Truyền Tin – Cuộc thành hôn giữa Thiên với Trần

Truyền TinHans Memling, (ca.1489), Newyork – Metropolitan Museum of Art.

 

Biến cố truyền tin của sứ thần Gáp-ri-en là một trong những chủ đề trong nghệ thuật thánh được các hoạ sĩ chú ý đến nhiều nhất. Hans Memling (ca.1435-1494) đã vẽ một bức tranh sơn dầu về truyền tin và nhà sử học về nghệ thuật người Đức, Max Friedlaender (1867-1958) đã đánh giá rằng, bức tranh truyền tin này là một khám phá lớn nhất của hoạ sĩ Memling. Hans Memling xuất thân từ thành phố Seligenstadt bên bờ sông Main, nước Đức. Tuy nhiên, sự nghiệp hoạ sĩ của ông thì lại ở bên Hà-lan.  

 

Chiêm ngắm bức tranh của Memling, chúng ta thấy khung cảnh truyền tin diễn ra trong phòng ngủ của Đức trinh nữ thành Na-da-rét. Ở bên trái bức tranh là thiên thần Gáp-ri-en qua cánh cửa bước vào căn phòng và bái gối trước Đức Maria. Trên mái tóc vàng, thiên thần mang một vòng đội đầu đơn sơ và thiên thần nói lời chào mừng trinh nữ: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Tay trái của thiên thần nâng nhẹ áo choàng và cầm một cây trượng như là biểu tượng cho sứ mạng được Thiên Chúa sai đi làm sứ thần của Ngài. Như trong truyền thống các hình vẽ trên bàn thờ ở Hà-lan, thiên thần mặc chiếc áo choàng mang tính cách phụng vụ. Chiếc áo choàng với khăn viền choàng lên chiếc áo dài trắng (áo alba) như là áo choàng của các Linh Mục. Áo choàng được phối giữa màu đỏ và các đường hoa văn màu mạ vàng. Trên áo choàng có thể nhìn thấy hình thiên thần và bánh xe.

 

Hoạ sĩ diễn tả hình ảnh các thiên thần Xê-ra-phim được viết trong tiên tri I-sai-a quây quần xung quanh Thiên Chúa: “Phía bên trên Người, có các thần Xê-ra-phim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay” (Is 6,2.6), cũng như hình ảnh các thiên thần Kê-ru-bim đang hiện diện bên Thiên Chúa, như trong sách các Vua thứ hai diễn tả: “Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en, Đấng ngự trên các Kê-ru-bim, chính Ngài, và chỉ mình Ngài mới là Thiên Chúa thống trị mọi vương quốc trần gian. Chính Ngài đã làm nên trời đất” (2V 19,15). Thánh Vịnh gia cũng nói đến: “Chúa là Vua hiển trị: chư dân phải rụng rời; Người ngự trên các thần hộ giá: địa cầu phải chuyển rung” (Tv 99,1).

 

Về các bánh xe thì được tiên tri Ê-dê-ki-en nhắc đến: “Tôi nhìn, thì kìa có bốn bánh xe ở bên cạnh các thần hộ giá, mỗi bánh xe ở bên cạnh một thần hộ giá, các bánh xe ấy trông lấp lánh như ngọc mã não” (Ed 10,9).

 

Hình ảnh của các thiên thần Xê-ra-phim và Kê-ru-bim nói lên một ý nghĩa, Thiên Chúa đã dựng nên các thiên thần với sứ mạng để thờ lạy và phục vụ Ngài. Trong các thiên thần có sự phân biệt giữa các tổng lãnh thiên thần và các thiên thần khác. Họ cũng mang sứ mạng góp phần vào công trình cứu rỗi các linh hồn. Vì thế, tổng lãnh thiên thần Gáp-ri-en được sai đến với Đức Maria để loan báo việc Chúa Giê-su xuống thế làm người để cứu độ nhân loại. Đó là trung tâm điểm của bức hoạ.

 

Chúa Thánh Thần mang hình ảnh chim bồ câu đã được nhắc đến trong các Tin Mừng (x.Mc 1,10). Nếu quan sát kỹ, chúng ta nhận ra rằng, Chúa Thánh Thần – Chim Bồ Câu đang đậu trên đầu Đức Trinh Nữ và qua đó diễn tả rằng: Mẹ Maria là nữ tỳ của Thiên Chúa và Mẹ đã nói lời xin vâng với sứ mạng Chúa trao.

 

Vòng sáng xung quanh Chúa Thánh Thần cũng hướng về cầu vồng đã xuất hiện trong biến cố Thiên Chúa lập giao ước với ông Nô-ê: “Thiên Chúa phán: ‘Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau:13 Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất.14 Khi Ta cho mây kéo đến trên mặt đất và cây cung xuất hiện trong mây,15 Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm; và nước sẽ không còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa.16 Cây cung sẽ ở trong mây. Ta sẽ nhìn nó để nhớ lại giao ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm ở trên mặt đất’. 17 Thiên Chúa phán với ông Nô-ê: Đó là dấu của giao ước Ta đã lập giữa Ta với mọi xác phàm ở trên mặt đất” (St 9,12-17). Giao ước của Thiên Chúa giờ đây được ký kết trọn vẹn với nhân loại qua biến cố Giáng Sinh làm người của Chúa Giê-su.

 

Trong bức tranh còn có hình ảnh hai thiên thần ở hai bên Đức Maria, như đang phụ giúp Đức Trinh Nữ trong việc giới thiệu Đấng Cứu Thế cho muôn dân.

 

Chúng ta cũng thấy một số đồ vật trong bức tranh. Trước hết là một giá sách với cuốn Thánh Kinh ở trên. Bàn tay trái của Mẹ đang chỉ vào cuốn sách đang được mở ra. Hình ảnh này theo truyền thống nói về tinh thần chiêm niệm Lời Chúa mà Mẹ Maria luôn thực hiện trong đời mình. Cuốn Thánh Kinh được mở ra, khả năng lớn là ngay đoạn tiên tri I-sai-a nói:

“Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu:
Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai,
và đặt tên là Em-ma-nu-en”
(Is 7,14).

 

Ở bên phải giá sách là một bình bông với hai hai bông trắng nở đang hướng về Đức Maria và cũng nhắc nhớ người xem chú ý đến thời gian của Lễ truyền tin được mừng vào ngày 25.3 mỗi năm. Đó là thời gian mùa Xuân bắt đầu và các loài hoa cũng bắt đầu đua nhau nở rộ, như thánh Bernard Claivaux đã chú ý tới.

Hai bông hoa đang nở là hai hoa huệ đã được sách Diễm Ca nhắc tới (hoa huệ giữa bụi gai) chỉ về Đức Maria:

“Bạn tình tôi giữa đoàn thiếu nữ
có khác gì cánh huệ giữa bụi gai”
(Dc 2,2).

 

Màu trắng của hoa huệ hướng về sự thụ thai của Đức Maria đồng trinh và Đấng Vô Nhiễm tội tổ tông. Ngoài ra, có một bông huệ tím đang nở nhắc đến lời của Si-mê-ôn nói với Đức Maria: ”Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35).

 

Kế bên giường ngủ, có một tủ nhỏ và trên đó có ba vật diễn tả sự đồng trinh của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng đầy ân sủng. Đế nến đứng thẳng ở bên phía phải hướng về việc Đức Maria sẽ sinh ra Chúa Giê-su, Đấng là Ánh Sáng cho trần gian (x.Ga 1,4-5-9; 8,12; 9,5; Lc 2,32). Hơn nữa, chân nến đó cũng hướng về trụ đèn được sách Xuất Hành nhắc tới (Xh. 25,31-38; 37,17-24) với bảy ngọn đèn được đốt sáng trong đền thờ Giê-ru-sa-lem. Giá nến đứng nhưng nến chưa được đặt lên để đốt diễn tả rằng, trong biến cố truyền tin Đức Maria đã đón nhận Ánh Sáng của Đức Ki-tô, nhưng Mẹ cần cưu mang Ánh Sáng đó trong lòng cho đến ngày sinh hạ.

 

Ý nghĩa này cũng tương hợp với cây nến ở bên cạnh cũng chưa được đốt lên. Bên phía trái chúng ta thấy một bình nước là biểu tượng về sự đồng trinh của Đức Maria mà vào thế kỷ thứ 9 thường được dùng tới. Để ý kỹ hơn, chúng ta thấy bình nước được ánh sáng chiếu vào và nhận ra rằng, bình nước không bị lỗi gì cả. Điều đó diễn tả sự rợp bóng của Chúa Thánh Thần vẫn giữ cho Mẹ được đồng trinh. Ngoài ra, trong bình có một chút nước diễn tả Đức Maria đang cưu mang Hài Nhi trong lòng.

Đặc biệt, trong khi nguồn nước sạch ở trong bình diễn tả sự đồng trinh của Mẹ, thì Ánh Sáng chiếu trên lòng của Mẹ diễn tả rằng: Ánh Sáng cho thế gian (x.Ga 8,12; 9,5) là Chúa Giê-su Ki-tô đang ở trong lòng Mẹ.  Ngoài ra, chúng ta thấy hoạ sĩ đã diễn tả nền nhà rất sạch sẽ diễn tả Đức Maria là người phụ nữ đảm đang trong công việc gia đình. Điều đó cũng hướng về sự vô nhiễm nguyên tội của Mẹ.

 

Cuối cùng, chúng ta chú ý đến căn phòng ngủ của Đức Maria mà hoạ sĩ cố ý diễn tả.

Hình ảnh căn phòng tân hôn được các hoạ sĩ ở miền bắc Châu Âu dùng thường xuyên trong khoảng từ năm 1400. Rogier van der Weyden là hoạ sĩ người Bỉ đầu tiên vẽ hình ảnh câu truyện truyền tin xảy ra trong phòng ngủ của Đức Trinh Nữ. Bức tranh của hoạ sĩ Weyden được vẽ khoảng năm 1435, hiện được giữ tại viện bảo tảng Louvre.

 

Màu đỏ của giường ngủ cùng tấm ràm che giường màu đỏ hướng về màu của tình yêu và hướng về chính Chúa Thánh Thần (trong tranh của Memling và của Rogier van der Weyden). Mô-típ (motiv) của phòng tân hôn được gợi hứng từ Thánh Vịnh 19:

“Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,
mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.
Chúa căng lều cho thái dương tại đó, 

thái dương xuất hiện như tân lang rời khỏi loan phòng,
và vui sướng lên đường như tráng sĩ.
Từ chân trời này, thái dương xuất hiện,
rồi chuyển vần mãi đến chân trời kia,
chẳng có chi tránh khỏi ánh dương nồng”
(Tv 19,4-7).

 

Ngoài ra, phòng tân hôn còn liên hệ đến sách Diễm Ca:

“Hãy kéo em theo anh, đôi ta cùng mau bước!
Quân vương đã vời thiếp vào cung nội,
ngài sẽ là nguồn hoan lạc vui sướng của chúng em.
Ân ái của ngài, chúng em quý hơn rượu.
Thương yêu ngài phải lẽ biết bao nhiêu!”
(Dc 1,4)

 

Như thế, các hoạ sĩ như muốn diễn tả cuộc thành hôn giữa Thiên với Trần, giữa Trời và Đất. Mẹ Maria là đại diện cho Trần và Đất trong cuộc thành hôn đặc biệt này. Cuộc thành hôn diễn ra vào ngày đầu tiên của mùa Xuân đưa lại sức sống mới.

 

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Kiểm tra tương tự

Thập giá ngất cao

Bạn thân mến, Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh, cũng là cao điểm của …

Tâm tình gởi Chúa trên đường Thương Khó

  Chúa Giêsu ơi, Khi đọc Tin Mừng của thánh Mác-cô về Cuộc Thương Khó …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *