaophu

luôn toát lên một sự khiêm nhường,

tin tưởng, hy vọng.

Con người của Yaophu

là con người của Thần Khí:

Anh em đừng lo phải nói làm sao

hay phải nói gì,

vì trong giờ đó,

Thiên Chúa sẽ cho anh em biết

phải nói gì: 

thật vậy, không phải chính anh em nói,

mà là Thần Khí của Cha anh em

nói trong anh em” (Mt 10:19-20).

7.  Đối diện thử thách và thách đố, Yaophu làm gì?

Trên đường truyền giáo,

Yaophu ít nhiều gặp các thử thách

và đối diện với một số thách đố.

Thử thách về sự an toàn,

về nhu cầu tiền bạc,

về sắc dục và hôn nhân gia đình.

Thách đố về sức khỏe,

về khả năng giao tiếp và tiếp cận,

về văn hóa và phong tục,

về chính trị

và nhóm tôn giáo quá khích.

Yaophu thường gặp một số trường hợp

gây cản trở việc tiếp nhận Tin Mừng

như chưa “bỏ mả” (“pơ thi”)

nên chưa theo Chúa được,

đang làm “phù thủy” (Pơ Jâu),

ông bà chưa theo Chúa

nên con cháu cũng không theo,

chịu ảnh hưởng của tư tưởng

anh chị em Tin Lành,

bị hiểu lầm và chống đối bằng hành động và đe dọa, v.v.

Yaophu dễ bị ngăn cản,

bắt bớ, đánh đập…

nên e ngại lên đường,

để tìm kiếm sự an toàn

cho bản thân và gia đình.

Yaophu thường có gia cảnh nghèo,

nên lo lắng tiền đi đường

và nồi cơm của gia đình.

Yaophu đi với bạn đường,

có khi là bạn đường khác giới,

nên dễ bị cám dỗ về tình cảm

và hiểu lầm về tình cảm.

Yaophu đi gặp gỡ nhiều người,

trong đó có người khác phái

và gặp hoàn cảnh bi thương,

nên dễ bị chuyển dịch tình cảm,

sa ngã trước cám dỗ của sắc dục.

Yaophu phải đi nhiều nơi,

nên cần có sức khỏe tốt.

Yaophu phải lang thang sớm chiều, mưa nắng, nóng lạnh,

nên dễ bị cảm sốt, yếu đau.

Yaophu có khi ít chữ

và chưa hiểu biết về kỹ năng giao tiếp,

nên không biết nói năng

và giải thích rõ ràng về Đạo Chúa.

Yaophu cũng đối diện với

các văn hóa bản làng dị biệt

và phong tục khác thường,

nên cần thời gian tìm hiểu

và đi vào văn hóa mới,

để giới thiệu Chúa.

Yaophu cũng bị rơi vào

những tình huống chính trị

như bị ghép tội là người tuyên truyền văn hóa sai lạc và tà đạo,

nên bị bắt bớ và ngăn cấm vào làng.

Yaophu cũng gặp những tôn giáo bạn

và người quá khích chống đối,

lôi kéo người khác xa lánh

và tuyên truyền sai lạc về Đạo Chúa

để tạo sự thù ghét, khích bác, hồ nghi…

Người chưa muốn theo Đạo

vì chưa làm “pơ thi” (bỏ mả),

là do họ nghe những lời đồn thổi

rằng mồ mả là nơi ở của tà thần

(yang sat, xamăt),

cho nên không được đi đến viếng mồ mả.

Yaophu gặp trường hợp này

thì nên giải thích

rằng nghĩa trang nơi chôn cất thi hài người chết

cũng là nơi linh thiêng và kết nối

giữa người sống và người chết,

là nơi của sự gặp gỡ

khi cầu nguyện cho người đã chết,

là dấu chỉ của sự chờ đợi

xác người sẽ sống lại

trong ngày tận thế

để hòa nhập với linh hồn,

đi vào sự sống vĩnh cửu“,

và Giáo hội Công giáo tôn trọng

vong linh của người đã chết,

không ngừng cầu nguyện cho họ.

Đi thăm viếng người chết tại nghĩa trang là nghĩa cử đẹp,

là đạo hiếu cao cả và tốt lành,

là thể hiện niềm tin vào sự phục sinh,

là nét văn hóa đặc thù của dân tộc Việt Nam.

Đạo Công Giáo khuyến khích

người Công giáo sống đạo hiếu,

giữ gìn và thăng hoa

truyền thống văn hóa,

và trung thành cầu nguyện

cho tổ tiên ông bà, cha mẹ

và người thân đã qua đời

ngay cả đang còn sống,

cũng như bảo vệ và phát triển văn hóa của dân tộc.

Vì thế, đã bỏ mả hay chưa bỏ mả

đều không quan trọng,

miễn là chúng ta tin Chúa,

tin vào sự sống lại và sự sống đời sau.

Yaophu gặp các phù thủy (Pơ Jâu)

cần kiên nhẫn chờ đợi

sự trưởng thành đức tin

nơi các phù thủy.

Một khi phù thủy tin Chúa,

có đức tin đủ mạnh,

thì họ không còn ngã vật ra

khi ăn thịt và khi cầu nguyện.

Cả cộng đoàn cần thêm lời cầu nguyện cho họ.

Hãy xin các cha đặt tay chúc lành

và cầu nguyện cho họ.

Khi nghe các tuyên truyền sai lạc

về Đạo Công Giáo,

anh chị em Yaophu đừng vội

thanh minh, tranh luận…

Hãy nhẫn nhục, vui vẻ,

và sống sao cho họ nhận thấy

chúng ta yêu họ, tôn trọng họ.

Ví dụ như:

Đạo nào cũng dạy “ăn ngay ở lành”;

Đạo chúng tôi có trước Đạo Công Giáo;

Theo Đạo, phải bỏ ông bà cha mẹ, không được thờ cúng tổ tiên;

Đạo Công Giáo sống đạo không tốt

(ăn nhậu say sưa, ngoại tình, gian lận…);

Tại sao phải gọi các Linh mục là Cha,

trong khi Chúa Giêsu nói:

anh em chỉ có một Cha trên trời là Cha của anh em” (Mt 23:9)?

Đạo nào cũng dạy “ăn ngay ở lành”,

nhưng Đạo Công Giáo

dẫn đưa con người

vào trong mối tương quan thân mật

với Thiên Chúa;

và qua Đức Kitô,

được gọi Thiên Chúa là Cha (Abba),

gọi Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ;

qua sự nhập thế, sự chết

và sự phục sinh của Chúa Kitô

con người được cứu chuộc

và giải thoát khỏi tội lỗi

để hưởng sự sống đời đời;

qua Lời Chúa,

người tín hữu sống tốt hơn,

“ăn ngay ở lành” hơn nữa.

Không có Đạo nào có trước Đạo Công Giáo,

bởi vì Đạo Công Giáo đã có từ ngàn xưa,

từ thuở “tạo thiên lập địa”;

bởi vì Đạo Công Giáo tin vào Thiên Chúa,

mà Thiên Chúa thì có từ khi chưa có đất trời và vạn vật;

từ khi Chúa Giêsu Kitô nhập thể,

xuống thế gian làm người

và cứu chuộc tội lỗi cho con người,

lúc đó, Đạo Công Giáo

là từ ngữ được dùng

để phân biệt với Đạo Do Thái

vì nhiều người Do Thái không tin

Chúa Giêsu là Đấng cứu độ trần gian.

Đạo Công Giáo cũng được dùng

để phân biệt với

Đạo Chính Thống Giáo,

Tin Lành và Anh Giáo.

Từ đầu, Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh,

được thế giới gọi là Kitô Giáo.

Sau đó, Hội Thánh bị chia rẽ,

mới có Đạo Chính Thống Giáo (năm 1054),

Tin Lành (năm 1517)

và Anh Giáo (năm 1534).

Như thế, Đạo nào có trước tiên?

Đạo Công Giáo tôn trọng sự hiếu thảo

và dạy tín hữu sống hiếu thảo.

Điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn

là “Thảo kính cha mẹ”.

Trong các Thánh Lễ,

luôn có phần cầu nguyện

cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Như thế, Đạo Công Giáo

đâu có ép buộc người tín hữu

phải bỏ việc thờ cúng ông bà, cha mẹ!

Hơn thế nữa,

Đạo Công Giáo sống đạo hiếu

trong tinh thần cầu nguyện,

cầu nguyện cho tổ tiên

và các bậc cha mẹ,

giúp người tín hữu sống chiều sâu

của sự hiếu thảo

bằng cả hành động

lẫn sự âm thầm cầu nguyện.

Giáo hội Công Giáo tự bản chất

là Giáo hội thánh thiện,

công giáo và truyền thống;

nhưng có một số phần tử trong Giáo hội

sống chưa tốt, làm gương xấu.

Chỉ có một số người,

chứ không phải tất cả người Công Giáo sống không tốt.

Đạo nào cũng có người tốt, kẻ xấu.

Đạo Công Giáo

luôn đón nhận người không tốt,

tìm cách giáo dục họ

và giúp họ sống tốt.

Vì thế, Đạo Công Giáo

luôn dạy người tín hữu

sống tốt và cố gắng sống tốt hơn.

Đạo Công Giáo gọi các Linh mục là “Cha”,

không phải như là “Cha trên trời” (Chúa Cha),

nhưng là Cha thiêng liêng –

người cha đã sinh ra người tín hữu trong Phép Thánh Tẩy;

bởi vì thánh Phaolô nói:

cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Ki-tô,

anh em cũng không có nhiều cha đâu,

bởi vì trong Đức Ki-tô Giê-su,

nhờ Tin Mừng,

chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4:15)

Tại sao chúng ta gọi

người sinh ra mình, người đỡ đầu mình

là Cha là Mẹ?

Nếu “không gọi ai dưới đất này là Cha”

thì tại sao chúng ta gọi

người sinh ra mình là Cha (Mẹ), hoặc

người đỡ đầu cho mình là Cha (Mẹ).

Họ là cha mẹ chúng ta

là vì họ đã và đang

cộng tác với Thiên Chúa Cha

sinh thành nên chúng ta,

giúp chúng ta chào đời,

dưỡng dục chúng ta nên người.

Vì thế, gọi các Linh mục là “Cha”,

vì họ đã cộng tác với Thiên Chúa

tái sinh chúng ta trong Phép Rửa Tội,

giúp chúng ta thuộc về Chúa

và Hội Thánh của Người.

8.  Hãy lên đường !

Đoạn Tin Mừng “Mt 10:1-20”

tuy ngắn ngủi nhưng lại chất chứa

nhiều thông điệp, nhiều bài học,

và như một lời mời gọi

tất cả những ai tin vào Chúa,

đặc biệt các Yaophu,

hãy mạnh dạn lên đường

loan báo Tin Mừng:

Như Chúa Cha đã sai Thầy,

thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20:21)

Chúa đã rong ruổi,

lang thang nhiều làng,

nhiều vùng, nhiều miền…

để loan báo Tin Mừng Cứu Độ.

Chúa đã kinh nghiệm

tất cả những thách đố,

vượt qua mọi thử thách.

Chúa đi bước trước,

mở đường cho chúng ta.

Nhiều môn đệ của Chúa

cũng đã đi trên con đường của Chúa,

làm những công việc như Chúa.

Họ đã gieo, đã tưới;

Thiên Chúa làm cho lớn lên;

còn chúng ta chỉ việc đi gặt lúa

đem vào kho lẫm của Người mà thôi.

Vì thế, bản chất của Giáo Hội

là truyền giáo (Ad Gentes, số 4, 16).

Ngày nào Giáo Hội

không biết truyền giáo

thì Giáo Hội

sẽ không còn là Giáo Hội nữa,

nghĩa là bị lãng quên,

là đi vào cõi chết (Ad Gentes, số 2).

Nếu các buôn làng không nhiệt thành lên đường truyền giáo,

thì các buôn làng đó sẽ thiếu sức sống,

khó phát triển và lan rộng,

khó duy trì đời sống đức tin bền vững cho con cháu:

Ta biết các việc ngươi làm:

ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng.

Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi!

Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh,

nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3:15-16)

Nhiều người trong làng

biết lên đường loan báo Tin Mừng

thì làng đó

sẽ là một làng của cầu nguyện,

của Thần Khí,

của sự đoàn kết và yêu thương;

bởi vì người lên đường truyền giáo

là người biết cầu nguyện

và siêng năng cầu nguyện,

luôn sống trong Thần Khí,

để Chúa Thánh Thần dẫn dắt họ.

Sau cùng, người viết xin mượn

vài lời của Chúa Giêsu,

các thánh và Đức Thánh Cha

để tạm kết những chia sẻ này.

Chúa Giêsu nói:

Anh em hãy đi

khắp tứ phương thiên hạ,

loan báo Tin Mừng

cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15).

Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.” (Ga 15:16)

Thánh Phaolô nói:

Làm sao họ kêu cầu

Đấng họ không tin?

Làm sao họ tin

Đấng họ không được nghe?

Làm sao mà nghe,

nếu không có ai rao giảng?

Làm sao mà rao giảng,

nếu không được sai đi?

Như có lời chép:

Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng!” (Rm 10:14-15),

Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9:16),

Thiên Chúa muốn cho mọi người

được cứu độ

và nhận biết chân lý” (1Tm 2:4).

Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

Hội Thánh “đi ra” là một cộng đoàn các môn đệ truyền giáo

đi bước trước, dấn thân và nâng đỡ,

sinh hoa trái và vui mừng.

Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng

biết rằng Chúa đã có sáng kiến,

Ngài đã yêu chúng ta trước (x. 1Ga 4:19),

và vì thế chúng ta có thể dấn bước,

mạnh dạn có sáng kiến,

đến với người khác,

tìm kiếm những người sa ngã,

đứng ở các ngả đường

để đón mời những người

bị gạt ra bên lề

(“Niềm Vui Tin Mừng”, số 24),

Tôi muốn có một Hội Thánh

bị bầm dập,

bị tổn thương

và lấm lem vì đã ở ngoài đường,

còn hơn một Hội Thánh bệnh hoạn

vì đóng cửa và nhàn rỗi

bám víu vào sự an toàn

của riêng mình.

(“Niềm Vui Tin Mừng”, số 49)

Thánh Phêrô nói:

Anh em hãy biết rằng

Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn

chính là để anh em được cứu độ,

như ông Phao-lô,

người anh em thân mến của chúng ta,

đã viết cho anh em,

theo ơn khôn ngoan Thiên Chúa đã ban cho ông” (2Pr 3:15),

Ai làm hại được anh em,

nếu anh em nhiệt thành làm điều thiện?

Mà nếu anh em chịu khổ

vì sống công chính,

thì anh em thật có phúc!

Đừng sợ những kẻ làm hại anh em

và đừng xao xuyến. 

Đức Ki-tô là Đấng Thánh,

hãy tôn Người làm Chúa

ngự trị trong lòng anh em.

Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời

cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. 

Nhưng phải trả lời cách hiền hoà

và với sự kính trọng.

Hãy giữ lương tâm ngay thẳng,

khiến những kẻ phỉ báng anh em

vì anh em ăn ở ngay thẳng

trong Đức Ki-tô,

thì chính họ phải xấu hổ

vì những điều họ vu khống, 

bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành,

nếu đó là ý của Thiên Chúa,

còn hơn là vì làm điều ác” (1Pr 3:13-17),

Được chia sẻ những đau khổ

của Đức Ki-tô bao nhiêu,

anh em hãy vui mừng bấy nhiêu,

để khi vinh quang Người tỏ hiện,

anh em cùng được vui mừng hoan hỷ” (1Pr 4:13),

Anh em sẽ được hân hoan vui mừng,

mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu

giữa trăm chiều thử thách. 

Những thử thách đó

nhằm tinh luyện đức tin của anh em

là thứ quý hơn vàng gấp bội,

– vàng là của phù vân,

mà còn phải chịu thử lửa.

Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện,

đức tin đã được tinh luyện đó

sẽ trở thành lời khen ngợi,

và đem lại vinh quang, danh dự” (1Pr 1:6-7).

Anh chị em thân mến, anh chị em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh chị em sẽ không trở nên vô ích.

(1Cr 15:58)

Đất Đỏ Bazan, 18/09/2017

Y.Băng

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *