Bảo hộ nông nghiệp tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa

Ở vị trí của một quốc gia đang phát triển, Việt Nam nằm trong nhóm những đối tượng được các chuyên gia cảnh báo về những tác động tiêu cực từ những thay đổi trong cơ cấu kinh tế, xã hội của tiến trình toàn cầu hóa. Những tác động này ảnh hưởng chủ yếu lên đời sống của người nông dân. Những nghiên cứu về hiện tượng toàn cầu hóa gọi thành phần này là những người nghèo của xã hội. Ở nước ta, đại đa số người nghèo sống ở khu vực nông thôn, và thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nông dân, chiếm tỉ lệ 70% dân số trong tổng số dân hơn 8,7 triệu người, được xếp vào những đối tượng dễ bị thương tổn nhất về đời sống kinh tế và xã hội[1]. Để bảo vệ người nông dân trước những nguy cơ tiềm ẩn trước sự thay đổi về cơ cấu kinh tế và xã hội, các chuyên gia về toàn cầu hóa như Thomas L. Friedman, Joseph E. Stiglitz…đã khuyến cáo việc thực hiện các biện pháp bảo hộ nền nông nghiệp nội địa.

Theo quan điểm của Joseph E. Stiglitz, để bảo hộ nông nghiệp trong nước, nhà nước cần thực hiện các biện pháp như giảm thuế suất và trợ cấp nông nghiệp trong nước, áp dụng thuế chống bán phá giá, xây dựng các hàng rào kỹ thuật[2]. Đối với Thomas L. Friedman, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, các quốc gia chấp nhận sự chi phối của quy luật kinh tế thị trường nhưng đừng quên tầm quan trọng của việc tự tháo gỡ những rào cản nội tại, đó  là việc giảm biểu thuế và tháo gỡ hàng rào thương mại thúc đẩy một môi trường tự do mậu dịch giữa các quốc gia[3]. Như vậy, các biện pháp hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp nội địa một khi được cam kết thực hiện theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ là công cụ hỗ trợ nền nông nghiệp trong nước, trước sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, nhìn vào tình hình sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua, chúng ta vẫn thấy người nông dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản. Đã đến lúc các nhà quản lý kinh tế phải chú trọng đến việc cam kết thực hiện các biện pháp bảo hộ nông nghiệp, nhằm đảm bảo cho người nông dân có thu nhập ổn định.

 Vấn đề bảo hộ và nguyên tắc bảo hộ trong nông nghiệp

 Trong giao thương hàng hóa quốc tế, một quốc gia có thể gây hại cho lợi ích kinh tế của một quốc gia khác, khi một mặt yêu cầu bên kia mở cửa để hàng hóa nước mình nhập khẩu vào, trong khi mặt khác quy định những rào cản kỹ thuật gắt gao lên hàng hóa được nhập khẩu. Điều này được gọi là sự không công bằng trong mậu dịch tự do. Tuy nhiên, trong lãnh vực thương mại nông nghiệp, các bên tham gia vào WTO hoặc ký kết với nhau những hiệp định tự do hóa thương mại, để tránh sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, có thể thực hiện các biện pháp bảo hộ nông nghiệp ở mức độ nhất định.

Ngoài nhóm biện pháp về mức thuế, nhóm biện pháp còn lại được gọi là các biện pháp phi thuế, bao gồm biện pháp tự vệ, biện pháp kiểm dịch động thực vật, các biện pháp hạn chế định lượng nhập khẩu. Việc áp dụng các nhóm biện pháp này phải tuân theo những cam kết về lộ trình và mức độ định lượng cụ thể. Chẳng hạn, biện pháp tự vệ, tức biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hóa, quy định chỉ áp dụng khi chứng minh được việc lượng hàng nhập khẩu tăng ồ ạt đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng không lường trước được đối với nền kinh tế trong nước. Tương tự, để những quy định về các biện pháp kiểm dịch động thực vật, và vệ sinh an toàn thực phẩm không trở thành rào cản bất hợp lý đối với thương mại hàng nông sản nước ngoài, bên áp dụng phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định, như nguyên tắc về tiêu chuẩn khoa học, nguyên tắc không tạo ra sự phân biệt đối xử một cách tùy tiện đối với hàng hóa nước ngoài, v.v…[4]

Việt Nam, khi chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO, đã ký cam kết mở cửa thị trường nông sản trong nước, đồng thời cũng được phép áp dụng những biện pháp bảo hộ nông nghiệp cần thiết. Đây là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức cho nền sản xuất nông nghiệp trong nước, vốn chủ yếu lệ thuộc vào đầu tư và quản lý của nhà nước. Người nông dân, trong khi chờ đợi những ưu tiên và đầu tư đúng mức trong nông nghiệp từ phía nhà nước, vẫn phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn trước làn sóng hàng hóa nông sản nhập khẩu.

 Áp dụng biện pháp bảo hộ nông nghiệp tại Việt Nam

             Khi tham gia vào thị trường thế giới, chúng ta có những lợi thế nhất định về xuất khẩu, nhưng nền kinh tế trong nước, đặc biệt là nông nghiệp, phải chịu những sức ép từ hàng nông sản nhập khẩu. Việc giải tỏa sức ép này, trên bình diện quản lý, phụ thuộc vào cách thức các nhà quản lý kinh tế áp dụng những biện pháp bảo hộ nền nông nghiệp trong nước. Cách quản lý yếu kém gây ra những tổn thất không nhỏ cho thị trường nông sản trong nước. Chẳng hạn vào năm 2009, việc Việt Nam cắt giảm thuế thịt nhập khẩu nhiều và nhanh hơn lộ trình cam kết đã khiến cho thịt được nhập khẩu ồ ạt vào thị trường trong nước, khiến cho các chủ trang trại, các hộ chăn nuôi gia súc và gia cầm phải loay hoay tìm đầu ra tiêu thụ, và kết quả là nhiều hộ chăn nuôi bị phá sản[5]. Một ví dụ khác là tình trạng bán phá giá của các mặt hàng nông sản Trung Quốc khi vào thị trường Việt Nam. Việc bán phá giá này khiến cho các mặt hàng nông sản trong nước gặp khó khăn trong việc cạnh tranh về giá với các mặt hàng nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc. Nói về thực trạng có những mặt hàng từ Trung Quốc xuất sang Việt Nam để bán phá giá, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết: “Theo tôi biết, có nhiều mặt hàng đã bị bán phá giá vào Việt Nam.” Và ông dẫn chứng: “Ví dụ, một quả trứng gà của Trung Quốc bán tại thị trường trong nước cũng hơn 0,6 nhân dân tệ (tương đương 1.200 đồng Việt Nam); nhưng nhiều khi quả trứng gà này bán sang Việt Nam chỉ có 200 đồng.” [6] Do vậy, yêu cầu đặt ra cho các nhà quản lý là điều chỉnh biểu thuế nhập khẩu thích hợp, căn cứ vào tình hình sản xuất nông sản trong nước, trong khi vẫn tuân theo lộ trình về áp dụng mức thuế theo như cam kết thương mại. Bên cạnh đó, các nhà quản lý cần tăng cường kiểm soát chất lượng các hàng hóa nông sản nhập khẩu, để đảm bảo các mặt hàng này đáp ứng những chỉ tiêu theo luật định, nhằm tạo ra một thị trường hàng hóa công bằng.

Thị trường nông sản trong nước cũng cần tránh những nguyên nhân gây bất ổn, như tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và trồng trọt. Về hiện trạng này, mới đây, Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam vừa tiến hành một cuộc khảo sát về thịt heo thương phẩm bán tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy có 33% mẫu thịt heo còn tồn dư hóa chất, trong đó có cả hóa chất nhóm beta agonist, hay thường gọi là chất tạo nạc, có thể dẫn đến đột biến ADN và gây ra nhiều căn bệnh cho người sử dụng[7]. Theo PGS-TS Phan Thị Sửu, thuộc Hội khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, việc tồn dư các chất cấm thuộc nhóm beta agonist trong cơ thể người có thể gây biến chứng ưng thu, ngộ độc cấp, run cơ, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng…, thậm chí gây chết người[8]. Tình trạng sử dụng các chất bảo vệ thực vật (thường gọi là chất bảo quản) dùng trong rau quả, trái cây nhập khẩu vào Việt Nam cũng đang được người tiêu dùng quan tâm. Đầu tháng 7/2012, Cục Bảo vệ Thực vật đã cho lấy 104 mẫu trái cây, rau củ nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác để phân tích kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả cho thấy những mẫu trái cây, rau củ có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn tối đa cho phép theo tiêu chuẩn của Việt Nam từ 3 -5 lần[9]. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này đến từ sự yếu kém của các nhà quản lý trong khâu kiểm tra, kiểm soát các hóa chất dùng trong nông nghiệp. Trong đó, một số chất cấm dùng trong chăn nuôi, dù nằm trong danh mục cấm nhập khẩu vào Việt Nam, vẫn bị phát hiện được sử dụng tại các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các địa phương. Đây là một biểu hiện  khác của việc quản lý thiếu chặt chẽ và thiếu nhạy bén của ngành quản lý để bảo hộ nền nông nghiệp trong nước.

Nhằm mục tiêu  phát triển nông nghiệp tại Việt Nam, điều cần thiết đó là phải tiến hành thực hiện các cam kết bảo hộ nền nông nghiệp nội địa. Bên cạnh đó, về mặt kỹ thuật liên quan đến các tiêu chí về tiêu chuẩn, đo lường, kiểm nghiệm các mặt hàng xuất và nhập khẩu, chúng ta cần đến sự hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt là qua chương trình phát triển nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam. Theo như Báo cáo thường niên của LHQ tại Việt Nam năm 2011, việc chúng ta tăng cường và thực hiện các cam kết liên quan đến các rào cản kỹ thuật trong thương mại, hay những cam kết về vệ sinh an toàn thực phẩm, là cách thức “đảm bảo thực hiện hiệu quả trách nhiệm của một thành viên WTO”[10].  

Tóm lại, trong sân chơi toàn cầu hóa, bảo hộ nền kinh tế trong nước trong mức độ thỏa thuận cho phép là một phương cách đảm bảo sự công bằng giữa tất cả các quốc gia. Việt Nam, nếu muốn đứng vững và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường thương mại quốc tế, cần chú trọng vào việc bảo vệ người lao động, cụ thể là nông dân. Người nông dân cần các nhà quản lý cam kết thực hiện chính sách bảo hộ nông nghiệp để họ nhận được sự công bằng trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước, bởi vì trong tiến trình toàn cầu hóa kinh tế, lực lượng nông dân là thành phần mang lại những thay đổi trước hết ở mức độ cơ bản, bằng chính sự tham gia vào quá trình sản xuất của họ.

                                                                                                                                                                                                                    Trần Thanh Minh

Tài liệu tham khảo

1. Sách

FRIEDMAN, Thomas L., Chiếc Lexus và cây Ô liu, (Lê Minh dịch), Nxb. Khoa học Xã hội, 2005.

FRIEDMAN, Thomas L., Thế giới phẳng-tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ 21-Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2006.

STIGLITZ, Joseph E., Toàn cầu hóa và những mặt trái (Nguyễn Ngọc Toàn dịch), Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2008.

STIGLITZ, Joseph E., Vận hành toàn cầu hóa-Lê Nguyễn dịch, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2008.

2. Các báo cáo

Báo cáo thường niên của LHQ tại Việt Nam, năm 2011

Báo cáo phát triển Thế giới – Tăng cường nông nghiệp cho phát triển, (Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007.)

Niên giám thống kê năm 2011- Statistical Yearbook of Vietnam 2011, (Tổng cục Thống kê Việt Nam,  Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2012.)

3. Các website

http://agro.gov.vn

http://suckhoedoisong.vn

http://trungtamwto.vn

http://www.sggp.org.vn

www.un.org.vn

www.undp.org.vn

Và các website có liên quan

 


[1] x. Niên giám thống kê năm 2011- Statistical Yearbook of Vietnam 2011, Tổng cục Thống kê Việt Nam,  Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2012.

[2] x. Joseph E. Stiglitz, Vận hành toàn cầu hóa-Lê Nguyễn dịch, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2008, tr. 168 – 188.

3 x. Thomas L. Friedman, Chiếc Lexus và cây Ô liu, (Lê Minh dịch), Nxb. Khoa học Xã hội, 2005, tr. 368 -388.

 

[5] Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng Online (http://www.sggp.org.vn/kinhte/2010/4/222619/)

[6] Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng Online ( http://www.sggp.org.vn/kinhte/2006/10/64614/)

[9] Nguồn: Báo Sức Khỏe & Đời Sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y Tế (http://suckhoedoisong.vn/20120815082031473p61c71/du-luong-thuoc-bvtv-trong-nho-trung-quoc-cao-gap-3-5-lan.htm)

[10] x. “Liên Hợp Quốc tại Việt Nam-Báo cáo thường niên 2011, tr.8.” (http://www.undp.org.vn/detail/newsroom/feature-details/?contentId=4018&languageId=4)

Kiểm tra tương tự

Bí tích của niềm hy vọng

  Khi tuyên xưng mình là người Công giáo, ta bước trên cùng một con …

Một phép ẩn dụ về giá trị của người cao tuổi

  Vào dịp lễ, một linh mục Chính thống giáo đã mang đến cho chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *