Bảo vệ Đức tin Công giáo trên Vương quốc Anh: Các Thánh & Chân phước Dòng Tên tại Anh (2)

Trước khi bị treo cổ, ngài cầu nguyện: “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con.”

Thánh Robert Southwell, S.J. (1561-1595). Tranh của Matthaus Greuter hoặc Paul Maupin, năm 1608.

Giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt, S.J.

Xem thêm

Phần 1: Cuộc ly khai & Dòng Tên nhập cuộc

Phần 2: Thánh Robert Southwell và thánh Nicolas Owen

Phần 3:  Thời Nội Chiến và Cộng Hòa (1640-1660)

Phần 4: Các vị tử đạo năm 1678-1679

***

Phần 2: Thánh Robert Southwell
và thánh Nicolas Owen

Gạch nối giữa thánh Robertô Southwell và thánh Nicôla Owen là cha Henry Garnet, bề trên hạt truyền giáo Dòng Tên Anh Quốc. Đó cũng là thời gian chuyển từ triều đại nữ hoàng Elizabeth I sang triều đại vua James I.

Cha Henry Garnet sinh năm 1555 trong một gia đình Công Giáo truyền thống, nhưng lại thiên về Anh Giáo. Năm 20 tuổi, ngài rời nước Anh, sau đó gia nhập Dòng Tên tại Rôma năm 1575. Tại đây, ngài quen biết các cha Persons, Southwell và nhiều linh mục người Anh khác. Đang dạy toán học tại Học Viện Rôma, kế nhiệm nhà thiên văn học thời danh Clavius, năm 1586 ngài cùng với cha Southwell được chỉ định về Anh. Hai người đã biết nhau từ trước, và nhờ hành trình từ Rôma đến bờ biển Manche, hai người trở nên bạn vừa thân thiết với nhau, vừa liên kết với nhau trong sứ mệnh chung.

Ngày 12.7.1587, hai cha xuống tàu về Anh. Từ khi rời tàu, hai cha chia tay để tránh con mắt cú vọ của công an. Địa điểm liên lạc của hai cha là trại giam Marshalsea, nơi giam giữ nhiều người Công Giáo. Họ chỉ các ngài đến một quán trọ cha William Weston thường lui tới. Vị này là quyền bề trên của Dòng Tên tại Anh. Ba anh em đưa nhau đến Nhà Hurleyford, một khu đất vừa rộng rãi, vừa tách biệt, cách Luân Đôn 30 km. Chủ nhân là ông Richard Bold, một nhạc sĩ vừa được cha Weston giúp trở về Công Giáo. Trong nhà có một nhà nguyện, có đàn organ, cả gia đình và gia nhân và bạn bè họp thành một ban hợp xướng. Trong số này có William Byrd, cha đẻ nền âm nhạc Anh. Cả nhóm ở đó 10 ngày. Hằng ngày có lễ hát và giảng. Ba anh em Dòng Tên lợi dụng thời gian này để thảo luận về dự định cho những ngày tháng sắp tới. Cha Weston chia sẻ kinh nghiệm cho 2 cha mới đến. Nhiều người Công Giáo cho các linh mục ở trong gia đình, từ cơ sở ấy đi hoạt động tông đồ nay đây mai đó. Ba anh em xem xét các điểm có thể làm nơi trú ngụ của các linh mục để sau này phân bố anh em cho thích hợp. Tạm thời cha Garnet phụ trách các tỉnh, cha Southwell phụ trách Luân Đôn.

Đỉnh cao của những ngày này là lễ thánh Maria Mađalêna 22.7. Cha Southwell cho biết đã có một “hòa âm tuyệt vời giữa nhiều nhạc cụ và nhiều giọng. Tuy nhiên, phải chuyển sang hôm sau, và tôi không dự được, vì được mời đến nơi khác.” ‘Nơi khác’ chính là trại giam Marshalsea. Sáng sớm hôm 22.7, ngài đến giảng cho một nhóm người Công Giáo ở đó. Một công an chìm có mặt đã báo cáo mọi sự cho thủ trưởng là Francis Walshingham. Ngày 25.7 ngài viết: “Hằng ngày tôi sống giữa bao nguy hiểm, không giây phút nào an toàn.” Những nguy hiểm hằng ngày sẽ tăng dần khi ngài thêm việc và thêm các tiếp xúc. Ngày 3.8, cha Weston bị bắt, cha Garnet làm bề trên cho đến khi bị xử tử năm 1606.

Hai biến cố lớn ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động tông đồ của Dòng Tên trong nhiệm kỳ của ngài là Hạm Đội Tây Ban Nha và vụ Mưu Sát Bằng Chất Nổ.

Cha Southwell ngày càng mở rộng hoạt động tông đồ ở Luân Đôn: tiếp xúc nhiều hơn, di chuyển nhiều hơn. Vì thế, ngài cũng để lại dấu vết nhiều hơn. Thêm vào đó, do William Allen vận động, vua Felipe của Tây Ban Nha gửi một hạm đội đến biển Manche với ý định lật đổ nữ hoàng Elizabeth. Trước nguy cơ bị xâm lăng, lòng yêu nước của người Anh dâng cao, đồng thời sự nghi kỵ người Công Giáo tiếp tay cho Tây Ban Nha cũng thêm gay gắt. Đã hai lần cha Southwell bị bắt hụt. Ngài đến trọ tại nhà bà công tước Arundel ở Luân Đôn, phía trước là đường, phía sau là sông, khi cần sẽ dễ thoát hiểm. Ngài chỉ đi làm việc mục vụ vào ban đêm, ban ngày dùng để cầu nguyện, viết thư và sáng tác thơ văn. Luôn đối mặt với nguy hiểm, nhưng hài lòng với kết quả tông đồ, ngài sáng tác những bài thơ hay nhất đời trong giai đoạn này.

Nhận thấy ngoài hoạt động tông đồ trực tiếp cần phải thêm hoạt động tông đồ văn hóa, cha Garnet cho thành lập một xưởng in bí mật. Ngài tìm được một người thợ in là Henry Owen sẵn lòng giúp đỡ về kỹ thuật. Thế là nhiều tài liệu như kinh nguyện, bài giảng, thơ văn được in ấn và phát hành. Người tham gia tích cực nhất trong việc soạn thảo là cha Southwell. Người ta ví hai cha như ca từ và giai điệu trong một bài hát. Một đội ngũ giáo dân giúp tung ra các ấn phẩm khắp Luân Đôn có khi chỉ trong một đêm và nhiều nơi khác chỉ trong một ngày. Ngoài ra, qua Henry Owen, cha Garnet làm quen với người anh hay em trai là Nicolas, một nhân vật không thể bỏ qua được trong hoạt động của Dòng Tên tại Anh trong giai đoạn này.

Hạm đội Tây Ban Nha bị hải quân Anh đánh bại năm 1588, nhưng nhà cầm quyền Anh vẫn gia tăng các biện pháp đàn áp người Công Giáo. Một bản tuyên bố năm 1591 cho rằng có ‘nguy cơ hỗn loạn lớn cho đất nước do một số linh mục chủng viện và Dòng Tên có thể gây ra, nên cần tiên liệu những biện pháp cần thiết để trấn áp’. Các biện pháp không phải là thêm luật lệ, nhưng là phải tấn công mạnh mẽ hơn. Các linh mục được mô tả là ‘những thanh niên phóng đãng, vì đã gây tội ác ở Anh nên trốn ra nước ngoài để trở thành những kẻ đào tẩu, nổi loạn và phản quốc’. Đó là những người thuộc ‘giai cấp rất thấp’, ‘loài rắn độc’, ‘những đứa con hoang của đất nước’. Lối tuyên truyền này xem ra tai hại cho cộng đồng Công Giáo hơn cả chính những biện pháp đàn áp.  

Cha Southwell trả lời dưới hình thức một thư gửi nữ hoàng, tựa là ‘Khiêm tốn nài xin’. Đây là bản văn xuôi được coi là hay nhất của ngài. Có thể ngài chưa kịp cho in, nên đến khi ngài bị bắt, chỉ có những bản chép tay, một bản đến tay cha Weston trong trại giam, một bản đến tay kẻ sẽ bắt và tra tấn ngài: Richard Topcliffe. Kể từ thời thánh Campion, không ai lên tiếng bênh vực người Công Giáo. Cha Southwell chắc chắn là linh mục bị trùm mật vụ Topcliffe săn hơn ai hết. Mặc dù trên danh nghĩa hắn chỉ là một viên công an, nhưng trong thực tế có thể nói là nắm quyền hành gần như chuyên chế, chỉ sau nữ hoàng. Dưới quyền hắn là bọn côn đồ chia sẻ với hắn những lợi lộc thu được. Hắn được quyền sử dụng phòng tra tấn ngay tại nhà riêng. Hắn sáng chế ra nhiều hình thức tra tấn vừa hiệu quả hơn vừa đỡ tốn kém. Cha Garnet gọi hắn là ‘kẻ cực kỳ bỉ ổi’. Hắn thề phải bắt được cha Southwell và tra tấn để ngài khai hết.

Topcliffe sử dụng một cô gái để gài bẫy. Cô này tên Ann, là con ông Robert Bellamy ở Harrow, bị bắt giam vì đức tin Công Giáo. Trong thời gian bị tù, hoặc do bị hắn cưỡng hiếp hay dụ dỗ, cô mang thai. Hắn bảo nếu cô xin được cha Southwell đến nhà cha mẹ cô thì gia đình cô sẽ không bị bách hại. Gia đình Bellamy rất vững mạnh trong đức tin Công Giáo và là nơi nương náu của nhiều linh mục. Nhận được thư của cô, nghĩ là cô muốn xưng tội, ngày 25.7.1592 ngài đến nhà cha mẹ cô như cô hẹn. Nhưng người ngài gặp là ‘kẻ cực kỳ bỉ ổi’ và bọn tay chân. Biết là bị phản bội, ngài nộp mình. Hắn hỏi ngài:

–         Anh là ai?

–         Một nhà quý tộc.

–         Không! Tên linh mục! Kẻ phản quốc! Đồ Giêsu hữu!

–         Ông phải chứng minh chứ!

Topcliffe rút kiếm, ngài không nhúc nhích, chỉ bình tĩnh nói:

–         Tôi hiểu. Ông muốn đổ máu tôi, ông cứ tự nhiên như mẹ tôi đã truyền máu cho tôi.

Ngài bị trói và đưa về nhà của Topcliffe ở Điện Westminster. Cha Garnet viết: “Tin ngài bị bắt được loan truyền khắp nước. Người Công Giáo buồn không thể tả được, như mất một người trong gia đình.” Còn Topcliffe thì mừng lắm, vì đây là chiến công ‘hiển hách’ nhất của hắn. Hắn cũng tin là sẽ khai thác được tên tuổi và chỗ ở của tất cả các linh mục đang hoạt động ở Anh. Sau một ngày tra tấn tại nhà riêng, hắn chỉ biết được cha Southwell là một linh mục Dòng Tên, về Anh để rao giảng đức tin Công Giáo và sẵn sàng chết vì sứ mệnh. Sau nhiều lần bị hết người này đến người kia thẩm vấn và bị tra tấn dã man nhưng không ai khai thác được ngài điều gì. Cha Garnet viết: ‘Một Goliat về lòng dũng cảm’. Cả nước ai cũng biết việc ngài bị tra tấn. Cha ngài khiếu nại với nữ hoàng: ngài là nhà quý tộc, nên phải được đối xử như một nhà quý tộc, ‘ngay cả khi là Giêsu hữu’. Ngài được đưa về Tháp Luân Đôn, không bị tra tấn nữa, lại còn được nhận Thánh Kinh, Sách Nguyện và nhiều sách khác. Dù vậy, trong suốt 2 năm rưỡi, ngài không được gửi hay nhận thư, cũng không ai được đến thăm ngài.

Cuối năm 1594, ngài viết thư cho quan Robert Cecil, anh em họ của thân phụ ngài: nếu không được ai đến thăm thì xin được ra tòa xét xử. Người chú bác họ trả lời: “Nó mong được treo cổ thì chẳng bao lâu nữa sẽ được.” Ngài được chuyển đến nhà tù Newgate, ‘nơi khắc nghiệt nhất trong số 12 trại giam ở Luân Đôn’, theo lời cha Garnet. Nhưng ở đây ngài được ăn uống đầy đủ hơn những nơi khác, có cả rượu vang nữa.

Ngài được đưa ra xét xử ngày 20.2.1595 tại Điện Westminster và nhanh chóng bị kết án tử hình. Hôm sau khi được báo tin ra pháp trường, ngài nói: “Chưa có tin nào khiến tôi vui mừng như vậy.” Trước khi bị treo cổ, ngài cầu nguyện: “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con.”[1]

Thánh Nicholas Owen bị treo hai tay

Mất cha Southwell, có thể nói là cha Garnet mất một nửa linh hồn![2] Tuy nhiên, công việc của người phụ trách không cho phép ngài buông xuôi. Hoạt động tông đồ phải tiếp tục. Các anh em phải được bảo vệ kỹ hơn. Ngài tìm được người giúp nơi thánh Nicôla Owen.

Nicolas dáng người nhỏ bé, vì thế có bí danh là Gioan Nhí[3]. Chẳng những vậy, ngài còn bị què do có lần ngã ngựa. Là người trực tính, nhưng thường biết kiềm chế miệng lưỡi. Đó là một người thợ mộc và thợ xây hiếm có. Chúng ta không biết ngài sinh năm nào. Chỉ biết gia đình ngài ở Oxford, thân sinh ngài là thợ mộc và đã truyền nghề cho ngài. Trong 3 anh em trai của ngài, 2 người làm linh mục, một người giúp cha Garnet làm xưởng in. Khi cha Campion về nước thì ngài đã đến giúp cha. Sau đó, qua trung gian người anh hay em là Henry, ngài lại đến giúp cha Garnet. Biết biệt tài của ngài, cha xin ngài làm hầm trú ẩn cho các cha. Chúng ta không biết ngài đã bắt đầu làm hầm trú ẩn từ bao giờ, có thể là ngay từ năm 1580 lúc giúp thánh Campion, muộn nhất là từ năm 1587 khi đến giúp cha Garnet.

Ban ngày, ngài làm việc bên trong hay bên ngoài tòa nhà như một người thợ bình thường, trước mặt mọi người, để mọi người thấy ngài là một người làm thuê. Ban tối và ban đêm, ngài làm hầm trú ẩn kín đáo một mình, dù là phải đào đất thật sâu hay phải phá tường đá dày. Chỉ mình ngài và chủ nhà biết vị trí của hầm. Trong những dinh thự rộng lớn, nơi các linh mục thường hội họp, ngài làm những hầm đủ chứa 6 hay 10 người. Và để đánh lạc hướng mật thám, đôi khi ngài nghĩ ra cách làm hầm trong một phòng kín. Ngài đã làm hầm trong chừng 20 tòa nhà, mỗi nơi đôi khi có đến hơn một chục hầm. Không ở đâu giống đâu, để khi phát hiện chỗ này thì không phát hiện được chỗ khác. Ngài cũng thích làm một hầm trong một hầm, có khi đến cả hầm thứ ba, để khi phát hiện một hầm thì người ta nghĩ là không có ai. Gần như ngài luôn luôn làm cửa thoát hiểm, và khi có thể được thì nối kết hầm này với hầm kia để dễ trốn. Không ai biết chính xác ngài đã làm được bao nhiêu hầm trú ẩn. Có lẽ đa số đã bị phá hủy. Một số hầm còn được giữ nguyên vẹn đến nay. Năm 1870 người ta tìm thêm được một hầm và năm 1927 lại tìm được một hầm nữa. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa biết còn hầm nào nữa không.

Trong thư viết năm 1588, cha Garnet bày tỏ hy vọng là ‘người thợ mộc’ của ngài, không được nêu tên, sau này sẽ vào Dòng. Có thể sau đó ít lâu ngài được nhận vào Dòng. Chắc chắn ngài không được đào tạo trong nhà tập như thường lệ. Gần chắc là ngài được huấn luyện qua đời sống gần gũi với cha Garnet.

Trước khi khởi sự làm hầm ngài luôn luôn cầu nguyện, và khi khởi sự một hầm mới, ngài rước Mình Thánh Chúa trước. Chính lúc làm những hầm như vậy, ngài bị chứng thoát vị do nâng những tảng đá lớn hay những cây xà nặng.

Ngài đã bị bắt rồi được tha 2 lần, vì công an chưa biết ngài chuyên làm hầm trú ẩn, cho ngài chỉ là hạng tép riu. Đến lần thứ ba thì ngài bị kết án tử hình.

Sau khi nữ hoàng Elizabeth qua đời, vua James I lên nối ngôi. Trước đó vua thường hứa là khi lên ngôi sẽ khoan hồng với người Công Giáo. Nhưng thực tế hoàn toàn khác: một số đạo luật được ban hành siết chặt thêm việc đàn áp người Công Giáo. Do đó, một số người Công Giáo quá khích âm mưu đảo chính: giết vua để đưa công chúa Elizabeth 9 tuổi lên ngôi và tái lập triều đình Công Giáo. Đứng đầu là Robert Catesby. Dịp thuận tiện là ngày 5.11.1605, vua đến nghị viện đọc diễn văn khai mạc. Đêm 4.11, công an khám phá 36 thùng thuốc nổ dự tính đánh sập tòa nhà nghị viện. Người thực hiện là Guy Fawkes bị bắt. Công an lùng bắt gắt gao những người bị tình nghi, trong đó có cha Garnet. Không dễ gì bắt được ngài, vì ngài có rất nhiều hầm trú ẩn.

Ngày 24.11.1605, cha Garnet và thầy Owen đến Hinlip Hall, gần Worcester, nơi cha Edward Oldcorne và thầy Ralph Ashley đang trú ẩn. Đó là nơi thuận tiện vì khu dinh thự rộng lớn có nhiều hầm trú ẩn. Một người chỉ điểm trong khu vực báo với công an là khám xét Hinlip Hall thì thế nào cũng bắt được cha Oldcorne và có thể cả cha Garnet nữa. Sáng sớm ngày thứ hai 20.1.1606 viên trưởng công an đem theo 100 quân đến lục soát. Trong khi hai cha Garnet và Oldcorne vào nấp trong một hầm thì hai thầy Owen và Ashley vào nấp trong một hầm khác. Không may là trong hầm của hai thầy không có gì ăn uống được, nên đến ngày 23, hai thầy phải ra khỏi hầm. Hai thầy cũng nghĩ là sẽ đánh lừa được công an, vì có thể họ nghĩ hai thầy là hai linh mục mà họ truy nã. Nhưng trong số công an có người biết mặt hai cha. Vì thế hai thầy bị giữ trong khi cuộc lục soát vẫn tiếp tục. Ngày 27, người ta tìm được nơi hai cha trú ẩn, cả hai đã kiệt sức. Trong hơn một tuần lục soát, công an đã phát hiện ở khuôn viên dinh thự Hinlip hơn 10 hầm trú ẩn.

4 Giêsu hữu được đưa đến Worcester và ngày 3.2 được đưa về Luân Đôn. Thầy Owen bị giam tại Marshalsea. Trong lần tra khảo sơ khởi, thầy không khai gì. Thầy bị đưa đến Tháp Luân Đôn để chịu tra tấn. Lần này công an biết thầy là người làm hầm trú ẩn nên cố gắng khai thác để biết nơi trú ẩn của các linh mục. Chỉ cần thầy khai là cộng đồng Công Giáo hầm trú suy sụp. Mặc dù luật thời ấy không cho phép tra tấn những người bị bệnh thoát vị, nhưng thầy bị coi là ngoại lệ. Thầy bị buộc 2 cổ tay treo người lên mỗi ngày 5 đến 7 tiếng, mấy ngày liên tiếp. Vì thầy không chịu nói gì, họ buộc thêm đá vào chân thầy lơ lửng trên không. Thầy chỉ kêu tên Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ngày 1.3, bụng thầy nổ, ruột tung ra ngoài. Thầy sống lây lất hôm ấy. Sáng sớm ngày 2.3, thầy trút hơi thở cuối cùng.[4]

Những người chủ mưu vụ đặt thuốc nổ bị xử tử ngày 3.5.1606, trong số đó có cả cha bề trên Henry Garnet. Ngài có tham gia vào vụ mưu sát không? Tòa án của triều đình cáo buộc ngài là chủ mưu. Có lẽ ngài biết, nhưng vì biết trong tòa giải tội, nên phải giữ bí mật tuyệt đối. Dù sao, ngài không được kể vào số các vị tử đạo của Dòng. Trong 20 năm ngài phục vụ hạt truyền giáo Anh, con số linh mục Dòng Tên từ 1 đã lên đến 40. Ngài thường xuyên ở Luân Đôn, nhưng vẫn thăm giáo dân Công Giáo khắp nơi. Vì nhiệm vụ, ngài thường xuyên viết thư về Rôma trình bày tình hình cho trung ương Dòng. Ngoài việc mục vụ, ngài còn viết sách và dịch sách giáo lý của thánh Kanis để củng cố đức tin người Công Giáo trong lúc bị bách hại. Hoàn cảnh trớ trêu đã khiến một đầy tớ trung thành và quảng đại như ngài, đã phải chết nhưng chưa được chính thức tuyên dương như một vị tử đạo.

 


[1] Ngài được phong thánh năm 1970.

[2] “Người đi một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn kia bỗng dại khờ”  (Hàn Mạc Tử).

[3] Little John.

[4] Ngài được phong thánh năm 1970, trong số 40 thánh tử đạo nước Anh.

 

Kiểm tra tương tự

3 vị thánh cộng tác với Dòng Tên – Những chứng nhân Đức Tin tại Bắc Mỹ

  Trong sứ vụ truyền giáo tại Bắc Mỹ thế kỷ XVII, các nhà truyền …

Tin vui từ Vatican: Công nhận Cuộc Tử đạo của Cha Trương Bửu Diệp

Ngày 25 tháng 11 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *