Bảng đen phấn trắng

Bảng đen và phấn trắng là hai hình ảnh mà tôi được gợi nhắc cách đặc biệt trong ngày lễ nhớ ơn quý Thầy Cô.

 

Có lẽ, các em học sinh ngày nay khi được sinh ra trong đầy đủ tiện nghi thì không còn cơ hội biết về chiếc bảng lóa mắt và viên phấn đầy bụi của ngày xưa. Ngày nay, các em sẽ quen hơn với chiếc bảng hiện đại, những chiếc bảng chuyên dụng cho bút lông nhẹ nhàng và thanh thoát hơn, hay những chiếc bảng là chính màn hình chiếu máy tính lên khung chuyên dụng. Tất cả những hiện đại này đã đóng góp tuyệt vời cho bến bờ tri thức trong thời đại mới. Và… có lẽ vì lý do ấy mà những hình ảnh ví von về tấm bảng đen và viên phấn trắng dần trôi vào quá khứ, hay chỉ xuất hiện đơn thuần như những mỹ từ đẹp và hình ảnh gợi lên cảm xúc. Tuy vậy, điều tôi muốn nói trong bài viết này không chỉ là những mỹ từ đẹp, nhưng tôi muốn khẳng định rằng, trong quá khứ đã từng có những chiếc bảng đen, viên phấn trắng và cả hy sinh của quý Thầy Cô thuở ấy.

 

Tôi hiểu rằng những lời ca: “khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi…” là có thật. Mà cái thật ấy không đẹp như bài hát với tiết điệu nhịp nhàng, thay vào đó là bụi bay tá lả. Ngồi cạnh khung cửa sổ có nắng dọi xuyên những khung sắt, bụi phấn bay hết cả gian lớp. Mỗi lần thầy cô viết thì phải lấy cánh tay còn lại chắn mũi và miệng lại. Lũ trò ngồi xa xa ngắm bụi bay tưởng đang ở trên thiên đàng có khói bay la đà.

 

Cứ thế, chúng tôi được nuôi lớn về trí khôn từng ngày. Càng khôn ra thì cũng hiểu hơn rằng thứ bụi phấn ấy được làm từ một loại bột sét có chứa canxi cacbonat. Hậu quả mà nó gây ra là tích tụ lâu ngày sẽ gây ra các vấn đề như: Viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm phế quản, suyễn…  và khi bị viêm nhiễm lâu, sức đề kháng của cơ quan hô hấp sẽ bị giảm, điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn lao tấn công gây nguy cơ mắc lao phổi sẽ cao hơn. Càng sợ điều này thì lũ trò càng hiểu chẳng có thầy cô nào thuở đó dạy tụi mình dưới hai chục năm. Có thầy cô lớn tuổi đã dạy từ thế hệ cha mẹ, đến thế hệ con cái và thậm chí là thế hệ cháu chắt, họ vẫn trung thành trong nghề cho tới khi không còn khả năng dạy học được nữa.

 

Đó là sự thật để mỗi độ nhìn bước thành công trong cuộc đời mình, hay mỗi độ hát lại câu hát “khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi…” thì lũ trò năm xưa, nay đầu đã hai thứ tóc, lại muốn khóc mếu khóc máo. Tự ngẫm sao thầy cô thương tụi mình như vậy, thương đến độ hy sinh cả sức khỏe của chính họ để các trò có tương lai sáng rạng. Mớ tiền lương ít ỏi của giáo viên dù có lãnh trong hai chục năm trời chắc cũng không đủ để chữa những căn bệnh về già, mà một phần bệnh tật tôi đoán là do bụi phấn gây ra. Có lẽ ngày hôm nay, khi các em học trò của thời đại mới hát câu hát “…bụi phấn rơi rơi…” sẽ có khả năng hiểu sâu xa và nhiều cảm xúc hơn chúng tôi, còn chúng tôi mang ơn thầy cô đơn giản bởi cái sự đánh đổi “liều mình” cách rõ ràng như thế.

 

Lũ trò chúng tôi chỉ ngẫm ra chuyện bảng đen phấn trắng khi đã khôn lớn và chỉ hiểu vấn đề khi lòng biết ơn có lúc đã muộn màng. Ngẫm lại mà xót xa bởi mỗi lần chuyển lên lớp mới thì thầy cô lại chúc điều này điều kia và khóc. Thầy thì đỏ hoe mắt, cô thì thút thít nói tiếng được tiếng mất. Lũ trò bên dưới cầm bằng khen với mấy cuốn sổ mới được lãnh thưởng cười tí toét, có đứa nói nhỏ: “Trời! Sao ông thầy bà cô nào cũng biết đóng cải lương. Muốn chửi là chửi. Muốn cho “hột dzịt” (không điểm) là cho. Muốn đánh là đánh. Muốn mời phụ huynh là mời…”. Một tràng “muốn” của cậu trò nhỏ, thêm có đứa chen vô: “Muốn khóc là khóc hà! Thầy cô đóng cải lương giỏi thiệt luôn!

 

Nghĩ lại suy nghĩ chưa thấu đáo thuở ấy, giờ ray rứt vô kể… Mà muốn xin lỗi hay cám ơn thì các vị… ra thiên cổ hết rồi. Nhưng nhớ lại câu nói mà thầy cô nào cũng nói: “Tụi con ráng học đàng hoàng, mai mốt thành công trong cuộc sống mà giúp ích cho đất nước, xã hội, gia đình và bản thân tụi con”, mấy đứa già đầu nhấp miếng cà phê vỉa hè rồi tự nhủ với nhau: “Chắc thầy cô hổng chấp nhứt mấy đứa tụi mình đâu. Thấy tụi mình như ngày hôm nay chắc thầy cô vui rồi!

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Thập giá ngất cao

Bạn thân mến, Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh, cũng là cao điểm của …