Theo truyền thống Kitô giáo, Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay được biết đến là “Chúa Nhật Hồng”. Tên gọi này xuất phát từ ca tiền xướng nhập lễ tiếng La-tinh – ‘Laetare Jerusalem’ – có nghĩa là ‘Mừng vui lên Giê-ru-sa-lem hỡi!’ – trích trong sách Ngôn sứ I-sa-ia 66, 10. Đây là thời điểm các ngôn sứ an ủi dân Israel, thời kỳ tang tóc đã qua, và Đức Chúa sẽ cứu chuộc dân Ngài khỏi mọi buồn đau.
Tuy nhiên, chúng ta không cần biết tiếng La-tinh để nhận ra sự khác biệt của Chúa Nhật này. Màu tím của sự ăn năn sám hối trong mùa Chay đã chuyển thành màu hồng. Đây là dấu chỉ cho thấy: ngày hôm nay, sự khổ chế của chúng ta trở nên nhẹ nhàng hơn trong mùa Chay. Chúa Nhật này, chúng ta có thể dừng lại để nghỉ ngơi một chút, và lặng ngắm về mục tiêu cho hành trình Mùa Chay của mình – một sự trở về vào Lễ Phục Sinh. Và tất nhiên, chúng ta đều biết rằng vẫn còn một chặng đường phải đi. Cũng giống như những cuộc hành trình khác, chặng cuối cùng của hành trình này là chặng gian nan nhất. Song, thật tốt khi chúng ta ý thức được điều đó, để có thể tạm nghỉ, để dành sức tập trung cho tuần cuối cùng.
Chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị một bản nhạc với những giai điệu đầy cảm xúc trong tác phẩm “From Jewish life”, được sáng tác bởi nhà soạn nhạc nổi tiếng Ernest Bloch vào năm 1924. “From Jewish Life” là một bộ ba tác phẩm được viết cho dàn nhạc cello và dàn nhạc giao hưởng, trong đó “I Prayer – Lời nguyện” là phần được biết đến nhiều nhất. Một nhạc phẩm toát lên bầu khí trầm ảo, linh thiêng và cảm động, phản ánh tâm tình cầu nguyện và sự kính trọng trong văn hóa Do Thái. Khi lắng nghe nhạc phẩm này, bạn hãy hình dung đó như một cuộc trò chuyện của người Cha và người con; của hai trái tim giãi bày tâm tư, nỗi đau về sự mất mát và niềm vui khi tìm lại được nhau, khi cả hai ôm lấy nhau trong vòng tay yêu thương
Vui lòng chấp nhận sử dụng dịch vụ của Youtube để xem Video này.
Youtube là dịch vụ phát video trực tuyến được cung cấp bởi Google
Khi Chúa Giêsu đưa ra những hình ảnh tuyệt đẹp về cuộc kiếm tìm của Thiên Chúa dành cho con người và niềm vui của Ngài khi tìm thấy chúng ta, nói cách khác, đó là tình yêu kiên nhẫn và sẵn sàng chấp nhận của một người Cha. Ngài không chỉ nói từ kinh nghiệm của chính mình, mà còn từ kinh nghiệm của dân tộc Ngài, dân Israel. Kinh nghiệm đó vẫn tiếp nối cho đến ngày nay khi mà chúng ta nghe thấy trong lời cầu nguyện tuyệt vời, Ahava Rabbah – được đọc hoặc hát trong giờ cầu nguyện sáng của cộng đoàn Do Thái Ashkenazi, “Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con, Người đã yêu thương chúng con bằng một tình yêu lớn lao, với lòng thương xót vô bờ, Người đã xót thương chúng con… Lạy Chúa là Cha chúng con, Đấng giàu lòng thương xót – xin thương xót chúng con, xin đặt vào lòng chúng con sự khôn ngoan, thông hiểu và lắng nghe… để yêu mến Thánh Luật của Người.”
Chúa Nhật Vui Mừng cho phép chúng ta lựa chọn một trong hai đoạn Tin Mừng:
Thứ nhất là Tin Mừng theo thánh Gioan. Đó là câu chuyện về một anh mù bẩm sinh được Đức Giêsu chữa lành trong ngày Sa-bát. Trong văn hóa Do Thái thời bấy giờ, tình trạng khuyết tật không chỉ khiến cuộc sống của những người mắc phải nó vốn đã khó khăn càng trở nên khó khăn hơn, mà họ còn phải chịu sự sỉ nhục từ xã hội và tôn giáo. Thời đó, bệnh tật bị coi là một án phạt của Thiên Chúa cho tội lỗi của con người. Chúng ta mới chỉ hình dung đơn sơ rằng, ngày Sa-bát hôm ấy thực sự là một ngày Sa-bát “Vui Mừng” như thế nào đối với anh mù khi được chính Chúa chữa khỏi căn bệnh mù lòa của mình – một sự chữa lành không chỉ về mặt thể lý mà còn cả về mặt xã hội và tâm linh. Tuy nhiên, đối với những người Pha-ri-sêu, đây là một vấn đề khác về mặt thần học và xã hội. Đức Giêsu đã vi phạm luật ngày Sa-bát khi Ngài chữa bệnh hay còn gọi là ‘làm việc trong ngày Sa-bát’. Liệu rằng Đức Giêsu không chỉ khước từ thẩm quyền của họ với tư cách là những người giải thích Lề Luật, hay còn âm thầm làm suy yếu đi việc tuân thủ lề luật? Và trên hết, liệu điều này có đe dọa đến căn tính của dân Israel là dân được tuyển chọn và là dân thánh của Thiên Chúa hay không? Đó là một sự căng thẳng xuyên suốt tất cả các sách Phúc Âm – Đức Giê-su hủy bỏ lề luật hay kiện toàn nó?
Những người Pha-ri-sêu ra sức thuyết phục anh mù làm chứng chống lại Đức Giêsu. Anh từ chối; chỉ đơn giản là anh không thể phủ nhận những gì đã xảy ra với mình. Chối bỏ sự chữa lành của mình đồng nghĩa với việc quay trở lại bóng tối, thậm chí còn mịt mù thăm thẳm hơn so với mù lòa thể xác.
Trong bối cảnh của câu chuyện này, chúng tôi mời bạn lắng nghe nhạc phẩm “Amazing grace” của John Newton qua giọng hát thiên thần của Andrea Bocelli. Bài hát này đã trở thành một trong những bản nhạc tôn giáo phổ biến nhất trên thế giới và thường được thể hiện trong các dịp lễ lớn. Giai điệu của bài hát “Amazing grace” đã được sử dụng trong nhiều bản phối khác nhau và trở thành biểu tượng của niềm tin và hy vọng.
Vui lòng chấp nhận sử dụng dịch vụ của Youtube để xem Video này.
Youtube là dịch vụ phát video trực tuyến được cung cấp bởi Google
Giống như hầu hết những tình tiết kịch tính trong Tin Mừng Gioan, luôn có nhiều chiều kích ý nghĩa hơn những gì chúng ta thấy. “Nhìn thấy” ở đây không chỉ là tầm nhìn vật lý. Đó là việc nhận biết sự thật toàn vẹn về Đức Giêsu; biết rằng Ngài là Con Thiên Chúa, là Ánh Sáng đích thực và là Vị Cứu Tinh nhân loại.
Anh mù được nhìn thấy, song, cũng chính điều đó khiến anh phải đau khổ nhiều. Mặc dù ban đầu không hiểu rõ, nhưng anh không thể phủ nhận sự thật từ kinh nghiệm của chính mình. Anh nhìn thấu ý đồ của những người muốn anh làm chứng chống lại Đức Giêsu. Anh hiểu rằng mình chỉ là một quân cờ trong trò chơi của những người Pha-ri-sêu. Họ không thực sự để tâm đến anh cũng như những điều vừa xảy ra với anh. Họ chỉ muốn lợi dụng anh để phục vụ cho mục đích của riêng họ.
Bằng một cách tinh tế, câu chuyện mời gọi chúng ta đặt câu hỏi: Liệu ai mới thực sự bị mù? Không có gì làm ta trở nên mù quáng cho bằng những định kiến của chính chúng ta, nhất là những định kiến cho rằng Thiên Chúa có thể hoặc không thể làm gì, hay Chúa Kitô có thể hoặc không thể chọn ai. Đức Kitô giúp chúng ta nhận ra con người thật của mình; Ngài không ép chúng ta phủ nhận hay kìm nén nó. Ngài mời gọi chúng ta nhận ra những ân huệ và vẻ đẹp nơi mỗi người, và khám phá ra ta được kêu gọi để trở thành ai. Ngài giải phóng chúng ta để chúng ta có thể mừng vui trong Chúa – Đấng nhân từ, yêu thương, biến đổi chúng ta mà không bao giờ mỏi mệt đón nhận niềm vui nơi mỗi người chúng ta.
Sau khi được chữa lành, anh mù phải bắt đầu một hành trình trở thành chứng nhân cho Sự Thật về Chúa Kitô. Ban đầu, anh chỉ biết Đức Giêsu là người đã chữa anh khỏi bệnh. Khi gặp Đức Giêsu lần thứ hai, anh nhận được một cách nhìn mới thậm chí còn quý giá hơn cách nhìn thể lý. Anh khám phá ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Anh có đôi mắt mới – đôi mắt của Đức Tin. Anh biết rằng giờ đây, anh không chỉ được ban cho thị lực, mà còn nhận được món quà của sự sống mới. Anh đã đúng khi ra sức tìm kiếm, nài xin và trông đợi, đồng thời từ chối phủ nhận hay bóp méo sự thật về cuộc sống cũng như kinh nghiệm của chính mình.
Nếu dành một chút thời gian với anh mù, anh ấy có thể chỉ cho chúng ta cách giữ vững sự toàn vẹn của đức tin, để nhìn mọi thứ qua đôi mắt mới, và hân hoan với những gì chúng ta thấy – với Chúa Kitô đang đứng trước mặt chúng ta.
Bạn thân mến, chúng ta vừa giới thiệu đến bạn hai nhạc phẩm, From Jewish life, I prayer và Amazing grace. Hy vọng âm hưởng của hai nhạc phẩm này như một trạm dừng làm tươi mới tâm hồn bạn trong hành trình trở về Nhà. Cầu chúc bạn tìm thấy niềm vui trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa là Cha. Nếu có bài hát mùa chay nào mà bạn tâm đắc, thì hãy chia sẻ dưới phần bình luận cho chúng tôi được biết nhé! Hẹn gặp lại bạn vào tuần sau, và chúng ta sẽ cùng đến với một Bản Nhạc Mùa Chay khác!
Nguồn: Faith Dimensions
Tác giả: James Hanvey, S.J
Dịch giả: Ngọc Gabriel