Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, sao Người đã bỏ con? (Mt 27,46; Mc 15,34).
Các sách Phúc Âm của Mát-thêu và của Mác-cô kể lại việc Chúa Giê-su trên Thánh Giá, đã hai lần kêu lớn tiếng. Lần thứ nhất là di ngôn thứ tư (X.Mt 27,46 và Mc 15,34), mà hai thánh sử đều trích dẫn. Còn lời thứ hai thì Mát-thêu viết như sau: “Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn” (Mt 27, 50), còn Mác-cô thì viết: “Đức Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở” (Mc 15, 37).
Như thế, di ngôn thứ tư của Chúa Giê-su được hai tác giả Phúc Âm Mát-thêu và Mác-cô nhắc đến. Đó là một ngoại lệ độc nhất trong loạt 7 lời cuối cùng của Chúa trên Thánh Giá, và qua đó làm nổi bật tầm quan trọng của di ngôn này. Hơn nữa, di ngôn này cũng đã làm “đau đầu” rất nhiều nhà Thần Học, bởi vì không ai có thể hiểu làm sao Con Thiên Chúa lại có thể bị Thiên Chúa bỏ rơi, hay ít nhất Ngài cảm thấy Thiên Chúa Cha trên trời bỏ rơi? Để giúp hiểu thêm về ý nghĩa của di ngôn, trước hết xin đi vào bối cảnh và ngôn ngữ của di ngôn.
Bối cảnh và ngôn ngữ.
Phúc Âm Thánh Mát-thêu viết: “Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: ‘Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni’, nghĩa là ‘Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 46). Lời này nằm trong bối cảnh Chúa Giê-su trút linh hồn (Mt 27, 45-56). Nơi Phúc Âm của Mác-cô, chúng ta thấy:“Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: ‘Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni!’ Nghĩa là: ‘Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15, 34). Lời này nằm trong bối cảnh Chúa Giê-su chết trên Thánh Giá (Mc 15, 33-39). Như thế, di ngôn này theo hai thánh sử, đều có chung một bối cảnh, đó là lúc Chúa Giê-su chuẩn bị sinh thì trên Thánh Giá.
Về ngôn ngữ của di ngôn thứ tư trong Phúc Âm của Mát-thêu, một số nhà chú giải Thánh Kính đã nhận định, đó là âm điệu của ngôn ngữ A-ram và của tiếng Híp-ri. Theo Gnilka, trong khi Mác-cô dùng từ Ê-lô-i, thì Mát-thêu dùng từ Ê-li là âm điệu của tiếng Híp-ri, còn xa-bác-tha-ni là âm điệu của tiếng A-ram. Sau đó mới được dịch qua tiếng Hy-lạp.[1]
Trong Phúc Âm theo Thánh Mác-cô, theo Schnackenburg, câu nói của Chúa hoàn toàn bằng tiếng A-ram và sau đó được chuyễn ngữ qua Hy-lạp.[2] Tiếng A-ram là ngôn ngữ đối thoại mà Chúa Giêu và đa số người Do Thái đồng thời với Ngài dùng thường nhật. Có thể tiếng kêu của Chúa xảy ra quá đặc biệt, đến độ các nhân chứng nghe lời đó, và khi họ kể lại bi kịch trên dưới chân Thánh Giá, họ muốn nhắc lại chính những lời của Chúa Giê-su bằng tiếng A-ram.
Về điều này, Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã chia sẻ như sau: “Hai Thánh sử diễn tả lời cầu nguyện của Chúa Giê-su lúc sinh thì trên Thánh Giá không chỉ bằng tiếng Hy Lạp, là ngôn ngữ các ngài dùng để viết câu chuyện, nhưng cũng vì tầm mức quan trọng của những lời cầu nguyện đó, nên chúng đã được viết bằng sự pha trộn giữa tiếng Híp-ri và tiếng A-ram. Các ngài cũng đã truyền lại cho chúng ta không những chỉ nội dung, mà cả âm thanh mà lời cầu nguyện này được thốt ra trên môi miệng Chúa Giê-su: chúng ta thực sự nghe những lời của Chúa Giê-su như Người đã thốt ra. Đồng thời, các ngài mô tả cho chúng ta thái độ của những người hiện diện lúc đóng đinh, là những người không hiểu hoặc không muốn hiểu lời cầu nguyện này”.[3]
Cả hai thánh sử đều kể lại, một số người đứng ở dưới Thánh Giá Chúa đã không hiểu tiếng kêu của Chúa, họ nghĩ là Chúa kêu cứu ông Ê-li-a, và họ còn chế diễu: “Để xem ông Ê-li-a có đến đem hắn xuống không” (Mc 15, 36). Trong Do Thái giáo, Ê-li-a được coi như là người thường hay giúp đỡ những người cùng khổ.[4] Tuy nhiên, qua sự trích dẫn lời kêu cầu của Chúa bằng tiếng A-ram và Híp-ri của hai thánh sử, các nhà chú giải Thánh Kinh đã nhận thấy đó là những câu đầu tiên của Thánh Vịnh 22. Đó là về mặt ngôn ngữ của di ngôn, giờ đây chúng ta đi vào yếu tố thời gian của di ngôn.
Yếu tố thời gian.
Về thời gian của di ngôn, cả hai thánh sử đều nói là giờ thứ chín, nghĩa là ba giờ chiều theo lịch thời gian của chúng ta hiện nay. Để đi sâu vào ý nghĩa của thời gian mà Chúa Giê-su bị đóng đinh nói lên lời cuối cùng này, chúng ta lắng nghe suy tư của Đức Thánh Cha Benedicto XVI: “Như chúng ta đã nghe, đây là điều mà Thánh Mác-cô viết: “Vào giờ thứ sáu (buổi trưa), tối tăm bao trùm khắp mặt đất đến giờ thứ chín (ba giờ chiều). Và vào giờ thứ chín, Chúa Giê-su kêu lên một tiếng lớn: ‘Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni!’ Nghĩa là: ‘Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (15,34). Trong cấu trúc của tường thuật, lời cầu nguyện, tiếng kêu của Chúa Giê-su ở tột đỉnh của ba giờ đen tối này, từ trưa cho đến ba giờ chiều, là những giờ mà tăm tối bao trùm khắp mặt đất. Ba giờ đen tối này là sự tiếp tục của một khoảng thời gian trước đó, cũng ba giờ, bắt đầu với việc đóng đinh Chúa Giê-su. Thực ra, Thánh sử Marcô cho cho chúng ta biết rằng:“Khi đó là giờ thứ ba (chín giờ sáng), và chúng đóng đinh Người” (x. 15:25). Chung quy thì những dấu chỉ về thời gian của tường thuật cho thấy rằng sáu giờ của Chúa Giê-su trên Thánh Giá được chia thành hai phần bằng nhau theo thứ tự thời gian.
Trong ba giờ đầu, từ chín giờ sáng đến trưa, chúng ta thấy sự chế nhạo của các nhóm người khác nhau, là những kẻ bày tỏ sự hoài nghi của họ và xác định rằng họ không tin. Thánh Mác-cô viết: “Những kẻ qua lại chế nhạo Người” (Mc 15:29), “Cũng vậy, các trưởng tế và luật sĩ đều chế giễu Người” (Mc 15:31), và“những tên cùng bị đóng đinh với Người cũng xỉ vả Người” (Mc 15:32). Trong ba giờ tiếp theo, từ trưa đến ba giờ chiều, Thánh sử chỉ nói về bóng tối bao trùm khắp mặt đất: một mình bóng tối chiếm toàn cảnh mà không đề cập đến những chuyển động hay lời nói nào của các nhân vật. Khi Chúa Giê-su gần cái chết hơn bao giờ hết, chỉ có bóng tối đang bao trùm “ khắp mặt đất.” Ngay cả vũ trụ cũng tham gia vào biến cố này: bóng tối bao phủ người và sự vật, nhưng ngay cả trong giờ đêm tối này Thiên Chúa vẫn hiện diện, Ngài không từ bỏ.”[5] Và Ngài đã lên tiến. Tiếng kêu lên với Cha trên trời như một lời cầu nguyện của người Con yêu dấu của Cha. Tiếng kêu đó Chúa Giê-su đã trích dẫn từ Thánh Vịnh 22.
Lời cầu nguyện của Chúa nối kết lời kêu cầu của dân Ít-ra-en.
Thánh Vịnh 22 nói về người lành thánh gặp đau khổ và đã kêu cầu đến Chúa, và Chúa đã nhậm lời. Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã chia sẻ về Thánh Vịnh này như sau: “Thánh Vịnh này luôn xuất hiện trong những tường thuật về Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, với cả hai bình diện chịu sỉ nhục và vinh quang, sự chết và sự sống. Đó là Thánh Vịnh 22 theo truyền thống Do Thái hay Thánh Vịnh 21 theo truyền thống La-Hy, một lời cầu nguyện chân thành và cảm động, có sự phong phú về thần học và chiều sâu về nhân bản, khiến nó trở thành một trong những Thánh Vịnh được ưa thích và nghiên cứu nhiều nhất trong các Thánh Vịnh…Thánh Vịnh này trình bày hình ảnh của một người vô tội bị lùng bắt và bao vây bởi những kẻ thù muốn cho ông chết, và ông cầu cùng Thiên Chúa bằng một lời than thở đớn đau, trong niềm xác tín của đức tin, mở ra một cách bí nhiệm để chúc tụng. Trong lời cầu nguyện của ông, thực tại kinh hoàng của hiện tại và đầy an ủi trong quá khứ thay phiên nhau trong một ý thức đau đớn về tình trạng tuyệt vọng của mình, nhưng không muốn làm cho mình mất hy vọng. Lới kêu than lúc đầu của ông là một lời khẩn cầu cùng một Thiên Chúa dường như xa cách, không đáp lời ông và có vẻ đã bỏ rơi ông.”[6]
Lời đầu tiên của Thánh Vịnh là:
“Ôi Thiên Chúa của con! Ôi Thiên Chúa của con! Sao Ngài lại nỡ bỏ rơi con?
Dù con thảm thiết kêu gào, nhưng ơn cứu độ nơi nào xa vời! (Tv 22,2).
Chúa Giê-su trên Thánh Giá đã thốt lên lời cầu nguyện này. Thật vậy, cả hai Thánh sử đều kể lại rằng, Chúa Giê-su đã kêu lớn tiếng. Theo Pesch, việc kêu lớn tiếng là tính cách của việc cầu nguyện kêu xin lớn tiếng.[7] Điều này tương hợp với lời Thánh Vịnh “Dù con thảm thiết kêu gào” (Tv 22, 2b).
Lời cầu nguyện kêu xin lớn tiếng của Chúa “diễn tả tình trạng cô độc của Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa, Người đang đối diện với thảm trạng bị chết, một thực tại hoàn toàn trái ngược với Chúa sự sống. Bị hầu hết những người thân yêu của Mình bỏ rơi, bị các môn đệ phản bội và chối từ, bị vây quanh bởi những kẻ nhục mạ Người, Chúa Giê-su đang bị đè nghiến bởi sức nặng của một sứ mệnh phải trải qua sỉ nhục và hủy diệt. Vì lý do đó mà Người than khóc cùng Chúa Cha, và nỗi thống khổ của Người được diễn tả qua những lời đớn đau của bài Thánh Vịnh.”[8]
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở cảm xúc đó, vì “Người cầu nguyện bằng bài Thánh Vịnh với ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa Cha, ngay cả trong giờ này khi Người cảm thấy thảm cảnh về cái chết của con người”. Như thế, lời cầu nguyện của Chúa Giê-su ở đây diễn tả một tương quan sâu sa của Ngài với Cha Ngài. Đó là một điều thật cao quý. Tuy nhiên dù sao, khi đọc lời cầu nguyện này, chúng ta cũng đặt vấn nạn, tại sao Thiên Chúa quyền năng không thể can thiệp vào biến cố đau thương này của Con mình, tại sao Ngài lại im lặng?
Thiên Chúa quyền năng im lặng trước khổ đau của Người Con yêu dấu?
Trước hết, chúng ta thấy ĐTC. Benedicto XVI đã đặt ra vấn nạn sau, khi Ngài suy niệm về di ngôn này: “Nhưng một câu hỏi phát ra trong trí chúng ta: làm sao mà một Thiên Chúa quyền năng như thế lại không can thiệp để tránh cho Con mình sự thử thách khủng khiếp này? Điều quan trọng là phải hiểu rằng lời cầu nguyện của Chúa Giê-su không phải là tiếng kêu của một người gặp gỡ cái chết trong tuyệt vọng, cũng không phải là tiếng kêu của một người biết rằng mình đang bị bỏ rơi. Trong giây phút ấy, Chúa Giê-su đã áp dụng toàn bộ bài Thánh Vịnh 22 cho mình, Thánh Vịnh cao cả của dân Israel đau khổ, và như thế Người tự mình gánh lấy không những chỉ nỗi thống khổ của dân Người, mà còn của tất cả mọi người bị sự dữ áp đảo, và đồng thời, Người mang tất cả những điều này đến trước trái tim của Chính Thiên Chúa, trong khi tin chắc rằng tiếng kêu của Người sẽ được Thiên Chúa nghe trong biến cố Phục Sinh, “tiếng kêu của đau khổ tột cùng đồng thời vẫn là niềm tin chắc chắn về một câu trả lời từ Thiên Chúa,niềm tin chắc chắn về ơn cứu độ – không chỉ cho Chính Chúa Giê-su, nhưng còn cho ‘nhiều người’” (Chúa Giê-su Thành Nazareth II, 239-240).” [9]
Im lặng theo cái nhìn đầu tiên là không có tiếng nói, nhưng thực ra thì im lặng chính là một cách thức để nói. Vì thế, Thiên Chúa im lặng trong biến cố này, không có nghĩa là Ngài vắng mặt và không nói gì. ĐTC Benedicto XVI đã nói rằng: “Thiên Chúa nói qua sự im lặng: Sự im lặng của Thiên Chúa, cảm nghiệm về sự xa cách của Đấng Toàn Năng và Chúa Cha, là một quãng đường quyết định trong cuộc hành trình dương thế của Con Thiên Chúa, Ngôi Lời Nhập Thể. Khi bị treo trên cây gỗ Thánh Giá, Người đã than khóc về nỗi đau khổ mà sự im lặng như thế gây ra cho Người: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của Con, sao Cha nỡ bỏ rơi Con?” (Mc 15, 34; Mt 27,46)… Nhưng sự im lặng của Thiên Chúa, như Chúa Giê-su cũng đã cảm thấy, không phải là dấu chỉ của sự vắng mặt của Ngài. Người Kitô hữu biết rằng Chúa hiện diện và lắng nghe, ngay cả trong đêm đen của đau khổ, bị khước từ và cô đơn. Chúa Giê-su bảo đảm với các môn đệ của Người, và với mỗi người trong chúng ta rằng, Thiên Chúa biết rõ các nhu cầu của chúng ta, trong mọi hoàn cảnh của đời sống chúng ta.”[10]
Như thế, sự im lặng của Chúa Cha không có nghĩa là sự bỏ rơi, nhưng là một cuộc gặp gỡ thật sự, cuộc gặp gỡ trong thinh lặng của Cha với Con yêu dấu.
Mặt khác, khi cầu nguyện với lời mở đầu Thánh Vịnh 22, Lạy Thiên Chúa của Con, lạy Thiên Chúa của Con, sao Ngài bỏ rơi Con?, Chúa Giê-su tiếp tục cầu nguyện thầm thì với Thánh Vịnh 22 trong suốt cuộc khổ hình Ngài, nghĩa là Chúa Giê-su không quên phần kết thúc của Thánh Vịnh, trở thành ca khúc về giải phóng và lời loan báo ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người. Về điều này, một số nhà Thánh Kinh học cũng nhìn như thế, nghĩa là Chúa Giê-su đã cầu nguyện toàn bộ bài Thánh Vịnh 22 này ở trên Thánh Giá. Điều đó diễn tả một niềm tin mạnh mẽ của Chúa Giê-su vào Cha mình qua chính lời kêu cầu lớn tiếng của Ngài. ĐTC. Benedicto XVI cũng đồng ý, Ngài đã nhắc đi nhắc lại về điều này, như trong bài Giáo Lý về Thánh Vịnh 22, ngài viết: “Nhưng tiếng kêu của Người không phải là một tiếng kêu tuyệt vọng, cũng không như tiếng kêu của tác giả Thánh Vịnh, là người kêu cầu trong khi hành trình trên đường đau khổ nhưng cuối cùng dẫn đến một viễn cảnh ngợi khen, tin cậy vào chiến thắng của Thiên Chúa. Vì theo phong tục Do Thái, việc tríc dẫn lời mở đầu của một Thánh Vịnh là có ngụ ý đề cập đến toàn thể bài thơ, như lời cầu nguyện hấp hối của Chúa Giê-su, trong khi vẫn giữ nguyên tình trạng đau khổ không thốt nên lời của Người, mở ra sự chắc chắn của vinh quang.”[11]
Lời kêu cầu của niềm tin sắt đá không lay chuyển.
Lạy Thiên Chúa của Con, lạy Thiên Chúa của Con, sao Ngài bỏ rơi Con?
Nếu đọc lời kêu cầu lớn tiếng của Chúa, di ngôn thứ tư của Ngài trên Thánh Giá, chúng ta dễ dàng cho rằng, đó là một tiếng kêu cầu đầy sợ hãi và bối rối, tiếng kêu của những người bị dồn vào ngõ cụt của cuộc đời. Có lẽ các thánh sử cũng muốn diễn tả tâm trạng thực sự đó của Chúa Giê-su. Tuy nhiên, lời kêu cầu này còn diễn tả một niềm tin mãnh liệt của Chúa Giê-su. Theo Pesch: “Lời kêu cầu của Chúa không phải là tiếng kêu bối rối hãi sợ, mà là một sự biểu lộ của niềm tin, một cách diễn tả về niềm tin sắt đá không lay chuyển khi ở trong hoàn cảnh đau khổ nhất. Trong đêm tối của tâm trạng “bị Thiên Chúa bỏ rơi”, Chúa Giê-su trong cầu nguyện đã hướng nhìn đến Thiên Chúa.”[12] Thật vậy, chính trong hoàn cảnh tưởng chừng vắng bóng Thiên Chúa, Chúa Giê-su đã hướng nhìn đến Thiên Chúa. Vời những lời đầu tiên trích dẫn từ Thánh Vịnh 22, Chúa bước trong sự hoài nghi và hãi sợ, nhưng sau đó Chúa đã xuyên suốt qua đó để đi vào chiều sâu của niềm tin vào Thiên Chúa[13], Đấng
“đưa con ra khỏi thai bào, vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn.
Chào đời con được dâng cho Chúa,
được Ngài là Chúa tự sơ sinh.” (Tv 22, 10-11).
Về lời Thánh Vịnh này, ĐTC Benedicto XVI suy niệm: “Chúa là Thiên Chúa sự sống, Đấng sinh ra, đón chào em bé và chăm sóc em với tình âu yếm của một người cha. Và nếu trước đó ông đã nhớ lại của đức trung tín của Thiên Chúa trong lịch sử dân Ngài, thì giờ đây người cầu nguyện nhắc lại lịch sử cá nhân của ông và mối liên hệ với Chúa, trở lại thời điểm đặc biệt quan trọng lúc đầu trong cuộc đời ông. Và ở đó, bất chấp tình trạng lẻ loi hiện tại, tác giả Thánh Vịnh nhận ra một sự gần gũi và một tình yêu triệt để của Thiên Chúa mà ông giờ đây có thể thốt lên, trong một lời tuyên xưng đức tin đầy đủ và tạo ra hy vọng, “từ lọt lòng, Ngài đã là Thiên Chúa của con” (v. 11b).”[14]
Như vậy, trong ánh sáng của lời Thánh Vịnh này, chúng ta thấy Chúa Giê-su luôn tin tưởng và bám chặt vào Thiên Chúa, đặc biệt khi Ngài rơi vào trong hoàn cảnh thống khổ đau thương nhất:
“Bởi vì Chúa đã chẳng coi thường,
chẳng khinh miệt kẻ nghèo hèn khốn khổ,
cũng không đành ngoảnh mặt làm ngơ,
nhưng đã thương nghe lời cầu cứu.” (Tv 22, 25).
Và Chúa Giê-su đã kết thúc lời cầu nguyện của Ngài với câu cuối cùng của Thánh Vịnh:
“Truyền tụng cho hậu sinh đức công chính của Người,
rằng: “Đức Chúa đã làm như vậy!” (Tv 22, 32).
Như thế, Chúa Giê-su đã bước qua tình trạng hoài nghi hãi sợ và bối rối, để đi vào niềm tin mãnh liệt, niềm tin sắt đá không lay chuyển. Niềm tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa, ngay cả trong bóng tối của tử thần, Thiên Chúa vẫn ở bên. Qua niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa và qua tình yêu trung tín cho đến giây phút cuối cùng của Chúa Giê-su, mà cái chết của Chúa Giê-su đã trở thành một hành động đem lại ơn cứu rỗi cho nhân loại.
Qua đó, chúng ta mới thấy ý nghĩa cao cả của lời kêu cầu của Chúa, như thần học gia Ratzinger, ĐTC. Benedicto, diễn tả trong tác phẩm căn bản Einfuehrung in das Christentum – Dẫn vào Ki-tô giáo: “Lời cầu nguyện này trào lên từ nỗi đau khổ tột cùng vì Thiên Chúa như vắng bóng, nhưng lại kết thúc bằng lời ngợi ca sự cao cả của Người. Tiếng kêu hấp hối của Đức Giê-su cũng mang ý nghĩa như thế.”[15]
Ngoài ra, lời kêu cầu của Chúa Giê-su lên Cha còn diễn tả sự hiệp thông của Chúa với chúng ta, những con luôn có thể gặp đau khổ, lúc đó chúng ta cần xin Chúa cho mình có được niềm tin mạnh mẽ và hướng nhìn lên Chúa để kêu lên Ngài. Thật vậy, chúng ta được phép kêu xin Ngài. Không có thế lực nào hay bất cứ ai có thể cấm cản chúng ta kêu xin Chúa.
Không có sức mạnh nào ngăn chặn lời kêu cầu của người đau khổ, nhưng tràn đầy tin tưởng kêu xin Chúa.
Nếu nhìn vào cuộc đời hoạt động của Chúa Giê-su, chúng ta thấy rằng, Ngài luôn luôn chú ý đến những anh chị em bất hạnh. Thật vậy, trái tim nhân hậu giàu lòng thương xót của Chúa luôn tìm thấy nhịp đập của những tâm hồn thống khổ, đôi tai Ngài rất thính trước những lời kêu xin, dù họ còn có khả năng kêu lên Chúa, hay không còn khả năng thốt lên lời. Người bạn hành khất Bác-ti-mê của chúng ta là một điển hình sống động. Dưới sức nặng của chiếc áo choàng đè trên vai, anh Bác-ti-mê đã từ lâu rồi ngồi bên cửa thành Giê-ri-cô, để xin ăn, để chờ đợi những bàn tay nhân ái bố thí. Và một ngày nọ nhưng không giống như mọi ngày, anh nghe tin có Đức Giê-su Na-gia-rét đi ngang qua nơi anh ngồi, với niềm tin của mình vào Chúa, anh đã kêu lên: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!” Một lời kêu xin rất chân thật, rất khẩn thiết, lời kêu xin của kẻ tin. Chúa có nghe anh không? Chưa biết. Chúng ta chỉ biết rằng, nhiều người đứng ở đó đã quát mắng Bác-ti-mê, một kẻ hành khất, bắt anh phải im tiếng, bắt kẻ tin phải câm lặng. Không lẽ chỉ có những người giàu có, những người tự cho mình là đạo đức, những người hiểu biết và có vai vế mới có quyền kêu lên với Chúa? Nếu quyền làm người không ai cướp đi được, thì quyền cầu nguyện, quyền kêu cầu lên Chúa không ai được phép lấy mất đi. Chẳng màng tới sự quát nạt, anh ta vẫn tin tưởng và kêu lớn tiếng hơn nữa “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!” Lòng nhân hậu xót thương của Chúa không bao giờ điếc với những ai tin tưởng vào Ngài. Chúa Giê-su đã nghe lời kêu cầu của anh, và Chúa đã chẳng coi thường, chẳng khinh miệt anh là kẻ nghèo hèn khốn khổ, mang thân phận hành khất, Ngài cũng không ngoảnh mặt làm ngơ giả điếc bước đi tiếp để tránh bị quấy rầy,nhưng Ngài đã thương nghe lời cầu cứu, và dừng bước kêu anh lại, kẻ tin vào Ngài. Một cuộc gặp gỡ của lòng xót thương nhân hậu với tâm hồn thống khổ. Cuộc gặp gỡ của niềm tin. Cuộc gặp gỡ đó đã tháo cởi chiếc áo choàng nặng nề, như là biểu hiện của người ăn xin ra khỏi anh Bác-ti-mê, và sự mù loà đã phải trở về lại chỗ của nó, để trả lại cho Bác-ti-mê một thế giới của Ánh Sáng. Ánh Sáng soi chiếu anh bước đi theo Chúa trên con đường Chúa đi.
Lời kêu cầu của những con người bất hạnh và đau khổ luôn là quyền căn bản và quan trọng, đưa họ đến gần với Chúa. Không có ai và thế lực nào có thể cấm cản những người bất hạnh tin tưởng kêu cầu cùng Chúa. Thiên Chúa, dù đôi khi chúng ta tưởng rằng Ngài vắng mặt và im lặng, nhưng thực ra Ngài luôn hiện diện ở bên và lắng nghe chúng ta. Ngài ở bên chúng ta, lúc chúng ta cảm thấy mình bị mọi người bỏ rơi. Ngay cả khi cha mẹ, người phối ngẫu và cả những người bạn tri kỷ nhất bỏ rơi chúng ta, Chúa vẫn ở cạnh chúng ta. Cả những khi chúng ta rơi vào tình trạng đau khổ của bệnh nan y không còn cứu chữa được nữa, cả khi chúng ta bị sự dữ dồn vào đường cùng và manh nha nuốt chửng chúng ta, thì Thiên Chúa như người mục tử nhân hậu, Ngài vẫn ở bên cạnh chúng ta. Chúng ta chỉ cần tin tưởng và cầu nguyện. Chúng ta được phép kêu lớn tiếng lên với Chúa. Chúng ta được phép khóc lóc kêu gào với Chúa. Niềm tin luôn có chỗ cho nước mắt, niềm tin luôn đón chào những lời kêu gào lên với Chúa. Chúa sẽ không bao giờ đóng cánh cửa của căn nhà nhân hậu đối với chúng ta. Vì thế, không có sự sợ hãi nào, không có thế lực của sự dữ nào có thể cướp mất mạng sống của chúng ta, linh hồn của chúng ta, nếu chúng ta tin tưởng vào Chúa.
Tiếng kêu lớn tiếng của Chúa Giê-su với Cha trên trời thật là một di ngôn tuyệt vời. Di ngôn chất chứa sự sợ hãi, hoài nghi và bối rối lúc đầu, tìm thấy được sự trọn vẹn tuyệt vời ở khúc kết. Sự trọn vẹn của niềm tin tưởng mãnh liệt vào Chúa. Đó là sự thánh hoá mà niềm tin đem lại. Sức mạnh của niềm tin là thế đó. Niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng là khởi đầu, là trung tâm điểm và là cùng đích của mỗi phận người chúng ta. Ở đây, thần học gia Ratzinger, ĐTC Bê-nê-đic-tô nói rằng: “Ernst Käsemann mô tả tiếng kêu đó như lời kinh vọng lên từ vực sâu, như tấm bia ghi khắc giới răn thứ nhất dựng đứng trong sa mạc xem ra hoang vắng Thiên Chúa. “Nhưng Người Con vẫn giữ vững niềm tin, dù niềm tin dường như mất hết ý nghĩa, và thực tế rõ ràng cho thấy Thiên Chúa vắng bóng và lời của tên cướp thứ nhất cũng như của đám đông chế giễu không phải là vô lý. Tiếng kêu của Người không vì ham sống hay sống còn, cũng không vì bản thân mình, nhưng vì Cha mà thôi. Một tiếng kêu đối kháng lại tất cả thực tại trần gian”. Vậy giờ đây, chúng ta có còn phải băn khoăn với câu hỏi : thế nào là thờ phượng trong giờ phút đen tối của cuộc đời ?”[16]
Trong tâm tình này, với Chúa Giê-su, khi chúng ta phải trải qua kinh nghiệm bị bỏ rơi và cô đơn giống Chúa, thì với Ngài chúng ta không bao giờ thất vọng, với Ngài chúng ta vẫn kêu cầu lên Cha, dù cho lúc đó bóng đêm tưởng như đang nuốt chửng lấy Ánh Sáng, sự cô đơn tưởng như đã phá tan tình yêu của Cha giành cho Con. Không, ngay trong bóng đêm dày đặc của đời mình, trong nỗi thống khổ tột cùng, với Chúa Giê-su chúng ta vẫn thốt lên lời kêu cầu. Chúa biết chắc rằng, Cha Ngài luôn ở bên và lắng nghe Ngài. Qua đó, Chúa dạy chúng ta hãy noi theo gương Ngài, theo gương anh Bác-ti-mê, không bao giờ bỏ cuộc, mà luôn kiên tâm và hướng nhìn về Chúa.
ĐTC Bê-nê-đic-tô XVI đã chia sẻ như sau: “Lời cầu nguyện này của Chúa Giê-su chứa đựng niềm tin tưởng và phó thác một cách tuyệt đối vào tay Thiên Chúa, ngay cả khi Ngài dường như vắng mặt, ngay cả khi Ngài có vẻ tiếp tục lặng im, theo một kế hoạch mà chúng ta không tài nào hiểu nổi…Người chịu đau khổ trong sự hiệp thông với chúng ta và cho chúng ta, là điều phát sinh từ tình yêu và đã mang lại ơn cứu độ, là chiến thắng của tình yêu…Chúng ta cũng thế, chúng ta không ngừng thấy mình phải đương đầu với “hôm nay” của đau khổ, của sự im lặng của Thiên Chúa – chúng ta thường diễn tả nó trong lời cầu nguyện của mình – nhưng chúng ta cũng đang thấy mình đối diện với “hôm nay” của Phục Sinh, của sự đáp trả của Thiên Chúa là Đấng đã lấy đi nỗi đau khổ của chúng ta, để Người cùng vác chúng với chúng ta, và cho chúng ta niềm hy vọng vững chắc rằng chúng sẽ được vượt qua (xem TĐ Spe Salvi, 35-40).
Các bạn thân mến, trong cầu nguyện, chúng ta hãy mang Thánh Giá hàng ngày của mình đến dâng lên Thiên Chúa trong niềm xác tín rằng Ngài hiện diện và lắng nghe chúng ta.”[17]
Hơn nữa, “đặt tất cả niềm tín thác và hy vọng của mình vào Thiên Chúa Cha, và trong mọi hoàn cảnh khốn cùng, chúng ta cũng có thể cầu xin Ngài trong đức tin, và lời kêu xin giúp đỡ của chúng ta sẽ được biến đổi thành một bài ca chúc tụng.”[18]
(còn tiếp)
Lm. Nguyễn Ngọc Thế, SJ
[1] X. GNILKA J., Das Matthaeusevangelium, II.Teil, Herder Verlag, Freiburg 1988, t.475.
[2] SCHNACKENBURG R., Das Evangelium nach Markus, 2.Teil, Patmos Verlag, Dueseldorf 1971, t.305.
[3] BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ thứ 26 về cầu nguyện, Ngài nói về Lời Cầu Nguyện của Chúa Giê-su trên Thánh Giá khi sinh thì, ban ngày Thứ Tư 8 tháng 2 năm 2012, tại Vatican. Bản tiếng Việt của Phao-lô Phạm Xuân Khôi trong <http://www.giaoly.org>.
[4] SCHNACKENBURG R., Das Evangelium nach Markus, 2.Teil, t.309.
[5] BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ thứ 26 về cầu nguyện, Ngài nói về Lời Cầu Nguyện của Chúa Giê-su trên Thánh Giá khi sinh thì.
[6] BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ 13 về Cầu Nguyện, Ngài nói về Thánh Vịnh 22, ban hành ngày thứ Tư 14 tháng 9, năm 2011, tại Vatican. Bản tiếng Việt của Phao-lô Phạm Xuân Khôi trong <http://www.giaoly.org>.
[7] PESCH R., Das Markusevangelium, II.Teil, Herder Verlag, Freiburg 1977, t.494.
[8] BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ 13 về Cầu Nguyện, Ngài nói về Thánh Vịnh 22.
[9] BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ thứ 26 về cầu nguyện, Ngài nói về Lời Cầu Nguyện của Chúa Giê-su trên Thánh Giá khi sinh thì.
[10] BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ thứ 28 về cầu nguyện, Ngài nói về Sự im lặng của Chúa Giê-su và Chúa Cha, ban hành ngày thứ Tư 07 tháng 3, năm 2012, tại Vatican. Bản tiếng Việt của Phao-lô Phạm Xuân Khôi trong <http://www.giaoly.org>.
[11] BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ 13 về Cầu Nguyện, Ngài nói về Thánh Vịnh 22.
[12] PESCH R., Das Markusevangelium, II.Teil, t.495.
[13] X. GRUEN A., Sieben Schritte ins Leben, E-book, phần 4: Das vierte Wort Jesu am Kreuz – die Quelle des Vertrauens.
[14] BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ 13 về Cầu Nguyện, Ngài nói về Thánh Vịnh 22.
[15] RATZINGER J., Einfuehrung in das Christentum, Koesel Verlag, Muenchen 1968, 3.Aufl., t.245.
[16] RATZINGER J., Einfuehrung in das Christentum, t.245.
[17] BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ thứ 26 về cầu nguyện, Ngài nói về Lời Cầu Nguyện của Chúa Giê-su trên Thánh Giá khi sinh thì.
[18] BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ 13 về Cầu Nguyện, Ngài nói về Thánh Vịnh 22.